Bài tựa của

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận

viết cho Cuốn Sách có tựa đề

Nhà Tiệc li, Ơn ban và Mầu nhiệm

(Cenacolo, Dono e Mistero)

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài tựa của ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận viết cho Cuốn Sách có tựa đề là: "Nhà Tiệc li, Ơn ban và Mầu nhiệm", (Cenacolo, Dono e Mistero).

Nhân Ngày Thứ năm Tuần Thánh năm 2002, linh mục Luigi Gianami, thuộc Giáo phận Bergamo (bắc Ý), cho xuất bản Cuốn sách mới có tựa đề: "Nhà Tiệc li, Ơn ban và Mầu nhiệm". Ðây là Tập sách thu lượm tất cả các Bức thư của  Ðức Gioan Phaolô II viết từ năm 1979 đến năm 2001 cho các Linh mục nhân ngày  Thứ năm Tuần Thánh. Linh mục Luigi Gianami là một chuyên viên về Phụng vụ và Thần học, đã nghiên cứu,  phân tích  và trình bày các Bức thư của ÐTC dưới các khía cạnh thần học, phụng vụ, tu đức và giáo hội học,  và đã xin ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về  Công lý và Hòa bình đề tựa cho Cuốn sách này.

Về nội dung của Tập Sách nầy, chúng tôi hy vọng có dịp trở lại trong một chương trình khác. Trong bài Thời Sự hôm nay, nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày lễ của các Linh mục, chúng tôi xin lược tóm bài đề tựa rất dài của ÐHY Phanxicô viết cho  Tập Sách nầy.

Ngay trang đầu tác giả có nhã ý dành cho ÐHY những dòng kính tặng sau đây:  "Kính ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Vị Thầy dạy trong nghệ thuật nhận biết hạt ngọc giấu ẩn trong mỗi một con người. Với tình yêu mến và biết ơn vô biên về chứng tá sáng ngời của ngài cho chức Linh mục, chịu đau khổ nhiều năm trong nhà tù khắc nghiệt tại Việt Nam".

Bài tựa của ÐHY dành cho tập sách cũng đã được đăng trên nhật báo "Quan Sát Viên Roma",  số ra ngày 18 và 19 tháng 3 năm 2002.

ÐHY viết như sau: "Hình ảnh Chúa Kitô tại Nhà Tiệc li, chung quanh có các môn đệ,  được ÐTC mô tả cho chúng ta, các linh mục, trong bức thư Năm Thánh 2000, gửi từ Nhà Tiệc li, gợi lại nơi mỗi người trong chúng ta một sức rung động về tình huynh đệ và hiệp thông. ÐTC viết cho chúng ta như một người anh, được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa Kitô. Ngài khuyến khích chúng ta sống đến cùng ơn gọi linh mục trong lúc bước vào ngàn năm thứ ba".

Ðọc lại các bức thư của ÐTC, ÐHY cảm thấy như Ngài đang phủ phục cầu nguyện cho sự hiệp nhất các linh mục.  Nếu sự hiệp nhất là ước muốn lớn lao hơn cả của Chúa Giêsu trong Nhà Tiệc li, thì ước muốn lớn lao hơn của Ðức Gioan Phaolô II là sự hiệp thông sâu xa với tất cả chúng ta.  ÐTC, các Hồng Y, Giám mục và Linh mục đều liên kết với nhau bởi cũng một Chức Linh mục. ÐHY nhận xét như sau: ÐTC nói với các linh mục với kiểu nói trực tiếp nhằm thẳng vào các linh mục, như nhà Thần học Hans Urs Von Balthasar đã minh chứng: "Cho tới lúc này không bao giờ nghe thấy như vậy từ Roma".

ÐHY nhắc lại: Các thư của ÐTC viết cho các Linh mục không phải chỉ được đọc qua Thứ tư hay Thứ năm Tuần Thánh, nhưng phải đọc đi đọc lại và nghiền ngẫm mới thấy  ÐTC có quan niệm sâu xa như thế nào về Chức Linh mục, và  "để cho nội dung các bức thư này xâm nhập thêm mãi vào đời sống linh mục chúng ta. Ðây là một gia tài kỳ diệu, từ tâm hồn của ÐTC, và tạo nên một điểm tham khảo chắc chắn cho ơn gọi linh mục chúng ta".

