Sr Nirmala, Bề trên Tổng quyền

Dòng Nữ tu thừa sai bác ái

nói về Mẹ Têrêsa

 

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sr Nirmala, Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ tu thừa sai bác ái nói về Mẹ Têrêsa.

Nữ Tu Nirmala, Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ Tu thừa sai bác ái, do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1949 tại Calcutta Ấn độ,  nói về Mẹ với đặc phái viên nhật báo "Tương Lai" trong chuyến viếng thăm của phái đoàn công giáo Ý tại Calcutta. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997, cách đây gần 5 năm. Và Nữ Tu Nirmala, một trong các nữ tu đầu tiên của Dòng, là người kế vị Mẹ Têrêsa trong chức vụ điều hành toàn Dòng.

Nữ Tu  Nirmala  thích  sống âm thầm, tìm cách tránh mọi cuộc gặp gỡ với giới báo chí; nhưng trong những ngày vừa qua, nhân dịp phái đoàn công giáo Ý đến viếng thăm Calcutta, Chị đành phải tiếp đón và trong khi nói chuyện, chị cho biết tình hình của Dòng sau khi Mẹ Têrêsa qua đời.

Nữ Tu Nirmala, từ hơn năm năm nay, lãnh nhận hướng dẫn toàn dòng như gia tài lớn lao và khó khăn Mẹ Têrêsa để lại. Chị vẫn tin chắc chắn rằng: "Mẹ vẫn còn sống giữa các chị em và chính Mẹ điều hành cách thiêng liêng công việc của Dòng".

Sr Nirmala sinh năm 1934 tại Banchi, trong Bang Bihar thuộc miền Ðông Ấn Ðộ. Cha cha mẹ Chị là người Nepal, theo Ấn giáo. Chị Nirmala Joshi nghe nói về Mẹ Têrêsa lúc 24 tuổi. Do cuộc gặp gỡ riêng  với Mẹ, Nirmala đã từ Ấn giáo trở lại Kitô giáo. Chị Nirmala đậu tiến sĩ về Khoa chính trị tại Ðại học Ấn độ và thi hành nghề luật sư trong ít năm. Sau đó, xin vào Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái và là một trong các Nữ tu đầu tiên của Mẹ Têrêsa, do chính Mẹ huấn luyện. Lúc xin vào tu, Mẹ nói thẳng thắn với Nirmala cũng như với các thiếu nữ khác: "Ðây là một đời sống gay go. Cô hãy về cầu nguyện nhiều đi đã, rồi hãy quyết định". Sau khi đã cầu nguyện và suy nghĩ, Nirmala nhất quyết xin theo Mẹ Têrêsa. Sau khi khấn trọn đời, Sr được gởi đi hoạt động tại Panama (trung Mỹ châu), và tại nhiều nước khác ở Châu Âu và tại Washington.

Trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Ý, Nữ Tu Nirmala quả quyết: "Mẹ Têrêsa luôn luôn ở đây, luôn luôn ở giữa chúng tôi. Dĩ nhiên cách thiêng liêng. Mẹ chỉ đổi nơi ở mà thôi, từ đất về trời".

Nhà của các Nữ tu Thừa sai bác ái ở Calcutta, nằm bên con đường xe cộ đi lại tấp nập ngày đêm. Tiếng ồn ào làm điếc tai, thâu qua cả các bức tường của Tu viện; nhưng trong nhà nguyện nơi  còn giữ những vật kỷ niệm của Mẹ Têrêsa, thì tiếng động hầu như không ngăn trở chút nào việc cầu nguyện, suy ngắm.  Còn tại nơi phần mộ của Mẹ Têrêsa, nơi sân trong của toà nhà, luôn luôn có bông hoa tươi và chiếc đèn sáng. Từ gần năm năm nay, mộ của Mẹ trở nên nơi cầu nguyện, kính viếng của các tín hữu Kitô, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo. Một nữ tu nói với phái đoàn Ý: "Họ đến đây cầu nguyện mỗi ngày, và rất đông. Chúng tôi đón tiếp mọi người, bất cứ thuộc tôn giáo nào và giai cấp nào".

Như chúng tôi vừa nhắc trên đây: Nữ Tu Nirmala không muốn gặp giới báo chí. Nhưng trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Ý, phóng viên nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" (18/04/2002), đã đặt một số câu hỏi và đã được Chị trả lời hết sức vắn tắt.

Hỏi: Từ sau khi Mẹ Têrêsa qua đời, có sự gì đổi thay không?

