Tuần Lễ Tĩnh Tâm mùa chay 2002

(17-23/02/2002)

của ÐTC và Giáo Triều Roma

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tuần Lễ Tĩnh Tâm mùa chay 2002 của ÐTC và Giáo Triều Roma.

Tin Vatican -  16/02/2002 - Theo truyền thống, chiều Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay 17/02/2002, ÐTC cùng với Giáo Triều Roma tĩnh tâm trong một tuần lễ. Các bài suy ngắm năm nay sẽ do ÐHY Claudio Hummes, TGM giáo phận São Paulo de Brazil, hướng dẫn. Chủ đề suy ngắm tuần tĩnh tâm là: "Luôn luôn là môn đệ của Chúa Kitô".

Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc vào sáng thứ bẩy 23 tháng 2/2002. Trong tuần tỉnh tâm tất cả các buổi tiếp kiến của ÐTC đều bị gián đoạn, kể cả buổi tiếp kiến chung hằng tuần ngày thứ tư 20/02/2002.

Tuần tĩnh tâm năm 2001, do ÐHY Francis Eugène George, TGM  giáo phận Chicago (Hoa kỳ), giảng. Còn tuần tĩnh tâm năm Thánh 2000, do ÐHY Phanxicô Xaviê  Nguyễn văn Thuận, lúc đó chưa làm Hồng Y,  giảng theo chủ  đề: "Chứng nhân của hy vọng". Các bài giảng của ÐHY Phanxicô Xaviê Thuận đã được in thành sách bằng nhiều tiếng khác nhau và được nhiều người đọc. Bản tiếng Ý đã được tái bản tới lần thứ năm.

ÐHY Hummes được thăng Hồng Y cùng với ÐHY Phanxicô Xaviê Thuận, ngày 21 tháng 2 năm 2001. Chính ÐTC Gioan Phaolô II, lúc còn làm Hồng Y TGM giáo phận Cracovia (Ba lan) đã được Ðức Phaolô VI chỉ định giảng Tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Roma, theo chủ đề: "Những dấu hiệu của sự mâu thuẩn".

 

Ngày đầu tiên (17/02/2002) trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2002 tại giáo triều Rôma.

Trong ngày đầu tiên của tuần tĩnh tâm Mùa Chay, vị giảng thuyết, Ðức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sao Paulo, Brazil đã nhắc nhở các tham dự viên rằng Kitô Giáo không phải là một học thuyết nhưng là một cuộc gặp gỡ cá vị với Ðức Kitô.

Ðức Hồng Y Hummes, đã bắt đầu loạt bài tĩnh tâm Mùa Chay bằng cách suy niệm về ảnh hưởng đối với việc rao giảng Tin Mừng và giảng dạy giáo lý của trào lưu nhìn toàn bộ Kitô Giáo như một học thuyết dưới khía cạnh tri thức.

Cám dỗ này, Ðức Hồng Y nói: "đánh giá cao những nỗ lực đem lại kiến thức về Chúa Giêsu và giáo thuyết của Ngài" nhưng dừng lại ở việc tán tụng "kiến thức lý thuyết, hay đi xa hơn là tuyệt đối hóa nó".

Tuy nhiên, Ðức Hồng Y nhận định rằng Thánh Kinh không chỉ giới hạn trong phạm vi cung cấp kiến thức về Thiên Chúa hay giáo thuyết đạo đức của Ngài. Trên tất cả mọi sự, Thánh Kinh trình thuật hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, trong đời sống của các cá nhân và các dân tộc.

Ðó là lịch sử đặc trưng bởi những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, ở mức độ cá nhân và cộng đồng. Trong cách này, con người cảm nhận Thiên Chúa và Thiên Chúa đã thiết lập với một dân tộc, Israel, một giao ước giao tiếp.

"Việc gặp gỡ với Thiên Chúa, với Ðức Giêsu Kitô, là nhiều hơn rất nhiều so với kiến thức về Chúa Giêsu Kitô và giáo thuyết của Ngài". Chiều kích này là khởi điểm của việc truyền giáo mới. Ngài nhấn mạnh như trên trong khi tóm lược tông huấn "Khởi Ðầu Ngàn Năm Mới" của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Hướng dẫn bởi Thánh Thần, người môn đệ công bố cho những người khác sự gặp gỡ mà chính người môn đệ đã có với Ðức Kitô và mời gọi những người đang lắng nghe hãy sống cùng một kinh nghiệm như thế. "Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta." (Khải Huyền 3:20)

