Cuộc họp báo trình bày về vấn đề

di dân và tị nạn trên thế giới

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc họp báo trình bày về vấn đề di dân, tị nạn trên thế giới.

(Radio Veritas Asia - 18/12/2002) - Sứ điệp của ÐTC gửi trong dịp cử hành Ngày thế giới thứ 89 về Di dân và Tị nạn được ký ngày 29 tháng 10 năm 2002, nhưng chỉ được công bố và trình bày với giới báo chí ngày 01/12/2002. Ngày thế giới thứ 89 về Di dân và Tị nạn không được cử hành cùng một ngày trong toàn thể Giáo hội. Về việc lựa chọn ngày nào thuận tiện đề cử hành, Tòa Thánh để mỗi Hội đồng Giám mục địa phương ấn định. Trong sứ điệp năm 2003, ÐTC  nhấn mạnh đến "dấn thân lướt thắng mọi chính sách bài ngoại, kỳ thị chủng tộc và tinh thần quốc gia quá khích".

Trong cuộc họp báo trình bày văn kiện hôm  01/12/2002 vừa qua, Ðức TGM Stephen Fumio Hamao, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Di dân và Tị nạn, nói đến tình hình Di dân và tị nạn hiện nay trên thế giới, mà ngài gọi là "một hiện tượng thê thảm càng ngày ngày gia tăng", bởi vì ngày nay, luôn luôn có những người di chuyển từ nước này qua nước khác, từ Lục địa này qua lục địa khác, vì nhiều lý do khác nhau; nhưng tựu trung có thể chia thành hai loại di dân và tị nạn: tự do và cưỡng ép.

Di dân tự do,  nghĩa là những người tự ra đi đến nước ngoài kiếm công ăn việc làm hoặc vì chủ nhân cần đến nhân công cung cấp việc làm, cách riêng cho những người ở trong hoàn cảnh thiếu thốn về kinh tế, để có phương tiện giúp đỡ gia đình. Vấn đề di dân tự do này hằng ngày vẫn xẩy ra, cách riêng đến các nước giầu có Châu Âu và Châu Mỹ. Các nước kỹ nghệ này cần nhiều nhân công, cũng vì lý do giảm sút dân số trong nước. Tại hầu hết các nước tân tiến, dân cư càng ngày càng ít đi và già nua. Nhân lực mỗi ngày mỗi khan hiếm. Kỹ nghệ không thể tiến, nếu không có nhân công tiếp tục công việc sản xuất. Chủ nhân cung cấp công ăn việc làm, nhưng không phải hoàn toàn vô vị lợi và quảng đại sẵn sàng giúp đỡ các dân tộc nghèo khổ. Nhiều nơi lợi dụng sức lao động con người để trục lợi, nhất là xử dụng quá mức nhân lực của người phụ nữ và trẻ em, bằng cách không trả lương tương xứng với công việc làm hằng ngày của họ. Vì là người ngoại quốc, nhiều lúc không có hay không được cấp giấy di trú, hoặc không có quyền ghi vào nghiệp đoàn, do đó không được bảo vệ về quyền lợi, không được bảo đảm về sức khỏe, về nhà ở...

Di dân hay tị nạn cưỡng ép: Hiện tượng này xẩy ra vì những lý do chính trị, kinh tế, chiến tranh hoặc thiên tai. Trên thế giới ngày nay, không thiếu những chế độ chính trị đàn áp, tước lột mọi quyền của người dân - cũng không thiếu những chế độ tham nhũng, bè phái... làm giầu cho gia đình hay cho bè phái của mình; trái lại người dân phải nai lưng , đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi nước mắt làm ăn, cũng không đủ nuôi mình và gia đình. Trong những hoàn cảnh cơ cực như vậy, người dân phải tìm cách sinh sống bằng việc di dân hay xin tị nạn tại các nước giầu có. Tình trạng này xẩy ra tại một số quốc gia theo chế độ cộng sản, hoặc độc tài quân phiệt, nhất là tại nhiều nước Châu phi, và, -- trong lúc này đây, -- tại Argentina, Venezuela, Colombia...

Ngoài ra, người dân còn bị cưỡng ép rời bỏ nhà cửa hay quê hương ra đi làm ăn tại nơi khác trong nước hoặc ngoài nước, do bởi những thiên tai trong nước như: bão lụt, động đất... như chúng ta thấy xẩy ra hằng ngày trên cả thế giới, cách riêng trong năm nay: nạn lụt tại Trung quốc, Việt nam, Bangladesh, Pakistan, tại Italia, Ðức, Tiệp,  Pháp, Hòa lan, Thổ nhĩ kỳ, Hoa kỳ, Chile, Nicaragua.... Hoặc vì những cuộc nội chiến như tại Sri Lanka, Angola, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và tại các nước thuộc miền các Hồ Lớn ở Châu phi và tại Argentina, một quốc gia rộng lớn, phong phú về tài nguyên và về chăn nuôi, nhưng người dân  đang đói khổ, vì nhà cầm quyền bất tài, tham nhũng... hay như tại Venezuela, một quốc gia sản xuất dầu hỏa, nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu thốn, hoặc tại Colombia từ hơn 30 chục năm nay sống trong cuộc nội chiến.

