Phỏng vấn Linh Mục Carlos Azpiroz Costa

Tân Bề trên Tổng Quyền Dòng Ða Minh

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng vấn Linh Mục Carlos Azpiroz Costa, Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Ða Minh.

Tổng Công Nghị lần thứ 85 của Dòng ÐaMinh đã khai mạc tại Trường Providence, tiểu bang Rhode Island, Ðông Bắc New York, Hoa Kỳ từ ngày 10/07/2001 và kết thúc vào ngày 8/08/2001. Ðây là tổng công nghị thứ 247 của dòng, với sự tham dự của 200 Tu Sĩ, đại diện cho 6,000 nam tu sĩ, 2,000 nữ tu và khoảng 100,000 giáo dân thuộc đại gia đình ÐaMinh và hiện đang có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Vào ngày 14/07/2001, các tham dự viên Tổng Công Hội, đã bầu Cha Carlos Azpiroz Costa, 44 tuổi, người Argentina, tiến sĩ giáo luật là Bề Trên Tổng Quyền, thay thế cho Cha Bề Trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe.

Cha Carlos Azpiroz Costa là vị Tổng Quyền thứ hai, không phải là người Âu Châu và là Tổng Quyền thứ 86 của Dòng, kể từ khi được thánh Ðaminh thành lập vào năm 1215, tại Toulouse, bên Pháp.

Dưới đây là đoạn trích cuộc phỏng vấn của cha tổng quyền Carlos Azpiroz Costa dành cho tờ National Catholic Register:

Hỏi: Trải qua tuổi thơ và thời sinh viên trong thời kỳ chế độ quân chủ tại đất nước Argentina, cha có những kỷ niệm đáng nhớ nào?

Cha Carlos Azpiroz Costa: Vào năm 1978, tôi đang là sinh viên,  đây là thời gian đầy thú vị nhưng cũng là giai đoạn đầy thương đau của đất nước chúng tôi: Argentina dành được cúp vô địch thế giới về bóng đá tại Buenos Aires, điều này khiến mọi người sướng điên lên được, nhưng đó cũng là lúc xảy ra nhiều biến cố đau thương.

Khi tôi 22 tuổi, tôi là trưởng nhóm sinh viên của trường  Giáo Hoàng Ðại Học Ðường tại thủ đô Buenos Aires (Pontifical Catholic University tại Buenos Aires), tôi tin chắc là tôi sẽ trở thành linh mục. Tôi đã có bạn gái, nhưng chúng tôi đã chấm dứt mối liên hệ vơí nhau. Quả thật, chúng tôi đã không chấm dứt, vì lý do tôi muốn trở thành linh mục; thường  có những điều âm thầm tác động trong tâm hồn chúng ta mà chúng ta không hay biết.

Tôi không quan tâm đến tình hình chính trị chút nào cả. Ðối với tôi, việc học Luật là một mắt xích rất cần thiết để tiếp cận thực tế. Nhưng tôi lại đã không bao giờ nhận ra thực tế bên ngoài, tức là những gì đang xảy ra trong với đất nước chúng tôi.

Thời gian đó, có một số anh em chúng tôi đang học tại Mỹ và khi chúng tôi thảo luận với nhau về tình hình xã hội và chính trị, tôi thực sự bị ngỡ ngàng vì đó là một thế giới khác hẳn như tôi nghĩ!.

Tôi  còn nhớ có lần đi trên chuyến xe lửa và nghe người ta nói về xã hội học, rồi tôi tranh luận với anh em tôi về lý thuyết Marx và Engels. Những điều mới lạ này đã mở ra những vấn nạn lớn trong cuộc đời tôi. Và rồi, tôi đã tìm thấy câu trả lời khi tôi trở thành người tu sĩ Ða Minh;  và tôi xem việc đi tu dòng Ðaminh không phải như là một việc đi ra khỏi thế giới, nhưng, theo một nghĩa nào đó, là một cuộc đi sâu hơn vào trong thế giới..

