Giáo hội Công Giáo tại Albania

trên đường phục hưng

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội Công Giáo tại Albania trên đường phục hưng.

Thứ bẩy 26.01.2002, ÐHY Angelo Sodano, đặc sứ của ÐTC, chủ tế thánh lễ thánh hiến nhà thờ chính tòa Tổng giáo phận Tirana, thủ đô cộng hòa Albani. Ðây là ngày lịch sử của Giáo hội Công Giáo tại Albani, sau nửa thế kỷ bị bách hại dữ dội dưới chế độ cộng sản vô thần. Biến cố "thánh hiến nhà thờ chính tòa" tại thủ đô  là biểu hiệu của cuộc phục hưng tôn giáo trong toàn quốc. Ðây là một biến cố rất quan trọng và mang nhiều ý nghĩa sâu xa đối với Giáo hội Albani.

Việc cử ÐHY Quốc Vụ Khanh làm đặc  sứ chủ tế Lễ Thánh Hiến nhà thờ chính tòa Tirana  là một cử chỉ đầy yêu thương của ÐTC Gioan Phaolô II dành cho Giáo hội nhỏ bé Albani, nhưng là một Giáo hội phong phú về chứng nhân tử đạo và về lòng turng thành với Tòa Phêrô, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và chính để thưởng công Giáo hội anh hùng này, thì sau khi chế độ cộng sản sụp đổ,  ngày 25 tháng 4 năm 1993, ÐTC đến viếng thăm Albani và phong chức Giám mục cho bốn linh mục, trong số này có ba vị là chứng nhân anh hùng còn sống sót, sau nhiều năm tù đầy. Cũng để tỏ lòng ưu ái dối với Giáo hội tử đạo này, ÐTC đã tôn phong Cha Koliqi, sau nhiều năm bị giam tù, lên bậc Hồng Y. Ngày 18 tháng 9 năm 1991, ngay sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản, Tòa Thánh và Cộng hòa Albani đã thiết lập quan hệ ngoại giao trên cấp bậc Sứ Thần và Ðại sứ.

Trong bài bài phỏng vấn dài dành cho nhật báo L' Osservatore Romano (26.01.2002), Ðức Cha Rrok  K.Mirdita, TGM giáo phận Tirana, một trong bốn vị giám mục được ÐTC phong chức tại Scutari ngày 25 tháng 4 năm 1993, đã giải thích ý  nghĩa của lễ thánh hiến nhà thờ chính tòa như sau:"Lễ nghi này có nhiều ý nghĩa..... Chúng tôi đã phải trả giá rất cao vì sự trung thành này và sau đó được thấy ÐTC đến Albani viếng thăm ngày 25 tháng 4  năm 1993. Ngày nay chúng tôi thấy rõ ràng: cần phải trung thành với Giáo hội hoàn cầu và cần cảm thấy mình là thành phần của đại gia đình Thiên Chúa trong hiệp thông với ÐTC. Giờ đây, chuyến viếng thăm của ÐHY Angelo Sodano, như Ðặc sứ của ÐTC, một lần nữa nói lên cho chúng tôi biết tình yêu thương của ÐTC đối với Giáo hội này. Ðây là một sự khuyến khích cho chúng tôi, để chúng tôi có thể tiếp tục cách cương quyết công việc rao giảng Tin Mừng".

Nhìn về lịch sử, chúng ta thấy Albani là một trong các quốc gia Châu Âu được lãnh nhận đức tin từ thời các Thánh Tông đồ, cách riêng giáo phận Durazzo. Albani ngay từ dầu đã có nhiều vị tử đạo. Trong thế kỷ thứ VIII-IX, Giáo hội công giáo chống  lại những cuộc xâm lăng của các toán quân man rợ, và, dù với nhiều khó khăn, đã biết hòa đồng và Kitô hóa các dân tộc mới đến lập cư trên đất Albani.

Từ thế kỷ XIV trở đi, Albani phải đối phó với những cuộc xâm chiếm của Hồi giáo. Albani bị đặt dưới quyền thống trị của nguời Thổ nhĩ kỳ trong nhiều thế kỷ. Nhưng trong thời kỳ này, ông Giorgio Castriota Skanderbeg, người Công giáo, đã can đảm chống lại những người xâm lăng năm 1468. Với cuộc kháng chiến anh hùng này, nhà ái quốc Công giáo Albani đã để lại dấu vết sâu xa trong lịch sử của dân tộc, với những hậu quả rất đáng kể trong đời sống Giáo hội  tại Albani.

