Cuộc họp báo trình bày Văn kiện mới

của ÐTC Gioan Phaolô II về Bí tích Hòa giải

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc họp báo trình bày Văn kiện mới của ÐTC Gioan Phaolô II về Bí tích Hòa giải.

Sáng thứ năm, mùng 2 tháng 5/2002, hai Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin và ÐHY Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích, cùng với Ðức TGM Julian Herranz, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng phụ trách việc giải thích các bản văn luật pháp, trình bày với giới báo chí Văn kiện mới của ÐTC Gioan Phaolô II, có tựa đề là: "Misericodia Dei" (Lòng thương xót Thiên Chúa),  nói về Bí tích Hòa giải. Văn Kiện mới được gọi là  "Tông thư ", nhưng cũng mang một tính cách  của một "Tự Sắc" (Motu Proprio),  một văn kiện có tính cách luật pháp, được ÐTC dùng để công bố những luật lệ của Giáo hội, trong những hoàn cảnh riêng biệt.

Vì thế chúng ta thấy: trong cuộc họp báo, ngoài ÐHY Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích, còn có sự hiện diện của ÐHY Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin  và Ðức TGM Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh giải thích bản văn luật pháp của Giáo hội. Sự hiện diện ý nghĩa này nói lên tính cách quan trọng của Văn Kiện mới,  được chính ÐTC ký tên và công bố cho toàn Giáo hội.

Mục đích của Văn kiện mới nhằm đề cao sự quan trọng và sự cần thiết của Bí tích Hòa Giải, ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, đồng thời nêu lên những chỉ dẫn,  để phục hưng Bí tích Hòa Giải này trong đời sống Giáo hội.

Trong Năm Toàn xá, người ta đã ghi nhận được những dấu hiệu tốt đẹp của việc phục hưng Bí tích Hòa Giải. Số người lãnh Bí tích trên cả thế giới, cách riêng tại Roma, nhất là Ngày Thế giới Thánh niên, tháng 8 năm 2000, rất khích lệ. Dù vậy Bí tích Hòa giải vẫn còn trong "cơn khủng hoảng", cách riêng tại thế giới Tây phương. Cơn khủng hoảng này một phần do các linh mục, phần khác do phía giáo dân.

Do các Linh mục,  vì các ngài không quan tâm đến việc ngồi Tòa Giải tội và không sẵn sàng đón nhận những người xin xưng tội, coi việc ngồi tòa giải tội là một gánh nặng,  hoặc lạm dụng Bí tích Hòa giải bằng cách "giải tội chung hay tập thể", không lo giáo huấn về Bí tích quan trọng này trong đời sống người giáo dân và biếng nhát lãnh nhận bí tích nầy trong chính đời sống linh mục. Như  vậy, có thể nói chính linh mục  làm cho người giáo dân  rơi vào thái độ coi thường Bí tích Hòa giải và dần dần đi đến việc bỏ hẳn việc xưng tội, mà chỉ đợi dịp tiện  "để lãnh nhận việc giải tội tập thể".

Từ  phía giáo dân - Do việc giảm bớt đức tin - do việc thiếu sót về giáo lý - do mất quan niệm về tội lỗi - do tự ái, hổ thẹn không muốn tiết lộ tội lỗi mình với người khác - do xưng tội vì thói quen, thiếu chuẩn bị và kiểm thảo bản thân... hoặc không tín nhiệm nơi linh mục, nhất là cha sở của mình,  vì lý do này lý do khác... vân vân.

Giờ đây chúng tôi xin lược tóm những điểm chính của Văn kiện "Misericordia Dei".  Và có  tám  (08) điểm sau đây:

1 - Hình thức duy nhất của việc xung tội "thành" (valide) là việc thú tội cá nhân và  xưng thú  mọi tội trọng đã phạm, sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, mà chưa được tha thứ (số 1, a).

2 - Cấm các linh mục ban phép giải tội tập thể hoặc chung. Việc ban phép giải tội tập thể hay chung, chỉ được phép trong trường hợp nguy  tử  hay có sự cần thiết thực sự trầm trọng. Trong hai trường hợp này, lúc nào có thể, vẫn bắt buộc phải xưng tội cá nhân (các tội đã được tha trong lần giải tội chung hay tập thể).

3 - Việc Phê phán có hay không có những điều kiện của những trường hợp thực sự khẩn cấp,  là việc thuộc thẩm quyền của mỗi giám mục giáo phận và Hội đồng Giám mục quốc gia. Quyền này không thuộc về linh mục giải tội  xem  giáo luật  khoảng 961, triệt 1 và số 6 của Tông thư -Tự Sắc).

4 - Nơi duy nhất và tòa giải tội để cử hành Bí tích Hòa giải là: nhà thờ hay nhà nguyện, hay một nơi nào khác, vì lý do chính đáng mục vụ đòi hỏi (x. số 9 , a).

5 - Tòa giải tội phải có vách che, để phân biệt vị giải tội khỏi người xưng tội và phải được đặt nơi mọi người thấy rõ (visibile).  Luật lệ về tòa giải tội do các HÐGM ấn định (x. số 9, b).

6 - Cấm các linh mục không được ban Bí tích hòa giải cách dễ dàng cho những người thường sống trong tình trạng tội lỗi mà không muốn thay đổi đời sống.  Ðối với các tín hữu, luật bắt buộc xưng tội  một năm ít là một lần vẫn còn hiệu lực, không có gì thay đổi.

7 - Tông thư -Tự sắc này có giá trị cho cả các Giáo hội Ðông phương (x. số 9, phần kết).

8 - Tông thư -Tự sắc này có giá trị và phải được tuân giữ kể từ ngày  ÐTC ký nhận, tức mùng 7 tháng 4 năm 2002,  Chúa  nhật  cuối tuần bát nhật Lễ Phục sinh, và cũng là Chúa nhật của Lòng Thương xót Chúa.

Kết thúc bài thời sự nầy, chúng tôi xin trích lại đây nhận xét của ÐHY Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin, vào khởi đầu bài giới thiệu Tông Thư-Tự Sắc, như sau: "Ðiều rõ ràng trong giờ phút lịch sử chúng ta hôm nay là nhân loại cần sự thanh tẩy và sự tha thứ. Chính vì vậy, mà ÐTC Gioan Phaolô II trong tông thư "Khởi đầu ngàn năm mới (số 37) đã ước mong  sao giữa những ưu tiên của sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm mới, có một sự can đảm mới trong hoạt động mục vụ, để trình bày một cách đầy thuyết phục và hữu hiệu việc thực hành bí tích Hòa Giải".


Back to Home Page