Cuộc Biểu tình

chống Giáo hội Công giáo tại Nga

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc Biểu tình chống Giáo hội Công giáo tại Nga.

Chúa nhật 28/04/2002, tại nhiều thành phố Nga, có những cuộc biểu tình chống Giáo hội Công giáo, do nhóm quốc gia quá khích và nhóm cựu cộng sản tổ chức, nhưng không có sự tham dự của Tòa Giáo Chủ chính thống Moscowa. Các đoàn biều tình tại mỗi thành phố gồm khoảng vài chục người; đông hơn cả là đoàn tại Moscowa, khoảng vài trăm  người, tụ họp tại Quảng trường trước đài kính hai thánh Cirillo và Methodio, vị rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho các dân tộc Slavô. Có thể những người biểu tình này vô tình đã không biết rằng: họ đã chọn nơi biểu hiệu rất ý nghĩa của sự hiệp nhất giữa Ðông và Tây, trong lúc họ hô khẩu hiệu chống Giáo hội Tây phương, và tố cáo Vatican  có thái độ "chiêu dụ tín đồ của Giáo hội chính thống",  và thi hành "chính sách bành trướng" trên lãnh thổ Nga. "Vatican, hãy ra đi khỏi đất Nga". Ðây là một trong các biểu ngữ, mà nhóm quốc gia  quá khích, nhóm cựu cộng sản, nhóm chiến sĩ của Hiệp hội các tín hữu chính thống và của Ðảng bình dân Nga, trưng lên trong cuộc biểu tình. Người hô mạnh mẽ hơn cả là ông Serghei Barburin, thuộc nhóm quốc gia-Bolsevic; ông cũng là một trong các vị đứng đầu cuộc nổi loạn chống ông Boris Eltsin (cựu Tổng thống Nga) năm 1993; nhưng ngày nay ông không dám lên tiếng chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin. Trái lại ông muốn chiến đấu chống những thù địch "tưởng tượng" . Thực ra, cuộc biểu tình tại Moscowa có tính cách hoàn toàn chính trị, với sự hiện diện của một tu sĩ chính thống duy nhất, nhưng tu sĩ này lại không được phát biểu ý kiến trên khán đài.

Tòa Giáo chủ Moscowa không đồng ý và cũng không bảo trợ  những cuộc biểu tình này, cho dù một trong các người tham dự thuộc Hiệp hội các người công dân chính thống, tự hào có những mối liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo phẩm cấp cao của Giáo hội chính thống Nga.

Những chỉ trích, chống đối Giáo hội Công giáo  xuất hiện trở lại sau khi Tòa Thánh quyết định cất nhắc bốn giáo hạt giám quản Tông Tòa lên hàng  Giáo phận chính tòa  và thành lập Tổng Giáo tỉnh Moscowa. Từ đó bầu khí trở nên căng thẳng mỗi ngày mỗi thêm mãi, đến việc trục xuất mới đây Cha Stefano Caprio, người Ý, Cha sở họ Vladimir và  trục xuất Ðức Cha Jerzy Mazur, người Ba lan, Giám mục giáo phận Irkutsk. Hai vụ trục xuất này là những hành động rất trầm trọng, chưa hề xẩy ra trên lãnh thổ của Liên Bang Nga và làm cho mọi người nhớ lại chính sách bách hại Công giáo thời chế độ cộng sản Liên xô. Cho tới lúc này Nhà Cầm quyên Nga vẫn yên lặng, dù có sự phản đối chính thức của Vatican. Ðột nhiên thủ tục cấp hộ chiếu và gia hạn cư trú cho các người ngoại quốc trở nên khó  khăn. Một sự việc khác vừa xẩy ra cho một Cha Dòng Phanxicô, người Ba lan. Hai công an lại gần Cha đang đi trên đường phố và hỏi giấy tờ. "Ông là người Công giáo phải không?". Sau khi đã biết  biết rõ Cha cư trú tại Nga vì lý tôn giáo, hai công an xé nát thông hành và vứt vào thùng rác bên đường, nói với Cha: "Ðây là chỗ của ông!". Cho tới lúc này không có một giải thích nào về phía nhà cầm quyền, cho trường hợp vừa xẩy ra, và cả cho hai vụ trục xuất  trước đây. Thủ tướng chính phủ, ông Kasyanov và Tổng Thống Putin đều giữ thái độ im lặng.

