Những lời khuyến khích

của ÐTC Gioan Phaolô II

dành cho các giám mục Bắc Âu

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những lời khuyến khích của ÐTC Gioan Phaolô II dành cho các giám mục Bắc Âu.

Vatican - (Apic 6/04/2003) - Các Giám Mục Công giáo của các quốc gia bắc âu, --- Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Ðiển Phần Lan và Ðảo Quốc ÁiLan --- họp thành một Hội Ðồng Giám Mục duy nhất. Và hôm thứ Bảy, ngày 5 tháng 4/2003, các ngài đã được ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến, nhân dịp về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, theo luật định. Trong bài diễn văn dành cho các ngài trong dịp nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã nhắc lại tính cách bất khả phân ly của hôn nhân, vừa khuyến  khích các ngài hãy rao giảng Chúa Kitô một cách rõ ràng, trọn vẹn, không mập mờ, trong môi truờng xã hội bị ghi dấu bởi tinh thần trần tục hoá. Ngoài ra, ÐTC  cũng nhấn mạnh sự dấn thân đại kết của mọi người kitô.

Về tính cách thánh thiêng của hôn nhân, ÐTC cho rằng những hình thức khác nhau hiện nay của việc chung sống giữa nguời nam và nguời nữ mà không cần đến hôn nhân, và việc chấp nhận những hình thức sống nầy như  ngang hàng với hôn nhân, (việc chấp nhận nầy) đã che mờ đi đặc tính thánh thiêng của hôn nhân. Thêm vào đó, tệ nạn ly dị, với chỉ số thật cao nơi các quốc gia bắc âu, đã  mang đến nhiều hệ quả tiêu cực. ÐTC kêu gọi các vị chủ chăn hãy có chương trình mục vụ khuyến khích các đôi bạn duy trì và quý trọng tính cách bất khả phân ly của hôn nhân.

Ðối vối ÐTC, sứ điệp của Chúa Kitô về hôn nhân cần được con người ngày nay lắng nghe, một cách thật rõ ràng và không mập mờ. Chúng ta sống trong một thế giới bị ghi dấu bởi chủ thuyết hồ nghi và sự lẫn lộn;  các xã hội và các nền văn hoá ngày nay thuờng bị ghi dấu bởi tinh thần trần tục hoá. Tinh thần trần tục hoá nầy dẫn đưa đến việc dễ dàng mất đi ý thức về Thiên Chúa. Và nếu không có Thiên Chúa, thì ý nghĩa đích thực về con nguời cũng sẽ bị mất đi nhanh chóng. ÐTC trích lại lời quả quyết của Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng", số  36, như sau: "Khi Ðấng tạo hoá bị lãng quên, thì các tạo vật sẽ không còn được hiểu đúng nữa": người ta không còn khả năng nhìn thấy chính mình như là "khác biệt cách nhiệm mầu" với những tạo vật khác trên mặt đất nầy và không còn nhìn thấy tính cách siêu việt của cuộc sống con người. Ðây là khung cảnh trong đó sự thật đầy sức giải phóng của Chúa Kitô cần được vang lên: "Các người sẽ biết được sự thật; và sự thật sẽ giải phóng các nguời" ( Gn 8, 32)... Khía cạnh trung tâm của công cuộc tái rao giảng phúc âm mà tôi đã kêu gọi toàn thể giáo hội phổ quát dấn thân vào, là công việc rao giảng phúc âm cho nền văn hoá. Bởi vì  nơi trung tâm của mọi nền văn hoá, đều có thái độ của con nguời trước mầu nhiệm cao cả: mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi người ta lọai bỏ mầu nhiệm nầy, thì nền văn hoá và nếp sống luân lý của các dân nước bị  hư hại" (TÐ Centesimus Annus, số 24).

Ðánh giá cao ý thức sâu xa về trách nhiệm nơi các dân tộc bắc âu, truớc những tai ương môi sinh, cũng như  ghi nhận lòng quảng đại của họ, được cụ thể hoá bởi những trợ giúp nhân đạo, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II  nhắc lại rằng chủ thuyết nhân bản thật sự luôn luôn quy hướng về Thiên Chúa. ÐTC nói: "Bởi những cử chỉ  thể hiện tình liên đới, nhất là đối với nhiều người di dân nhập cư vào sinh sống tại các quốc gia bắc âu, nguời ta dấn thân xây dựng một nền Văn Hoá đích thực  ủng hộ sự sống và một nền văn minh của tình thương mà tất cả chúng ta đều khao khát hướng về."

Ðề cập đến công việc đại kết, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại rằng, nếu được hiểu cách đúng thật, thì tinh thần đại kết phải là thành phần không thể tách rời của sự dấn thân của mọi người kitô.

Cuối cùng, kết thúc bài diễn văn, ÐTC nhắc đến tầm quan trọng của việc huấn luyện nhân sự, với những lời như sau:

"Ðiểm căn bản của sứ mạng của chư huynh là tiếp tục công việc huấn luyện cho hàng giáo sĩ triều và việc huấn luyện các tu sĩ, vừa vẫn không quên việc huấn luyện tương xứng dành cho các chủng sinh. Việc cổ võ ơn gọi linh mục và ơn gọi sống đời tận hiến cũng cần phải được xem như là điều ưu tiên, khi chư huynh đối diện với những thách thức của công việc rao giảng phúc âm trong Ngàn Năm Kitô thứ ba."

Phần các giám mục Bắc Âu, các ngài tỏ ra hối tiếc vì ÐTC đã không thể đến thăm các quốc gia Bắc Âu nhân dịp hai lễ kỷ niệm đặc biệt sẽ được tổ chức mừng trong năm 2003 nầy; đó là lễ kỷ niệm 850 năm thành lập giáo phận công giáo Trondheim tại Na Uy và lễ kỷ niệm 700 năm sinh nhật của thánh nữ Brigitta của Thụy Ðiển. Ðược biết vào năm 1989,  ÐTC đã viếng thăm các quốc gia bắc âu.

 


Back to Home Page