Ðức Hồng Y giải thích: "Không phải mọi người đều mở rộng cửa ra không chút sợ hãi để Ðức Giêsu có thể can thiệp vào đời họ và những tính toán cá nhân ích kỷ của họ. Tuy nhiên, Ngài sẽ là lời giải đáp cho những vấn đề của ta, nếu ta tín thác đời ta nơi Ngài không dành lại sự gì và hoàn toàn vô điều kiện"

Tuy nhiên, làm cách nào và khi nào mà ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu? Ðức Hồng Y sẽ trả lời câu hỏi này trong ngày thứ hai của tuần tĩnh tâm linh hứng bởi tông thư "Giáo Hội tại Mỹ Châu" năm 1999.

Ngài cho biết sơ bộ: "Sau khi Ðức Giêsu đã lên trời, ta vẫn có thể gặp Ngài trong Giáo Hội, những khi nguyện ngắm Thánh Kinh, qua việc công bố Tin Mừng, trong phụng vụ thánh, trong các phép bí tích, trong cộng đồng, và trong anh chị em chúng ta, đặc biệt nơi những người nghèo nhất như Ðức Giêsu đã dạy: "mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40).

"Trong thế giới ngày nay, giàu sang ngày càng tập trung [vào một thiểu số], trong khi nghèo đói ngày càng lan rộng. Giáo Hội, đặc biệt các Ðức Giám Mục cần phải liên đới sâu sắc với người nghèo". Ðức Hồng Y cho biết, tại Sao Paulo, giáo phận của ngài cũng đang có hố sâu khác biệt lớn lao giữa các cư dân.

"Mỗi người chúng ta cần phải coi tình yêu cá nhân cụ thể với người nghèo là một ưu tiên và như một điểm để gặp gỡ Chúa Kitô. Vấn đề của người nghèo phải luôn là một trong các tiêu chuẩn quyết định"

 

Ngày thứ Hai (18/02/2002) trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại giáo triều Rôma.

Ðức Thánh Cha và các vị trong giáo triều Rôma đã trải qua ngày thứ Hai trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay. Cao điểm trong bài chia sẻ của Ðức Hồng Y Claudio Humes, vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm này, là sự mô tả khát vọng nồng nàn nhất của con người: sự thánh thiện.

Mở đầu, Ðức Hồng Y Humes đã suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm yêu thương đáng kinh ngạc nhất dành cho các tín hữu.

"Ðiều cần thiết là chúng ta hãy tiến gần đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, hãy cởi giầy của ta ra, và để ta được bao bọc bởi lửa thanh tẩy của bụi gai đang bốc cháy".

Ðức Hồng Y Humes nhận định Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm mà lý trí của ta không vươn đến nổi. Chỉ có tình yêu giúp ta khám phá dần dần mầu nhiệm này qua khoa sư phạm chí thánh đã dẫn ta đến một liên hệ yêu thương với Ba Ngôi.

Ðức Hồng Y cảnh giác rằng con người ngày nay "bị tiêm nhiễm bởi ý thức hệ duy lý" làm mất đi "cảm quan về mầu nhiệm, rất cần thiết để sống đời sống đức tin và đời sống nhân loại như một hành trình kỳ diệu".

"Không chấp nhận tính siêu phàm của mầu nhiệm nghĩa là bị lạc trong những nẻo đường dẫn dắt con người đến việc tôn thờ các công trình khoa học kỹ thuật với tất cả các giới hạn của nó, cùng những thất bại và hiểm nghèo".

Do đó, có một nhu cầu khẩn cấp cần "một cuộc tân phúc âm hóa mà một lần nữa làm con người nhạy cảm hơn với những mầu nhiệm linh hứng về Thiên Chúa". Ðể đạt được điều này, chúng ta "cần phải ngồi xuống bên chân Thầy và lắng nghe lời Ngài".

"Ðức Giêsu rất hạnh phúc là người Con Yêu Dấu và Ngài cũng muốn chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi biến đổi chúng ta nên con cái của cùng một Cha trên trời".

Hành trình biến đổi này, dẫn ta đến sự khám phá tình yêu của Thiên Chúa Cha, được dẫn dắt bởi Thánh Thần là "quyền năng canh tân liên tục". Hành trình biến đổi này là hành trình của sự thánh thiện. Nhưng sự thánh thiện là gì? Ðức Hồng Y trả lời:

"Sự thánh thiện là sự hiện diện của Thánh Linh Thiên Chúa trong ta, của Ba Ngôi trong ta. Chính Thánh Linh Ngài đã khiến ta cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta và đáp trả bằng cách yêu mến Chúa như một người Cha và yêu thương tha nhân như anh chị em mình".

