Tổng Thống Nga Vladimir Putin

nói đến vai trò tích cực của kitô Giáo

trong việc hình thành đất nước Nga

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tổng thống Nga, Ông Vladimir Putin  nói đến Vai Trò tích cực của Kitô giáo trong việc thành hình đất nước Nga.

Nhiều người vẫn còn ngạc nhiên mỗi khi nghe thấy có những người cộng sản vô thần trở lại Kitô giáo hoặc nói về Kitô giáo. Ông André Froissard, một ký giả và nhà văn nổi tiếng của Pháp, mới qua đời cách đây ít năm, là một người cộng sản vô thần, đã được ơn trở lại hồi 30 tuổi. Lúc đó, khi đi qua một nhà thờ, André cảm thấy có một sức mạnh lôi kéo ông vào viếng nơi thánh này. Sau một lúc cầu nguyện trong yên lặng , ra khỏi nhà thờ, André tuyên bố: "Dieu existe. Je L'ai vu" (Thiên Chúa có thật. Tôi đã thấy Người). Từ đó ông trở thành một tín hữu công giáo thành tín, bạn thân của Ðức Karol Wojtyla, cả sau khi làm Giáo Hoàng. Trong một cuộc đối thoại với ÐTC, ông đã đặt ra 70 câu hỏi và thu lượm các lời phát biểu thành một cuốn sách về ÐTC. André thường viết cho nhật báo Pháp Le Figaro và một số báo khác nữa...

Trong diễn văn từ giã ÐTC tại sân bay quốc tế Lviv, Ukraine,  ngày 27 tháng 6/2001 vừa qua, sau chuyến viếng thăm 4 ngày tại Ukraine, Tổng thống Leonid Maksimovich Kucma (đọc là: Kutshma) cựu đảng viên cộng sản và nhân viên quan trọng trong guồng máy cai trị của Liên xô tại Ukraine, đã tuyên bố như sau: "Một quốc gia không xây dựng trên nền  tảng đạo đức luân lý, sẽ không tồn tại được". Rồi ông trích lại  câu 1 của  Thánh vịnh 126 (127), như sau:  "Nếu Thiên Chúa không xây cất nhà, thì thợ xây mệt nhọc uổng công ".

Sau khi các chế độ cộng sản tại Trung-Ðông-Âu sụp đổ, nhiều nhân vật quan trọng của chế độ này, trở thành người công giáo, nắm chính quyền như xưa, đi nhà thờ, đến gặp ÐTC và mời ngài viếng thăm nước mình ... Các vị này là những con người thành thực hay xu thời; thật khó mà biết được thâm tâm của họ. Chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi. Phần chúng ta, chúng ta có thể nói  rằng: hiện nay các vị cựu đảng viên cộng sản này, giầu kinh nghiệm về chế độ cộng sản vô thần, sẽ không bao giờ muốn trở lại chế độ cũ nữa, dù trước đây các vị đã là những nhà lãnh đạo quan trọng của Ðảng cộng sản. Trong các vị này, có nhiều vị trở lại với đức tin một cách thành thực. Cựu Tổng thống Mikhail Gorbaciov là một tín hữu chính thống. Bà mẹ của Tổng thống rất sùng đạo. Cựu Tổng thống Boris Eltsin  cũng là một tín hữu chính thống sùng đạo. Và hiện nay, Tổng Thống Vladimir Putin, cựu đại tá của cơ quan tình báo Liên Xô KGB, kế vị Tổng thống Eltsin, cũng là người sùng đạo. Những ngày hè vừa qua, trong "cuộc hành hương" tại Tu viện Solovki, ở miền bắc nước Nga, ông tuyên bố công khai trước mặt Giáo chủ Chính thống Nga, Ðức Alexis đệ nhị, và các Ðan sĩ , như sau: "Nước Nga từ lúc được khai sinh đã là một quốc gia Kitô". Cũng nên nhắc lại rằng: Tháng 6 năm 1988, Nước Nga đã mừng kỷ niệm một ngàn năm Phép Rửa tội, với sự tham dự của ba vị Hồng Y của Giáo Hội công giáo: ÐHY Agostino Casaroli, Quốc Vụ Khanh,  đã được Ông Mikhail Gorbaciov, Tổng Bí thư Ðảng cộng sản Liên xô,  tiếp riêng tại Ðiện Cẩm Linh, -  ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, - ÐHY Edward Cassidy, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Ðan viện Solovki được xây cất từ thế kỷ XV và trở nên một nơi hành hương quan trọng của chính thống Nga. Sau cách mạng cộng sản tháng 10 năm 1917, các tu viện đều bị đóng cửa hay tịch thu , các tu sĩ bị giết và nhiều tu viện trở thành nhà giam dành cho các tù chính trị, các tín hữu Kitô.

