Hội Ðồng Giám Mục Philippines

kêu gọi ngưng bắn để thảo luận hòa bình

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hội Ðồng Giám Mục Philippines kêu gọi ngưng bắn để thảo luận hòa bình.

Manila, Philippines (Philippines Inquirer News 20/05/2003) - Ngày thứ Bảy 17/05/2003, Tổng thống Arroyo của Philippines, trước khi lên đường đi Hoa Kỳ để gặp tổng thống Bush, đã ra lệnh thả bom tấn công những căn cứ của mặt trận giải phóng Hồi Giáo ở Mindanao, miền Nam Philippines. Ngày Chủ Nhật 18/05/2003, sau lệnh tấn công của tổng thống Arroyo, hàng loạt mưa bom và các đại pháo đã được ồ ạt tấn công vào 4 cứ điểm quan trọng của mặt trận giải phóng ở Mindanao: Sirawai (thuộc bán đảo Zamboanga), Munai, Matanog (thuộc vùng Lanao del Notre) và Pikit (thuộc vùng North Cotabato). Sau những vụ đặt bom liên tiếp của nhóm Hồi Giáo cực đoan tại phi trường Davao ở Mindanao, và những vụ đặt bom lẻ tẻ khác, gây thiệt mạng cho nhiều thường dân vô tội. Tổng thống Arroyo đã kết án tổ chức của mặt trận này là những tổ chức của khủng bố đội lốt mặt trận giải phóng, và tuyên bố ngưng tất cả các thương thuyết hòa bình cùng mặt trận giải phóng Hồi Giáo. Ðược biết, một nữ tu đã qua đời trong vụ đặt bom ở phi trường Davao vào đầu năm 2003, và hai đại chủng sinh đã qua đời trong vụ đặt bom cuối tháng 4 năm 2003. Ngày 19/05/2003, Hội Ðồng Giám Mục Philippines lên tiếng kêu gọi quân đội của chính phủ và mặt trận giải phóng Hồi Giáo hãy ngưng bắn ngay lập tức để thảo luận hòa bình.

Trong một văn thư gửi đi cho cả hai phe, với chữ ký của Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, Hội Ðồng Giám Mục Philippines kêu gọi quân đội của chính phủ và mặt trận Giải Phóng Hồi Giáo (MILF: Moro Islamic Liberation Front) "hãy ngưng bắn ngay lập tức để tránh gây thiệt hại cho cả hai bên".

Ðức Tổng Giám Mục Quevedo, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Philippines, cũng cho biết rằng, ngài đã nhận được một lá thư của Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo bày tỏ ước muốn thương thảo hòa bình.

Ðức Tổng Giám Mục Quevedo nói: "Ngay lúc này đây, điều quan trọng và cần thiết nhất đó là hãy ngưng tất cả những xung đột để tránh gây thiệt hại cho cả hai bên. Và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng một cuộc ngưng bắn để thương thảo hòa bình."

Ngài kêu gọi quân đội của chính phủ và mặt trận giải phóng của Hồi Giáo hãy gửi những đại biểu để thương lượng và tìm ra một giải pháp ôn hòa hơn.

Ngài nói tiếp: "Cần phải có một sự thương lượng giữa những vị lãnh đạo của cả hai bên để ngưng bắn và cùng nhau thảo luận hòa bình."

Ngài cho biết, Hội Ðồng Giám Mục Philippines đã gửi văn thư tới tổng thống Arroyo của Philippines, và chủ tịch Salamat Hashim của mặt trận giải phóng Hồi Giáo (MILF) để kêu gọi "cả hai bên hãy ngưng bắn tức khắc và cùng nhau thương thảo hòa bình."

Ðức Tổng Giám Mục Quevedo nói rằng, "vào ngày 9/05/2003, mặt trận giải phóng Hồi Giáo đã trả lời bằng một văn thư với chữ ký của ông Mohammad Nur, trưởng văn phòng của chủ tịch mặt trân giải phóng Hồi Giáo. Trong văn thư, mặt trận giải phóng Hồi Giáo bày tỏ sự thương tiếc tới những thường dân vô tội bị chết bởi những cuộc hành quân của quân đội tấn công vào mặt trận với danh nghĩa là chống khủng bố."

