Ðiếu Văn Chia Buồn

Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tìm lại một vài dấu chân của "Thánh Gióng"

(để tưởng niệm một người Anh vừa ra đi)

 

Anh P.X. quí thương,

Anh vừa ra đi, sau những tháng ngày "ba chìm, bảy nổi, tám lênh đênh", trên giường bệnh. Nhiều người đang khóc, vì nhớ thương. Bản thân tôi cũng bắt đầu cảm nghiệm một chỗ trống vắng, đang từ từ hiện hình và lan tràn ra khắp tứ phía...

Tôi không ngờ: Anh càng ra đi, bao nhiêu kỷ niệm lại rủ nhau trở về, một cách đậm nét, trong tâm tưởng của tôi.

1.- Hôm ấy tôi còn là một tiểu chủng sinh chưa đầy mười hai tuổi... Tân linh mục P.X. trở về Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, mầng lễ mở tay với đàn em của mình.

Hơn năm mươi năm đã trôi qua. Thế mà lời Anh còn vang vọng trong tôi, bài Tin Mừng của Thánh Luca (Lc 6, 20-26):

"Phúc cho Anh em là những kẻ nghèo khó (...)

"Phúc cho Anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói (...)

"Phúc cho Anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc (...)

"Phúc cho Anh em, khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa (...)

"Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có (...)

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê (...)

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười (...)

"Khốn cho các ngươi, khi được mọi người ca tụng..."

Vào tuổi đời "ăn chưa no, lo chưa tới", tôi đã nghe Anh chia sẻ Tin Mừng, một cách hăng say và lưu loát. Nhưng lúc bấy giờ, đầu óc tôi còn quá trống rỗng, tôi chưa biết đặt ra những câu hỏi, để Anh và bao nhiêu người khác có thể "khai tâm" cho tôi, trong cuộc đời làm người và làm con Chúa.

2.- Trên đường đi muôn nẻo, sau hơn sáu năm xa cách, tôi đã gặp lại Anh, và làm học sinh của Anh...

Trong gần một năm, tại trường Trung Học Thiên Hữu, Huế, Anh làm giáo sư môn Sử Ðịa. Tôi bấy giờ ở lớp mười hai.Thể theo chương trình chuẩn bị Tú Tài Pháp, vào thời ấy, chúng tôi phải học về hai cuộc Ðại Thế Chiến.

Thông thường, lợi dụng mười phút nghỉ giải lao, ở giữa hai tiết học, Anh có thói quen kể cho chúng tôi những câu chuyện nho nhỏ về Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Hoàng Hậu Ỷ Lan... Tôi còn nhớ rõ mồn một những gì Anh đã chia sẻ về Nguyễn Trãi: "Một nhà chiến lược có tầm nhìn sâu xa và rộng rãi, vượt quá những điều kiện và giới hạn hiện hữu của thời đại lúc bấy giờ".

Ðối với Anh, cuộc đời của Nguyễn Trãi là một kiệt tác kỳ hùng, trong lịch sử của Con Rồng Cháu Tiên. Nhưng đó cũng là một tấn bi kịch đầy xót xa và thương đau. Nếu con người không "quá hẹp hòi và bé nhỏ", có lẽ Nguyễn Trãi đã tạo nên được một THẾ ÐỨNG kỳ vĩ cho Quê hương và Anh chị em đồng bào.

Nhưng hôm ấy, vào cuối câu chuyện, Anh đã kết luận: Dù ở trong hoàn cảnh có lợi hay bất lợi cho mình, các bạn và tôi bây giờ, cũng như Nguyễn Trãi trước đây... chúng ta tất cả, trong lòng Ðất Nước, không trừ sót một ai, đều là Thánh Gióng, được Ðồng Bào sinh ra, nuôi nấng, cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm... để lên đường, nghe theo tiếng gọi của Quê Hương. Làm xong công việc, chúng ta hãy biết trả lại bao nhiêu dụng cụ ấy, cho Anh chị em Ðồng bào... Chỉ để lại một vài dấu chân, trên đừờng trở về về Trời.

