Ðường Lối Ngoại Giao của Tòa Thánh

trong cuộc khủng hoảng tại Trung Ðông

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðường Lối Ngoại Giao của Tòa Thánh trong cuộc khủng hoảng tại Trung Ðông.

Nhật báo "Quan Sát Viên Roma" số phát hành ngày 11 tháng 4/2002, đã đăng một bài về Ðường Lối Ngoại Giao của Tòa Thánh, có tựa đề  "Ðường Lối Ngoại Giao của Tòa Thánh trong những giờ phút khó khăn của Hòa Bình". Bài báo nhắc đến hai  lần can thiệp đặc biệt của Tòa Thánh: một trong quá khứ, khi Tòa Thánh can thiệp với Lãnh Tụ Hitler, chống lại  việc  bách hại những người Do Thái do bởi Ðức Quốc Xã trong thời thế chiến thứ hai, là lần thứ hai là sự can thiệp hiện nay của Tòa Thánh để mưu tìm giải pháp mang lại Hòa Bình cho vùng Trung Ðông. Lần can thiệp thứ nhất đã thất bại: Lãnh Tụ Hitler lúc đó  đã không muốn nghe lời can thiệp của Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ðức, lúc đó là Ðức TGM Cesare Orsenigo. Và lần can thiệp hiện nay cho nền Hòa Bình tại Trung Ðông, thì chưa đem lại kết quả nào.

Tiếp sau đây, chúng ta hãy theo dõi bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh, về tình hình tại Trung Ðông và lập trường của Tòa Thánh đối với cuộc xung đột nầy.

Trước hết, Ðức TGM Tauran đã nói về hiện tình Ðền Thờ Giáng Sinh tại Bêlem đang bị quân đội Do Thái bao vây, đến ngày thứ 10  như sau:

ÐTGM Tauran: "Vấn đề của Ðền Thờ Giáng Sinh là vấn đề trầm trọng, nhất là trên bình diện nhân đạo, bởi vì tổng cộng số người còn bị vây trong Ðền Thờ Giáng Sinh là gần 250 người, mà đa số là những người Palestine có vũ trang, cùng với khoảng 30 vị tu sĩ Phanxicô, 5 đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, và 9 đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Armêni... Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Do Thái đang lo cho vấn đề nầy. Người ta đã nói đến chương trình của Tòa Thánh để vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhưng thật ra, đúng hơn, đây chỉ là những hoạt động nhân  đạo cấp thời... Tòa thánh không thể  đề ra những giải pháp kỹ thuật cụ thể, nhưng chỉ chia sẻ những ý tưởng, những sáng kiến. Chẳng hạn như người ta muốn thành lập một nhóm hổn hợp, gồm những đại diện cho Do Thái và những đại diện cho cộng đồng Palestine, mà mục đích là để thảo luận với nhau tìm  giải pháp  ổn thỏa cho  những người còn trú ẩn bên trong Ðền Thờ.

Khả thể có thể xảy ra trong tương lai,  là khi được hai phe yêu cầu,  Tòa Thánh có thể trợ giúp trong mức độ uy tín của Tòa Thánh cho phép. Ðây là sức mạnh tinh thần của Ðức Gioan Phaolô II.... Càng ngày càng khẩn thiết phải tìm cho được một giải pháp. Người ta thông cảm hiểu rằng Israel phải bảo vệ mình chống lại những hành động khủng bố. Không ai có thể biện hộ cho khủng bố bất luận trong hình thức nào. Vấn đề  hệ tại ở chỗ hành động đáp ứng lại việc khủng bố. Nhiều khi, chính người thường dân phải trả giá. Hành dộng đáp ứng phải được thực hiện cách điều độ. Cần chứng tỏ sự cân xứng giữa điều xấu mà người ta muốn khử trừ  và những phương tiện được xử dụng. Cộng đồng quốc tế đã lặp lại nhiều lần ý muốn nhìn thấy hai quốc gia Do Thái và Palestine  đồng hiện hữu chung sống. Chắc chắn đây là giải pháp duy nhất có thể nghĩ ra được cho cuộc xung đột nầy, và trước sau gì cũng phải đạt  tới. Không có giải pháp nào khác có thể bảo đảm hòa bình cho hai dân tộc Do Thái và Palestine, và hòa bình tại vùng Trung Ðông nầy."

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên  Antoine Soubrier, làm việc cho hãng tin quốc tế Thụy Sĩ (Apic), về  sự có mặt tại chỗ của một lực lượng thứ ba, Ðức Tổng Giám Mục Tauran cho biết như sau:

ÐTGM Tauran: "Càng ngày người ta càng nhận thấy sự cần thiết một lực lượng thứ ba có mặt tại chỗ, để giúp cho hai phe tranh chấp từ bỏ vũ khí, biết nhìn nhau và tin tưởng lẫn nhau, rồi ngồi vào bàn hội nghị. Liên quan đến vị thế pháp lý và hình thức của cơ cấu mới nầy, thì nên để cho các nhà chuyên môn về luật pháp tìm ra.... Muốn áp dụng ngay một giải pháp có sẵn, là một  điều khó thực hiện trong vùng xung đột nầy. Ðiều quan trọng là lực lượng thứ ba nầy phải  vô tư, không thiên vị, và thân hiện với tất cả. Tôi có cảm tưởng là càng ngày  càng có nhiều người chấp nhận  biện pháp nầy, mà Tòa Thánh đã gợi ý từ tháng 11 năm 2000."

Cuối cùng trả lời cho câu hỏi về phản ứng của ÐTC đối với hiện tình tại Trung Ðông, Ðức TGM Jean Louis Tauran cho biết như sau:

ÐTGM Tauran: "Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hằng ngày thông báo cho Ðức Thánh Cha biết rõ tình hình. Những vấn đề chúng ta vừa nói, luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của ngài. Ðã có nhiều dịp ÐTC làm sáng tỏ lập trường của ngài như sau: tôn trọng phe nầy đối với phe kia và tôn trọng những khát vọng hợp lý của nhau, áp dụng luật pháp quốc tế, rút lui ra khỏi những vùng bị chiếm đóng, và cơ chế được quốc tế bảo đảm dành cho những nơi thánh tại Giêrusalem. Ðó là những điều kiện cần thiết phải có, để bắt đầu tiến trình hòa giải, và để bẻ gãy vòng lẩn quẩn thù ghét và trả thù. Ðầu năm nay, Ðức Gioan Phaolô II đã nói với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, một cách chí lý như sau: "Phe nầy chống lại phe kia, người Do Thái và người Phalestine không thể nào thắng được cuộc chiến; phe nầy cộng tác với phe khác, họ có thể đạt đến hòa bình". Ðàng khác, cũng nên nhớ rằng, đối với Tòa Thánh,  công việc ngoại giao không có mục đích tự chính nó, nhưng chỉ là phương tiên mà Tòa Thánh sử dụng để làm nổi bật quyền lợi và những giá trị thiêng liêng trong sinh hoạt quốc tế. Bù thêm vào công việc ngoại giao,  chắc rằng đối với chúng ta, những người kitô, cón có bổn phận cầu nguyện cho tất cả mọi người, ngõ hầu đừng bao giờ thiếu sự tôn trọng đối với sự sống và phẩm vị con người."

Ðó là  một phần trích từ bài phỏng vấn Ðức TGM Jean Louis Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh, do hãng tin Công giáo quốc tế Thụy Sĩ (Apic) thực hiện và phổ biến hôm thứ năm 11 tháng 4/2002, về đường lối ngoại giao của Tòa Thánh trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Trung Ðông.

 


Back to Home Page