Cách đây hơn một tháng, Vị Chủ tịch Ủy Ban tôn giáo vụ của Ðiện Cẩm Linh, ông Abramov, đã vội vàng gửi điện văn chúc mừng Ðức Cha Tadeusz Kondrusiewicz, TGM Moscowa, về việc cất nhắc bốn Giáo hạt giám quản Tông Tòa lên hàng Giáo phận chính tòa. Rồi sau đó, xẩy ra các vụ trục xuất. Một sự kiện rất khó hiểu. Thái độ hàm hồ của Ðiện Cẩm Linh sẽ đi đến đâu? Các người Công giáo tại Nga lo lắng chờ đợi sự can thiệp của Tổng thống Putin. Ông Igor  Kowalewski, thư ký HÐGM Nga, công nhận rằng: "Nhiều tín hữu Công giáo cảm thấy mình bị đe dọa và cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Nga cũng rất lo lắng về tình hình mới này, nhưng không muốn gây nên những báo động, bởi vì những vụ xẩy ra kia là thành quả của một chính sách hàm hồ,  và trước sau, hay sớm muộn gì rồi Giáo hội Chính thống phải có thái độ rõ ràng.

Thái độ hàm hồ, bởi vì sự hiện diện của Công giáo vẫn bị "đồng hóa với chính sách chiêu mộ tín đồ Chính thống". Trong tuần vừa qua, Ðức TGM chính thống Kirill, phụ trách ngoại vụ của Tòa Giáo chủ Moscowa, yêu cầu Giáo hội Công giáo "xin lỗi", vì đã tìm cách thuyết phục người Nga, theo truyền thống vốn thuộc giáo hội Chính thống, trở lại Giáo hội Công giáo. Ðức Kirill quả quyết rằng: "Sau đó, mới có thể trở lại đối thoại với nhau".  Và đây chỉ là một việc che đậy những lời tố cáo không nền tảng từ trước tới giờ  về việc "chiêu mộ tín đồ". Việc tố cáo  nầy không phải là một mới lạ. Trái lại việc yêu cầu người Công giáo xin lỗi là một sự kiện  không hề có từ trước tới giờ.  Cha Aleksander Borisov, thuộc Giáo hội Chính thống, cha sở họ Thánh Cosma và Damiano, ở trung tâm Moscowa, giải thích: "Những người trở lại Giáo hội Công giáo, xét chung, thường là những người đã  sống vô thần; số các tín hữu Chính thống chuyển sang Ðạo Công giáo rất ít. Sở dĩ có việc trở sang Giáo hội Công giáo, bởi vì các linh mục Công giáo ngoại quốc hoạt động hơn các linh mục Chính thống của chúng ta, họ biết gặp gỡ dân chúng, biết tiếp xúc với giới trẻ. Thay vì la hò tố cáo chiêu mộ,  chúng ta  phải tự vấn lương tâm về sự lười lĩnh và về sự thiếu hăng say hiện đang thống trị Giáo hội chúng ta".

Nhân cơ hội này, Cha Antonia Pernia, Bề Trên Tỉnh Dòng  "Ngôi Lời" (Verbo Divino), tuyên bố với hãng thông tấn của các Tu sĩ "Vidimus Dominum" rằng:  "Chúng tôi đang tìm minh chứng tính cách hoàn vũ của Giáo hội Công giáo, bởi vì tại miền Siberia này (nơi có giáo phận của Ðức Cha Jerzy Mazur bị trục xuất, cũng thuộc Dòng Ngôi Lời), người dân có khuynh hướng coi Giáo hội là một tổ chức của Ba lan, vì đa số các linh mục đến từ Ba lan. Lúc này đây, chúng tôi tìm cách minh chứng tính cách hoàn vũ của Giáo hội Công giáo, bằng việc gửi đến đây các nhà truyền giáo  thuộc các quốc gia khác nhau. Rồi chúng tôi tìm cách mở cuộc đối thoại với Giáo hội Chính thống, để làm biến đi ấn tượng là chúng tôi lấy đi các tín hữu của họ. Chúng tôi cũng có những công việc xã hội và cần một sự cộng tác, để làm giảm bớt những điều kiện đáng thương của các người nghiện a-phiến, nghiện rượu: đây là một cách đi ra ngoài cộng đồng Công giáo, để có thể gặp gỡ  những người không Công giáo và tất cả những ai sống trong hoàn cảnh túng cực".

Hiện nay các nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời đang hoạt động tại Moscowa, Bielorussia và Siberia. Tại Siberia, trong giáo phận Ðức Cha Mazur, các nhà truyền giáo Ngôi Lời đang coi một giáo xứ giáp biên giới Trung quốc, nơi đây có tùng triệu người Trung quốc di dân và việc rao giảng Tin Mừng phải được coi là một ưu tiên. Cha Pernia cho biết thêm: "Ðối thoại với người dân thường dễ dàng hơn là với Hàng giáo phẩm Chính thống. Người thường dân, các tín hữu cởi mở và sẵn sàng cộng tác, nhất là  trong các vấn đề xã hội".

Các nhà truyền giáo Ngôi Lời hiện diện tại 63 quốc gia khác nhau của Năm Châu. Ngày nay, dấn thân mạnh mẽ hơn cả là tại Á châu, trong các tỉnh lớn của Indonesia và Ấn độ. Indonesia, Ấn độ và Philippines là ba quốc gia cung cấp phần lớn Ơn Kêu Gọi cho Dòng Ngôi.


Back to Home Page