ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận
một vị giảng thuyết rất được mến chuộng
Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
ÐHY Phanxicô
Xaviê Nguyễn văn Thuận, một vị giảng thuyết rất được mến
chuộng.
(Radio Veritas
Asia - 19/09/2002) - Trong dịp Chúa cất ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn
Thuận về với Người, chúng tôi nhớ lại lời của ÐTC
Phaolô VI (1963-1978) đã nói: "Thế giới ngày nay thích nghe các
chứng nhân hơn là những vị giảng thuyết tài giỏi, hùng hồn;
và nếu người ta muốn nghe các vị giảng thuyết lỗi lạc này,
chỉ vì các vị là những
chứng nhân".
Trong những năm
sống ở Roma, Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
luôn luôn được mời đi giảng và diễn thuyết
tại nhiều nước. Tại Pháp, ngài đã được nhiều giám
mục mời giảng trong giáo phận của mình. Tại Paris, ÐHY Jean
Marie Lustiger đã mời diễn thuyết tại Nhà Thờ Chính Tòa
Notre-Dame, thủ đô Paris. Lần
khác, ngài đã được mời giảng tại một Nhà Kho Chứa Hàng
bên cạnh sân bay Lyon. Tại Mexico, ngài đã giảng tuần tĩnh
tâm quốc tế hai lần tại Thành phố kỹ nghệ Monterrey: lần
thứ nhất với sự tham dự của 1,500 linh mục, trong số này
có hơn 100 giám mục. Lần thứ hai: gần một ngàn linh mục và
khoảng 80 giám mục, hầu hết đến từ các nước Châu Mỹ
Latinh, nhưng cũng có một số đến từ các nước Châu phi. Một
lần ngài được mời giảng cho hơn 50 ngàn thanh niên tại sân
vận động Mexico. Thanh niên hô lớn tiếng,
lúc ngài bước lên diễn đài: "Francisco, amigo de los
Mexicanos" (Phanxicô là bạn thân của các người Mexicô).
Tại Hoa kỳ,
ngài đã diễn thuyết tại Los Angeles, do lời mời của ÐHY
Mahoney. Nhiều lần ngài
được mời giảng cho các người tham dự Ðại hội Thánh mẫu
do Dòng Ðồng Công tổ chức tại Carthage (Missouri). Ngài cũng
giảng tại Baltimore, do lời mời của ÐHY Keeler. Ngoài ra, ngài
còn giảng tuần tĩnh tâm cho nhiều tu hội Việt nam tại Hoa kỳ.
Tại Phi châu,
sau những ngày họp của Ủy Ban quốc gia về công lý và hòa
bình tại Ghana, ÐHY đã
được mời giảng tuần tĩnh
tâm cho các Giám mục, với sự tham dự của Sứ Thần Tòa
Thánh và sau đó giảng tuần tĩnh tâm khác nữa cho
các linh mục. Tại Nigeria, trước khi làm việc tại Giáo Triều,
ÐHY Jozef Tomko, lúc đó còn là Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin
Mừng cho các dân tộc, đã cử ngài làm Thanh tra viếng thăm
các chủng viện Nigeria và cũng trong dịp này ngài gặp các Giám
mục, tiếp xúc và giảng
cho các chủng sinh. Tại Mozambic, ngài đến chủ tọa cuộc họp
của Ủy ban quốc gia về công lý và hòa bình, rồi ngài nói
chuyện với các Giám mục về tình hình thế giới. Các Giám
mục rất cảm phục sự hiểu biết sâu rộng của ngài về các
vấn đề xã hội và chính trị thế giới.
Tại Thụy sĩ,
Ðức Giám mục chủ tịch, trong những ngày viếng thăm Tòa Thánh,
đã đến viếng thăm ngài và xin ngài đến giảng cho anh chị
em tín hữu tại đây, vì nhiều người không còn sống đạo nữa.
Ðức TGM
Crescenzo Sepe, hồi còn làm Tổng thư ký Bộ Giáo sĩ, nay là Hồng
Y Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin mừng cho các dân tộc, đã mời
ngài giảng tuần tĩnh tâm của các linh mục thế giới tại
Fatima, do Bộ Giáo sĩ tổ chức, để chuẩn bị mừng Năm Thánh
2000.