Chị Ðáp: Ơn Chúa vẫn tiếp tục ở giữa chúng tôi, giúp đỡ và che chở chúng tôi.

Hỏi: Vậy dòng tu của các chị  có gặp phải khó khăn trong vấn đề về ơn kêu gọi không?

Ðáp: Không hề có. Các ơn kêu gọi mới không bao giờ thiếu. Dầu sao, chúng tôi xin mọi người cầu nguyện, để các ơn kêu gọi thêm nhiều hơn nữa.

Hỏi: Vậy Chị có thể làm gì để giúp đỡ các hoạt động của Dòng  bên cạnh các người nghèo khổ?

Ðáp: Ở đây thực ra người dân cần đủ mọi sự, nhưng chúng tôi không bao giờ xin cái gì nơi các vị ân nhân. Chúng tôi biết rằng: những ai có khả năng đều sẵn sàng dâng cúng cách quảng đại. Chúng tôi tin vào chân lý này là Thiên Chúa biết đánh động tâm hồn con người và những thành quả đã cho thấy rõ ràng.

Hỏi: Tại Italia thì hiếm ơn kêu gọi, Chị có biết tại sao không?

Ðáp: Tại vì số sinh quá ít, gia đình không còn có nghị lực thông truyền các giá trị cao quí cho con cái nữa. Ơn kêu gọi phát xuất  trong gia đình, nhưng quá nhiều gia đình tại Tây phương đang đi đến chỗ tan rã.

Hỏi: Nhưng  tại Ấn độ lại khác sao?

Ðáp: Gia đình Ấn độ còn có sự hiệp nhất.

Hỏi: Trong thời đại này bị đánh dấu bằng bạo lực, chiến tranh và các cơn khủng hoảng thế giới lớn lao, vậy các người thiện chí có thể phản ứng bằng cách nào?

Ðáp: Bằng cầu nguyện nhiều hơn, bằng yêu thương nhiều hơn, bằng học hỏi tôn trọng các quyền của người khác.

Ðể kết thúc, chúng tôi xin nhắc lại vắn tắt lịch sử Dòng Nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa.

Ngày 19/03/1949, thiếu nữ đầu tiên đến gặp Mẹ: "Thưa Mẹ, con đến để ở lại với Mẹ". Thiếu nữ này là học trò của Mẹ, tên là Subashini Das. Mẹ trả lời:  "Sẽ là một đời sống gay go. Con hãy cầu nguyện nhiều,  trước khi quyết định".

Ðây là bước đầu tiên Dòng của Mẹ Têrêsa, Dòng các Nữ tu thừa sai bác ái với bộ áo sari trắng (áo sari theo phong tục Ấn độ), viền xanh da trời. Từ đó, Dòng bắt đầu phát triển mạnh mẽ và năm 1965, được Tòa Thánh công nhận "Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng". Hiện nay  Dòng có trên 4,500 Nữ tu, sống trong hơn 600 nhà tại 130 quốc gia trên thế giới. Có lẽ chưa có Tu hội nào phát triển mạnh mẽ như vậy, ngay lúc Vị sáng lập còn sống. Với sức mạnh của tình yêu, các nữ tu này có thể len lỏi vào cả những nơi bị coi như "rất khó khăn", như Trung quốc, Việt nam, Siberia, Cuba v.v... Từ ngày Mẹ qua đời, cách đây gần năm năm, Dòng đã mở thêm hơn 60 nhà mới. Ðiều có ý nghĩa hơn cả là việc mở một nhà mới tại Giêrusalem, trong khu phố cổ kính. Dòng hiện có con số  tập sinh khoảng 200. Giữa cơn khủng hoảng về ơn kêu gọi của rất nhiều Tu hội, cách riêng tại Tây phương, việc phát triển của Dòng Mẹ Têrêsa phải coi như một phép lạ sống động trước mắt mọi người và một bài suy ngắm sâu xa cho các vị trách nhiệm, cách riêng về các Dòng Tu.

Ngoài các Nữ tu thừa sai bác ái, Mẹ Têrêsa còn lập Tu hội "Các vị thừa sai bác ái"  cho ngành nam. Hiện nay có khoảng 500 tu sĩ và linh mục. Các vị ít được biết đến. Con số này đang hoạt động tại 20 quốc gia khác nhau. Khẩu hiệu của các Nam Tu sĩ này là "Làm các việc thường hằng ngày với lòng yêu mến khác thường, để danh Chúa lan rộng thêm mãi".


Back to Home Page