Vài nét về lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Croat

từ thủa ban đầu cho đến thời kỳ cai trị

của Chế Ðộ Cộng Sản sau thế chiến thứ Hai

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Croat từ thủa ban đầu cho đến thời kỳ cai trị của Chế Ðộ Cộng Sản sau thế chiến thứ Hai.

(Radio Veritas Asia - 2/05/2003) - Chúng ta hãy lướt qua lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Croat từ đầu cho đến thời kỳ cai trị của Chế Ðộ Cộng Sản sau thế chiến thứ Hai.

Ðất Nước Croat đã tiếp nhận Kitô giáo cách đây 13 thế kỷ. Lần gặp gỡ đầu tiên giữa Toà Thánh và những người Croat là vào năm 641, khi một sứ giả của Toà Thánh, là Ðan Viện Phụ Martin, đến để chuộc lại những hài cốt của những người nô lệ kitô chịu tử đạo. Dù lịch sử  cho  biết rất  ít về việc trở lại của những người Croat, nhưng chắc chắn là trong bầu khí an bình vàtự nguyện, trong thời kỳ từ giữa thế kỷ thứ  VII đến đầu thế kỷ thứ IX. Không có cuộc bách hại tôn giáo nào được ghi nhận trong thời ký nầy.

"Sổ Bộ Hành Chánh" của Hoàng Ðế Constantine Porphyrogenitus (913- 959) ghi lại rằng khi những người Croat dựng lại lập nghiệp trong phần đất từ  sông DRAVA trở ra biển Adriatic, Hoàng đế của Ðế Quốc Byzantine lúc đó là Heraclitus (610- 641) "đã cử phái đoàn đến từ Roma,  gồm một Tổng Giám Mục, một Giám Mục và các Linh Mục và thầy Phó Tế, và đã rửa tội cho những người Croat."

Lịch Sử  có ghi lại Phép Rửa của những Hoàng Tử Croat như Porga, Porin, Vojnomir, Viselav, Borna, Ljudevit, Posavski và những vị khác nữa. Vào thế kỷ thứ 9, những người Croat đã hoà nhập vào cộng đoàn những quốc gia kitô Châu Âu. Các vị Cai Trị người Croat như  Mislav (khoảng năm 839) Trpimir (852) và những vị khác nữa, đã xây lên những Nhà Thờ và các Tu Viện; đây là một dấu chỉ cho biết vào thời kỳ nầy, Kitô giáo đã ăn rễ sâu vào đất nước Croat rồi. Năm 879, Vị Cai Trị Croat BRANIMIR, đã gởi cho Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII một bức thư  nói lên sự thuần phục và lòng trung thành. Và trong văn thư trả lời, đề ngày 7 tháng 6 năm 879, Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII nói rằng ngài khẩn xin Thiên Chúa chúc lành cho Branimir và đất nước của ông, trong thánh lễ cử hành bên Mộ Thánh Tông Ðồ Phêrô. Những  văn thư  trao đổi giữa Ðức Giáo Hoàng Gioan X (914-928) và vị lãnh đạo Croat Tomislav, --- hiện còn lưu giữ và liên quan đến Thượng Hội Ðồng Giám Mục đầu tiên tại Split (925) có phần chính thức nhắc đến lãnh tụ Croat.

Năm 1075, trong thời kỳ chia rẽ Ðông và Tây, vị sứ giả của Ðức Grêgori VII đã tôn phong Zvonimir làm Vua những người Croat. Nhà Vua Zvonimir thề hứa trung thành với Ðức Giáo Hoàng và hứa sẽ áp dụng công cuộc canh tân giáo hội trong lãnh thổ của mình, bảo vệ những goá phụ và cổ võ công bằng.

Trong thời kỳ độc lập của Vương Quốc Croat với những nhà cai trị người Croat, Dòng Biển Ðức hoạt động rất tích cực giữa dân chúng , và đã để lại dấu vết không thể xoá mờ trên bình diện sinh hoạt tôn giáo, văn hoá và chính trị.

Sau năm 1102, khi những người Croat bỏ đi triều đại độc lập của họ, để bước vào thế liên kết với Hungary, dòng Biển Ðức từ từ  bị thay thế bởi các dòng Khất Thực khác, nhất là bởi dòng Phanxicô và sau đó là dòng Ðaminh, đã ghi đậm nét ảnh hưởng trên sinh hoạt kitô giáo của người Croat. Sau đó, sinh họat tôn giáo và văn hoá của người Croat lại chịu ảnh hưởng mạnh của Dòng Tên.

Vào thế kỷ thứ IX, Giáo Hội Công Giáo tại Croat được hưởng một  đặc ân duy nhất trong Giáo Hội  Công Giáo phổ quát thời đó: đó là Ðức Giáo Hoàng Innocentê IV, --- mặc cho những chống đối, --- đã cho phép Ðức Giám Mục Philip của giáo phận Senj, xử dụng ngôn ngữ Slavic và chữ viết Glagolitic trong phụng vụ.. Như thế, kể từ đó, cho đến Công Ðồng Vaticanô  II, Giáo Hội Công Giáo Croat là Giáo Hội Công Giáo duy nhất được phép xử dụng ngôn ngữ địa phương trong sinh họat phụng vụ, trong khi mà tại các vùng đất khác, Giáo Hội Công Giáo vẫn còn dùng tiếng Latinh.

Vào thế kỷ thứ 15, nơi vùng đất của Croat Cổ, --- mà hiện nay là vùng đất giáp ranh với cộng hoà Bosnia-Erzegovina, --- tiếp sau cuộc liên kết với Hungary như đã nói trên, một "lãnh thổ" mới được thành hình, trước cuộc xăm lăng của hoàng đế Thổ Nhỉ Kỳ Ottoman --- lãnh thổ mới nầy được gọi là Vương Quốc Croat. Với những cuộc chiếm đất của hoàng đế Ottoman, và trong vòng nhiều thế kỷ, người Croat đã mất đi một phần đất lớn. Một phần dân chúng Croat lại theo Hồi Giáo và Chính Thống Giáo. Các Tu Sĩ dòng Phanxicô đã hoạt động và ảnh hưởng nhiều trên phần dân chúng Croat còn theo Công  Giáo Latinh, và như thế có công duy trì căn cước tôn giáo, văn hoá và chủng tộc Croat, trong thời kỳ vùng đất nầy bị  thuộc về  đế quốc  Ottoman.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, tại Vùng Ðất Croat dưới quyền kiểm soát của đế quốc Áo - Hungary,  cho đến năm 1918, các sinh viên  và những nhà trí thức công giáo tổ chức một phong trào để đưa giá trị công giáo vào trong xã hội.

Ðối với những người công giáo, thời kỳ Liên Bang Yougoslavi đầu tiên là thời kỳ ngoài sự mong muốn của người dân Croat, phải chịu nhiều kỳ thị phân biệt đối xử.  Những thù nghịch trong thời thế chiến thứ II đã gây ra nhiều cuộc đổ máu.

Chế độ Cộng sản của thời sau thế chiến, đã chống đối và bách hại Giáo Hội Công Giáo, quốc hữu hoá các tài sản của Giáo Hội và bắt bớ các thành viên của hàng giáo phẩm Công Giáo Croat, lúc đó do Ðức Hồng Y  Alojzije Stepinac lãnh đạo. Chúng ta sẽ nói tiếp  về việc nầy trong một chương trình khác.

 

(ÐTD)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page