Bài Diễn Văn của ÐTC Gioan Phaolô II

trong buổi tiếp kiến chung

các Giám Mục Việt Nam tại Vatican

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Diễn Văn của ÐTC Gioan Phaolô II trong buổi tiếp kiến chung các Giám Mục Việt Nam tại Vatican.

Tin Vatican (Apic 22 Jan 2002) - Sáng thứ ba, ngày 22 tháng giêng năm 2002, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp chung tất cả các vị giám mục và giám quản Việt Nam đến Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, sau khi đã tiếp riêng từng vị từ ngày 14 tháng giêng năm 2002.  Trong lần tiếp kiến chung nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã trao cho các Giám Mục Việt Nam một bài diễn văn bằng tiếng Pháp, dài và quan trọng,  nêu lên những điểm đáng lưu ý trong hiện tình Giáo Hội công giáo tại Việt Nam.

Trước hết, ÐTC đã khuyến khích các Vị Chủ Chăn Việt Nam hãy dấn thân  vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, mặc cho những hoàn cảnh khó khăn gặp phải.

Kế đến, ÐTC nhắc đến việc cộng tác lành mạnh,  có tinh thần xây dựng,  giữa Giáo Hội và Nhà Nước, nhưng đồng thời yêu cầu tôn trọng sự độc lập và tách rời giữa Giáo Hội và Nhà Nước. "Giáo Hội và chính trị không được lẫn lộn với nhau, mặc dù cả hai, đều  hướng về việc phục vụ cho điều thiện hảo của con người và xã hội." Giáo Hội không liên kết với bất cứ hệ thống chính trị nào, và muốn được tự do hoàn toàn trong những sinh hoạt của mình. ÐTC đã nhấn mạnh nhiều đến tự do tôn giáo mà Giáo Hội công giáo tại Việt Nam có quyền được hưởng. ÐTC đã nói như sau: "Ðể thực hiện một sự cộng tác lành mạnh, Giáo Hội tại Việt Nam chờ đợi từ cộng đồng chính trị sự tôn trọng hoàn toàn đối với sự độc lập và tự quản trị của Giáo Hội".

ÐTC kết thúc bài diễn văn với những lời khuyến khích riêng cho mỗi thành phần Dân Chúa: linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, nhất là giới trẻ.

Tiếp sau đây, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu với quý vị và các bạn  bản dịch sơ khởi nguyên văn bài diễn văn quan trọng nầy.

Mở đầu bài diễn văn, ÐTC nhắc đến mục đích của chuyến viếng thăm Toà Thánh của các Giám Mục Việt Nam. Ngài lưu ý đến sự kiện có hai linh mục giám quản trong phái đoàn, nên lời chào mở đầu của ngài không những dành cho "chư huynh trong hành giám mục" mà còn thêm "và trong chức tư tế". Ðây chúng ta hãy đọc đọan mở đầu của bài diển văn.

Thưa Ðức Hồng Y,

Chư huynh thân mến trong hàng giám mục và trong chức tư tế,

1. Tôi vui mừng tiếp đón anh em, những Giám Mục Việt Nam; anh em đã trải qua con đường dài để chu toàn tại Roma chuyến viếng mộ các thánh Tông Ðồ. Qua  cuộc hành hương về bên Mộ  hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, anh em muốn cũng cố đức tin và tác vụ của anh em, muốn cầu nguyện cho giáo phận của anh em và kiện cường những mối giây hiệp thông liên kết anh em với người kế vị thánh Pherô. Tôi cầu chúc sao cho những giây phút khác nhau của cuộc gặp gỡ mà anh em được trải qua, làm cho anh em can đảm tiếp tục sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu Cứu Thế, và sao cho những giây phút nầy canh tân anh em trong tác vụ để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.