Tôi xin thú thật: hôm ấy, tôi không hiểu Anh muốn nhắn nhủ cho chúng tôi điều gì. Còn là trẻ con, tôi nghe đó, rồi quên đó. Tôi chưa biết làm cách nào, để đi cho hết, cho tận cùng con đường tư duy của mình...

Tuy nhiên, từ buổi học hôm ấy, cho đến ngày nay, hơn bốn mươi năm đã trôi qua, những gì Anh đã nói về Nguyễn Trãi vẫn còn đeo đuổi, ám ảnh tôi. Theo bản Tin Mừng của Thánh Luca, mà Anh đã chia sẻ... phải chăng Nguyễn Trãi là người "có phúc" hay là "vô phúc"?

Nếu hôm nay, Anh có phép tái sinh và chọn lựa một nhân vật lịch sử, Anh có gan chọn lựa lại cuộc đời của Nguyễn Trãi hay không?

Nếu ở vào địa vị của Vua Lê Thái Tổ - trước kia là Lê Lợi đã nằm gai nếm mật với Nguyễn Trãi, trong chiến Khu Chí Linh - Anh sẽ "DÙNG" Nguyễn Trãi như thế nào? Chỉ là một công cụ "bị vắt chanh bỏ vỏ"? Hay đó là một CON NGƯỜI, có tư cách và phẩm giá làm người, được Anh đồng cảm và tôn trọng vô điều kiện?

Nếu Nguyễn Trãi đến gặp Anh hôm nay - như một hôm nào, Nicôđêmô đã đến gặp Ðức Kitô vào lúc choạng vạng tối - Anh sẽ dùng giọng điệu như thế nào? Lèo lái, thao tác những trò chơi quyền lực ném đá giấu tay? Áp đặt từ trên, từ ngoài một lối nhìn TIN MỪNG? Hay là Anh sẽ quì xuống, để từ dưới nhìn lên... như Ðức Kitô đã làm với người đàn bà ngoại tình, bị mọi người tố cáo và hất hủi?

3.- Cuối năm ấy, Anh đã lên đường đi du học ở Nước Ngoài.

Lúc Anh trở về, tôi đã không còn có mặt tại Huế. Bạn bè đã cho tôi biết tin: Dưới ba đời giám mục khác nhau, trong vòng hơn mười năm, Anh được giao phó trọng trách "đào tạo những mầm non ơn gọi", tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, do chính bàn tay Anh xây cất.

Nếu phải "LÀM LẠI" cuộc đời trong vòng mười năm ấy, Anh sẽ THÊM  cái gì? Sẽ BỚT cái gì? Rút tỉa những kinh nghiệm và bài học nào, để trối trăn lại cho đàn em đang nối đuốc Anh, trong cùng một công việc hệ trọng ấy?

Ðể tìm lại một vài dấu vết của giai đoạn nầy, tôi đang đọc lại những tác phẩm do tay Anh sáng tác: Giáo Chủ Gioan thứ 23, Con Ðường Hy Vọng, Năm chiếc bánh và hai con cá, Những chia sẻ Mùa Chay năm 2000 cho Giáo Triều Rôma, và nhiều bài nhận thức khác, được đăng tải đó đây, trên nhiều tờ báo ở Âu Mỹ...

Tôi tìm đọc từng trang, từng hàng, từng chữ... tôi khát khao tìm kiếm những bài học và kinh nghiệm quí hóa của Anh, trong địa hạt đào tạo giới trẻ nói chung, và giới trẻ có chí hướng làm linh mục, nói riêng.

Tôi đã từng chú tâm lắng nghe Anh, trong những giờ học Sử Ðịa trước đây:  Anh có lòng thiết tha với từng tấc đất của Quê Hương. Anh đã dày công học hỏi về từng nhân vật đã làm nên lịch sử của Nước Nhà.

