Thái độ yên lặng khó hiểu

của Tống thống Nga

về bức thư của Ðức Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thái độ yên lặng khó hiểu của Tống thống Nga về bức thư của Ðức Gioan Phaolô II.

(Radio Veritas Asia - 26/06/2002) - Ngày 19 tháng 4/2002, Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba lan,  giám mục giáo phận Irkutsk , trong miền Siberia, bị rút lại chiếu khán (Visa), không cho  nhập cảnh trở lại Nga.Trước đó ít ngày, Cha Stefano Caprio, người Ý, cũng  bị một số phận như vậy.

Sau vụ trục xuất này, vào ngày 8/05/2002,  ÐTC đã gửi một bức thư  cho Tổng Thống Nga, ông Vladimir Putin. Nhưng cho tới lúc này, Ðiện Cẩm Linh vẫn giữ thái độ im lặng, chưa trả lời bức thơ của ÐTC. Ðây là một  thư riêng, trong đó ÐTC xin Tổng thống Putin can thiệp, về vụ trục xuất không có lý do chính đáng này.  Bộ Ngoại giao Ba lan và Phủ Quốc vụ Khanh của Tòa Thánh đã tức khắc gửi  thư  phản kháng.

Ðứng trước thái độ khó hiểu và bí ẩn kia, thì còn phải nói gì chăng? Nước Nga của Tổng thống Putin tỏ thái độ nhã nhặn với Tây phương, và mới đây  được  tham dự - dù chưa được trọn vẹn như một thành viên có quyền phủ quyết---vào Khối NATO, một tổ chức quân sự đã được Thế giới Tây phương thành lập để chống lại khối Varsovie, do "Liên xô" (mà ngày nay là Liên Bang Nga) --cầm đầu. Trước khi Nga bước một chân vào Khối NATO này, đã có ba quốc gia Hungari, Ba lan và Cộng hòa Tchèque, cựu hội viên Khối Varsovie , gia nhập Khối Nato rồi. Trong thời gian tới đây, một số quốc gia khác cũng sẽ được thu nhận. Ngoài ra, Nga còn được các nước thuộc Khối Liên hiệp Châu Âu dành cho nhiều ưu tiên trong lãnh vực thương mại và được giúp đỡ về kinh tế, để sớm  thoát khỏi cơn khủng hoảng. Mới đây, sau vụ khủng bố tại Hoa kỳ, Nga hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Bush, tham dự vào chiến dịch chung chống khủng bố quốc tế. Chính Nga cũng là nạn nhân của nhiều vụ khủng bố ngay tại Thủ đô Moscowa. Nhưng xét về nhiều khía cạnh, Nga vẫn còn là  "một bí ẩn  được gói ghém trong một thái độ lúng túng ", hơn là một "mầu nhiệm".

Những lý do về vụ trục xuất Ðức Giám mục Jerzy Mazur và Linh mục Stefano Caprio thực sự rất rõ ràng và nó nằm ngay trong sự thù nghịch  của Giáo hội chính thống đối với Giáo hội Công giáo tại Nga, còn bị tố cáo là "chiêu mộ tín hữu của Giáo hội Chính thống".

Hơn nữa, việc cất nhắc bốn giáo hạt giám quản Tông Tòa lên hàng Giáo phận chính tòa  với Tòa Tổng Giám mục tại Moscowa, do Tòa Thánh quyết định tháng hai năm 2002, bị coi như là "một xúc phạm" đối với Giáo Hội Chính Thống Nga, và do đó  phải bị trừng trị. Ngồi tại Ðiện Cẩm Linh, Tổng Thống Vladimir Putin, một đàng tự coi mình là "cột trụ" của những cải cách "dân chủ " cách sâu rộng tại Nga sau khi chế độ cộng sản tan rã; nhưng đàng khác cũng phải quan tâm đến những "tiếng xì xào" của phe quốc gia quá khích, mỗi ngày mỗi mạnh thêm trong xã hội Nga, trong Giáo hội Chính thống và trong Quân đội.

