Sự khó khăn của các Tín Hữu Kitô

và Nhà Báo tại Pakistan

về luật phạm thượng

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sự khó khăn của các Tín Hữu Kitô và Nhà Báo tại Pakistan về luật phạm Thượng.

Tin Pakistan - "Sự sợ hãi luôn bao vây chúng tôi" và "bạn phải rất cẩn trọng về lời nói và cách viết  của mình", đó là lời nhận định của một nhà báo lão thành tại Pakistan. Luật phạm thượng của Pakistan kết án tử hình những người dùng lời nói, ngôn ngữ hay những bài viết dù trực tiếp hay gián tiếp có ý bôi nhọ danh thánh tiên tri Mohammed đã không ngừng chống lại các kitô hữu và những nhà báo có lương tâm.

Anh Ayub Masih, 28 tuổi, một kitô hữu người Pakistan bị bắt vào tháng 10.1996, do một người hàng xóm theo đạo Hồi giáo  tố cáo là anh đã nói xấu Hồi giáo bằng câu nói rằng: "nếu bạn muốn biết về đạo Hồi, hãy đọc Salman Rushdie".

Anh bị kết án tử hình vào ngày 27.4.1998 và hiệân nay anh đang kháng án và thỉnh cầu xét lại bản án phạm thượng và vào ngày 25.7.2001 vừa qua.  Lời chống án của anh Masih được tờ Amnesty International ủng hộ, nhưng vẫn bị toà án tại Lahore bác bỏ. Thực sự, anh Ayub đã nộp đơn kháng án lên toà án tối cao của Pakistan, nhưng các quan tòa và luật sư đều e ngại, vì trước đây, vào năm 1997, một thẩm phán của toà án tại Lahore đã bị các người hồi giáo giết chết vì ông đã tuyên bố trắng án cho một tín hữu kitô.

Ông Rehmat Shah Afridi, chủ bút tờ The Frontier Post đã bị tống giam tại Lahore vì tội buôn lậu ma túy và vào ngày 5/01/2001, 5 nhà báo của tờ báo này cũng đã bị qui tội phạm thượng, vì tờ báo đã cho đăng mục "thư độc giả" mà theo công tố viên, trong đó, có một bức thư có nội dung chỉ trích tiên tri Mohammed.

Có một giai đoạn tờ The Frontier Post đã trở thành mục tiêu của sự chống đối và thậm chí còn bị đình chỉ trong 6 tháng. Tờ báo được hoạt động trở lại chỉ vài ngày trước khi ông Rehmat Shah Afridi, chủ bút của tờ báo bị kết án tử hình. Theo tờ Reporters san Frontiers sự bắt giữ và kết án ông Rehmat Shah Afridi là do động cơ chính trị.

Thực sự, vài tháng trước đó, tờ The Frontier Post đã cáo giác lực lượng chống ma túy của Pakistan  đã kiếm tiền từ việc buôn lậu ma túy! Với việc bắt giam và bỏ tù ông chủ bút cũng như 5 phóng viên, người ta cho rằng, tờ The Frontier Post chắùc chắn có nguy cơ bị xoá sổ.

Vào ngày 1.4.2001, ông Parvaiz Masih, đã bị kết án phạm thượng và ngay lập tức ông bị giải đến nhà tù Sialkot mà không hề được điều tra cẩn thận. Ông Parvaiz Masih là một giáo viên và cũng là người điều hành rất thành công một trường trung học công giáo với hơn 300 học sinh. Người tố giác ông ta là ông Ch. Mohammed Ibrahim, một chủ cho thuê nhà trọ cùng trong làng, ông Ch. Mohammed Ibrahim cũng điều hành một trường trung học Hồi Giáo nhưng đã không thể cạnh tranh được với ông Pervaiz vì trường của ông không khi nào lên tới 60 học sinh.

Ủy ban Công Lý và Hoà Bình của Pakistan đã cho thấy rằng việc kết án ông Parvaiz Masih hoàn toàn do sự ghen tức và cạnh tranh trong việc làm ăn. Tướng Musharraf, vừa là người đứng đầu nhà nước, chính phủ và quân đội của Pakistan, vào ngày 20.6.2001 vừa qua, đã tuyên bố sẽ cải tổ luật phạm thượng và cải thiện tình hình của tôn giáo thiểu số tại Pakistan.

Ông Mervyn Thomas, chủ tịch Hiệp Hội Liên Ðới Kitô Hữu Toàn Thế Giới có trụ sở tại Anh Quốc cho rằng: Sự tương phản giữa cảm thức tôn giáo của người Hồi giáo và sự bảo vệ tính mạng của người tín hữu Kitô còn sâu sắc hơn những gì người ta nhận thấy tại đây.

Ðược biết, luật phạm thượng được ban hành vào năm 1986, nhằm nới rộng quyền thi hành luật Hồi giáo,  đã tạo điều kiện cho sự hành hạ người kitô hữu cũng như công dân Pakistan không theo Hồi giáo. Ðức Giám mục John Joseph của giáo phận Faisalabad đã tự sát ngày 6-5-1998,  để phản đối tình hình các nhóm thiểu số tại Pakixtan, bị đàn áp bởi luật Phạm Thượng. Cái chết của Ðức Cha quả là lời tố cáo gắt gao về sự bất công của những bộ luật Hồi giaó nhằm chống lại người kitô. (ND).


Back to Radio Veritas Asia Home Page