Cuộc khủng bố kinh hoàng xẩy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York và Washington và hiện nay tại nhiều nước trên thế giới - theo nhận xét của Ðức TGM chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Di dân và Tị nạn - cũng là một hiện tượng gây nên cảnh di dân, tị nạn cưỡng bách. Người dân hiện nay, bất cứ ở quốc gia nào, không còn được bảo đảm về an ninh; họ phải sống trong lo sợ về nạn khủng bố xẩy ra bất ngờ. Nhiều người từ các đô thị lớn hay từ những căn cứ quân sự quan  trọng, nhất là của Hoa kỳ,  bắt buộc ra đi khỏi các thành phố và các căn cứ có thể gây nguy hiểm đến mạng sống. Những vụ khủng bố mới đây tại Indonesia, tại Kenya, gây nên từng trăm người chết và bị thương cho chúng ta thấy rằng: nạn khủng bố có thể gây tang tóc, tàn phá bất cứ tại nơi nào trên thế giới. Chúng ta không thể không nói đến chiến tranh giữa Do thái và Palestine kéo dài trong hơn hai năm nay, với những vụ oanh tạc, những vụ kamikaze, những vụ trả đũa do bên này bên kia... gây chết chóc cho  từng ngàn người dân Palestine và Do thái. Ðây là một chiến tranh vô tận và như không có lối thoát.

Trong cuộc họp báo, Ðức Cha Hamao cho biết: Hiện nay trên thế giới có khoảng 190 triệu người sống ngoài quê hương, trong số này có khoảng 175 triệu người di dân vì lý do kinh tế. Ngoài ra, còn có những người di tản trong nước, mỗi ngày mỗi gia tăng, khoảng 50 triệu. Số nạn nhân của những vụ thiên tai - vẫn theo thống kế của Hội đồng Tòa Thánh về Di dân và Tị nạn - lên tới khoảng 25 triệu.

Ðức TGM nêu lên mấy thay đổi quan trọng của những vụ Di dân  hiện nay sánh với những cuộc đi dân trong quá khứ:

- Trong phong trào di dân hiện nay, số người phụ nữ chiếm đa số. Trước đây người di dân hầu hết là giới nam bỏ nhà cửa, quê hương đi ra nước ngoài để làm ăn nuôi gia đình. Trái lại trong thời gian gần đây sự hiện diện của giới nữ càng ngày càng đông hơn; nhưng vì sẵn có những phương tiện di chuyển nhanh chóng, những người di dân này vẫn có những tiếp xúc hoặc trở lại thường xuyên viếng thăm gia đình.

- Những thay đổi khí hậu cũng là một trong các yếu tố của việc đi dân. Có nhiều người nhận xét rằng: trong 25 năm tới đây, sẽ có từng triệu người bị cưỡng ép ra đi vì chính sách phá rừng, hoặc vì mức độ biển lên cao.

- Vì nạn khủng bố quốc tế, nhiều  chính phủ đưa ra những biện pháp rất nghiệm nhặt, để kiểm soát các phần tử nghi ngờ. Dó đó việc di dân hay tị nạn trở nên khó khăn hơn trước nhiều. Ngoài việc kiểm soát đề phòng những vụ khủng bố, nhiều chính phủ còn lo sợ những tội ác lan tràn, gây nên bất mãn và đe dọa nền an ninh nơi dân chúng. Do đó, việc di dân và tị nạn cũng bị hãn chế nhiều.

Ðức TGM chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Di dân và Tị nạn kết thúc cuộc họp báo bằng những lời sau đây: "Trong khi chúng ta nói đến hiện tượng di dân hay tị nạn, trước hết chúng ta cần nhớ rằng: chúng ta đang nói đến "những con người"; mỗi một người có một căn cước, một bộ mặt, một lịch sử riêng;  họ là những người được yêu thương và biết yêu thương;  họ có những nỗi vui, buồn, khổ cực như mọi người khác. Mỗi người trong họ là một con người có bổn phận và quyền lợi, có những đòi hỏi, những ước vọng chính đáng, những yếu đuối, sai lỗi như mọi người trong chúng ta. Ra đi, họ chỉ ước mong được đón nhận, như chúng ta trong hoàn cảnh túng cực cũng ước mong được người khác thông cảm và đón nhận, chia sẻ. Giữa chúng ta với họ chỉ có một khác biệt chính yếu này, là đời sống của họ bị đánh dấu cách thảm thương tại nơi họ sinh ra. Vì thế, hết thảy chúng ta, cách riêng nếu chúng ta là các tín hữu Kitô, chúng ta phải thông cảm, phải giúp đỡ những anh chị em này không còn phẩm giá con người, không còn bổn phận, không quyền lợi gì nữa tại quê hương của họ nữa.  Chúng ta, người công giáo, hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói: "Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót lại".

 

(TÐK)

 


Back to Home Page