ÐTC tiếp đại diện

các Dòng truyền giáo tham dự Cuộc gặp gỡ

do Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc tổ chức

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp đại diện các Dòng truyền giáo tham dự Cuộc gặp gỡ do Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc tổ chức.

(Radio Veritas Asia - 1/06/2002) - Sáng thứ sáu 31/05/2002, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp các vị đại diện cho các Dòng truyền giáo tham dự Cuộc gặp gỡ, do Bộ Rao giàng Tin Mừng cho các dân tộc tổ chức, trong bốn ngày từ 27 đến 31 tháng 5 năm 2002.

Khai mạc buổi tiếp kiến, ÐHY Crescenzo Sepe, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, giới thiệu lên ÐTC 220 vị đại diện nam nữ thuộc các Dòng truyền giáo tham dự Cuộc gặp gỡ, với những lời như sau: "Kính thưa ÐTC, đây là 220 vị đại diện thuộc các Dòng truyền giáo đến từ năm Châu,  đã đáp lại lời mời của Bộ Rao giảng Tin Mừng tham dự cuộc gặp gỡ đầu tiên này, với mục đích tìm hiểu biết nhau và kiểm điểm các thực tại truyền giáo trên thế giới, với những đòi hỏi khẩn cấp của thế giới ngày nay, để gợi lên một sự nhậy cảm truyền giáo của tất cả Dân Chúa".

ÐHY nhắc lại: trong dịp này, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc cũng nhận được nhiều sáng kiến và chỉ dẫn ích lợi. Bộ sẽ dùng những kinh nghiệm đó để thi hành bổn phận khó khăn đã được ÐTC trao phó cho. ÐHY Sepe nói thêm: "Chúng con cảm thấy mình được giúp đỡ rất nhiều trong bổn phận này do chứng tá đầy cảm động của ÐTC, Vị truyền giáo thứ nhất của Giáo hội, ra đi đến mọi nơi trên Thế giới này,  để rao giảng Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng Bác ái, Công lý và Hòa bình của Người".

Trong bài diễn văn đọc trước 220 Vị đại diện các Dòng truyền giáo nam nữ tham dự cuộc găp gỡ, trước hết ÐTC cảm ơn các vị hiện diện và tất cả các nhà truyền giáo, vì công việc phục vụ Giáo hội,  mà "anh chị em đang thực hiện, theo đặc sủng riêng của Tu hội mình và  vì sự cộng tác mà anh chị em đem đến hằng ngày trong việc truyền bá Tin Mừng  mọi nơi trên Thế giới".

ÐTC nhắc lại điều ngài đã viết trong Thông điệp "Redemptoris Missio" (Sứ mệnh của Ðấng cứu chuộc) như sau: "Sau hai ngàn năm cứu chuộc, sứ mệnh được trao phó cho Giáo hội còn rất xa  mới được hoàn tất". Rồi ngài nhắc lại giáo huấn của Công đồng Vatican II: "Tất cả Giáo hội là truyền giáo và vì thế mỗi một tín hữu lãnh Bí tích Rửa tội, phải cảm thấy mình được mời gọi góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng".

ÐTC nhấn mạnh đển mối quan hệ chặt chẽ giữa sứ mệnh truyền giáo và đời sống tận hiến. Qua việc tận hiến cuộc đời cho Chúa, các người tận hiến có nghĩa vụ cách riêng đem công việc của mính vào các hoạt động truyền giáo, theo kiểu cách riêng của Tu hội mình. Có thể quả quyết rằng: "Tình cách truyền giáo nằm trong chính trung tâm của mọi hình thức đời sống tận hiến"  (x. Vita consacrata, số 25).

ÐTC nhắc lại: Trong các thế kỷ, các người tận hiến luôn luôn là những người tiên phong trong các hoạt động truyền giáo "ad Gentes" (cho người ngoài). Các vị đã từ bỏ quê hương, gia đình để đi đến tận cùng Trái đất (Cv 1, 8) để đem đến cho mọi người nam nữ, sứ điệp Tin Mừng. Các vị đã gặp biết bao khó khăn và cản trở;  và một số không nhỏ trong các ngài đã hiến cả sự sống mình bằng việc tử đạo để minh chứng Chúa Kitô.