Tôi cám ơn Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, giám mục Nha Trang và tân chủ tịch của Hội Ðồng Giám Mục của anh em, vì những lời Ðức Cha vừa nói với Tôi nhân danh anh em, vừa chia sẻ với tôi những dấu chỉ hy vọng và những bận tâm mục vụ mà các giáo phận của anh em đang biết đến. Tôi cũng xin  nồng nhiệt chúc mừng những anh em mới vừa được thụ phong giám mục. Trong chuyến viếng thăm TòaThánh lần nầy, Tôi hết sức vui mừng vì được gặp toàn thể các giám mục của HÐGM. Thật là tốt đẹp khi tất cả chúng ta có thể  sống chung với nhau những giây phút mạnh mẽ của sự hiệp thông thiêng liêng và huynh đệ. Khi anh em trở về lại đất nước mình, anh em hãy  nói cho các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên, các giáo dân, nhất là những người trẻ, rằng Ðức Giáo Hoàng cầu nguyện cho họ và ngài khuyến khích họ hãy lãnh lấy những thách thức mà Tin Mừng đặt ra, vừa sống theo mẫu gương của các thánh và của các vị tử đạo đi trước họ trên con đường đức tin; máu của các vị tử đạo đã đổ ra vẫn còn là hạt giống trổ sinh sự sống mới cho toàn thể đất nước.

 

Tiếp sau, ÐTC nói về một số những sinh hoạt cần thiết trong nội bộ Giáo Hội, để có thể  sống, rao giảng và làm chứng  cho Ðức Tin một cách tốt đẹp hơn. ÐTC nói  tiếp như sau:

 

2. Từ lần  anh em viếng thăm Toà Thánh truớc đến nay, Giáo Hội tại Á Châu đã được mời gọi cách đặc biệt hãy đào sâu sứ điệp vui mừng của Ơn Cứu Chuộc, vừa đối diện cách đặc biệt vấn đề căn bản về việc rao giảng hiển nhiên ơn Cứu Rỗi cho đông đảo anh chị em tại Châu Á chưa được nghe nói về Chúa Kitô. Như những giáo hội địa phuơng khác tại Á Châu, cộng đoàn công giáo Việt Nam đã thực hiện công việc suy tư  riêng về thần học, về tu đức và về mục vụ, hoà nhịp với những biến cố quan trọng trong Giáo Hội, như  Khoá Họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Á, kinh nghiệm phong phú về Ðại Toàn Xá năm 2000 và Khoá Họp mới đây của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới (30/09/2001-27/10/2001), mà vài vị trong anh em đã được tham dự. Tình yêu đới với Chúa Kitô thôi thúc Giáo Hội rao giảng phúc âm và mời gọi các giám mục hãy cổ võ công việc rao giảng Phúc âm, bổn phận và trách nhiệm đầu tiên của tác vụ giám mục.

3. Giáo Hội tại Việt Nam được mời gọi ra khơi: Tôi muốn khuyến khích anh em hãy quan tâm nhiều đến việc rao giảng Phúc âm và việc truyền giáo trong những chương trình mục vụ của anh em. Tôi biết rõ lòng nhiệt thành của anh em và biết rõ những hoàn cảnh khó khăn trong đó anh em phải thi hành trách vụ của mình. Ước chi Chúa Thánh Thần làm cho những sáng kiến tông đồ của anh em  được phong phú, và như thế mặc cho công việc giảng huấn, dạy giáo lý, huấn luyện linh mục và tu sĩ, việc cầu nguyện của các tín hữu, việc tông đồ nơi các bạn trẻ và các gia đình, (mặc cho những công việc nầy) một sức hăng hái mới. Tại các giáo phận và trong Hội Ðồng Giám Mục, anh em đã chú tâm đề nghị những chọn lựa mục vụ thích hợp với hoàn cảnh và với những nhu cầu của Giáo Hội địa phuơng của anh em, vừa lưu ý đến  mảnh đất con người trong đó anh em sinh sống; yếu tố con nguời nầy đã được nhào nắn bởi nhiều  nền văn hoá và nhiều truyền thống văn hoá kết thành khung cảnh tinh thần của đất nuớc anh em. Trong tinh thần nầy, cơ cấu của Hội Ðồng Giám Mục mà anh em mới thiết lập, vừa đặt thêm những ủy ban chuyên môn, là một phương tiện để phục vụ cho sức sinh động mới trong công việc truyền giáo,  một sức sinh động truyền giáo mà các cộng đồng của anh em đang cần đến. Sự khẩn thiết của việc truyền giáo phải luôn luôn huớng dẫn cho những chọn lựa can đảm mà anh em cần có, với sự huớng dẫn của Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc rao giảng tin mừng; với sự trợ giúp của Ngài, anh em có khả năng đáp lại cách hữu hiệu cho những đòi buộc của công việc rao giảng Phúc âm.