 

Ngày thứ Ba (19/02/2002) trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại giáo triều Rôma.

Trong mầu nhiệm nhập thể, Ðức Giêsu đã khiến con người thành con đường của Giáo Hội. Ðức Hồng Y Claudio Hummes của giáo phận Sao Paolo, Brazil, đã nói như trên trong ngày thứ Ba của tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay tại giáo triều Rôma.

Ðức Hồng Y Hummes nhận định rằng trung tâm của lịch sử con người được tóm tắt trong câu này: "Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta".

Ðức Kitô đã từ bỏ địa vị thánh thiện của Ngài để mang lấy tội lỗi nhân loại và đến gần họ, những kẻ quá xa cách Thiên Chúa. Do đó, trong một nghĩa nào đó, Ðức Giêsu đã kết hiệp chính Ngài với mỗi một người, và do đó, con người trở nên con đường của Giáo Hội.

Với nhận định trên, Ðức Hồng Y đã đưa ra một phân tích về tình hình thế giới hiện nay. Ngài bắt đầu bằng cách trích thuật tư tưởng của một Ðức Hồng Y Phi Châu: "Ða số người trên thế giới ngày nay không quan tâm đến các nước Phi Châu. Họ có thể vẫn còn hứng thú với những quặng mỏ dưới lòng đất, nhưng không phải những gì trên mặt đất, con người Phi Châu".

"Giáo Hội cần phải luôn đem hy vọng đến cho những người này. Giáo Hội phải làm điều đó khẩn cấp trong một cách thế cụ thể và hữu hiệu. Chắc chắn công việc đầu tiên và quan trọng nhất mà Giáo Hội có thể và cần mang lại cho con người cụ thể và lịch sử hôm nay là Phúc Âm Hóa".

"Việc công bố Ðức Giêsu Kitô, sự chết và sự sống lại cũng như Vương Quốc của Ngài, là động lực trong đó chúng ta cần tin tưởng một cách mãnh liệt. Việc Tân Phúc Âm Hóa này cần phải dẫn đến việc thực hành bác ái và tình liên đới đối với người nghèo. Ðây là điều thứ hai mà Giáo Hội phải đem lại cho thế giới. Ðồng thời Giáo Hội cần kích thích toàn nhân loại cũng phải làm như thế với người nghèo và những người thiếu thốn trong thế giới ngày nay. Không thế, đức tin chúng ta trở nên trống rỗng và chúng ta sẽ không trung tín với Ðức Giêsu Kitô".

Ðể kết luận, Ðức Hồng Y trình bày Ðức Mẹ như mẫu gương của Phúc Âm Hóa và bác ái. Ðức Mẹ trước hết "lắng nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng, và sống những lời này thường xuyên qua lời xin vâng". Tiếp nữa, tấm gương bác ái của Ðức Mẹ đạt đến cao điểm khi Mẹ đứng dưới chân cây thánh giá để cùng đau khổ với Con Mẹ.

 

Ngày thứ năm (21/02/2002) trong tuần tĩnh tâm của Ðức Giáo Hoàng và Giáo Triều.

Quyền uy trong Giáo hội là Phục vụ - Bài suy niệm của Hồng Y Hummes

Trong ngày thứ năm tuần tĩnh tâm hằng năm của Ðức Giáo Hoàng và những nhân viên Giáo triều Roma, Hồng Y Brazil Claudio Hummes, giảng phòng, nói cái gương rõ nhất của quyền uy là phục vụ, đó chính là Chúa Kitô, Ðấng đã quì gối rửa chân các môn đệ Người tại bữa Tiệc Ly.

Trong sự chuyển ý này, Tổng Giám Mục Sao Paolo qui chiếu về các giáo huấn của Công Ðồng Vatican II. Việc phục vụ, ngài giải thích, có thể gợi lên hai quan điểm trái ngược: nạn nô lệ hay sự tự nguyện hiến mình. Tình trạng thứ nhất hạ giá con người, nhưng tình trạng thứ hai làm cho con người phát triển, bằng cách dương cao phẩm giá con người.

"Khi phục vụ con người, Thiên Chúa được phục vụ, bởi vì Chúa muốn được phục vụ qua những việc làm bác ái đối với một người thân cận đau khổ, và Chúa muốn được nhận diện trong gương mặt của người này", Hồng Y khẳng định.