ÐTC nói: "Các Tu hội của anh chị em ngày nay đang tiếp tục ra đi theo đuổi cùng mục đích duy nhất này, là làm cho ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi cho biết bao người" còn trong bóng tối và trong sự chết (Lc 1, 79). Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để cảm ơn  anh chị em vì sự dấn thân quảng đại  cho các xứ truyền giáo và mời gọi anh chị em hiến thân cách cương quyết hơn nữa cho lý tưởng này, vừa làm sống lại trong anh chị em tâm tình hăng say của Thánh Phaolô, Ðấng đã thốt lên: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cor 9, 16).

ÐTC khuyên các nhà truyền giáo đừng nản chí vì mệt nhọc, vì khó khăn, vì không thành công, cũng đừng để mình bị lây phải thói quen làm việc như máy móc và sống trong khô khan. "Hãy chống lại những nguy hiểm này bằng việc hiệp thông sâu xa với Chúa và múc kín nghị lực mới nơi Người,  để vượt qua mọi trở ngại. Chúa hứa: "Cha ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Ước gì sự hiện diện của Chúa luôn luôn nâng đỡ anh chị em!"

Ðề thành công, ÐTC khuyến khích sự hiệp thông và cộng tác chặt chẽ giữa các Dòng truyền giáo, với các Giám mục và với các Giáo hội địa phương trên bình diện giáo phận cũng như quốc gia, với các Bề trên các Dòng nam, nữ  trong tinh thần bác ái và trong sự tôn trọng đặc sủng riêng của mỗi Tu hội. ÐTC nhắc lại: Tinh thần hiệp thông và cộng tác này phát xuất bởi  việc "sentire cum Ecclesia" (cảm nghĩ, hành động cùng với và trong Giáo hội) (x. Vita consacrata, 46), cách riêng với Tòa Thánh  và với các cơ quan lo việc truyền giáo, nhất là Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, có nhiệm vụ điều hành và phối hợp công việc rao giảng Tin Mừng trên cả thế giới.

Như ÐHY Tổng trưởng Bộ Truyền giáo đã trình bày: đây là cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa đại diện các Dòng truyền giáo. ÐTC mời gọi lặp lại kinh nghiệm này và luôn luôn giữ tinh thần hiệp thông và cộng tác của các cuộc gặp gỡ như vậy.

ÐTC kết thúc diễn văn bằng việc phú thác mọi người, trong ngày Lễ  kính Ðức Mẹ đi viếng Bà thánh Elisabet,  cho sự che chở của Mẹ, Ngôi Sao Sáng của công việc truyền giáo và cho sự che  chở của các Thánh Tử đạo, các Thánh Nam Nữ sáng lập các Dòng truyền giáo, để Ðức Mẹ và các Thánh "nâng đỡ anh chị em trong  công việc phục vụ truyền giáo hằng ngày;  và ước gì Ðức Mẹ và các Thánh trở nên gương mẫu cho anh chị em trong việc hiến thân hoàn toàn cho Tin Mừng".

Tưởng cũng nên nhắc lại nơi đây vài điểm chính của Văn Kiện Kết Thúc Cuộc Gặp Gỡ Lần Thứ Nhất của các đại diện các Dòng Truyền giáo. Văn Kiện  ghi lại một số  mục tiêu ưu tiên như sau:

- Tại Châu phi: cởi mở của nền văn hóa Châu phi cho chiều kích tôn giáo.

- Tại Châu Mỹ Latinh: thăng tiến vai trò quyết liệt thêm mãi của người phụ nữ trong đời sống Giáo hội;

- Tại Á Châu và Châu Ðại dương: một sự cương quyết mạnh mẽ hơn trong việc làm các dân tộc của  hai Châu Lục này  dấn thân hơn vào hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Văn kiện cũng nhắc đến một số vấn đề quan trọng khác, như  việc huấn luyện trên mọi cấp bậc;  những hậu quả của việc hoàn cầu hóa và của chủ nghĩa tiêu thụ; việc  thiếu tự do tôn giáo; việc khan hiếm ơn gọi tại một số miền trong Giáo hội hiện nay.

Lúc bế mạc cuộc gặp gỡ, ÐHY Tổng trưởng quả quyết: "Không một cản trở nào, không một khó khăn nào có thể ngăn cản chúng ta tiến đến những miền đất mới và những dân tộc xa lạ. Chúng ta không để cho một cơn gió bão chính trị hay ý thức hệ nào giập tắt được lữa của Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta;  sự hăng say tâm hồn, đang thúc đẩy chúng ta đem Chúa Kitô đến cho anh chị em chúng ta;  niềm vui của việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Cha, Ðấng đầy lòng thương xót".

 


Back to Home Page