Các tường trình ngủ niên của anh em nhiều lần nhắc đến sự cần thiết  phải khai triển việc huấn luyện giáo lý khởi đầu, cũng như việc huấn luyện thường xuyên cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ  và giáo dân. Nhiều năm tranh chấp, các cộng đoàn kitô sống rải rác và sự khác biệt trong mức độ học thức nơi các tín hữu, từng ấy yếu tố  gây khó khăn  cho việc đề nghị và tổ chức công việc huấn luyện nầy. Tôi khuyến khích anh em hãy hãy cổ võ và nâng đỡ tất cả những sáng kiến cho phép các chủ chăn và tín hữu, nhờ việc huấn luyện tương xứng,  xây dựng và sống đức tin, để có thể làm chứng cho đúc tin một cách tốt đẹp hơn.  Các riêng, cần cung cấp cho họ một giáo huấn vững chắc về học thuyết xã hội của giáo hội.

 

Tiếp sau đây, ÐTC nhắc đến "đường lối đối ngoại"của Giáo Hội tại Việt Nam; đó là sự "đối thọai đầy tin tuởng và có tinh thần xây dựng", là sự cộng tác lành mạnh, vừa đồng thời là sự độc lập  của Giáo Hội, một sự độc lập và tách rời ra khỏi chính trị, để  được sinh họat cách tự do. ÐTC đã mạnh mẽ yêu cầu cho Giáo Hội tại Việt Nam được hưởng trọn  vẹn sự tự do tôn giáo trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện công đoàn.

 

4. Ðể tiếp tục mãi sứ mạng yêu thuơng và phục vụ,  Giáo Hội công giáo cũng được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng của mình, bằng cách không ngừng đề nghị con đường đối thoại; con đường đối thọai nầy bắt nguồn và múc lấy sự phong phú của nó trong sự  "đối thọai cứu rỗi" đầy tình yêu thương của Thiên Chúa Cha với nhân lọai, nhờ qua Chúa Con và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chỉ một cuộc đối thọai đầy tin tưởng và có tinh thần xây dựng giữa tất cả mọi thành phần của xã hội dân sự, mới có thể  tạo ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân chúng Việt Nam. Ðối với người kitô, cuộc đối thọai nầy, nhờ được thúc đẩy bởi tình thương bác ái và đuợc ăn rễ sâu trong uớc muốn gặp gỡ thật sự với Chúa Kitô Ðấng cứu thế, (cuộc đối thoại nầy) nuôi dưỡng mối liên lạc sống động với nguời láng giềng, cho dù nguời đó như thế nào, trong phẩm giá không thể xúc phạm làm con cái Thiên Chúa, nhất là khi nguời đó đang kinh nghiệm cuộc sống nghèo cùng hay bị  lọai ra ngoài lề. Anh em hãy khuyến khích các cộng đoàn hãy chiêm ngắm Chúa Kitô, trong dung mạo của những kẻ mà Chúa muốn đồng hoá mình với họ, vừa mời gọi họ hãy biết nhìn thấy trong cuộc gặp gỡ nầy, sự trung thành của Giáo Hội với sứ mạng của mình!

5. Như  Công Ðồng Vaticanô nhắc lại cho chúng ta điều nầy, "Giáo Hội, vì trách vụ và sự chuyên môn riêng, không thể nào được lẫn lộn với cộng đoàn chính trị và không liên kết với bất cứ hệ thống chính trị nào". Bởi thế cho nên cộng đoàn chính trị và giáo hội đều độc lập với nhau và tự lập trong lãnh vực riêng của mình". Tuy nhiên, xét vì cả hai đều được mời gọi chu toàn sứ mạng riêng biệt để mưu cầu lợi ích cho con người, nên công việc phục vụ nầy sẽ càng hữu hiệu khi cả hai thực hiện nhiều hơn sự cộng tác lành mạnh" (Vui Mừng và Hy Vọng, số 76).

