Mầm bệnh của Hội Chứng SARS

đã lan truyền tới các quốc gia trên thế giới

bằng cách nào

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Mầm bệnh của Hội Chứng SARS đã lan truyền tới các quốc gia trên thế giới bằng cách nào?

Từ Quảng Châu (Quảng Ðông) tới HongKong: Theo điều tra của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới của Liên Hiệp Quốc (WHO), Giáo Sư Liu Jianlun, 64 tuổi, của đại học Zhongshan, Quảng Châu, là một người bị nhiễm bệnh từ Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Ðông, đến Hongkong để tham dự đám cưới tại Hongkong, từ đó đã mang dịch bệnh này tới Hongkong. Giáo sư Liu ở trọ tại phòng 911 thuộc khách sạn Metropole, Kowloon, HongKong. Khi ông rời khách sạn, chính ông ta cũng không biết rằng trong thời gian trọ tại khách sạn này ông đã vô tình gây truyền nhiễm tới 6 người khác trong khách sạn. Có thể là đã lan truyền mầm bệnh này lúc ở chung trong thang máy hoặc những lúc tiếp xúc gần trong phòng đợi của khách sạn. Một ngày sau khi tới khách sạn, vì ông Liu trở bệnh nặng và không thể tham dự đám cưới được, nên ông đã đến bệnh viện Kwong Wah ở HongKong để được điều trị.

Theo tường trình của bệnh viện, Giáo sư Liu Jianlun đã nói với nhân viên của bệnh viện rằng, có thể ông đã bị nhiễm phải một chứng bệnh truyền nhiễm mà hằng trăm người ở Quảng Châu đang mắc phải từ tháng 11 năm 2002 và đã có nhiều người bị chết vì dịch bệnh này. Ông yêu cầu bệnh viện cho ông đeo khẩu trang (mask), và được ở một phòng cách ly, để khỏi truyền bệnh tới những người khác. Chứng bệnh của Giáo sư Liu Jianlun, sau này được khám phá ra chính là mầm bệnh của Hội Chứng SARS, và chính ông là người đầu tiên đã mang mầm bệnh này từ Quảng Châu tới HongKong.

Trước khi Hongkong nhận được báo cáo từ nhà cầm quyền Quảng Châu về dịch bệnh này, thì từ ông Liu, mầm bệnh cũng đã từ Hongkong lan truyền đi các nơi khác trên thế giới. Giáo sư Liu Jianlun đã qua đời tại Hongkong ngày 4 tháng 03 năm 2003.

Từ Hongkong tới Việt Nam: Một trong những người bị nhiễm bệnh từ ông Liu Jianlun là một thương gia người Mỹ gốc Hongkong tên là Johnny Chen, 48 tuổi, làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Ông Johnny Chen rời Hongkong tới Việt Nam ngày 24 tháng 2 năm 2003. Khi tới Việt Nam, ông trở bệnh, và được đưa vào bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội ngày 26 tháng 2 năm 2003, chỉ 5 ngày sau khi ông tiếp xúc gần với Giáo sư Liu Jianlun.

Ông Johnny Chen sau đó được chuyển về một bệnh viện ở Hongkong, và ông ta đã qua đời tại đây ngày 13 tháng 3 năm 2003.

Cũng giống như ông Liu, ông Chen đã truyền mầm bệnh này tới nhiều người khác trong bệnh viện ở Việt Nam và ở Hongkong, nơi ông được chuyển tới để điều trị. Một trong số những người bị nhiễm bệnh từ ông Chen và đã qua đời, đó là Bác Sĩ Carlo Urbani, người Ý, một bác sĩ của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) người đã khám phá ra mầm bệnh của Hội Chứng SARS trong khi nghiên cứu để điều trị cho ông Chen ở bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội. Bác sĩ Carlo Urbano đã qua đời ngày 29/03/2003 sau khi chuyển tới một bệnh viện khác ở Thái Lan.

Từ Hongkong tới Canada: Một người khác bị nhiễm bệnh từ ông Liu Jianlun, là bà Kwan Sui-chu, 78 tuổi, từ Canada đi du lịch cùng với chồng để thăm con trai đang ở tại Hongkong.

Hai vợ chồng này trọ miễn phí 5 ngày đêm tại khách sạn Metropole do hãng hàng không tặng. Từ Hongkong, họ trở về Canada vào ngày 23 tháng 2 năm 2003.

Vào ngày 26 tháng 2 năm 2003, bà Kwan trở bệnh, và chính khi bệnh của bà trở nên trầm trọng, thì chồng của bà và các con cái của bà lại tụ tập thăm bà bên giường bệnh của bà. Bà đã qua đời tại nhà của bà và đã được an táng nhưng không một chút đề phòng ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh.

Vào ngày 5 tháng 3 năm 2003, con trai của bà Kwan, ông Tse Chi Kwai cùng với vợ và cháu bé đi thăm bác sĩ để được khám bệnh vì cảm thấy có triệu chứng khó thở. Ngày hôm sau ông Tse tới bệnh viện Scarborough Grace để được điều trị. Sau này bệnh viện đã khám phá ra dịch bệnh của Hội Chứng SARS được lan truyền tới những người khác ở bệnh viện là từ ông Tse.