Tại Ý ÐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được biết đến nhiều và
cũng được mời giảng tại nhiều nơi. Ngài đã được mời
giảng tuần tĩnh tâm cho các linh mục, cho các đoàn thể, các
phong trào tại nhiều giáo
phận, nhất là trong giáo
phận Roma. Ngài được mời diễn thuyết hai lần tại Ðại Học
Nhà nước "Sapienza" ở thủ đô Roma. Nhiều Giám mục,
cha sở không biết ngài, nhưng đã đọc những cuốn sách
của ngài. Sau đó, các vị đã mời ngài đến viếng thăm và
giảng trong giáo phận, giáo xứ của mình. Nhiều Dòng tu ước
ao được ngài đến nói chuyện, hoặc giảng tuần tĩnh tâm; nhưng
ngài không thể thỏa mãn mọi lời thỉnh cầu được, bởi vì
bận công việc của Hội đồng, cách riêng việc soạn Cuốn
Giáo lý về Học thuyết xã hội của Hội Thánh. Ðể có thì
giờ đi giảng, ngài không bao giờ đi nghỉ hè.
Ông Thống đốc
Ngân Hàng quốc gia Ý, Antonio Fazio, là bạn thân của ngài, vì
ông đã được gặp ngài và nhất là đọc các cuốn sách
của ngài. Một Nữ tu, sau khi đã
đọc cuốn sách "Năm chiếc bánh và hai con cá", điện thoại
cảm ơn ÐHY và tiết lộ cho ngài một ơn lạ lùng này: "Con
đã đọc xong cuốn sách của ÐHY. Con rất cảm động. Sau đó,
con trao cuốn sách này cho một linh mục trẻ đang bị cơn khủng
hoảng, muốn bỏ ra đi. Con xin vị này đọc và suy tư. Sau ít ngày,
vị này trả lời cho con biết: Vì đọc cuốn sách của ÐHY,
một gương sáng đầy can đảm trong những năm sống trong
tù, nên vị này đã quyết định ở lại trong chức linh mục
cho đến cùng. Con xin trình ÐHY biết, để cảm tạ Chúa".
Trong những ngày
ÐHY điều trị tại Bệnh viện, một câu chuyện khác cũng do đọc
sách của ÐHY. Một chủng sinh Ấn độ, đã đọc sách của ÐHY,
nói với mẹ mình như sau: "Mẹ sắp lên đường hành hương
tại Châu Âu. Khi đến Roma, xin Mẹ
tìm đến gặp ÐHY Phanxicô Xaviê và xin phép lành của ngài
cho con". Khi đến Roma, bà thuê taxi đến Bệnh Viện Pio XI, để
xin phép lành cho con và cho mình nữa.
Tất cả những
ai được quen biết và sống gần ÐHY Phanxicô đều công nhận:
ngài là một vị chủ chăn gương mẫu và ước ao được gặp
ngài. Trong những ngày này, chúng tôi nhận được nhiều điện
thoại nói lên sự mến tiếc, vì
không được gặp ngài hay không gặp lại một lần nữa và
nhất là không được nghe ngài giảng dạy.
Trong ba bức Ðiện
văn Phân Ưu, gửi cho Hội đồng
Tòa Thánh Công lý và hòa bình, cho Ðức Cha Chủ tịch HÐGM
Việt nam, và cho Bà Cụ Thân mẫu, ÐTC đều nói đến:"chứng
tá can đảm" trong những năm bị giam tù (điện văn thứ nhất)
- "một hình ảnh linh mục và giám mục lỗi lạc của Quê hương
Việt Nam" (điện văn thú hai). "Nơi ngài, Giáo hội nhận ra
một chứng nhân trung thành và can đảm của Tin Mừng". ( điện
văn thứ ba).
Nhật báo "Tương
Lai" số ra ngày 17/09/2002, dành một bài nói về sự qua đi của
ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với tít đề: "ÐHY Nguyễn
văn Thuận qua đời: Vị anh hùng của đồi Calvario Việt nam".
Nhật báo "Quan
Sát Viên Roma" số ra ngày 18/09/2002, để hình ÐHY Phanxicô, sau
khi được thăng Hồng Y. Phía trên hình này, có hàng tựa lớn:
"ÐHY Nguyễn văn Thuận, chứng nhân anh hùng của đức tin,
qua đời". Chính vì chứng
tá đời sống của Ngài, mà ÐTC đã chỉ định ÐHY
giảng Tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm thánh 2000, chú ý
lắng nghe. ÐHY Jozef Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý
đức tin, mỗi lần bị ngăn trở không nghe được, ngài cử
một người đến nghe và ghi lại để ngài nghe sau. Sau tuần tĩnh
tâm, ngài đã nói với ÐHY Phanxicô Xaviê: "Tôi sẽ lo liệu
dịch các bài giảng nầy ra tiếng Ðức và sẽ cho in để phổ
biến bên Ðức". Một ÐHY khác nói với một ÐHY bạn như
sau: "Từ 20 năm làm việc trong Giáo Triều,
tôi chưa có lần nào được nghe một vị giảng thuyết như
vậy".
ÐHY Phanxicô Xaviê là một chứng nhân sống động của Tin Mừng. Chứng tá đời sống của ngài là một bài giảng liên tiếp trước mắt mọi người.