Dung mạo lý tưởng của người làm chính trị

theo giáo huấn của ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Dung mạo lý tưởng của người làm chính trị theo giáo huấn của ÐTC Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia 30/04/2003) - Lúc 10:30 sáng thứ tư 30/04/2003, trong buổi tiếp kiến chung khoảng 20 ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, và giải thích về thánh vịnh 100, là thánh vịnh nói về chương trình hành động của một vì vua trung tín với Giavê Thiên Chúa, ÐTC Gioan Phaolô II mô tả những đường nét chính của những ai có trách nhiệm trong sinh họat chính trị xã hội. Ðây phải là những con người liêm chính và khiêm tốn, không nghe theo những lời khuyên của những kẻ dối trá.

ÐTC đã nói như sau:

"Thánh vịnh 100 là một bài suy niệm mô tả dung mạo của con người làm chính trị lý tưởng; mẫu gương đời sống cho con người chính trị nầy phải là đường lối hành động của Thiên Chúa trong việc điều hành vũ trụ; đây là một đường lối hành động được điều hướng bởi một nếp sống luân lý liêm chính trọn hảo và bởi một sự  cương quyết dấn thân chống lại những bất công. Thánh Vịnh 100 giờ đây được đề nghị làm chương trình sống cho người tín hữu, khi bắt đầu ngày làm việc và giao tiếp với người lân cận. Ðây là một chương trình thực hiện "tình thương và sự công bằng", được xây dựng trên hai trục luân lý chính yếu."

Sau đó, ÐTC giải thích về hai  trục luân lý chính yếu nầy. Trục luân lý chính yếu thứ nhất liên quan đến nếp sống cá nhân liêm chính; và trục luân lý thứ hai liên quan đến tương quan giữa người với người.

Trục luân lý thứ nhất được gọi là "con đường của sự  trong trắng vô tội" và được định hướng đến việc đề cao những chọn lựa cá nhân, được thực hiện với một "con tim liêm chính", nghĩa là "với một lương tâm ngay thẳng" (x. câu 2).

"Con đường sống trong sạch" được mô tả theo hai khía cạnh tích cực (việc cần phải làm) và tiêu cực (việc cần phải tránh). Cách tích cực, tác giả thánh vịnh 100 nhắc đến những nhân đức luân lý làm cho cộng đoàn của người công chính được chiếu sáng: đó là sự khôn ngoan để hiểu biết rõ ràng và phán đoán đúng; sự  vô tội được hiểu ở đây là sự trong sạch trong tâm hồn và trong nếp sống; một lương tâm liêm chính sẽ không chấp nhận những đồng loã với điều xấu. Và cách tiêu cực (về những gì cần phải tránh), tác giả thánh vịnh 100 nhắc đến việc tranh đấu chống lại mọi hình thức xấu xa và bất công; cần loại ra xa khỏi cộng đoàn cũng như xa khỏi những chọn lựa cá nhân mọi hành động bại hoại, nghịch lại trật tự luân lý" (x. câu 3-4).

Trục luân lý thứ hai được khai triển nơi phần cuối của Thánh Vịnh 100 (tức từ  câu  5 đến câu 8) và xác định tầm quan trọng của những tài năng công cộng và xã hội. Trên bình diện nầy, tác giả thánh vịnh kê khai những đặc điểm thiết yếu của một nếp sống cương quyết chối từ điều xấu, nhất là chống lại việc vu oan và âm mưu bí mật hại người. Hai hành động xấu xa nầy có tầm quan trọng đặc biệt trong một xã hội thuộc văn minh truyền khẩu, sử dụng lời nói trong những tương quan giữa người với người. Như là một quan án phân định, nhà vua - trong thánh vịnh 100 - và ngày nay - vị trách nhiệm việc nước - tuyên bố là sẽ nghiêm trị kẻ cáo gian (c. 5). Trong tương quan giữa người với người, còn cần phải lọai bỏ sự tự kiêu, không đồng hành cũng không lắng nghe lời khuyên của kẻ chỉ biết luôn gặt gẫm và nói láo. "Nhà Vua" trong thánh vịnh 100 cho biết cách thức tuyển chọn những "kẻ phục vụ" ngài, --- tức như những "bộ trưởng" của các chính phủ ngày nay. Ngài chọn họ "từ những kẻ trung tín của đất nuớc" (câu 6). Nhà Vua muốn những kẻ phục vụ quanh ngài là những con người liêm chính. Theo thánh vịnh 100, Nhà Vua là kẻ có trách nhiệm tối cao về sự công chính trong đất nước của mình. Ngài cần có thái độ cương quyết chống lại "tội ác". Ðây là một bổn phận mà tất cả những ai dấn thân lãnh lấy trách nhiệm công, đều phải cùng chia sẻ với nhà vua. Ðây là điều - theo giải thích của ÐTC - được nói lên một cách biểu tượng nơi câu cuối cùng của thánh thánh vịnh 100, bằng ngôn ngữ  như sau: "Mỗi sáng, Ta sẽ  tận diệt những kẻ gian ác của đất nuớc, để dẹp sạch khỏi thành trì của Chúa tất cả những ai làm điều xấu" (câu 8). Ðây là lời dốt lòng của "Nhà Vua", nói lên dấn thân của ngài chống lại điều xấu. Những lời nầy cũng được áp dụng cho từng cá nhân tín hữu. Mỗi người hằng ngày cần dấn thân "bứng" ra khỏi tâm hồn mình, ra khỏi nếp sống của mình cây sự xấu, cây tham nhũng và bạo lực,  cần lọai ra khỏi tâm hồn mình điều xấu, mọi hình thức ích kỷ và bất công.

Kết thúc cho những giải thích của mình về thánh vịnh 100, ÐTC trích lại câu 1 của thánh vịnh 100 như sau: "Con muốn hát lên Tình Thương và sự Công bằng..." vừa lưu ý rằng cần phải thực hiện tình thương và lòng nhân từ trước, rồi mới phán xét công bằng tiếp sau.

Quý vị và các bạn thân mến, đó là vài suy tư của ÐTC giải thích thánh vịnh 100, mô tả một dung mạo lý tưởng và cũng hết sức thời sự cho nếp sống cá nhân và xã hội của nguời kitô hôm nay nói chung, nhưng cách riêng và nhất là cho những ai dấn thân trong những sinh họat chính trị, chịu trách nhiệm về  vận mệnh của đất nước, qua hình ảnh "Nhà Vua" trong thánh vịnh 100. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

 


Back to Home Page