Cuộc họp báo trình bày cuốn

Chỉ dẫn về lòng sùng đạo bình dân

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc họp báo trình bày cuốn "Chỉ dẫn" về lòng sùng đạo bình dân.

Sáng thứ ba , 09/04/2002, ÐHY Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng trưởng Bộ  Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, chủ tọa cuộc họp báo trình bày Cuốn Sách Hướng dẫn (Direttorio) về lòng đạo bình dân. Hiện diện trong cuộc họp báo còn có Ðức TGM Francesco Pio Tamburrino , Tổng Thư ký và Ðức Ông Mario Marini, phó tổng thư ký và vị chuyên viên về Phụng vụ Corrado Maggioni.

Cuốn Chỉ dẫn là một văn kiện hoàn toàn có tính cách mục vụ, chú ý đến lòng sùng đạo bình dân, nhưng cái nhìn không đi ra ngoài Phụng vụ. Ðức TGM Tổng Thư ký giải thích như sau: "Cuốn Hướng dẫn mới về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ. Các nguyên tắc và hướng đi", là một bản văn không nhằm đến việc làm một sổ thống kê đầy đủ các cuộc biểu dương về lòng đạo bình dân của các nước khác nhau trên thế giới, nhưng  nhằm đem đến những đường lối chính trong việc áp dụng chung".

Vẫn theo Ðức TGM Tổng Thư ký Bộ, ngoài phần nhập đề, Cuốn Hướng dẫn chia thành hai phần.

Trước hết, phần nhập đề trình bày, theo những con đường chính yếu, đề tài, bản chất, người nhận, các nguyên tắc,  ngôn ngữ của "lòng đạo bình dân". Phần thứ nhất cung cấp những điểm thảm khảo trích từ lịch sử, từ Giáo huấn của Giáo hội và từ Thần học, cần phải luôn luôn đặt trước mắt để có thể hòa hợp  lòng đạo bình dân với Phụng vụ.

Phần thứ nhất nầy  gồm có ba chương:

(1) Chương I  nói đến kinh nghiệm thu lượm được trong dòng lịch sử, được đem đối chiếu với vấn đề của thời đại hôm nay;

(2) Chương II nhắc lại  giáo huấn của Hội Thánh cần biết để  hướng dẫn một hành động mục vụ đem lại ích lợi cho cộng đồng Dân Chúa;

(3) Chương  III trình bày các nguyên tắc thần học, dựa theo đó, để hiểu và thực hiện mối liên kết giữa Phụng vụ và lòng sùng đạo bình dân.

Phần Thứ Hai  gồm có năm chương: Từ chương IV đến chương VIII, trình bày một lô các đề nghị thực hành, "nhưng không có tham vọng  ghi lại hết mọi  thực hành hiện có trên thế giới này.

(4) Chương IV  nói đến Năm Phụng vụ  như cái khung  cho những sinh họat của lòng đạo bình dân;

(5) Chương V đối chiếu Năm Phụng Vụ với những điểm nổi bật hơn cả của lòng đạo bình dân, như việc sùng kính cách riêng của Giáo hội đối với Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa;

(6) Chương VI nói về  lòng tôn kính các Thiên Thần, Các Thánh và các Chân phước;

(7) Chương VII nói về  việc cầu nguyện cho anh chị em qua đời;

(8) Chương VIII nói về   các cuộc hành hương và những cuộc biểu dương về lòng đạo tại các Ðền thánh.

Trong đường hướng này, văn kiện nói đến một lô các yếu tố  để giúp hiểu biết nguồn gốc và khuôn mặt của mỗi việc sùng kính, bằng việc nhấn mạnh đến các khía cạnh khác nhau, gồm việc biểu lộ bằng lời nói và bằng cử chỉ của lòng đạo bình dân, như các bản văn và các kinh vẫn thường đọc, bài hát, ca nhạc, cử chỉ, hành động, ảnh thánh, thời đại và các nơi v.v...

