ÐTC tiếp Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh

nhân dịp Ðầu Năm mới 2002

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC tiếp Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh dịp Ðầu Năm mới 2002.

Sáng thứ năm 10.01.2002, trong Phòng Khánh Tiết "Regia" của Phủ Giáo Hoàng, được trang hoàng bông hoa và thảm đỏ, như trong các dịp Ðại Lễ, ÐTC tiếp chung Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh,  gồm 172 đại diện các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới, đến chúc mừng Năm mới 2002. Diễn văn của ÐTC đọc trong dịp này luôn luôn là một diễn văn được lưu ý cách riêng, không những nơi các nhà ngoại giao hiện diện trong buổi tiềp kiến, nhưng nhất là nơi các cơ quan thông tin. Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin lược tóm những điểm chính của bài diễn văn quan trọng này. Trong bài nói chuyện sau, chúng tôi xin tường thuật những phản ứng báo chí về bài diễn văn. Chúng tôi có thể quả quyết: Thành phố quốc gia Vatican là một nước nhỏ bé nhất trên thế giới xét về phương diện địa dư (gồm không đầy nửa cây số vuông), nhưng uy tín của vị lãnh đạo quốc gia này lại rất lớn lao và tiếng nói của ngài có một ảnh hưởng rộng rãi trên cộng  đồng quốc tế. Nhìn vào con số đại diện các quốc gia trên thế giới cạnh Tòa Thánh, chúng ta thấy ngay sự quan trọng của Quốc gia tí hon này trên trường quốc tế.

"Chúng ta đừng để mình bị lấn át bởi sự khó khăn gay go của thời đại này. Trái lại chúng ta hãy mở rộng tâm hồn và trí tuệ nhìn vào các thách đố lớn lao đang chờ đợi chúng ta". Ðây là lời  khuyên mở dầu diễn văn ÐTC đọc cho Ngoại giao đoàn hiện diện đông đủ trong buổi tiếp kiến chung dịp Năm mới.

Những thách đố lớn lao được ÐTC nêu lên là những thách đố nào? Có  tám thách đố:

- Bênh vực tính cách thánh thiêng của sự sống con người trong mọi hoàn cảnh, cách riêng đứng trước những lèo lái về truyền sinh.

- Thăng tiến gia đình, tế bào nền tảng của xã hội;

- Loại trừ cảnh nghèo khổ, nhờ vào những nỗ lực được xử dụng cho việc phát triển -  giảm bớt các món nợ và mở rộng việc thương mại quốc tế, cách riêng cho các quốc gia chậm tiến;

- Tôn trọng các quyền của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, bằng sự chú ý cách riêng đối với những lớp người dễ bị tổn thương hơn cả, như các trẻ em, các người phụ nữ và các người di cư, tị nạn;

- Tài giảm: giảm bớt việc buôn bán vũ khí cho các nước nghèo và củng cố hòa bình, sau các vụ tranh chấp;

- Chiến đấu chống lại các chứng bệnh và để cho các người nghèo  được hưởng việc chữa bệnh và các loại  thuốc men cần thiết;

- Bảo vệ môi sinh và đề phòng những tại họa thiên nhiên;

- Áp dụng nghiêm chỉnh luật pháp và các qui ước quốc tế.

ÐTC nói: "Dĩ nhiên có thể thêm nhiều đòi hỏi khác nữa. Nhưng nếu các ưu tiên này luôn luôn được sự chú ý lo lắng của các vị trách nhiệm chính trị, nếu các người thiện chí đem thực hiện những ưu tiên này trong dấn thân hằng ngày của các vị, nếu các vị lãnh đạo các tôn giáo kèm theo những ưu tiên đó trong giáo huấn của các vị, thì thế giới này chắc chắn sẽ hoàn toàn trở nên khác".

Sau khi nêu lên các thách đố đang chờ đợi và cần phải đối phó với tín nhiệm và can đảm, trong diễn văn, ÐTC đề cập đến các diểm sau đây:

Trước hết Ðức Gioan Phaolô II khuyên tín nhiệm vào Thiên Chúa: "Tương lai đang mở rộng trước mắt chúng ta, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trên các ngả đường. Ðối với những ai đặt tín nhiệm và hy vọng của mình nơi Chúa Giêsu, sinh tại Betlem, để trở nên một người trong chúng ta, thì sứ điệp của Thiên sứ nói với các mục đồng: "Ðừng sợ" trong Ðêm Giáng sinh, sẽ vang lên trong tâm hồn  họ".

Nhắc đến việc thành lập Liên hiệp Châu Âu, ÐTC vui mừng về nhiều bước tiến đã thu lượm được, nhưng ngài không khỏi buồn phiền và phàn nàn về việc loại bỏ tôn giáo ra ngoài Hiến chương.  "Việc loại trừ các tôn giáo ra khỏi Hiến chuơng Châu Âu là một bất công và sai lầm về viễn tượng. Công nhận một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được thực ra không có nghĩa là không biết đến đòi hỏi của thời mới của tính cách "trần tục" của các Quốc gia và do đó của Châu Âu".

