Vẫn còn rất nhiều

tín hữu Công Giáo bị bách hại

tại vài nơi trên thế giới

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vẫn còn rất nhiều các Tín hữu công giáo bị bách hại tại vài nơi trên thế giới.

Trong những năm vừa qua, cuộc bách hại các tín hữu công giáo về phía người Hồi giáo bùng nổ tại Indonesia, cách riêng tại Quần đảo Molluque và thành phố Ambon. Từ ít tháng nay, báo chí không nói đến những vụ bách hại này, hoặc vì cuộc cuộc bách hại đã lắng dịu, hay vì tình hình chính trị tại đây đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Hy vọng Bà Magawati, tân Tổng thống Indonesia sẽ đưa ra những biện pháp nghiêm nhặt, để bênh vực các quyền của người dân và cuộc chung sống hòa bình  giữa các tôn giáo được phục hồi như những năm trước đây.

Tại Liban, mới đây chính phủ Beyrouth đã bắt giam khoảng 200 tín hữu công giáo, vì bị tình nghi phản đối sự hiện diện của quân đội Syrie trên lãnh thổ quốc gia. Vụ bắt giam các người bênh vực chủ quyền đất nước là một bất công. Chúa nhật vừa qua 19.8.2001 trong giờ đọc kinh Truyền tin tại Trại Hè Castelgandolfo, ÐTC đã lên tiếng về vụ bắt giam các tín hữu công giáo Liban. Ngài nói: "Tôi kêu gọi ý thức trách nhiệm của các Vị Lãnh đạo quốc gia yêu quí này, một quốc gia đã phải chịu đau khổ nhiều vì những chia rẽ nội bộ: Ước gì các giá trị của dân chủ và chủ quyền tối cao  quốc gia, không bị hy sinh cho những lợi ích chính trị của lúc này". Ðức Gioan Phaolô II nói tiếp: "Một nước Liban đa hình thức và tự do tạo nên cho cả miền Trung Ðông một sự phong phú: ước gì mọi người hãy giúp đỡ người dân Liban bảo tồn và làm cho sự phong phú này sinh nhiều lợi ích". Nhật báo L'Osservatore Romano, số ra ngày 22.8.2001, loan tin: "Một số trong 200 người bị bắt giam cách đây một tuần lễ đã được tha về".

Trong những ngày này, nhật báo công giáo Ý "Tương lai" (Avvenire) nói đến những vụ bách hại người công giáo tại Pakistan, một quốc gia có khoảng hơn 90% dân cư theo Hồi giáo. Cuộc bách hại các tín hữu tại Pakistan không phải là một mới lạ. Giáo hội đã nhân danh cộng đồng công giáo yêu cầu chính phủ bãi bỏ "luật chống người công giáo",  bị cáo oan về tội xúc phạm đến Hồi giáo. Cuộc bách hại nhiều lúc xẩy ra chỉ vì những mối tư thù giữa người này với người khác hoặc chỉ vì cáo gian, bỏ vạ nhằm làm hại người công giáo. Cách đây ba năm (1998), để tranh dấu bãi bỏ tình hình thê thảm và bất công trong nước, Ðức Cha John Joseph, Giám mục giáo phận Faisalabad, đã thi hành một cử chỉ thất vọng: tự sát trước Tòa án Sahiwal. Lúc đó đang có Khóa họp khoáng đại của THÐGM về Á châu tại Vatican, các nghị phụ, cách riêng các nghị phụ Pakistan, đều cảm thông và cầu nguyện cho Ðức cố Giám mục, thay vì lên án cử chỉ không bao giờ  được phép đối với người công giáo. Trong hoàn cảnh Pakistan, cử chỉ của Ðức Giám mục là cử chỉ duy nhất có thể đánh động Nhà Cầm quyền và dư luận quốc tế. Tướng Musharaf lên cầm quyền, ngày 20 tháng 6 năm vừa qua (2000),  trong chức vụ Quốc trưởng, Thủ tướng chính phủ và Tổng chỉ huy quân đội, đã hứa sẽ sửa lại luật "chống người công giáo". Cho tới nay,  lời hứa vẫn chưa đi theo bằng những công việc cụ thể. Oâng Mervyn Thomas, thuộc Hội "Christian Solidarity  Worldvide",  bình luận như sau: "Tại Pakistan vực sâu giữa việc bảo vệ tâm tình của người Hồi giáo và sự thiếu sót trong việc bênh vực các tín hữu Kitô quá rõ rệt".