Tổng thống Putin đến viếng thăm Ðan viện cùng lúc Giáo chủ Alexis đệ nhị cũng đến đây với tư cách là "Viện phụ" của Ðan viện Spaso-Preobrazhenskij  (Chúa Cứu thế biến hình). Trong tư cách là Viện  phụ (tuy chỉ tượng trưng mà thôi) Giáo chủ có nhiệm vụ viếng thăm Ðan viện 4 năm một lần.

Tổng thông Putin không nhắc đến những trại tập trung của chế độ, vì ông nghĩ rằng: đối với một sĩ quan cấp cao KGB, nếu nhắc đến những năm bách hại của chế độ, thì như thể tự lên án chính mình vậy. Ông chỉ nói đến những truyền thống tôn giáo của Ðan viện và quả quyết mạnh mẽ rằng: "Không có Kitô giáo, nước Nga có lẽ cũng không bao giờ được khai sinh". Không sai chút nào. Ngạc nhiên ở chỗ này là lời quả quyết trên đây phát xuất từ miệng một nhân vật quan trọng của một tổ chức vẫn coi việc chiến đấu chống lại tôn giáo là một trong các mục tiêu  chính của mình.

Tổng thống còn nói lên những lời đáng ghi nhớ hơn nữa: "Tất cả các dân tộc đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa". Rồi ông thêm ngay: "Tư tưởng này phải được đặt làm nền tảng của đường lối chính trị đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga". Tổng thống nói thêm: "Thiên Chúa đã cứu vớt các dân tộc: chân lý đơn sơ này đã cho chúng ta xây dựng một Liên Bang Nga hùng cường và đa quốc gia" (Hiện nay Liên Bang Nga gồm có nhiều quốc gia độc lập).

Người ta tự đặt câu hỏi: Tại sao Tổng thống Putin quan tâm đến đề tài tôn giáo như vậy? Tổng thống biết rằng: sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã để lại trong nước Nga một chỗ trống quá lớn  về tư tưởng. Ngay từ thời Tổng thống Eltsin, người ta đã tìm cách để lấp  chỗ trống này với Chính thống giáo. Nhưng không thành công, vì công việc lấp chỗ trống này  do những người không có một nền văn hóa tôn giáo thực hiện, nên chỉ có tính cách bề ngoài, long trọng, huy hoàng, nhưng  không có bề sâu.  Ðối với Tổng thống, truyền thống tôn giáo vẫn phải là chính thống giáo, vì đây là yếu tố liên kết của chính Liên bang Nga, một nước gồm nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chỉ có hai tôn giáo chính là : Chính thống giáo và Hồi giáo.

Giáo chủ Alexis đệ nhị ca ngợi Tổng thống Putin, "vì Ngài đã dùng hết nghị lực để tìm cách trả lại cho Nước Nga vinh quang và hùng cường của một thời đại". Nhưng khác với Tổng thống, Giáo chủ Nga nhắc lại những cuộc bách hại và những trại tập trung ở miền Solovki  trong những năm 1920 và 1930. Giáo chủ cũng cử hành thánh lễ tại đây để cầu nguyện cho các  "vị tử đạo tại Solovki", kế bên Thánh Giá được dựng dưới chân Núi Sekirnaja. Tại đây dưới sự kiểm soát của cơ quan mật vụ Nkvd (sau trở thành KGB), công an mật của Liên xô, có nhà giam "để cô lập trừng phạt"; nhà giam nầy  được đào  sâu  bên trong nhà thờ kính Chúa lên trời. Ðức Giáo chủ quả quyết rằng: "Các tù nhân bị đấu tố dữ dội hơn tại các nơi khác". Giáo chủ nhắc lại rằng: "Bên ngoài nhà thờ, có nhiều tù nhân, trong đó có linh mục, tu sĩ bị bỏ ngoài trời giá lạnh. Với giá lạnh của miền bắc cực, hầu hết bị chết". Ai còn sống sót, bị buộc vào một thân cây, rồi bỏ bên sườn núi. Ngày nay, nhà thờ-nhà tù này đã được các đan sĩ Solovki sửa lại và hằng ngày cử hành thánh lễ liên tiếp cầu cho các nạn nhân của chế độ cộng sản. Và các tội ác ghê tởm của chế độ cộng sản trong thời kỳ Liên Xô trước đây,  nay được ghi nhớ trong một bảo tàng viện.


Back to Radio Veritas Asia Home Page