Thật sự, Tổng thống Putin có một sự kính trọng lớn đối với "Vị Giáo Hoàng Roma",  và chính tổng thống đã nói lên nhiều lần trong những dịp khác nhau. Nếu chỉ tùy thuộc nơi ông mà thôi, ông đã chính thức mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Moscowa rồi, một chuyến viếng thăm được ÐTC quan tâm cách riêng, nhưng cho tới lúc này vẫn bị Giáo hội chính thống Nga gây cản trở. Và như vậy, Tổng thống Putin đành phải yên lặng.  Ai cũng thấy rằng: trong lúc này ông cần đến sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống, một Giáo hội vẫn tự cho mình có "độc quyền" trên lãnh thổ Nga. Ông Putin ưa thích làm việc trong yên lặng. Lúc nhắc đến quá khứ của một nhân viên Mật Vụ Nga, ông thú nhận là ông vẫn quen làm việc "âm thầm" như vậy. Vì thế bức thư của ÐTC cũng vẫn nằm yên đó. Nếu Ông nghĩ rằng: đây không phải là điều quan trọng trong tiến trình hòa đồng với thế giới Tây phương, điều mà ông quan tâm cách riêng, thì thực sự ông đã lầm. Thế giới Tây phương có thể đo lường sự thành thực cởi mở và tiến trình dân chủ hóa của ông qua những hành động cụ thể và cương quyết của một vị lãnh đạo, không lệ thuộc Giáo hội Chính thống. Với thái độ hàm hồ, khó hiểu, Thế giới Tây phương thấy rõ: địa vị của Ông chưa được hoàn toàn bảo đảm, có thể còn bị đe dọa hay ít ra bị điều kiện hóa bởi các phe nhóm, đảng phái chính trị trong nước và trong Quốc hội.

Về phía Ðức Giám mục Jerzy Mazur bị trục xuất, thì trong tuần vừa qua, Ðức Cha đã đến Vatican, và được Ðức Gioan Phaolô II tiếp. Sau đó ngài đã gặp các vị trách nhiệm trong Bộ Ngoại Giao Tòa  Thánh, cách riêng Ðức TGM Jean Louis Tauran. Trước khi lên đường trở về Ba lan, Ðức Giám mục cho biết: ngài vẫn nuôi hy vọng được trở lại với đàn chiên của mình trong thời gian gần đây. Những vấn nạn nghiêm chỉnh do Nhà Cầm quyền Liên Bang Nga đặt ra sẽ được giải thích minh bạch và do đó Ðức Cha Mazur  hy vọng  sẽ được phép trở lại thi hành sứ mệnh tại Nga. Ðức Cha nhắc lại sự cởi mở đối thoại của ngài và việc tìm kiếm giải thích cho các người Chính thống  về những điểm tranh luận, như việc  chiêu mộ tín hữu mà người công giáo vẫn bị tố cáo. Ðức Cha Jerzy Mazur nhấn mạnh: "Giáo hội Công giáo, hiện diện tại Nga,  không cưỡng ép người dân Nga trở lại Ðạo công giáo. Trái lại, tại đây Giáo hội Công giáo chỉ hoạt động trong việc rao giảng Tin Mừng và trong tiến trình trở về với Thiên Chúa, không quan tâm  xem con người trở lại với Thiên Chúa,  thuộc Giáo hội Chính thống, Công giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác". Trong bối cảnh này, Ðức Giám mục đề cao sự cần thiết cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu. Ngài nói rõ: "Ðiều quan trọng là khuyến  khích người dân vượt qua những vấn đề chia rẽ nhau, để sớm ra khỏi cơn khủng hoảng".

Tại Siberia , điều khẩn cấp là "việc nhớ lại những đau khổ mà các tín hữu thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau, đã phải chịu dưới chế độ cộng sản.  Cũng trong dịp này, Ðức Cha Mazur cho biết qua tình hình giáo phận của ngài, giáo phận Irkutsk. Ðây là giáo phận rộng lớn nhất trên thế giới: 10 triệu cây số vuông (khoảng 18 lần Việt nam)  với 16 triệu dân cư,  thuộc các chủng tộc và tôn giáo khác nhau. Tại đây Giáo hội chính thống cũng như Giáo hội Công giáo đang khởi sự tái thiết. Trong các bổn phận chung : nhằm đến việc củng cố gia đình,  nền tảng xã hội và thực hiện công việc bác ái giúp đỡ các người nghèo khổ.

Về việc trở lại Giáo phận , Ðức Cha Mazur tuyên bố: "Việc tôi trở về Giáo phận được hay không, là tùy thuộc vào Tòa Thánh, Liên Bang Nga và cả chính phủ Ba lan nữa. Vấn đề này đã được đặt ra trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa Tổng thống Bush và Tổng thống Putin,  và sau đó, giữa Tổng thống  Bush với đại diện các tôn giáo, trong số này có Ðức TGM Công giáo Tadeusz Kondrusiewicz. Là một thành viên của Dòng Ngôi Lời,  một Tu hội truyền giáo,  Ðức Cha Mazur vẫn quen nhẫn nhục chờ đợi. Trong lúc này, ngài tiếp xúc với giáo phận qua điện thư.

 


Back to Home Page