Bàn về việc Mẹ Têrêsa thành Calcutta

có thể sẽ được tôn phong lên bậc Chân phước

vào tháng 10/2002 hoặc vào mùa xuân năm 2003

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về việc Mẹ Têrêsa thành Calcutta có thể sẽ được tôn phong lên bậc Chân phước vào tháng 10/2002 hoặc vào mùa xuân năm 2003.

(Radio Veritas Asia 23/08/2002) - Nhật báo "Người Ðưa Tin" xuất bản tại Roma,   số ra ngày 17/08/2002 quả quyết  rằng  Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ được tôn phong lên bậc Chân phước vào trung tuần tháng 10 năm 2002, nghĩa là sau Lễ Phong Hiển Thánh của Chân phước Josemaria Escrivà de Balaguer, vị sáng lập Opus Dei, được cử hành vào ngày 6 tháng 10 năm 2002.

Ngày hôm sau 18/08/2002, như thể để trả lời  cho tờ "Người Ðưa Tin",  nhật báo "Tin Chiều"  xuất bản tại Milano, quả quyết rằng: Tuy  Mẹ Têrêsa thành Calcutta có thể  được tôn phong lên bậc Chân phước trong thời gian gần đây, nhưng việc quả quyết  lễ Phong Chân phước sẽ được cử hành vào trung tuần tháng 10/2002,  là điều  không thể thực hiện được. Tờ báo  "Tin Chiều" đưa ra lý luận  sau đây:

Lễ phong Chân phước của Mẹ Têrêsa - vào trung tuần tháng 10/2002 ---- theo Cha Ciro Benedettini, phó Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, là điều không thể thực hiện được.

Theo nguồn tin chắc chắn:  là hiện tại đang có hai tiến trình được thi hành --- tiến trình nghiên cứu về các nhân đức anh hùng của Mẹ Têrêsa và tiến trình  nghiên cứu để chấp nhận hay không  phép lạ  do Mẹ Têrêsa  cầu bàu ---- cả hai tiến trình nầy đang bước sang  giai đoạn cuối cùng.

Trong tháng 9/2002, các nhà thần học sẽ phải tuyên bố dứt khoát về kết quả hai tiến trình nầy.  Sau đó, vào khoảng đầu tháng 10/2002, nếu không có gì trắc trở, các Hồng Y và Giám mục thuộc Bộ Phong Thánh, sẽ bỏ phiếu  về hai việc trên đây.

Nếu kết quả của  việc bỏ phiếu là tích cực, thì lễ Phong Chân phước cũng không thể thực hiện được vào trung tuần tháng 10/2002, bởi vì sau cuộc bỏ phiếu, ÐTC sẽ còn phải triệu tập Hội nghị Hồng Y (được gọi là Consistoro). Tất cả các Hồng Y hiện diện ở Roma trong dịp này có quyền tham dự, kể các các vị trên 80 tuổi. Trong Hội nghị do ÐTC chủ tọa, các Hồng sẽ nghe đọc  bản tường trình về công việc đã thực hiện. Sau ý kiến chấp thuận của các Hồng Y, ÐTC nới cho công bố sắc lệnh công nhận nhân đức anh hùng của Mẹ Têrêsa và công nhận phép lạ đã được thực hiện do lời bầu cử của Mẹ Têrêsa và ấn định ngày tôn phong.

Nhật báo Milano quả quyết: Việc triệu tập "Hội nghị Hồng Y" để  để nghe bản tường trình, và phát biểu ý kiến,  sẽ có thể được thực hiện - theo thường lệ - vào tháng 12/2002 hoặc trước lễ Giáng sinh. Như vậy, lễ Phong Chân phước  có thể cử hành vào Mùa Xuân năm 2003,  là điều hợp lý hơn nhiều. Bởi vì, từ lúc công bố Sắc lệnh cho tới Lễ Phong Chân phước, cần có đủ thời giờ để chuẩn bị.

Nhật báo "Tin Chiều"  đặt câu hỏi: Vậy ÐTC không thể xúc tiến nhanh hơn nữa việc phong Chân phước cho Mẹ Têrêsa  hay sao? Dĩ nhiên - theo nhật báo Il Messaggero - ÐTC có thể công bố  "Tự Sắc"  để quyết định về việc Phong Chân phước, hay Hiển Thánh,  mà không cần  qua  các thủ tục khác. Mọi người đều thấy  rõ: Ðức Gioan Phaolô II đã biết Mẹ Têrêsa và công việc của Mẹ trên cả thế giới, từ  lúc Mẹ còn sống. Ngài đã gặp Mẹ nhiều lần. Theo lời thỉnh cầu của nhiều Giám mục và tín hũu, ngài đã cho phép khởi sự làm án trên cấp bậc giáo phận, sau bốn năm Mẹ qua đời, không cần chờ đợi 5 năm theo luật định. Hơn nữa, sự thánh thiện đời sống của Mẹ được công nhận không những nơi các tín hữu Công giáo, nhưng còn nơi cả các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nữa: Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo. Thế giới và các tổ chức quốc tế đều công nhận Mẹ Têrêsa có công lớn lao với nhân loại, cách riêng với những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi ngoài lề xã hội. Mẹ đã được lãnh Giải thưởng Nobel về Hòa bình năm 1979 và được 122 tổ chức quốc tế khác công nhận và trao tặng huy chương.

