Lễ an táng
ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Lễ an táng ÐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận.
Vatican - 20/09/2002
- Lúc 17.30, trong Ðền thờ Thánh Phêrô, ÐTC chủ tọa Thánh
lễ an táng ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội
đồng Tòa Thánh về Công
lý và Hòa bình, qua đời lúc 18 giờ thứ hai 16/09/2002 tại
Casa di Cura Pio XI ở Roma. ÐTC chủ tọa Phần thứ nhất của Thánh
lễ: Phụng vụ Lời Chúa và làm Phép xác vào cuối thánh lễ.
Phần thứ hai: Phụng vụ Thánh Thể, do ÐHY Angelo Sodano, Quốc vụ
Khanh, nhân vật số hai trong Vatican, chủ tế. Ngoài các vị Hồng
Y, chỉ có Ðức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa
Thánh về Công lý và Hòa bình, người cộng tác trực tiếp
của Ðức cố Hồng Y và năm vị Giám mục Việt nam được đồng
tế thánh lễ mà thôi.
Sau thánh lễ,
thi hài lại được đem về Giáo Hoàng Học viện Thánh Pietro
và đặt trong nhà nguyện như những ngày trước đây. Sáng
thứ bẩy, 21/09/2002, Cộng đồng Việt nam (từ Việt nam và hải
ngoại đến Roma) sẽ dâng thánh lễ tiễn biệt và sau đó ÐHY
sẽ được an táng tạm tại Ðất Thánh Roma trong nhà nguyện của
các Kinh sĩ Ðền thờ Thánh Phêrô, trong khi chờ đợi
được chuyển về Nhà Thờ Thánh
Maria della Scala, nhà thờ tước hiệu của ngài.
Thánh lễ do ÐHY
Angelo Sodano chủ tế. Cùng đồng tế với ÐHY Quốc vụ
Khanh có 28 Hồng Y và sáu Giám mục: Ðức Cha Giampaolo Crepaldi,
Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình
và năm Ðức Cha Việt nam: Phaolô Nguyễn văn Hòa, GM Nha
trang, chủ tịch HÐGM Việt Nam - Stephano Nguyễn như Thể, TGM
Huế - GB. Phạm minh Mẫn, TGM
Saigon - Giuse Nguyễn văn Yến, GM Phát diệm và Phêrô Nguyễn văn
Nho, GM phó Nha trang.
Thánh lễ
được cử hành bằng tiếng Latinh. Các bài đọc bằng các
tiếng khác nhau: Bài đọc nhất, tiếng Ý - bài đọc hai,
tiếng Việt và Phúc Âm bằng tiếng Latinh. Các lời nguyện cũng
bằng các tiếng khác nhau: hai lời nguyện bằng tiếng Việt, hai
bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Ý. Bài đọc hai nói đến:
Sự sống của tôi là Ðức Kitô - Bài Phúc âm bằng tiếng
Latinh: Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối nát đi,
sẽ không sinh hoa trái nào; nhưng nếu thối mục đi, nó sẽ đem
lại nhiều hoa trái.
Ngoài ca đoàn
Sixtine giữ vai trò chính, Tu sĩ Việt nam cũng hát ba bài bằng
tiếng Việt, rất được mọi người chú ý.
Giảng trong thánh
lễ, trước hết ÐTC cảm ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị
chủ chăn tốt lành này. Rồi ngài nói về đời sống của ÐHY,
cách riêng trong 13 năm tù, vì
trung thành với đức tin, với Giáo hội và với Chúa. ÐTC
không quên kể lại những đau khổ trong thời gian chịu bệnh và
thánh lễ của ÐHY Phanxicô cử hành lén lút trong tù: với
ba giọt rượu và một giọt nước. Ngài nói: "Ðây là thánh
lễ của ngài. Ðây là nhà thờ chính tòa của ngài". ÐTC
nhấn mạnh: ÐHY Phanxicô đã
hoàn toàn được đồng hình dạng với Chúa Kitô (configurazione
totale con Cristo) chịu đóng đanh. Trong những lúc mệt nhọc, hầu
như không còn sức, ngài chỉ dâng lên Ðức Mẹ Maria lời
chào này mà thôi: Ave Maria! Ave Maria! ÐTC kết thúc bằng lời
kinh Kính Mừng: " Xin cầu cho chúng con trong giờ lâm tử.
Amen". (Chúng tôi sẽ có dịp dịch lại và phát trên đài hoàn
toàn bài giảng của ÐTC trong Thánh lễ an táng ÐHY Phanxicô)
Số người dự
thánh lễ an táng của một Vi Hồng Y trong Ðền thờ Thánh Phêrô
chưa bao giờ đông đảo trong thánh lễ an táng như thánh lễ
an táng của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngoài các vị
Hồng Y đồng tế, còn một số vị già yếu dự thánh lễ và hơn một trăm giám mục, đang dự khóa bồi dưỡng
do Bộ Giám mục tổ chức, cũng hiện
diện trong thánh lễ. Thiên Chúa
thưởng công và tôn vinh ÐHY Phanxicô
ngay sau lúc ngài qua đời, và cho chúng ta thấy rõ ràng
rằng: Thánh ý Chúa mầu nhiệm vô cùng. Một người tù nay
trở nên thời danh trên cả thế giới. Trên cả thế giới,
vì có sự hiện diện của 174 phái
đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, và vì thánh lễ được đài
phát thanh và truyền hình loan đi nhiều nơi.