Sau vấn đề Liên hiệp Châu Âu, nhìn về các nước khác, ÐTC nói:  "Những bước tiến ý nghĩa trên đường hòa giải giữa con người và các dân tộc: Ðảo Chypre, Kosovo, Cộng hòa nhân dân Trung quốc và Cộng hòa Trung quốc (Ðài Loan), Sri Lanka.

Nhìn sang Thánh địa, nhất là trong lúc này, ÐTC quả quyết: "Vì lỗi lầm của con người, Thánh địa nay là một miền đất của khói lửa và của máu đào. Các loại vũ khí và những vụ khủng bố đẫm máu không bao giờ là dụng cụ tương xứng để làm cho sứ điệp chính trị đến với các phe đối lập, các phe này phải ngồi vào bàn để đối thoại với nhau. Người dân Israel và Palestine, bên này chống bên kia, sẽ không bao giờ thắng trận. Phe này cùng với phe kia ngồi vào bàn thảo luận có thể đi đến hòa bình. Chỉ khi nào có sự tôn trọng người khác và các ước vọng chính đáng của nhau, áp dụng quốc tế công pháp, giải tỏa các lãnh thổ bị chiếm đóng và một qui chế được quốc tế bảo đảm đối với các phần thánh thiêng hơn cả của Giêrusalem, lúc đó mới có thể khởi sự một tiến trình hòa bình trong miền này của thế giới".

Nhìn sang Hoa kỳ, ÐTC nói: "Sau ngày 11 tháng 9/2001 (tức sau vụ khủng bố tại New York và Washington), cần khởi sự việc chữa lành các vết thương, lướt thắng sự sợ hãi và tránh đừng để sự dữ thêm vào sự dữ, bạo động thêm vào bạo động. Ðứng trước vụ tấn công dã man và những vụ sát hại kinh khủng, vấn đề tự vệ chính đáng không những được đặt ra, nhưng cả vấn đề của các phương tiện tương xứng để loại trừ tận gốc rễ chính sách khủng bố, cũng như vấn đề tìm kiếm những căn cớ gây nên những hành động như vậy".

Ðức Gioan Phaolô II lên án những người dùng tôn giáo, thánh danh Thiên Chúa, để gây chiến tranh hay khủng bố. Ngài nhấn mạnh: "Giết người nhân danh Thiên Chúa là một đảo lộn bản chất của tôn giáo. Cần phải lắng nghe câu hỏi phát xuất tự đáy tâm hồn: chỗ đứng và việc xử dụng tôn giáo trong đời sống con người và đời sống  xã hội".

Nhìn về Châu phi, Ðức Gioan Phaolô II nhận xét như sau: "Việc thành lập "Liên hiệp Châu phi", tự nó là một tin vui mừng, tốt lành. Tổ chức này phải góp công vào việc làm nên những nguyên tắc chung liên kết các quốc gia thành viên, để đáp lại những thách đố quan trọng và khẩn cấp hơn, như: đề phòng những vụ tranh chấp vũ trang,  giáo dục và chiến đấu chống lại cảnh nghèo khổ".

Quay sang Châu Mỹ Latinh, cách riêng Argentina trong lúc này, ÐTC nói:  "Một lời kêu gọi tha thiết tôi gửi đến các dân tộc Châu Mỹ Latinh và nhất là người dân Argentina trong cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Trong những khó khăn quá nặng nề, cần phải giữ nuôi dưỡng hy vọng để nó luôn luôn sống, bằng việc ý thức rõ ràng rằng: với những tài nguyên thiên nhiên và tài năng con người, tình hình hiện nay không phải là không thay đổi được và tình hình này phải được vượt qua do sự góp công của mọi nguời dân".

Trong phần cuối diễn văn ÐTC nêu hai câu  hỏi này: chân lý về Thiên Chúa và chân lý về con người - Thiên Chúa không phải để phục vụ một con người hay một dân tộc nào, và không một dự án nào của con người có thể tự phụ coi mình chiếm đoạt được chân lý này... Ðây là chân lý về Thiên Chúa và về con người. Các tín hữu Kitô cống hiến chân lý này cho mọi người, cách riêng cho anh chị em tín hữu của Hồi giáo đích danh, tôn giáo của hòa bình và và của tình yêu nhân loại".

Trong phần kết thúc ÐTC nói: "Những thách đố đang chờ đợi chúng ta. Thưa  quý Ngài, tôi xin phú thác những suy tư này cho các Ngài. Ðây là những suy tư phát xuất bởi việc cầu nguyện, cũng như bởi những cuộc tâm sự mà tôi đã nhận được bởi những vị đã đến thăm tôi. Tôi xin các Ngài chuyển đến các chính phủ của các Ngài. Những tối tăm chỉ có thể bị đuổi xa bởi ánh sáng. Sự thù ghét chỉ có thể thắng bởi tình yêu. Lời cầu chúc nồng nhiệt hơn cả,  lời cầu chúc mà tôi phú thác cho Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và tôi tin rằng lời cầu chúc này sẽ đến với tất cả các vị tham dự cuộc gặp gỡ tới đây tại Assisi: đó là chúng ta hết thảy mang ánh sáng của tình yêu trong tay không vũ trang gì cả, vì chỉ có ánh sáng tình yêu mới không làm ta thất vọng. Ước gì Thiên Chúa là hạnh phúc như vậy cho mọi người!".

 


Back to Home Page