Nhân danh sự  "cộng tác lành mạnh" nầy, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi  thành phần của mình hãy dấn thân chân thành để làm cho tất cả mọi người được tăng trưởng và để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và đồng đều. Giáo Hội không có chút gì tham vọng thay thế cho những kẻ có trách nhiệm đất nước và cũng không thay thế công việc của những ai, cách cá nhân cũng như tập thể, chỉ muốn được thi hành sứ mạng riêng biệt của mình. Nhưng, qua các thành phần của mình, trong một tinh thần đối thoại và cộng tác huynh đệ, Giáo Hội mong ước có phần tham dự đúng vào trong sinh hoạt của đất nước, để phục vụ cho toàn thể dân chúng và sự hiệp nhất của xã hội. Khi tham dự tích cực, đúng theo chổ đứng của mình và thể theo ơn gọi riêng biệt, (khi tham dự tích cực) vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, Giáo Hội "thông truyền cho con người sự sống của Thiên Chúa, và làm lan tỏa ánh sáng của Ngài... nhất là qua bởi sự kiện Giáo Hội  thiết  lập lại và cao cả hóa phẩm giá  ngôi vị con người,  củng cố sự vững chắc của xã hội và thấm nhập vào trong sinh hoạt hằng ngày của con người bằng một ý nghĩa và một ý hướng sâu xa hơn" (Vui Mừng và Hy Vọng số 40).

Ðể thực hiện sự cộng tác lành mạnh, Giáo Hội chờ đợi từ cộng đồng chính trị  một sự tôn trọng hoàn toàn sự độc lập  và tự quản của mình. Ðiều thiện hảo quý giá của sự tự do tôn giáo - mà  Công đồng Vatican II đã nói đến, cũng như các Tuyên Ngôn và những Quy Ước quốc tế cũng nói đến - liên hệ đến các cá nhân và các cộng đoàn tôn giáo. Với các cá nhân, sự tự do tôn giáo bảo đảm cho các cá nhân có được quyền tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình mà không bị bó buộc, quyền được nhận một nền giáo dục được gợi hứng từ những nguyên tắc của đức tin  riêng,  quyền theo đuổi ơn gọi tu trì và hành động cách riêng rẽ cũng như công khai để nói lên mối liên hệ nội tâm liên kết họ với Thiên Chúa và với anh chị em. Với các cộng  đoàn tôn giáo, sự tự do tôn giáo bảo đảm cho các cộng đoàn tôn giáo được hưởng những quyền lợi căn bản, chẳng hạn như quyền quản trị chính mình cách độc lập; quyền cử hành phụng vụ công khai mà không bị giới hạn; quyền giảng dạy công khai đức tin của mình và làm chứng cho đức tin nầy bằng lời nói và bằng  văn bản; quyền nâng đỡ các thành phần của mình trong việc thực hành đời sống đạo đức; quyền tuyển lựa, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển những thừa tác viên riêng; quyền thể hiện sức mạnh đặc biệt của giáo lý xã hội của mình; quyền cổ võ những sáng kiến trong những lãnh vực giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội (x. Vat II, Dignitiatis humanae, số 4). Tôi  hết sức cầu chúc sao cho mọi thành phần của đất nước đoàn kết với nhau,  để cổ võ một nền văn minh của tình thương, được xây trên những giá trị phổ quát hòa bình, công bằng, liên đới và tự do.

 

Sang phần cuối cùng của bài diễn văn, ÐTC đặc biệt nhắc đến từng thành trong giáo hội:  giáo dân,  giới trẻ, linh mục, tu sĩ nam nữ. ÐTC  nói như sau:

 

6. Làm sao chúng ta không cảm tạ ơn Chúa vì sức sống và lòng can đảm của giáo dân trong giáo phận của anh em; họ được gọi sống và cử hành đức tin trong những điều kiện thường là khó khăn! Bởi chứng tá đáng tin và đầy hăng say của họ, những anh chị em giáo dân là những kẻ thừa hưởng xứng đáng của những người đi trước họ trên con đường Phúc âm. Tôi mời gọi những anh chị em giáo dân hãy càng ngày càng  quan tâm nghiêm chỉnh hơn đối với ơn gọi của họ như là những kẻ đã lãnh lấy bí tích rửa tội và hãy lãnh lấy vai trò riêng biệt thuộc về họ trong đời sống và trong sứ mạng của Dân Chúa, như là những chứng nhân của Chúa Kitô, bất cứ nơi nào họ sinh sống" (Giáo Hội tại Châu Á, số 45). Cần phải tạo ra những phương tiện cho họ dùngļ, để cung cấp cho họ một sự huấn luyện có sức biến họ thành những chứng nhân trong sinh hoạt xã hội, chính trị và kinh tế.

