Các giám mục Pakistan thúc giục người Công giáo

tham gia vào đời sống chính trị

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Các giám mục Pakistan thúc giục người Công giáo tham gia vào đời sống chính trị.

Tin Pakistan:  Các giám mục Công giáo Pakistan đang khuyến khích tín hữu thi hành quyền đầu phiếu của mình trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, vào 7 đến 11 tháng 10 năm 2002, sau nhiều thập kỷ bị sống ngoài lề xã hội.

Tháng Giêng năm 2002, chính quyền Pakistan đã hủy bỏ hệ thống bầu cử theo đó công dân chọn người đại diện cho mình tùy theo tương quan tôn giáo.  Trước đây, người không theo đạo Hồi được bầu cho một số ứng viên hạn chế, thuộc cùng tôn giáo với họ.  Nay Pakistan quay trở lại với hệ thống tuyển cử được quy định trong Hiến pháp 1973.

Pakistan có 144 triệu dân, 97% theo Hồi giáo, chỉ 1,6% là Ki-tô giáo.

Bức thư mục vụ của các giám mục viết: "Chúng tôi vui mừng và tri ân, vì sau nhiều chục năm bị hất ra bên lề, và bị đóng gông trong hệ thống bầu cử riêng lẻ do các chính quyền trước đây áp đặt, nay quyền căn bản của mỗi công dân trong việc tùy ý dồn phiếu cho ứng viên mình chọn lựa đã được phục hồi.  Ðiều cần thiết giờ đây là xây dựng một chính quyền bao dung, dân chủ, và chúng ta, với tư cách Ki-tô hữu, phải tham gia đầy đủ vào tiến trình dân chủ: phải bầu chọn những người lãnh đạo đúng đắn, bất kể họ là Hồi giáo, Ki-tô giáo hay người thuộc các tôn giáo khác."

"Thay vì thành lập những đảng phái nhỏ riêng lẻ, chúng tôi khuyến khích các tín hữu tham chính nên gia nhập vào các đảng lớn của cả nước hay của một vùng địa phương.  Làm như vậy, các tín hữu có thể gây ảnh hưởng trên các tuyên ngôn chính trị của đảng, và nhờ vậy có thể đóng một vai trò xây dựng trong hệ thống tuyển cử liên danh."

"Cử tri cần biết rõ các tuyên ngôn chính trị hay lập trường của đảng hoặc của ứng viên.  Họ phải kỹ lưỡng xem xét coi quyền của nữ giới có được đảng hay ứng viên ấy tôn trọng và bảo vệ không."

"Hơn nữa, ứng viên được người Công giáo dồn phiếu phải là người có phẩm chất luân lý lành mạnh và thanh danh tốt, đã từng có thành tích quan tâm đến dân nghèo và dám thay cho họ nói thẳng nói thật."

 


Back to Home Page