Vị giảng phòng giáo hoàng tập trung lâu giờ vào quan niệm "quyền uy", mà trong Giáo Hội không bao giờ có nghĩa là cai trị kẻ khác, cho dầu đó là một sự cám dỗ đối với các vị mục tử, Hồng Y nói rõ.

Việc phục vụ này đăc biệt khó khăn và quan trọng trong khi thi hành quyền uy Giáo Hội, quyền uy đó phải "đón nhận khác biệt trong hợp nhất", Hồng Y nói thêm.

"Không phải luôn luôn dễ dàng có được sự nhạy cảm mục vụ và phụ tử để nhận thấy và ủng hộ hành động của Chúa Thánh Thần trong các Giáo Hội địa phương, trong các cộng đồng và trong mỗi cá nhân, bằng cách nhận định theo Tin Mừng những sáng kiến của họ", Hồng Y Hummes nói.

"Quyền uy của Giáo Hội luôn luôn là một tiếng gọi cống hiến mình cách trọn vẹn và khiêm tốn cho kẻ khác, một phục vụ chỉ có thể thực hiện với tinh thần Chúa Kitô, với sự sẵn sàng đặt mình dưới chân mọi người", ngài kết thúc.

 

Ngày thứ sáu (22/02/2002) trong tuần tĩnh tâm tại giáo triều Rôma.

Tính chất truyền giáo của Kitô Giáo là quà tặng của Thiên Chúa cho cộng đồng nhân loại. Ðức Hồng Y Claudio Hummes, vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm nay cho Ðức Thánh Cha và các vị trong giáo triều Rôma, đã đưa ra nhận định như trên trong ngày thứ Sáu của tuần tĩnh tâm.

Việc truyền giáo không phải là hành động vi phạm tự do tư tưởng nhưng là một qùa tặng cho con người hậu hiện đại đang kiếm tìm hạnh phúc. Việc truyền giáo giúp con người vượt qua chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ là những thứ không làm thỏa mãn con người.

"Sự mới mẻ triệt để của đời sống, do Ðức Kitô mang đến mà các môn đệ Ngài đã sống, là một hồng ân đến từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đem đến cho chúng ta những cơ hội để đạt đến hạnh phúc hoàn toàn và sự viên mãn."

"Do đó, Giáo Hội phải công bố và làm chứng cho Ðức Kitô, trong sự tôn trọng hoàn toàn lương tâm, không vi phạm tự do của người được truyền giáo".

"Ðám đông quần chúng có quyền được biết sự phong phú của mầu nhiệm Chúa Kitô, là mầu nhiệm mà chúng ta tin rằng tất cả nhân loại có thể tìm thấy sự viên mãn bất ngờ mà nhân loại đã tìm kiếm cách do dự khi suy tư về Thiên Chúa, con người và định mệnh của con người, sự sống và cái chết".

Ðức Hồng Y Hummes, đã đặt sự tinh tuyền không thêm bớt là một điều kiện cho việc công bố Tin Mừng, mà ngài mô tả như những thách đố ngày hôm nay. Vì vậy, Ðức Hồng Y nhấn mạnh rằng vai trò chỉ đạo trong việc truyền giáo là Thánh Thần Chúa.

Ngày nay, Thánh Thần Thiên Chúa không chỉ tác động giữa các nhà truyền giáo, hay những cá nhân dâng hiến toàn thời gian để công bố Tin Mừng, mà còn giữa các giáo dân thuộc nhiều phong trào và cộng đồng trong Giáo Hội.

 

Ðức Thánh Cha cám ơn vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay.

Tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Ðức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã kết thúc hôm thứ Bẩy 23/2/2002. Ðức Thánh Cha đã nhiệt liệt khen ngợi Ðức Hồng Y Claudio Hummes, vị giảng thuyết trong tuần tĩnh tâm này.

Ðức Thánh Cha cho biết tuần tĩnh tâm của Ðức Thánh Cha và giáo triều Rôma, diễn ra trong nhà nguyện Redemptoris Mater, đã đem lại "những ngày chiêm niệm sâu xa" và đã giúp các tham dự viên "tái khám phá hồng ân vô biên của ơn gọi tông đồ Kitô Giáo".

Ðức Thánh Cha cũng nhờ Ðức Hồng Y chuyển lời cầu nguyện và lời chúc tốt đẹp nhất cho giáo dân tại Sao Paolo, địa phận của Ðức Hồng Y.

 


Back to Home Page