Ðức Tổng Giám Mục Quevedo đã tóm lược bức thư đó như sau: "Mặt trận giải phóng Hồi Giáo mong muốn một cuộc thương thuyết để chấm dứt những cuộc tấn công bằng vũ lực, bởi vì sẽ không có chiến thắng mà chỉ gây thêm tang tóc, và đặc biệt khi mà những xung khắc này xảy ra chỉ vì những khác biệt đã trãi qua cả từng thế kỷ về văn hóa, chính trị và kinh tế."

Mặt trận giải phóng viết tiếp: "Cơ hội để ngưng bắn vẫn còn có thể thực hiện được để tái tạo hòa bình cho cả hai bên, qua những thảo luận và tôn trọng lẫn nhau."

Trong lá thư, Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo cũng nhắc đến những cuộc tấn công của quân đội chính phủ vào những căn cứ quân sự của mặt trận ở thị trấn Maigo và Siocan.

Ðức Tổng Giám Mục Quevedo nói tiếp "Rõ ràng, mặt trận lên án khủng bố và lên án những cuộc tấn công chỉ tạo nên những chết chóc cho những thường dân vô tội. Mặt trận coi những cuộc tấn công này như là những nguyên do gây nên thiệt hại và tạo nên những sự chết chóc mà thôi."

Mặt khác, một nỗi lo sợ rằng chiến tranh sẽ tạo nên những làn sóng tỵ nạn của những người dân ở Mindanao. Ngày 19/05/2003, cộng đồng Hồi Giáo ở Manila cũng đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Arroyo hãy thương lượng với mặt trận giải phóng Hồi Giáo để có một cuộc ngưng bắn.

Ông Datu Amerol Gulam Amboing, chủ tịch Ủy Ban vận động Hòa Bình Và Trật Tự của cộng đồng Hồi Giáo ở Manila nói rằng: "Chúng tôi đã kêu gọi tổng thống Arroyo tiến tới một cuộc ngưng bắn để thảo luận hòa bình, hãy ngưng ngay các cuộc thả bom. Vì các bà con thân nhân của chúng tôi đang đau khổ dưới những làn bom đạn đó."

Ông Amboing, chủ tịch cộng đồng Hồi Giáo ở Manila nói tiếp: "Chiến tranh không thể giải quyết được sự xung đột hiện nay ở Mindanao. Hãy nhìn lại những gì đã xảy ra vào thời của tổng thống Ferdinand Macos, chúng ta đã đổ máu rất nhiều rồi. Chỉ có vào thời kỳ của Fidel Ramos, khi mà chúng tôi có được một nền hòa bình, và vị lãnh đạo của mặt trận giải phóng Hồi Giáo, ông Misuari, đã trở về sống trong sự tôn trọng của luật pháp".

Ông Amboing nói tiếp: "Tôi không phải là một người ủng hộ của phe Mặt trận giải phóng Hồi Giáo, cũng giống như những vị lãnh đạo Hồi Giáo khác ở thủ đô Manila, chúng tôi muốn giúp cảnh sát để làm chắc chắn rằng, cộng đồng Hồi Giáo ở Manila không phải là những mục tiêu để tấn công bằng bom đạn."

Ông Ambiong nói tiếp, "hằng tuần có khoảng 50 tới 100 người Hồi Giáo từ Mindanao tỵ nạn tới Manila chỉ vì những sự xung đột chiến tranh xảy ra."

"Mỗi lúc có những chiếc tàu từ miền nam cập vào bến cảng, luôn luôn trên tàu đều có những người tỵ nạn." hiện giờ đã có khoảng 5,100 người tỵ nạn đang ở vùng Quiapo.

Linh mục Angel Calvo, ở thành phố Zamboanga, nói rằng, "cần phải có một cuộc ngưng bắn ngay lập tức để tái tạo hòa bình cho miền Mindanao."

Cha Calvo nói tiếp: "Chiến tranh và bom đạn không phải là những điều mà mọi người muốn nhìn thấy. Phải là một diễn tiến hòa bình. Vấn đề xung đột ở Mindanao sẽ không bao giờ giải quyết được bằng bom đạn, bằng vũ lực hoặc bằng quân sự."

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page