Trong thế kỷ XVII, xuất hiện những dấu hiệu của một cuộc phục hưng Giáo hội, nhờ vào sự giúp đỡ của Tòa Thánh và cách riêng của Bộ Truyền giáo (nay gọi là Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc). Hàng Giáo phẩm được tái lập và công việc mục vụ được. Năm 1703, Công đồng quốc gia Albani lần thứ nhất được  triệu tập do Ðức Clementê XI (1700-1721).

Năm 1912, sau khi Albani lấy lại được nền độc lập, Giáo hội công giáo, được tương đối tự do, phát triển công việc mục vụ, bằng việc góp công rất đáng kể vào việc phục hưng thiêng liêng và luân  lý của xã hội, nhất là bằng các công việc từ thiện bác ái và giáo dục, do Hàng giáo sĩ giáo phận và nhiều dòng tu, trong đó phải nhắc cách riêng Dòng Phanxicô và Dòng Tên.

Tòa Thánh cử nhiều vị Khâm sứ đến Albania. Lúc đó Tòa Khâm sứ được đặt tại Scutari, một trung tâm Công giáo đông đảo hơn cả của Albani. Các vị đại diện này bảo đảm những liên lạc giữa Giáo hội địa phương và Tòa Thánh, bằng những hoạt động nhằm phát triển sự hiểu biết và thỏa thuận nhiều hơn với nhà cầm quyền địa phương. Ðức Cha Ernesto Cozzi là vị Khâm sứ đầu tiên tại Albani, được bổ nhiệm ngày 12 tháng 11 năm 1920. Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1927, Ðức TGM Giovanni Battista Della Pietra thế vị. Ngày 19 tháng 5 năm 1936, Ðức Cha Ildebrando Antoniutti, đến thay thế Ðức TGM Della Pietra và ngày 18 tháng 8 năm 1938, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Cha Giovanni Battista Nigris thay Ðức Cha Antoniutti. Ðức Cha Nigris là vị Khâm sứ sau cùng, vì từ tháng 5 năm 1945, lúc chế độ cộng sản lên nắm quyền, chính phủ Tirana  không cho Vị đại diện Tòa Thánh trở lại Albani nữa. Từ đó  mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Tòa Thánh bị gián đoạn.

Với chế độ cộng sản vô thần, Giáo hội công giáo tại Albani bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn: cuộc bách hại trở nên dữ dội và tàn bạo hơn tất cả các nơi khác. Các giám mục, linh mục, tu sĩ nam, nữ và giáo dân đều là nạn nhân của chế độ: những vụ xử sơ sài, gian dối, những vụ tù đầy và sát hại trong toàn lãnh thổ. Mỗi ngày, vòng vây của chế độ mỗi thu hẹp, bằng những luật lệ bất công và giới hạn tới mức tối  đa, với mục đích duy nhất: loại trừ tận gốc rễ không những sự hiện diện của Giáo hội công giáo, nhưng còn mọi  tâm tình tôn giáo nữa, để thành lập quốc gia duy nhất vô thần trên thế giới.

Năm 1967, nhà độc tài Enver Hoxha đẩy mạnh cuộc cách mạng cộng sản vô thần. Làn sóng mới này đưa đến việc đóng cửa 2,169 nhà thờ công giáo, đền thờ Hồi giáo và tu viện. Các nơi phụng tự này được biến thành  các trung tâm văn hóa cho thanh niên cộng sản, phần lớn khác bị phá hủy, để trên lãnh thổ "vô thần" này không còn vết tích gì về tôn giáo nữa. Enver Hoxha tuyên bố:  "Albani là quốc gia đầu tiên vô thần trên thế giới", trong quốc gia này từ nay, thời gian dành cho tôn giáo và cho các giáo hội được coi là mãi mãi chấm dứt".

Tình trạng đau khổ của Giáo hội Albani đã được ÐTC Gioan Phaolô II nhắc đến ngày mùng 5 tháng 10 năm 1980, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Otranto, thành phố miền đông nam nước Ý, bên bờ  biển Adriatico đối diện với Albania bên kia. Ngài nói: "Trong cơ hội thuận tiện như vậy của ngày hôm nay đây, tôi không thể không nhìn về bên kia biển, nhìn về Giáo hội anh hùng Albani kế bên chúng ta, một Giáo hội bị đảo lộn bởi cuộc bách hại dữ dội và lâu dài, nhưng được phong phú hóa bởi chứng tá của các Vị tữ đạo: Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam, nữ và giáo dân".