Tôi khát khao muốn biết thêm: Anh có kế hoạch và đề nghị làm những gì, để dòng máu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Ỷ Lan, Nguyễn Trãi, Quang Trung... không bị tận diệt, trên mọi nẻo đường của Quê Hương?

Giặc Hán, giặc Nguyên, giặc Tống, giặc Minh và giặc Thanh, như Anh biết rõ, vẫn còn đó, trước cửa ngõ của Quê Nhà. Chúng ta phải chuẩn bị những Nguyễn Trãi, cho ngày mai, trong lòng Ðất Nước và Giáo Hội Việt Nam. Không có con đường thứ hai nào để chọn lựa.

Có lẽ có người sẽ bỡ ngỡ tại sao chúng ta cần sở hữu hóa tinh thần  Nguyễn Trãi, trong lòng Giáo Hội Việt Nam?

Trong một bài báo, ít người biết đến, Anh đã trả lời, vơi những lời lẽ tương tự như sau:

Bao lâu một người Anh chị em còn bị áp bức, chính Ðức Kitô đang bị áp bức.

Bao lâu một người Anh chị em bị ngoại bang thực dân, chính Ðức Kitô đang bị giày xéo, chà đạp.

Bao lâu giặc ngoài, giặc trong đang cư xử tàn tệ người anh chị em, chính Ðức Kitô đang bị cư xử tàn tệ.

Bao lâu một người Anh chị em đang "bị lạm dụng tình dục", bất kể dưới hình thức nào, chính Ðức Kitô đang là nạn nhân như họ, với họ...

Qua những câu nói ấy, tôi mới hiểu được rằng: chúng ta luôn luôn cần đi lại con đường của Nguyễn Trãi:

"Lấy Ðại Nghĩa, mà thắng Hung Tàn,

"Lấy Chí  Nhân, mà thay Cường bạo".

Tinh thần của Nguyễn Trãi là kim chỉ nam cho những ai có trách nhiệm "đào tạo giới trẻ", hôm nay và ngày mai:

"Mỡ rộng Cửa NHÂN, mời khách đến...

"Vun trồng Cây ÐỨC, nuôi con ăn".

Hẳn thực, không mỡ cửa Nhân, con cháu chúng ta sẽ suốt đời lạc hậu, trở về thời đồ đá. Không trồng cây Ðức, con cháu chúng ta sẽ ngang tàng "đội đá vá trời", bán đứng Nước Non cho ngoại bang, để vinh thân phì gia... có nhiều vàng ở ngân hàng Nước Ngoài...

Người linh mục, giám mục, cũng như tất cả những ai có trách nhiệm lãnh đạo trong lòng Ðất Nước, phải là những con người ôm nặng chí hướng phục vụ dân, trong cõi lòng của mình:

"Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ,

"Suốt đời ôm mải nỗi lo dân".

Anh ơi, Anh ra đi quá sớm. Ước gì bài báo trên đây của Anh, được quảng diễn một cách rộng rãi, để trở thành một tác phẩm, trong lòng bàn tay của mọi người, ở trong cũng như ngoài Giáo Hội.  Ở Việt Nam, cũng như trên khắp mặt địa cầu.

4.- Từ năm 1967 đến năm 1988, đó là giai đoạn "đỉnh cao" của đời Anh.

-- 1967 là năm Anh được Ðức Giáo Chủ Phaolô thứ sáu chọn làm giám mục Giáo phận Nha Trang.

-- 1975, một tuần trước biến cố 30 tháng Tư, Anh được thuyên chuyển vào làm giám mục phó - với quyền kế nhiệm - tại Giáo phận Sài gòn.

-- Tháng 8 năm 1975, chung quanh Ngày Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Anh bị còng tay tại Dinh Ðộc Lập, và dẫn độ vào tù, sống chui rúc trong đó, suốt thời gian dài 13 năm.

-- 1988 là năm Anh được ra khỏi Tù Cọng Sản.

