Hội Ðồng Giám Mục Ấn độ

chủ trương đối thoại với các tôn giáo

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hội Ðồng Giám Mục Ấn độ chủ trương đối thoại với các tôn giáo.

Ấn Ðộ 24/03/2002 - Ðứng trước những bạo lực và căng thẳng mỗi ngày mỗi gia tăng cách đáng lo sợ giữa các tôn giáo lớn trong nước, Giáo hội Công Giáo tại Ấn độ quyết định lên tiếng hô hào cùng nhau tìm giải pháp để đem lại bầu khí đối thoại và chung sống hòa bình.

Trong những ngày vừa qua, các Giám mục Ấn độ tham dự Khoa họp khoáng đại thứ XXV tại Jalandhar, trong bang Punjab, đã đồng thanh kêu gọi các tôn giáo trở lại đối thoại. Khóa họp của HÐGM đến vào chính lúc rất tế nhị của Ðất nước, gây nên do những bạo lực giữa các tín hữu Hồi giáo và Ấn giáo, từ gần một tháng nay. Trong ngày 19/03/2002, có bốn người bị giết trong bang Gujarat. Ngoài những vụ xẩy ra trong những ngày này tại Ayodhya,  những bạo hành của các tín đồ  Ấn Giáo  cuồng tín,  từ nhiều năm vẫn gây khó khăn cho cộng đồng Kitô tại Ấn độ, nhất là từ những năm phe Ấn giáo lên cầm quyền trong nước.

Chính trong bầu khí căng thẳng này, các Giám mục Ấn độä nhấn mạnh cách  riêng đến đề tài "đối thoại" trong Khóa họp khoáng đại này. Trong những ngày làm vịệc, các ngài đã thực hiện một cử chỉ rất ý nghĩa: 150 giám mục tham dự Khóa họp,  đã dành hẳn một ngày để ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình trong nước. Cử chỉ của các Giám mục Ấn độ phù hợp với sáng kiến của ÐTC Gioan Phaolô II đã đưa cho toàn Giáo hội, để chuẩn bị ngày gặp gỡ và cầu nguyện của đại diện các tôn giáo lớn thế giới tại Assisi ngày 24 tháng Giêng năm 2002.

Trong dịp này, Ðức Cha Cyril Mar Baselios, chủ tịch HÐGM Ấn Ðộ đã dành cho nhật báo Công Giáo Ý  "Tương Lai"  số phát gành ngày 20/03/2002, một bài phỏng vấn để giải thích việc đối thoại với các tôn giáo trong nước. Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn của Ðức Cha chủ tịch HÐGM Ấn độ. Lời lẽ của ngài cũng giúp mỗi người trong chúng ta hiểu rõ đối thọai  là cái gì và phải đối thoại với mọi người, không trừ một ai.

Ðức Cha Cyril Mar Baselios thuộc về một cộng đồng Công Giáo theo lễ nghi rất cổ thời và là chủ chăn giáo phận Thiruvananthapuram của các người Công Giáo nghi thức đông phương siro-malankaresi. Ngài được bầu làm chủ tịch HÐGM Ann độ tháng 6 năm 2000, sau khi Ðức Cha Alan Basil de Lastic, TGM giáo phận New Delhi,  bị chết vì tại nạn xe hơi tại Ba lan. Sau đây là bài phỏng vấn của Ðức Cha Cyril Mar Baselios.

 

Hỏi - Kính thưa Ðức TGM, Khóa họp này của HÐGM Ấn độ đã thảo luận về đề tài : " Một Giáo hội trong việc đối thoại ". Ðây là sứ điệp mạnh mẽ trong một thời đại của những bạo lực trầm trọng do một số tín hữu cuồng tín chủ trương, gây nên khó khăn và chết chóc không những cho Hồi giáo và Ấn giáo, nhưng cả cho cộng đồng Kitô nữa. Xin Ðức Cha giải thích thêm điểm nầy.

Ðáp - Ðời sống của các cộng đồng Kitô của chúng tôi tại Ấn độ đã thay đổi sâu xa trong những năm vừa qua: chúng tôi đã phải đối phó với một tình hình chính trị và xã hội mới. Ðứng trước những khó khăn này, Giáo hội phải hành động như một người đem đến niềm hy vọng, bằng việc gánh nhận lấy cả những vấn đề xã hội nữa.

Hỏi - Trong Khóa họp vừa qua, các Giám mục  chủ trương dấn thân đối thoại với các nhóm Ấn giáo, bị tố cáo nuôi dưỡng chiến dịch thù ghét chống lại các tín hữu Kitô. Nhưng có một số vị tham dự đã chỉ trích bước tiến này của HÐGM Ấn Ðộ. Ðức Cha nghĩ sao về lập trường nầy?

Ðáp - Không có những bất đồng ý kiến và những chia rẽ về điểm này. Tất cả đều cùng nhau dấn thân. Không một ai có quyền nói rằng: Giáo hội phải khước từ các mục tiêu của mình. Ðiểm chính yếu không phải là có vị muốn đối thoại với các nhóm này hay không. Câu hỏi đích thực phải đặt ra là: Thiên Chúa muốn Giáo hội dấn thân trong bổn phận này hay không? Ðể có thể lựa chọn cách nghiêm chỉnh ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội và tìm cách  thực hiện ơn gọi và sứ vụ này.