Trước cuộc bách hại dữ dội và lâu dài của chế độ cộng sản khởi sự từ năm 1945, tại Albani, có 7 Giám mục, 200 linh mục và trên  200 nữ tu. Lúc chế dộ cộng sản sụp đổ, chỉ còn một Giám mục, khoảng 30 linh mục và nữ tu: tất cả đều già yếu và hầu hết đã phải giam tù trong nhiều năm. Ðây là thời kỳ đau khổ, nhưng đồng  thời cũng là thời kỳ oanh liệt của một Giáo hội anh hùng, một Giáo hội, như Ðức Phaolô VI (1963-1978)  nói: "bị cưỡng ép sống, hay nói đúng hơn, sống sót trong bóng tối của sợ hãi, trong tối  tăm ngạt thở và làm tê liệt của luật pháp giả tạo và đàn áp: một Giáo hội của thầm lặng, của chịu đựng, của cơn hấp hối, do thiếu tự do chính đáng và tự nhiên của con người trong việc tuyên xưng đức tin và thi hành sứ vụ riêng của mình về giáo dục thiêng liêng, luân lý và về công việc từ thiện bác ái-xã hội" (Giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật 01 tháng 4 năm 1973).

Từ năm 1990 trở đi Albani được biết đến những biến đổi lớn lao. Nhờ những biến đổi này, Albani trở lại gặp gỡ Tòa Thánh và tái lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, Giáo hội công giáo tiến từ từ trên con đường phục hưng. Sau việc tái thiết quan hệ ngoại giao, ÐTC lập lại Hàng Giáo phẩm và chính ngài phong chức Giám mục cho bốn Giám mục ngày 25 tháng 4 năm 1993 tại Scutari. Trong số bốn vị chủ chăn mới này của Giáo hội Albani, có ba vị đã từng sống nhiều năm trong tù của chế độ cộng sản, đó là Ðức Cha Franco Illia, Giám mục giáo phận Scutari, 25 năm trong nhà giam - Ðức Cha Roberto Ashta, sau nhiều năm trong tù, dù đã 75 tuổi, được bổ nhiệm coi sóc giáo phận Pult, thuộc miền núi mạn bắc Albania. Ngài đã qua đời trong Ngày Lễ Phục sinh, sau khi cử hành thánh lễ và trong lúc đi bộ mang Mình Thánh Chúa cho một bệnh nhân - Ðức Cha Zef Simoni, giám mục phụ tá giáo phận Scutari, hiện còn sống, cũng đã nếm thử các cuộc bách hại; ngài là vị giám mục duy nhất của HÐGM Albani, như chiếc nhẫn nối thời gian quá khứ của Giáo hội Albani với hiện tại và tương lai.

Trong dịp lễ thánh hiến nhà thờ chính tòa Tirana, Ðức Cha Mirdita, TGM giáo phận, nói với đặc phái viên của L' Osservatore Romano rằng: "Tôi được ơn trọng gặp gỡ rất nhiều linh mục và tín hữu Kitô Albani đã minh chứng Chúa Kitô một cách can đảm phi thường, không sợ hãi, không phản bội. Ðây là những người đã hoàn toàn hiến thân cho Chúa Kitô. Trong lúc này, tôi không thể nhắc lại tất cả được. Ngoài các vị tử đạo đã bị bắn hoặc bị làm cho chết cách này, cách khác, tôi luôn luôn nói rằng: chúng tôi có "các vị tử đạo sống nữa", nghĩa là những vị, qua các cuộc bách hại dữ dội và lâu dài, đã luôn luôn trung thành với Chúa Kitô, đang sống giữa chúng tôi và khuyến khích chúng tôi sống như các ngài đã sống, trung thành với đức tin trong đời sống hằng ngày. Chúng tôi phải nhìn vào các ngài để can đảm sống đức tin hằng ngày và đem đức tin cho những ai chưa biết Chúa. Ðây là gia tài quí báu các vị tử đạo để lại cho chúng tôi. Nhờ các ngài, Giáo hội tại Albani đã không chết và nay đang tiến trẽn con đường phục hưng".

 


Back to Home Page