Hỏi: Là tiến sĩ giaó luật và đồng thời cũng là nhà thần học, cha cảm nhận gì về thế giới bên ngoài?

Cha Carlos Azpiroz Costa: Tôi dạy thần học  ở nhiều cấp độ khác nhau;  tôi giảng dạy cho  nhiều giáo dân;  họ là những luật sư, kỹ sư, kinh tế gia,  và những nhóm bạn trẻ trong  hạng tuổi 22, 23, và 24.

Ðây quả là một thách thức to lớn, bởi vì có thể họ đã học giáo lý lúc còn trẻ, rồi thôi sau đó không còn  thêm gì nữa cả.

Ngoài việc dạy học, tôi còn có niềm vui lớn khác đó là chúng tôi còn có sứ vụ truyền giáo. Chúng tôi có những đội ngũ linh mục, nữ tu và giáo dân để phục vụ người nghèo. Mặc dù Argentina có 90% dân số là người công giáo nhưng vẫn có nhiều nơi bị cô lập và rất nghèo và thường những nơi này chỉ được linh mục đến thăm 1 năm 1 lần.

Hỏi: Cha đã diễn tả gia đình Ða Minh giống như một ban nhạc giao hưởng, vậy thì, với cha, người nhạc trưởng có vai trò gì trong ban nhạc đó?

Cha Carlos Azpiroz Costa:  Tôi chỉ là người mang nhạc cụ đến cho người nhạc sĩ thôi!

Tôi nghĩ, chính Chúa Thánh Thần, cha thánh Ða Minh, mới là nhạc trưởng!

Khi nói Dòng chúng tôi là Dòng mang tính dân chủ, điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải luôn bỏ phiếu trong mọi vấn đề,  nhưng có nghĩa là chúng tôi phải đi đến việc đồng ý chung với nhau.

Vai trò của người Ða Minh là phải biến lý thuyết thành hành động; với tư cách là người nắm quyền cao nhất trong Dòng, vị bề trên tổng quyền phải bảo đảm được tinh thần đoàn kết giữa các anh em.

Hỏi: Với tư cách là đại diện tổng quyền Dòng tại Roma liên quan đến việc giải quyết ơn gọi của một số anh em muốn bỏ Dòng. Ðiều này đã có tác động gì đến cha hay không?

Cha Carlos Azpiroz Costa: Tôi giữ vai trò này trong 4 năm vừa qua. Ðó là một tình huống rất đặc biệt và tinh tế, mà tôi phải giải quyết qua các giấy tờ và văn bản; chẳng có trường hợp nào giống trường hợp nào!

Tôi đã bị ngỡ ngàng trước những tình huống này, nhưng chính điều này đã dạy cho tôi có được cái nhìn và lòng thương cảm của Cha thánh Ða Minh. Những anh em đó bỏø Dòng với những lý do hoàn toàn khác nhau nhưng tôi cố gắng cởi mở để hiểu họ.  Có những anh em rất cô đơn và chính sự nâng đỡ đã dẫn đưa họ trở lại với Dòng;  còn đối với một số người khác,  điều đó đã không xảy ra. Tôi không có ý "lên lớp" nhưng thực sự chúng tôi phải là mục tử, nhất là đối với những con chiên đi lạc. Ðiều này phải giúp tôi mở rộng trái tim và tâm hồn để nhận ra ơn gọi của chúng tôi, đó là một ơn gọi tuyệt vời,

Hỏi: Dòng Ða Minh có rất nhiều vị thánh lớn, vậy thì cha ngưỡng mộ những vị thánh  nào nhất?

Cha Carlos Azpiroz Costa: Dĩ nhiên là cha thánh Ða Minh rồi! và thánh Thomas Aquinas nữa vì ngài là một người có tinh thần cởi mở và phóng khoáng đặc biệt là trong lãnh vực trí thức.

