Phỏng vấn

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận

về Ngày cầu nguyện

cho Hòa bình thế giới tại Assisi

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận về Ngày cầu nguyện cho Hòa bình thế giới tại Assisi.

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, một trong các Vị thuộc Ban tổ  chức Ngày cầu nguyện cho Hòa bình thế giới tại Asissi ngày 24 tháng giêng năm 2002 (-- ngài sẽ đọc diễn văn khai mạc Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới)---, đã  dành cho nhật báo công giáo Ý, "Tương lai",  số ra ngày 20/01/2002, một bài  phỏng vấn dài về biến cố quan trọng này, do sáng  kiến của ÐTC Gioan Phaolô II.

Trước hết, ÐHY tuyên bố: Không bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó ngài sẽ là một trong các vị thuộc Ban Tổ chức Ngày cầu nguyện tại Assisi, bởi vì ngày cầu nguyện tháng 10 năm 1986, ngài còn ở trong tù của chế độ cộng sản Việt Nam. Ngài bị bắt giam ngày 15 tháng 8 năm 1975, Lễ Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời và được báo tin sẽ ra khỏi tù ngày 21 tháng 11 năm 1988, lễ Ðức Mẹ dâng mình trong Ðền Thánh,  và thực sự được trở về Tòa Giám mục Hà nội, sau ba ngày, tức 24 tháng 11 năm 1988, lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Sau đây là bài phỏng vấn ÐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình dành cho nhật báo "Tương Lai". Chúng tôi xin dịch lại nguyên văn:

Hỏi - Kính thưa ÐHY, không phải lần thứ nhất ÐTC Gioan Phaolô II mời các vị đại diện các tôn giáo đến Assisi. Nhưng lần này xem ra việc mời gọi tụ họp tại đây có tính cách vô cùng khẩn cấp. Vậy có đúng như vậy không?

Ðáp - Ðể hiểu những lý do sâu xa đã thúc đẩy ÐTC đưa ra sáng kiến này, chúng ta phải trở lại sứ điệp hòa bình của ngày mùng một tháng giêng năm 2002 nầy. Chúng ta đang đứng trước một suy tư đầu tiên có hệ thống về giáo huấn của Tòa Thánh về hiện tượng khủng bố. ÐTC lý luận về hiện tượng này, vừa vượt qua khỏi quan niệm chung. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, dân chúng như bị đảo lộn, siêu cường hùng mạnh nhất về kinh tế, tài chánh và quân sự trên thế giới thấy mình có thể bị thương tổn một cách khủng khiếp. Do  đó nẩy sinh sự đòi hỏi về an ninh, một sự đòi hỏi không cho phép trì hoãn về công lý. Ðức Gioan Phaolô II chia sẻ những tâm tình này, nhưng ngài nói lên một cái gì hơn nữa:  sự khát khao về công lý có thể trở nên sự báo thù. Do đó, có một đòi hỏi về một cử chỉ mạnh mẽ: một cử chỉ gợi lại chân lý nền tảng này, nếu không có nó, thế giới sẽ đi đến những cuộc tranh chấp mới gây nên chia rẽ hơn nữa.

Hỏi - Ðối với một số người nào đó, xem ra tôn giáo là một trong các lý do của tranh chấp...

Ðáp - Chính vì thế ÐTC mời gọi các đại diện các tôn giáo cầu nguyện và nói lên chứng tá chung về ý chí hòa bình. Và nhìn vào con số đông đảo đáp lại lời mời của ÐTC đến từ mọi miền trên thế giới này, tôi có thể nói rằng: ý chí này hiện có.

Hỏi - Vậy tại Assisi sẽ có việc lên án chính sách khủng bố không?

Ðáp - Có, và đây là yếu tố mới sánh với hai ngày cầu nguyện trước đây được triệu tập năm 1986 và 1993. Sẽ có một dấn thân chung cho hòa bình, được đọc lên bởi các lãnh tụ tôn giáo khác nhau, một sự tái xác nhận chung về tâm tình tôn giáo đích thực, như  ÐTC đã viết, đây là nguồn mạch của sự tôn trọng nhau và của sự hòa đồng giữa các dân tộc.