Ði vào nội dung  Tập Sách, ÐHY viết: "Các thư của Ðức Gioan Phaolô II trình bày, vừa nhấn mạnh cách rất hiệu nghiệm về chức vụ thừa tác của linh mục, người được gọi để phục vụ nhân loại,  cách riêng qua Bí tích Thánh Thể. ÐHY nhắc đến Tông huấn Hậu-Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Ðấng Chăn Chiên nhân Lành" (Pastor bonus). Ðây là văn kiện tổng hợp giáo lý của Giáo hội Công giáo về Chức Linh mục. ÐHY quả quyết: "Tôi vẫn tin mạnh mẽ rằng: đời sống của mỗi một linh mục và của mỗi một tín hữu Kitô, tìm được nguyên tắc và nền tảng trong việc cử hành Thánh lễ và tôi không bao giờ bỏ việc cử hành này, cả lúc ở trong tù". Ngài kể lại việc cử hành "lén lút" như  thế nào trong tù. Với ba giọt rượu và một giọt nước trong bàn tay, ngài đã cử hành thánh lễ mỗi ngày và đây là niềm vui không bao giờ có thể tả lại được. Ngài xác nhận: "Chỉ có Thánh Thể mới có thể đáp lại những chờ đợi lớn lao của con người mang trong tâm hồn".

Tiếp đến, ÐHY chủ tịch Hội đồng Công lý và hòa bình nhắc đến những chờ đợi  của con người  thời nay. Người thời nay chờ đợi nơi linh mục cái gì?". Thưa Họ chờ đợi: "Linh mục có một sự khát khao Chúa Kitô".  Phần còn lại - về phương diện kinh tế, xã hội, chính trị -  người thời nay  có thể xin nơi người khác. Nơi linh mục, họ chỉ xin nhận được "Chúa Kitô"â mà thôi. Như ÐTC đã viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thụ phong linh mục của ngài (1946-1996) rằng: Con người thời nay có một sự khát khao sâu xa, khát khao Chúa Kitô".

Nhắc đến vụ khủng bố xẩy ra tại New York và Washington ngày 11 tháng 9 năm 2001, ÐHY viết: Thảm họa này cho chúng ta thấy một thế giới thất vọng:  vấn đề lớn lao về chiến tranh luôn luôn đè nặng thêm mãi trên nhân loại, nạn đói trên thế giới, việc diệt chủng tại nhiều nơi, tội ác trở nên như  "luật lệ của đời sống" ... không thể không nhìn vào nhân loại với cảm thương, với trìu mến. Trong bối cảnh tang thương này, nhân loại được mời gọi ngước mắt nhìn vào Vua Vũ trụ, Ngài yêu thương nhân loại và chính Ngài cầm trong tay vận mênh thế giới này. Sự Quan Phòng của Ngài hướng dẫn chúng ta. Chỉ tín nhiệm, phú thác nơi Ngài, chúng ta mới có thể hiểu biềt ý nghĩa đời sống, chỉ khi gặp Ngài, chúng ta có thể biến đổi cuộc đời thành một cuộc liên hoan.

Ðiểm khác được ÐHY Phanxicô nhấn mạnh trong bài đề tựa, là: Sự lo lắng đến việc cứu rỗi con người"-  Trong bức thư thứ nhất, ÐTC giải thích: Linh mục thông công vào đặc sủng mục vụ, đặc sủng này làm cho họ trở nên giống cách riêng Chúa Giêsu, Vị Chủ Chăn nhân lành. Vì thế, linh mục phải có một sự lo lắng và dấn thân cho việc cứu rỗi các linh hồn nhiều hơn và khác với lo lắng và dấn thân của người giáo dân. Sự lo lắng này là lý do riêng biệt của đời sống linh mục và làm cho đời  sống này có một ý nghĩa, bởi vì chỉ qua đời sống này linh mục có thể tìm được ý nghĩa đầy đủ của đời sống mình. ÐHY nhắc lại lời ÐTC nói với các linh mục, rằng: "Bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, anh em là những người đem đến ơn thánh của Chúa Kitrô, Linh mục đời đời và người đem đến đặc sủng của Vị Chủ Chân nhân lành. Anh em không thể quên được điều này; không thể từ bỏ công việc này; anh em phải thực hiện công việc này trong mọi thời đại, mọi nơi, mọi cách. Nghệ thuật trong các nghệ thuật,  anh em được Chúa Kitô mời gọi thực hiện,  ở tại đây", (Thứ năm Tuần Thánh 1979, số 6).