Tôi hy vọng trong những ngày sắp tới, sẽ có nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử, tường trình về giai đoạn nầy, với đầy dủ chi tiết hơn. Phần tôi, tôi chỉ muốn trích dẫn ở đây, đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan, mà tôi thường suy niệm, mỗi lần nghĩ tưởng đến Anh:

"Thật, Thầy bảo cho Anh biết:

"Lúc còn trẻ, Anh tự mình thắt lưng lấy,

"Và đi đâu tùy ý.

"Nhưng khi đã về già,

"Anh sẽ phải dang tay ra,

"Cho người khác thắt lưng

"Và dẫn Anh đến nơi Anh chẳng muốn."

Từ ngày Anh ra khỏi tù Cọng Sản đến ngày 16 tháng 9 năm 2002 - là ngày Anh ra đi vĩnh viễn, khỏi cuộc sống nầy - mỗi lần gặp lại Anh đâu đó, trên những chặng đường xuôi ngược... tôi thường đặt ra cho mình câu hỏi: làm sao Anh đã có thể đứng vững như "kiềng ba chân" trong vòng mười ba năm. Cuối cùng Thánh Phaolô đã trả lời cho tôi:

"Lưng thắt đai chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng Bình An, hãy luôn luôn cầm khiên mộc là Ðức Tin, nhờ đó Anh em có thể dập tắt mọi tên lữa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn Cứu Ðộ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa" (Ep 6, 14-17).

5.- Sau khi ra khỏi tù, Anh vẫn bị quản thúc ở Hà Nội, không được phép trở về Huế, Nha Trang hay là Sàigòn, cho đến năm 1991. Ðây là năm, Anh nhận được chiếu khán đi thăm Mẹ ở Úc và yết kiến Ðức  Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong thời gian còn ngụ tại Rôma, Anh nhận đựợc lệnh của chính quyền Hà Nội CẤM Anh trở về Việt Nam.

Lại một lần nữa, hình ảnh của Nguyễn Trãi lại trở về... trong thân phận của Anh: "một người yêu nuớc BỊ DÀY VÒ trong chính quê hương của mình". Thế mà không một lần, Anh lên tiếng tố cáo, kết án. Nhân những vụ biến động xảy ra ở Huế, rất nhiều người chờ đợi, thúc giục Anh lên tiếng. Thứ nhất, với tư cách một cựu tù nhân. Thứ hai, với tư cách là chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh Rôma "Công lý và Hòa bình". Thứ ba, với tư cách là một Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo.

Ðể trả lời, Anh đã sử dụng ba cái rây của Socrate - còn được gọi là cái sàng ở xứ Huế.

Cái rây thứ nhất mang tên là sự thật: Tôi bắt đầu từ sự kiện cụ thể, khách quan nào, để vươn lên tới sự thật?

Cái rây thứ hai là lòng yêu thương: Phải chăng THẦN KHÍ yêu thương có mặt với tôi, khi tôi lên tiếng đả phá người nầy, tố cáo ngưới kia, dù bất kỳ dưới hình thức nào?

Cái rây thứ ba là tìm ra một cách làm hữu ích và hữu hiệu: Ðối với thế gian, Thánh giá là điên rồ, dại dột. Nhưng đối với những người sống Ðức Tin vào Ðức Kitô, đó là sự Khôn Ngoan Nhiệm Mầu của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, mấy ai trong những người làm công tác truyền thông và báo chí, đã hiểu "cách trả lời trong  thinh lặng" của Anh? Thậm chí những người anh chị em trong Ðức Tin cũng đã không hoàn toàn đồng cảm với Anh. Nói cho đến nơi đến chốn, ai đã hiểu được Ðức Kitô bị giết trên Thánh Giá, mà vẫn cầu xin Thiên Chúa Ngôi Cha tha thứ cho kẻ địch thù của mình, "vì họ không hiểu việc họ làm".

 

Lausanne, ngày từ biệt Anh lần cuối:

Thứ Sáu 20-09-2002

Giáo Sư Nguyễn văn Thành , Lausanne, Thụy Sĩ

 


Back to Home Page