Câu hỏi  trên đây của nhật báo "Tin Chiều": Vậy ÐTC không thể xúc tiến nhanh chóng hơn nữa việc phong Chân phước của Mẹ Têrêsa sao? đã  được các chuyên viên Vatican trả lời rằng: "ÐTC có thể và có quyền làm mọi sự". Nhật báo hỏi thêm:  Vậy trong trường hợp cụ thể của Mẹ Têrêsa - ngoài việc ban phép làm án trên cấp bậc giáo phận trước thời gian ấn định - ÐTC còn có thể làm gì nữa không? - Ngài có thể bỏ qua việc đọc bản tường trình trước Hội nghị Hồng Y, do ngài chủ tọa. Dù ngài miễn việc này, cũng không thể tỏ chức lễ phong Chân phước trong ít ngày, ít tuần được,  tức vào  trung tuần tháng 10/2002 được,  nhất là lễ phong Chân phước của Mẹ Têrêsa một nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Trong trường hợp miễn đọc bản tường trình trong Hội Nghị Hồng Y, thì lễ Phong Chân phước cũng chỉ có thể được tổ chức vào cuối năm 2002, nhưng không thể trong tháng 10/2002 được.

Nhật báo  "Người Ðưa Tin" xuất bản tại Milano quả quyết rằng: Dù được ấn định vào cuối năm 2002 hay vào Mùa Xuân năm 2003, Lễ Phong Chân phước của Mẹ Têrêsa sẽ chiếm "kỷ lục" về " tính cách nhanh chóng ", sánh với các lễ Phong Chân phước khác trong thời đại hiện nay. Tính cách nhanh chóng này, trước hết do "tiếng đồn về sự thánh thiện" đặc biệt của Me,ï và vì thế, ÐTC đã ban phép bắt đầu tiến trình làm án trên cấp bậc giáo phận sau bốn năm qua đời, để nêu gương sáng cho thế giới, trong lúc việc nhớ đến Mẹ vẫn còn sống động nơi các thế hệ đã biết và tiếp xúc với Mẹ.  Mẹ Têrêsa thực là một trong các vĩ nhân của thế kỷ XX vừa kết thúc.

 

Sau đây, chúng ta có thể ôn lại vài nét về cuộc đời của Mẹ Têrêsa:

Mẹ Têrêsa, chính tên là Agnès Gonxha Bojaxhiu, sinh tại Skopje, thủ đô hiện nay của cộng hòa Macedonia, ngày 27 tháng 8 năm 1910. Hồi 18 tuổi Mẹ vào tu Dòng "Các Nữ tu truyền giáo Ðức Bà Loreto" và  được sai đi truyền giáo tại Ấn độ.

Sau 15 năm dạy học tại Trường dành cho các thiếu nữ của Giới trưởng giả ở Thành phố Calcutta, năm 1946  được phép chuẩn của Ðức Pio XII (1939-1958) để ra khỏi Dòng Loreto, Mẹ quyết định hiến toàn cuộc đời cho các người nghèo khổ và các bệnh nhân.

Năm 1950, Mẹ lập Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái. Lúc đó Mẹ chỉ có 5 đồng bạc Ấn độ trong túi mà thôi, nhưng hoàn toàn phú thác cho Chúa Quan phòng. Mẹ bắt đầu mở các trung tâm để tiếp đón các người phong cùi, các người hấp hối bị bỏ rơi ngoài đường và các trẻ em mồ côi. Năm 1960, Mẹ lập cho các anh chị em  này "Thành phố hòa bình". Năm 1979  Mẹ được lãnh giải thưởng Nobel về Hòa bình. Mẹ qua đời tại Calcutta ngày 5 tháng 9 năm 1997.  Bốn Năm sau, do lời thỉnh cầu của nhiều Giám mục và anh chị em tín hữu Công giáo, ÐTC ban phép khởi sự làm án phong Chân phước trên cấp bậc Giáo phận. Việc làm án này được hoàn tất tháng 8 năm 2001 và ngày 15 tháng 8 cũng năm 2001 này, Ðức TGM Giáo phận Calcutta đã chuyển  hồ sơ, gồm 50 ngàn trang, về Bộ Phong Thánh ở Roma. Từ một năm nay, khoảng 15 chuyên viên làm việc liên tiếp, để việc tôn phong Mẹ Têrêsa lên bậc Chân phước được thực hiện sớm hết sức có thể, theo ước muốn của ÐTC.

Nhân nói đến "tính cách nhanh chóng" của việc Phong Chân phước, chúng tôi xin  nhắc lại ở đây những vụ được gọi là "kỷ lục" trong lịch sử Phong Thánh  của Giáo Hội:

- Chân phước Serafino di M.Granaro (1610), 6 năm kể từ lúc qua đời

- Chân phước Lugi Gonzaga (1605)  14 năm từ lúc qua đời

- Chân phước Andrea Avellino (1625), 16 năm  từ lúc qua đời

- Chân phước Josemaria Escriva de Balaguer được phong năm 1992, tức sau 17 năm qua đời (1975)

- Chân phước  Madalena de' Pazzi (1626), 19 năm   từ lúc qua đời

- Chân phước tử đạo Annuarite Nengapeta, được phong  năm 1985, sau 20 năm 9 tháng, kể từ lúc bị giết

- Chân phước Francesca Cabrini (1938), 21 năm từ lúc qua đời

- Chân phước M. Maravillas Pidal (1998) 24 năm từ lúc qua đời

- Chân phước Têrêsa Thành Lisieux  (1923)  25 năm sau khi sau đời.

 

(TÐK)

 


Back to Home Page