Hạnh thánh mà tôi được đọc đầu tiên đó là thánh Martin de Porres, ngài có một vị trí rất đặc biệt đối với tôi. Vì giai đoạn khởi đầu đời tu, tôi sống tại tu viện Thánh Martin de Porres và sau này, tôi cũng đã làm tu viện trưởng tại đây. Hơn thế, thánh nhân  là người Châu Mỹ Latin và ngài thực sự trở thành tiêu biểu của sự hoà hợp của văn hoá và ân điển giữa Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tôi cũng ngưỡng mộ nhiều nhà thần học  và các anh em khác,  và tất cả những người này vẫn còn đang sống!

Hỏi: Cha Timothy Radcliffe, vị tiền nhiệm của cha cũng đã viết về "khoảng cách" giữa các thế hệ trong Dòng, giữa các anh em thời công đồng Vatican II, những người lãng quên truyền thống của Dòng với thế hệ những tu sĩ trẻ đang cố gắng để "trở về nguồn". Cha thấy điều này như thế naò?

Cha Carlos Azpiroz Costa: Ðây là một thách đố lớn lao. Vì người trẻ có những ý thích riêng của họ và chúng tôi không thể loại trừ họ chỉ vì họ không đồng quan điểm với chúng tôi. Hơn nữa Dòng đã có một kinh nghiệm về một truyền thống tự do, cởi mở và huynh đệ của 8 thế kỷ qua.

Trước khi vào Dòng, tôi nghĩ rằng tôi hiểu rất rõ về Dòng, nhưng đến nay thì tôi nhận ra rằng tôi chẳng hiểu gì cả. Chỉ biết rằng đây là nơi mà bạn có thể tìm thấy sự bình an, tự do và tình huynh đệ, mà dường như nói về sự tự do thì không thích hợp lắm với người học luật như tôi!

Hỏi: Cha nghĩ gì về việc cha kế nhiệm một người Anh vào đúng dịp lễ kỷ niệm lần thứ 20 cuộc chiến giữa Anh quốc và Argentina?

Cha Carlos Azpiroz Costa:  Khi cha Timothy Radcliffe được bầu là bề trên tổng quyền thì tôi đang ở Roma. Có một tu sĩ người Tây Ban Nha đã hỏi tôi là làm sao mà tôi có thể vui mừng được khi một người Anh trở thành Tổng quyền. Tôi đã trả lời rằng: "tôi vui vì cha Timothy Radcliffe trở thành Tổng quyền Dòng, chứ không phải trở thành tổng thống Argentina"

Tôi đã học được rất nhiều điều từ vị tiền nhiệm của mình, cha Timothy Radcliffe đã thực sự giúp tôi mở rộng tầm nhìn và trái tim bằng chính mẫu gương và lời rao giảng của ngài.

Tại hành lang nhà trung ương của Dòng, có một phòng rất đẹp dành để trưng các bức chân dung của các vị Tổng quyền, tôi đã muốn đuà một chút với cha Timothy Radcliffe ngay khi cha vừa nhậm chức vì tôi biết rất rõ là ngài cũng có tính hài hước. Tôi đã lấy một tấm hình nhỏ của ngài trong một trang sách và tôi để hình đó vào một cái khung hình và treo lên  tiếp ngay bên bức chân dung vị tiền nhiệm của ngài. Khi hai chúng tôi bước xuống hành lang cùng với chị bề trên của các nữ tu chuyên lo cho anh em, cha Timothy đã đứng lại và nhìn chằm chằm vào tấm hình đó.

Tôi thực sự bối rối vì bây giờ, không phải là lúc ngài đùa nữa!

Nhưng ngài quay sang và nói với chị nữ tu với một giọng Ý rất dở nhưng lại rất hài hước: "chị đừng lo, vì trong 9 năm tới tôi sẽ "bự" hơn với món "pasta (mì)" của chị"

Tôi vẫn còn giữ tấm hình này và tôi sẽ để nó trong văn phòng riêng của tôi để mỗi ngày, tôi có được nụ cười của Timothy ngay trước mặt.


Back to Radio Veritas Asia Home Page