Hỏi - Trong con đường này, Hồi giáo có phải là một viên đá gây vấp ngã không?

Ðáp - Chúng ta phải nhìn vào Hồi giáo với sự tôn trọng lớn lao, vừa  phân biệt những giáo huấn nền tảng của Hồi giáo ra khỏi chính sách cuồng tín. ÐTC đã đi ngay vào chiều hướng này. Chúng ta không nên quên rằng: ít ngày sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, ÐTC viếng thăm một Quốc gia Hồi giáo, Kazakhstan, nơi đây ngài giơ tay đón nhận Hồi giáo. Ngài nói: Hồi giáo chân chính là Hồi giáo cầu nguyện và biết trở nên liên đới với những ai gặp phải cơn túng cực. Người dân và nhà cầm quyền Hồi giáo đã đón tiếp ngài với sự thân mật lớn lao, trong tinh thần của tình bạn hữu. Ðây không phải là điều không có ý nghĩa gì.

Hỏi - Thưa ÐHY, ÐHY đã có kinh nghiệm về cuộc tử đạo. Vậy  ÐHY cảm thấy gì trước những người tự coi mình là "tử đạo-sát nhân", những người nhân danh tôn giáo tự sát và sát hại người người khác?

Ðáp - Cuộc tử đạo của Kitô giáo không khinh miệt sự sống. Cuộc tử đạo này là vì tình yêu mến, biết chịu đau khổ và sẵn sàng chết.  Nhưng cũng sợ sự chết, không cảm thấy  lãnh đạm trước sự sống,  cả sự sống của mình cũng như sự sống của người khác. Cuộc tử đạo là sự đau khổ của những ai chấp nhận bị đối xử cách bất công để trung thành với  Chúa. Ðây không phải là việc tự mình muốn thi hành công lý nhân danh Thiên Chúa.

Hỏi - Vậy có thể mở cuộc đối thoại về những đề tài này với những ai có một cái nhìn trái ngược lại không?

Ðáp - Có thể mở cuộc đối thoại với mọi người. Tôi đã có kinh nghiệm này trong những năm tôi ở trong tù tại Việt Nam. Trong giữa các bạn tù của tôi có những người công giáo, nhưng cũng có cả tín hữu Phật giáo thuộc các giáo hội khác nhau nữa. Trong cuộc sống bình thường, rất ít khi thấy một người Phật giáo trở nên bạn hữu của một người công giáo, nhất là khi nói đến một người Phật giáo quá khích. Trong nhà giam, chúng tôi khởi sự nói chuyện với nhau, đối thoại với nhau, đến độ coi nhau là anh em với nhau. Không những với người Phật giáo, nhưng còn với cả người vô thần nữa, thí dụ những người giam tù hay canh giữ tôi. Chúng tôi trở nên bạn hữu với nhau, có người lại sẵn sàng giúp đỡ tôi nữa. Một anh công an đã kiếm gỗ cho tôi để làm cây thánh giá mà tôi giấu kín trong một bánh sà phòng và, sau này, được bọc sắt, đã trở nên cây thánh giá giám mục của tôi. Họ đã hiểu rằng: Kitô giáo không phải là thù dịch của họ. Tất cả công việc này là một cuộc đối thoại đầy nhẫn nại. Không bao giờ và sẽ không bao giờ tâm tình tôn giáo thuần túy có thể đi đến bạo lực.

Hỏi - Cuộc gặp gỡ giữa các đại diện các tôn giáo tại Assisi chắc chắn sẽ là một cái gì  gây ấn tượng và ảnh hưởng rộng lớn. Nhưng hiệu lực cụ thể sẽ như  thế nào?

Ðáp - Tôi tin rằng sẽ có hiệu lực lớn lao, nhất là trên bình diện giáo dục. Ðó là cái mà ÐTC gọi là "khoa sư phạm" của sự tha thứ. Cử chỉ tại Assisi có một sức mạnh về gương sáng. Ðây như thể các vị lãnh đạo các tôn giáo nói với thế giới rằng: này đây, anh chị em hãy nhìn xem: tất cả chúng ta có thể cùng đồng hành trên con đường hòa bình, trong khi chúng ta tôn trọng các khác biệt của mổi một người.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page