Ðức Cha Tổng thư ký nhấn mạnh rằng: chủ ý của Cuốn Hướng dẫn không phải ấn định những luật lệ, cho bằng nhằm gợi lại những nguyên tắc thần học-phụng vụ và kỷ luật hiện hành, với mục đích đem đến một sự chấp nhận xác tín và thực hiện trong các cộng đồng Kitô  một sự liên kết hữu ích giữa Phụng vụ và lòng sùng đạo bình dân, như Công đồng Vatican II ước mong.

Ðức Cha Tổng thư ký kết luận: Như vậy, trong cái nhìn đánh giá cao và được canh tân, lòng sùng đạo bình dân thực sự tạo nên một sự phong phú của Dân Chúa, bởi vì nó chứa đựng những giá trị đích thực và có thể giúp cho dân thấn của việc trở lại trong đời sống người tín hữu.

Cũng trong cuộc họp báo sáng thứ ba 9/04/2002, ÐHY Tổng trưởng giải thích như sau:  "Lòng đạo đức bình dân không nhất thiết có nghĩa là "cuồng tín, dị  doan hay những tàn tích của ngoại giáo", nhưng cũng không phải mọi sự được biểu lộ trong lãnh vực này,  đều hoàn toàn phù hợp với đức tin thuần túy. Vì thế , cần phải phân biệt những hình thực tốt lành khỏi những hình thức ít phù hợp với đức tin, phân biệt lòng sùng kính đích thực khỏi những phóng đại của truyền thống dân gian. Do đó, để thực hiện việc phân biệt và thanh tịnh hóa  lòng sùng đạo bình dân, các giám mục, linh mục, các vị giám đốc đền thánh và tất cả những ai, cách nào đó hoạt động trong lãnh vực này,  đề  có thể căn cứ vào "Cuốn Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ", để được hướng dẫn đúng.

Cuộc họp báo cũng là cơ hội thuận tiện để đối phó với một số câu hỏi của giới báo chí, thí dụ: việc hỏa táng, một thực hành càng ngày càng lan rộng trong dân gian, nhất là tại các thành phố lớn, vì thiếu đất an táng. Ðức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích nhắc lại rằng: Những lúng túng trong dĩ vãng đã được vượt qua, khi nghĩ rằng  Thiên Chúa phép tắc vô cùng có thể làm sống lại thể xác con người bị chôn vùi hay biến thành tro: không có sự khác nhau lớn lao;  Vậy việc hỏa táng cũng cần phải được "phúc âm hóa cách đầy đủ,  nhờ giải thích ý nghĩa của việc hỏa táng này trong cái nhìn Kitô. ÐHY nói thêm: Nhưng phải khuyến khích người dân đừng mang tro người qua đời về để tại nhà.

Về vấn đề "dị đoan", ÐHY nhận xét: Cần phải canh phòng luôn luôn, nhưng cũng không vì thế chúng ta phải thấy dị đoan khắp mọi nơi. Hơn nữa, tính nhậy cảm của người Bắc Âu khác hẳn người Châu Mỹ Latinh và chúng ta không thể không chú ý đến cả trong những cuộc biểu dương bên ngoài của đức tin. Ðức Cha Tổng thư ký giải thích rõ ràng về sự khác biệt giữa những cái bùa (amulettes) và những vật thể  của lòng đạo đức bình dân. Ngài nói: "Người dị  đoan dừng lại trước vật thể (objet) và tin rằng vật  thể này có một sức mạnh tự trong chính nó. Trái lại, đối với tín hữu Kitô, những vật thể nhắc lại mầu nhiệm của Chúa Kitô, vì thế họ tôn kính những vật thể nầy và qua đó mà hướng về Chúa Kitô." Ðó là sự khác biệt giữa những vật thể dị đoạn và những vật thể của lòng đạo đức bình dân.

 


Back to Home Page