Ngoài Hàng Giáo
sĩ, Tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân, chúng tôi còn thấy có
một phái đoàn 7 nghị sĩ Pháp, từ Paris đến. Sau thánh lễ
chúng tôi đã gặp một vị trong phái đoàn và được biết:
từ hai năm nay, nhóm Nghị sĩ Công giáo Pháp vẫn tiếp xúc với
ÐHY, để thực hiện giáo lý xã hội của Giáo hội Công giáo
trong đời sống chính trị.
Chúng tôi cũng
được biết có hai vị đại diện của Sứ quán Việt nam ở
Roma cũng hiện diện trong thánh lễ và ngồi cùng hàng ghế
với nhóm Nghị sĩ Pháp, không tại nơi dành cho Ngoại
giao đoàn, vì giữa Tòa Thánh và Việt nam chưa có quan hệ
ngoại giao. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, nhưng
vui mừng về sự hiện diện và cử chỉ ý nghĩa này.
Vào cuối thánh
lễ ÐTC làm phép xác và lễ nghi từ biệt. Trước khi
từ biệt, năm Giám mục Việt nam đến trước lĩnh cữu, đốt
hương và bái kính Vị quá cố, theo phong tục Việt
nam. Mọi người đều chú ý đến cử chỉ "khác thường
này" không thấy bao giờ trong Ðền thờ Thánh Phêrô.
Từ thứ ba
17/09/2002 cho tới chiều thứ sáu 20/09/2002, trong những ngày thi
hài ÐHY được đặt trong
nhà nguyện của Học viện San Pietro, hằng ngày vẫn có ít ra
hai hay ba thánh lễ cầu nguyện cho ngài.
Ðặc biệt hơn
cả là Thánh lễ của ba giáo phận Việt nam có liên lạc mật
thiết với ÐHY: Huế, Nha Trang và Saigon, do Ðức Cha Gioan B. Phạm
minh Mẫn, TGM Saigon, chủ tế vào lúc 16.30 thứ năm 19/09/2002.
Ngay đầu lễ,
Ðức TGM đã nói lên ý nghĩa của thánh lễ này: kính nhớ
một Vị chứng nhân đức tin, một Vị chứng nhân tình thương,
một Vị chứng nhân hy vọng. Ngài là gương mẫu cho chúng
ta hết thảy. Hy vọng là con đường của ngài vẫn theo. Ngài
đem lại niềm hy vọng cho Giáo hội Việt nam, cho Quê hương và
cho Thế giới.
Chú giải bài
Phúc âm về Chúa cho ông Lagiaro sống lại, Ðức TGM nói đại
ý như sau: Lagiaro được Chúa cho sống lại, nhưng đây vẫn là
sự sống cũ, rồi cũng phải
chết lại. Chúa hứa cuộc sống vĩnh cửu cho những ai tin Người:
"Ta là sự sống lại và là sự
sống. Ai tin Ta người đó sẽ được sống đời đời". Chúng
ta tin vào Chúa và hy vọng vào lời hứa của Người. Chúng
ta xin Chúa cho ÐHY, chứng nhân của đức tin, của tình thương,
của hy vọng, thưởng công ngài, suốt đời đã trung thành
phục vụ Chúa, Hội Thánh và các linh hồn, trong ánh sáng vinh
quang của Người.
Ðức TGM chia
buồn với Bà Cố, anh chị em và các người thân yêu trong gia
đình. Xin Chúa ban an ủi cho mọi người.
ÐHY Bernard Law,
TGM Boston, bạn thân của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, từ
Hoa kỳ đến Roma, để kính viếng ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn
Thuận và dâng thánh lễ, đã có mặt trong Thánh lễ chiều thứ
năm 19/09/2002.
Vào cuối thánh lễ, Chị Anna Hàm Tiếu, em gái của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã luôn luôn bên cạnh ngài trong thời gian điều trị tại Bệnh viện cho tới lúc tắt thở, đại diện gia đình cảm ơn Ðức TGM Saigon, Ðức Cha Phó Nha trang và các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân đã cùng nhau dâng thánh lễ cầu nguyện cho ÐHY quá cố. Chị nhắc lại lời di chúc sau cùng của ÐHY là: "Hãy yêu thương nhau". Sau đó, Chị cảm ơn ÐHY Bernard Law đã lo lắng cho ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong thời kỳ điều trị tại Bệnh viện của Giáo phận ở Boston.
(TDK)