Tôi thân ái chào  các linh mục, những cộng tác viên quý giá của anh em; họ đang rao giảng cách chắc chắn và can đảm Phúc Âm Chúa Kitô trong đất nước. Tôi biết rõ với lòng quảng đại và can đảm như thế nào các linh mục  làm việc để xây dựng những cộng đoàn huynh đệ làm chứng cho một giáo hội niềm nở tiếp đón và có tinh thần truyền giáo. Các linh mục của anh em ý thức rằng trách vụ rao giảng Phúc âm liên quan đến toàn thể dân chúa và đòi hỏi một sức hăng say mới, những phương pháp mới, và một ngôn ngữ mới. Anh em có bổn phận sống gần gủi với các linh mục nhiều hơn nữa, để nâng đỡ các linh mục trong những chương trình mục vụ, để chú ý đến đời sống hằng ngày của họ, và để đồng hành với họ nhất là khi họ sống những thử thách khi thi hành tác vụ. Cũng cần thiết  đặt ra cho các linh mục một chương trình huấn luyện thiêng liêng và trí thức, thích hợp với những thách thức truyền giáo mà họ đang phải đương đầu.

Tôi vui mừng vì thái độ sẵn sàng đang làm cho nhiều người trẻ trrong giáo phận của anh em dám bỏ tất cả để quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô trong chức linh mục, và như thế trở nên những người quản lý trung tín của những mầu nhiệm của Chúa. Ðây là một dấu chỉ hùng hồn cho sức sống động của Giáo Hội, được thể hiện nơi người trẻ, những kẻ khao khát những giá trị thiêng liêng mà đến phiên mình,họ muốn chia sẻ cho những anh chị em xung quanh.  Anh em có bổn phận canh chừng cho những điều kiện để thực hiện việc huấn luyện và phân định vững chắc, bằng việc chọn lựa kỷ lưỡng những nhà huấn luyện và các giáo sư đã đạt đến mức trưởng thành trong đời sống nhân bản và linh mục.

Sự trổ sinh phong phú các ơn gọi sống đời tận hiến, nhất là đời tận hiến của phái nữ, chắc chắn là hồng ân cao cả của Chúa cho Giáo Hội tại Việt Nam; đây là hồng ân đáng được ghi ân và là hồng ân mà giáo hội không thể chối từ. Tôi khuyến khích tất cả mọi người tận hiến, đừng bao giờ chùng bước trong dấn thân truyền giáo của họ, và hãy  hiến thân với sức hăng say mới, để rao giảng Chúa Kitô và phục vụ tất cả mọi người. Tiếp theo những chứng tá can đảm của các  dòng và hội tu trong suốt các thế kỷ qua, ước chi những con người tận hiến đừng bao giờ  ngưng để mình được biến đổi bởi ân sũng của Chúa, vừa hiến thân nhiều hơn cho Tin Mừng!

7. Anh em thân mến trong hàng giám mục, tôi muốn cám ơn anh em một lần nữa vì lòng quảng đại và sự dấn thân gương mẫu của anh em. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì sự kiên trì cũng như vì chứng tá can đảm của anh em. Ước chi niềm hy vọng kitô làm cho lòng nhiệt thành tông đồ của anh em được nên phong phú, và cống hiến cho anh em những sức mạnh mới, để rao giảng Chúa Kitô, Ðấng cứu thế, Ðấng đã đến "ngõ hầu con người có được sự sống, và sự sống dồi dào." (Gn 10, 10).

Tôi phó thác anh em cho sự khẩn cầu của Ðức Mẹ LaVang, mà anh em đã cử hành một cách đặc biệt hơn năm vừa qua (2001), nhân dịp kỷ niệm một trăm năm Ðại Hội Thánh Mẫu vào ngày 15 tháng 8/2001. Tôi biết rõ lòng tin tưởng con thảo anh em có đối với Mẹ Chúa Kitô. Nguyện xin mẹ soi sáng buớc đường anh em đi! Tôi hết lòng ban phép lành tòa thánh cho mỗi nguời anh em, cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả mọi gíao dân.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page