Tại Pakistan, luật về xúc phạm đến Hồi giáo được công bố và có hiệu lực từ năm 1996. Luật qui định như sau: "Tất cả những người, qua lời nói  hoặc viết lên, trực tiếp hay gián tiếp xúc phạm đến thánh danh của Thánh Tiên tri, đều bị án tử hình". Hãng thông tấn quốc tế Fides tố cáo: "Tại Pakistan, đây là thứ vũ khí càng ngày càng mạnh và phổ biến  để chống lại các người công giáo".

Trong những ngày này,  anh Ayub Masib, một tín hữu công giáo 28 tuổi đang chờ đợi án tử hình, vì bị tố cáo trước Tòa án về tội xúc phạm đến Tiên tri Mahomet. Sau đây là lời của anh, bị coi là xúc phạm: "Nếu bạn muốn biết sự thật về Hồi giáo, bạn hãy đọc Salman Rushdie (nhà văn người Anh, tác giả cuốn sách "Những câu thơ của Satan"). Trong những ngày vừa qua, Tòa kháng án xác nhận án của Tòa sơ thẩm.  Nhưng để thoát khỏi án tử hình, anh chỉ còn phương thế duy nhất là khiếu nại lên Tòa thượng thẩm. Hạn chót để khiếu nại được ấn định vào ngày 24 tháng 8/2001. Theo các quan sát viên và theo kinh nghiệm, anh Ayub Masih khó thoát khỏi án  tử hình, vì các luật sư không dám bênh hộ;  họ sợ hại đến chính bản thân. Năm 1997, một vị chánh án tha bổng một tín hữu công giáo bị cáo về tội xúc phạm đến Hồi giáo, đã bị một người Hồi giáo giết.

Trường hợp của anh Ayub Masih không phải là trường hợp duy nhất. Ông Pervaiz Masih, một giáo viên người công giáo 35 tuổi thuộc xã Chailyke Goraya, trong quận Sialkot, tháng tư năm 2001 vừa qua, cũng bị giam tù  vì bị cáo "xúc  phạm đến Hồi giáo". Người tố Ông là một giáo viên Hồi giáo dạy trong một trường học khác cũng trong xã này. Ông Peter Jacob, thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của HÐGM Pakistan bình luận:  "Chỉ cần tạo nên câu chuyện, để báo thù. Lời xúc phạm thực hay không, không quan trọng lắm".

Trong số các người bị án tử hình vì "xúc phạm đến Hồi giáo" có 5 ký giả của tờ báo luôn luôn chiến đấu "The Frontier Post". Cả  năm ký giả bị cáo về tội đăng trên nhật báo một bức thư , theo lời tố cáo, chỉ trích Tiên tri Mahomet.

Luật về xúc phạm đến Hồi giáo nói lên  rõ ràng khía cạnh của một tình hình rất phức tạp. Bản báo cáo mới đây "Về Nhân Quyền" , do Ủy ban Công lý và Hòa bình của HÐGM Pakistan soạn thảo, cho thấy rõ những bóng đen tối của luật này. Ủy ban thu lượm tất cả những tố cáo, qua trung gian một mạng lưới các đặc phái viên từ các giáo phận khác nhau. Trong bản báo cáo này, chúng ta có thể đọc, thí dụ, có những cộng đồng công giáo bị thúc đẩy bằng vũ lực trở lại Hồi giáo. Rồi một lô các vấn đề những người không theo Hồi giáo phải đối phó tại các nơi làm việc.

Giáo hội công giáo, từ ngày khai sinh, đã bị bách hại và cuộc bách hại vẫn tiếp tục bằng nhiều hình thức và  dưới các chế độ chính trị khác nhau, cho tới thế kỷ 21 này. Chúa Giêsu, Ðấng sáng lập Giáo hội, đã nói cách đây hơn 2000 năm: "Họ đã bách hại Ta, thì họ cũng sẽ bách hại các con. Họ đã thù ghét Ta, thì họ cũng sẽ thù ghét các con". Vì thế người công giáo không cầu xin thoát khỏi các cuộc bách hại, vì đây là con đường Chúa đã đi và đã để lại; nhưng chỉ cầu xin cho những anh chị em bị bách hại được cản đảm tuyên xứng đức tin và trung thành với Chúa, với Giáo hội, kể cả với việc đổ máu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page