Lúc đầu, các bác sĩ nghĩ rằng ông Tse chỉ bị chứng viêm phổi bình thường, nên đã để cho ông ta nằm điều trị bên cạnh giường bệnh của một người đàn ông khác 76 tuổi bị chứng bất thường về nhịp tim.

3 ngày sau, ông Tse được cho nằm cách ly ở một phòng khác vị bị nghi ngờ là bệnh lao. Các nhân viên chăm bệnh cho ông đều được đeo những dụng cụ bảo vệ tránh truyền nhiễm và các thân nhân đến thăm ông đều được căn dặn phải đeo khẩu trang để tránh truyền nhiễm. Các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu điều trị bệnh cho ông Tse. Nhưng sau đó ông Tse đã qua đời vào ngày 12 tháng 3 năm 2003, cũng là ngày Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới loan báo cho thế giới biết về mầm bệnh nguy hiểm mới của Hội Chứng SARS kỳ lạ.

4 ngày sau, người bệnh nhân nằm giường bên cạnh ông Tse được đưa vào phòng cấp cứu vì bị sốt cao và khó thở.

Các nhân viên bệnh viện lúc đó đều phải mang những dụng cụ bảo vệ tránh nhiễm bệnh và ông ta cũng được cho nằm trong một phòng cách ly. Ông này cũng đã qua đời vào ngày 22 tháng 3 năm 2003. Và sau đó được bệnh viện tuyên bố là ông ta bị nhiễm mầm bệnh từ ông Tse.

Cùng lúc đó, những nhân viên bệnh viện đã từng tiếp xúc gần với ông Tse và những thân nhân của gia đình ông Tse bắt đầu trở bệnh, và bắt đầu truyền bệnh tới những người khác trong gia đình của họ.

Sau đó, bệnh viện này phải đóng cửa không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới để bắt đầu chữa trị cho các nhân viên và thân nhân gia đình của họ là những người đã bị nhiễm bệnh.

Từ Hongkong tới Singapore: Trở lại Hongkong, một người dân Hongkong 26 tuổi, đã đến thăm một người bạn tại Khách Sạn Metropole ở lầu 9, và sau đó, vào ngày 24 tháng 2 năm 2003, người này đã trở bệnh, chỉ 3 ngày sau khi anh ta tiếp xúc gần với ông Liu Jianlun.

Người bệnh này đã được điều trị tại bệnh viện the Prince of Wales ở Hongkong. Cũng giống như ông Tse, người bệnh này đã truyền mầm bệnh tới các nhân viên bệnh viện và những thân nhân trong gia đình.

Ông Liu Jianlun cũng đã truyền mầm bệnh tới 3 người phụ nữ Singapore trọ tại lầu 9 của khách sạn Metropole, sau đó 3 người phụ nữ này về lại Singapore, và đã mang mầm bệnh này về Singapore.

Hai trong 3 người bệnh này không truyền bệnh tới người khác, nhưng người thứ ba, bà Esther Mok, trong vòng 5 ngày đã truyền mầm bệnh tới 20 người khác ở Singapore. Trong số những người bị nhiễm bệnh từ bà Mok là bố của bà ta và vị cha xứ đã tới thăm bà ở bệnh viện. Hai người này sau đó đều đã qua đời. Một người khác nữa cũng bị truyền bệnh bởi bà Mok là mẹ của bà ta, sau này cũng đã qua đời.

Bà Mok, là người có liên hệ truyền mầm bệnh của Hội Chứng SARS tới 100 bệnh nhân khác ở Singapore, và đã có những người đã qua đời, nhưng cho đến ngày 11/04/2003 bà Mok vẫn còn sống và đang được điều trị tại bệnh viện Singapore.

Cũng giống như ông Tse ở Canada và ông Chen ở Việt Nam, bà Mok đã truyền mầm bệnh tới nhiều nhân viên bệnh viện và tới nhiều thân nhân trong gia đình ở Singapore.

Có những người bị nhiễm bệnh, và truyền lan mầm bệnh này rất nhanh tới những người khác, những người này được xếp vào loại "super spreaders" ("những bệnh nhân truyền nhiễm hạng nặng".

Nhưng cũng có những người khác, như có một người rất khỏe mạnh, ông thường chạy bộ 20 km mỗi ngày cuối tuần (weekend), không hút thuốc, không uống rượu, nhưng ông ta đã bị nhiễm bệnh cách trầm trọng lúc đi thăm một người chú ở Khách Sạn Metropole. Người chú này bị sốt và ho, thường chơi cờ Mạt Chược với bạn bè, nhưng không ai trong số bạn bè này bị nhiễm bệnh cả. Và cả những nhân viên của Khách Sạn Metropole cũng không có ai bị nhiễm bệnh cả.

 

(Joseph Trương chuyển dịch qua Việt Ngữ từ bản tin tiếng Anh của Stella O Gonzales, nhật báo Philippines Daily Inquirer, số ngày 11/04/2003) 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page