Ngoài ra, trong các thư của ÐTC  cho các Linh Mục, chúng ta nhận thấy điểm này: việc rao giảng Tin Mừng thời nay bị cản trở bởi việc tục hóa mỗi ngày mỗi thêm, gây nên việc bỏ qua con đường tu đức, mất dần dần quan niệm về Nước Trời ... Trong việc mục vụ, các linh mục  lại quá lo lắng đến những mục tiêu trần thế. Ðây là điều có thể rất nguy hiểm, vì những mưu toan của việc tục hóa,  linh mục gây hại cho Hội Thánh. Nói vậy, không có nghĩa là linh mục phải xa dân chúng, trái lại phải rất gần gũi, nhưng trong viễn tượng nhằm đến việc cứu rỗi các linh hồn. ÐTC căn dặn các linh mục đừng bao giờ quên hình ảnh Thánh Gioan Maria Vianney. Linh mục đừng bao giờ quên "căn cước riêng của mình": người phục vụ Lời Chúa.  Ðến đây, nhân tiện, ÐHY  Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận nhắc lại rằng trong thời gian bị giam tù, ngài nghĩ đến việc soạn thảo cho mình một cuốn "Tùy thân"  để có thể sống trong hoàn cảnh hiện tại Lời  Chúa. Ngài đã bóc dần dần cuốn lịch treo tường, và viết được hơn 300 câu Kinh Thánh ngài nhớ thuộc lòng. Nhờ đó,  Lời Chúa trở nên lương thực và sức mạnh của đời sống hằng ngày.

Trong thư  gởi cho các Linh Mục năm 1979, ÐTC nhắc lại: bổn phận linh mục là "phục vụ chân lý và công bình,  trong chiều kích trần thế, nhưng luôn trong viễn tượng của ơn cứu rỗi đời đời. Các dấn thân của linh mục là thánh thiêng và quan trọng, bởi vì linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô. (in persona Christi) (số 5-7).

Trong việc phục vụ này, không một linh mục nào được trở thành "người chăn thuê", nghĩa là đàn chiên không thuộc về họ; linh mục không được là một người bỏ đàn chiên và chạy trốn, khi chó sói  đến cắn xé và làm tan tác đàn chiên.  Sự lo lắng của vị chủ chăn là lo lắng để "đàn chiên được sống và được sống dồi dào" (Ga 10,10), để không một chiên nào bị thất lạc (Ga 17,12), nhưng được sống đời đời.

ÐHY nhắc lại lời ÐTC: "Chúng ta hãy làm sao để sự lo lắng này thấm nhập sâu xa trong tâm hồn chúng ta; chúng ta hãy tìm cách sống sự lo lắng này. Ước gì sự lo lắng  nầy ghi dấu con người chúng ta và là căn bản của  thực thể  linh mục chúng ta" (Thứ năm 1979, số 7). ÐHY quả quyết: Ðây là công việc khó khăn; nhưng linh mục không được khước từ,  vì các khó khăn. Trong tù hơn 13 năm, người ta cưỡng ép ngài bỏ chức Linh mục; nhưng ngài đã cam đảm cầm cự đến cùng. ÐTC nói với các linh mục, như các Tông đồ xưa nói với Chúa:  "Chúng con đã bỏ mọi sự để theo Thầy". Vì thế các linh mục phải kiên nhẫn đến cùng, bên cạnh Chúa, dù phải qua thánh giá.

Ðiểm sau cùng được ÐHY Phanxicô ghi lại, là: Thừa tác vụ linh mục là trở nên hình ảnh Vị Chủ chăn nhân lành.   ÐHY nhận xét: Có nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng: các con chiên của Vị Chủ chăn nhân lành là các tín hữu,  là từng triệu khuôn mặt mà chúng ta gặp trong đời linh mục chúng ta và chúng ta lo lắng rao giảng Tin Mừng cho họ. Ðúng vây, nhưng không phải tất cả vậy, bởi vì trước khi trở nên chủ chăn, chúng ta là những con chiên, nghĩa là chúng ta thuộc về đàn chiên và như tất cả đàn chiên chúng ta có một mối quan hệ lệ thuộc yêu thương với Vị Chủ Chăn. ÐHY  hỏi: "Tôi không biết điều này có luôn luôn được nghĩ đến như như vậy không?".

ÐHY viết thêm: "Có thể chúng ta, linh mục, phải nhận biết mình  là thành phần của đàn chiên  nhiều hơn nữa và lắng nghe Vị Chủ chăn duy nhất. Ðiều này có nghĩa là phải sống đời cầu nguyện nhiều hơn, ngoài các giờ cầu nguyện chính thức, lắng nghe Lời Chúa hơn và lời các Vị đại diện Chúa (ÐTC, Giám mục), sống tình huynh đệ hơn với các linh mục khác và do đó với mọi người khác, để những người này cảm thấy rằng "sự khác biệt của chúng ta" không tùy thuộc vào vai trò, địa vị, nhưng tùy thuộc vào Ðấng trong tình yêu thương vô biên của ngài, đã chọn chúng ta để phục vụ".

 


Back to Home Page