Hỏi - Những vị chống đối việc đối thoại đã nêu lên câu hỏi này: có thể đối thoại với những người có một tâm hồn khép kín như vậy không. Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp - Ðây là kiểu luận lý tôi không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ phải trả lời rằng: họ không hiểu ý nghĩa thực của việc đối thoại. Bởi vì, nếu lý luận như vậy, thì mục tiêu của đối thoại là nhằm thay đổi người khác. Không phải là vấn đề cứ bo bo giữ phần của mình và cứ tiến đi theo đó. Việc đối thoại không loại trừ người nào cả. Tôi không thể nói: tôi sẽ chỉ đối thoại với những người tôi ưa thích hoặc với những ai suy tư như tôi. Như vậy cần gì phải đối thoại?. Nhưng việc đối thoại, ít ra ban đầu, cũng không phải là con đường để tìm một thỏa hiệp hoặc  giải quyết một vấn đề nào đó. Ðối thoại là tìm hiểu biết nhau, bằng việc để lại sau lưng những thành kiến riêng của mình.

Hỏi - Như vậy có nghĩa là ở đâu vẫn giữ những thành kiến, thì ở đó sẽ không có việc đối thoại, hay sao?

Ðáp - Dĩ nhiên. Ðây là điều kiện đầu tiên. Chúng ta không thể để cho mình hướng dẫn bởi tư tưởng này: là bất cứ sự gì, việc gì do người khác làm là xấu cả. Ðối thoại với các nhóm Ấn giáo có nghĩa là tìm hiểu lập trường của họ. Và đồng thời cũng làm cho họ hiểu chúng ta là ai, và đâu là cái nhìn của chúng ta đối với các thực tại. Chính vì thế chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuyệt đối rõ ràng.

Hỏi - Cộng đồng Kitô có thể huấn luyện như thế nào về việc đối thoại, thưa Ðức Cha?

Ðáp - Ðối với tôi xem ra chúng ta, tín hữu Kitô,  cũng cần phải lớn lên và trưởng thành về điểm này. Ðây chính là vấn đề về tâm trạng. Có lẽ một số người trong chúng ta đã nhìn vào Kitô giáo một cách còn thiên vị. Chúng ta chưa hiểu thấu đáo: chấp nhận lý luận của Mầu nhiệm cứu chuộc bao hàm cái gì? Tôi biết rất rõ  một số người trong chúng ta đã có những kinh nghiệm xấu với những người mà chúng ta được mời gọi đối thoại. Nhưng cả trong những tình trạng thù địch chúng ta không thể rút lui: như vậy là trái với tinh thần Phúc Âm. Thực ra, chính trong những lúc khó khăn này chúng ta được mời gọi xung phong minh chứng tính cách đích thực về lập trường của chúng ta.

Hỏi - Vậy đây là một thách đố đối với Giáo hội Ấn độ  phải vậy không, thưa Ðức Cha?

Ðáp - Tôi không biết đây sẽ là một bổn phận khó khăn. Chắc chắn là một bước quyết liệt trong lúc này đối với Giáo hội chúng tôi.

 

(Lời Kết)

Nhân Khóa họp khoáng đại của HÐGM và bài phỏng vấn của Chủ tịch Hội đồng Giám Mục, chúng ta cũng hãy nhìn qua sự hiện diện của Giáo hội công giáo tại Ấn độ.

Giáo hội Công Giáo tại Ấn độ có khoảng 16 triệu tín hữu trong số một tỉ dân  cư. Ðây là một đàn chiên nhỏ bé, nhưng sự hiện  diện rất quan trọng, cách riêng trong lãnh vực giáo dục và xã hội, nhằm phục vụ mọi người, cả các người Hồi giáo và Ấn giáo.

Giáo hội tại Ấn độ là một cộng đồng có một nguồn gốc Kitô  rất lâu đời với nhiều lễ nghi khác nhau.

Giáo hội công giáo tại Ấn độ được chia thành 116 giáo phận theo lễ nghi Latinh, 23 giáo phận thuộc lễ nghi đông phương siro-malabarese4 giáo phận theo lễ nghi siro-malankarese, theo truyền thống có từ thời Thánh Toma Tông đồ.

Về nhân sự - Thống kê của HÐGM Ấn độ (được thành lập tại Madras năm 1944) cung cấp các con số sau đây: Giáo hội Ấn độ hiện nay có bốn vị Hồng Y -----( TGM Bombay - TGM lễ nghi siro-malabarese - TGM hồi hưu Bombay và Tổng trưởng hồi hưu Bộ các Giáo hội Ðông phương ở Roma)---- - 194 Giám mục - 10,281 Linh mục giáo phận và 13,683 Linh mục Dòng - 68,785 Nữ tu thuộc 270 tu hội khác nhau,  hoạt động tông đồ trong các lãnh vực khác nhau.

Trong lãnh vực giáo dục, Giáo hội Công Giáo tại Ấn độ có:

3,785 vườn trẻ với 455 ngàn em - 7,319 trường sơ cấp với 2,326,000 học sinh - 3,765 trường trung học với 1,789,000 học sinh - 240 cư xá dành cho 213 ngàn sinh viên.

Một hoạt động rất đáng kể khác  trên bình diện y tế và xã hội - Giáo hội có 1,085 viện mồ côi - 704 bệnh viện - 1,792 phòng khám và chữa bệnh miễn phí và trung tâm y khoa - 111 trại cùi - 102 trung tâm cải huấn.

Từ năm 1960, Giáo hội Ấn độ có Hội Caritas riêng của mình với 89 trụ sở rải rắc trong cả nước. Hội Caritas lo soạn thảo và thực hiện các dự án về phát triển và thăng tiến con người và trợ cấp những trường hợp khẩn cấp.

Trụ sở HÐGM đặt tại New Dehli - Cơ quan thông tin chính của Hội đồng , là nguyệt san "Giáo Hội tại Ấn Ðộ"  và trang WEB Ðiện Tử.

 


Back to Home Page