Vài điểm chính vắn tắt của

Tông Huấn "Giáo Hội tại Ðại Dương Châu"

(Ecclesia in Oceania)

được công bố sáng thứ Năm 22/11/2001 tại Vatican

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài điểm chính vắn tắt của Tông Huấn "Giáo Hội tại Ðại Dương Châu" (Ecclesia in Oceania) được công bố sáng thứ Năm 22/11/2001 tại Vatican.

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục  về Châu Ðại dương, một trong 5 Khóa họp đặc biệt  về 5 Châu, (Châu Phi - Châu Á - Châu Mỹ - Châu Ðại dương và Châu Âu) trong những năm chuẩn bị Năm Ðại Toàn xá  2000) đã được công bố trong một lễ nghi long trọng diễn ra tại Phòng Khánh Tiết Clementina của Phủ Giáo Hoàng sáng thứ Năm 22 tháng 11/2001, trước sự hiện diện của nhiều Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Lễ nghi công bố văn kiện về Giáo hội tại Châu Ðại Dương khác hẳn với  việc công bố văn kiện về các Châu khác. Lần này ÐTC không thể đích thân đến một địa điểm của Châu Ðại dương để ký và công bố văn kiện quan trọng này cho tương lai của Giáo hội tại đây. Ngài đã công bố một cách khác thường: ấn một nút của máy vi tính nhỏ --- loại xách tay-- để gửi  văn kiện "Ecclesia in Oceania" (Giáo hội tại Châu Ðại  dương), được ghi sẵn trong máy, cùng một lúc, cho tất cả các giáo phận của Lục địa này. Ðây là lần thứ nhất trong lịch sử Giáo hội thời đại "nguyên tử", một văn kiện Giáo Hoàng được gửi đi theo các phương tiện thông tin tối tân của thời đại. Hình ảnh ÐTC ngồi trước bàn nhỏ ấn nút máy vi tính để gửi  sứ điệp cho một Lục địa xa xăm nhất trên thế giới sẽ được ghi lại mãi mãi trong lịch sử Giáo hội.

Trong dịp long trọng này, một phái đoàn Ðại diện của Châu Ðại dương gồm khoảng hơn 100 người (Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Giáo dân và một ca đoàn 20 người với những nhạc khí địa phương) do ÐHY Thomas Stafford Williams, TGM giáo phận Wellington (New Zealand) hướng dẫn, hiện diện trong lễ nghi ký và công bố văn kiện. Sau lễ nghi, một thanh niên khỏe mạnh thổi tù và bằng vỏ sò hến bự và sừng trâu, bò... mừng biến cố; rồi  một thiếu nữ đảo Samoa, cô Theresia, trong y phục mầu sắc địa phương, bước ra trình diễn một điệu vũ đặc biệt của địa phương  trước mặt ÐTC và các Phái đoàn hiện diện. Trong diễn văn công bố văn kiện, ÐTC nói rõ: ngài đã muốn đích thân đến tận nơi, như ngài đã làm trước đây,  lúc công bố văn kiện đúc kết thành quả của các  THÐGM  về Châu Phi- Châu Mỹ và Châu Á - (văn kiện về Châu Âu, Khóa cuối  cùng chưa được công bố), nhưng lần này không thể thực hiện được. ÐTC nói với Phái đoàn của Châu Ðại dương: "Nơi anh chị em  tôi nhìn thấy một Ðại dương mênh mông được mặt trời chiếu sáng ban ngày; nhìn thấy Thánh Giá của miền Nam chiếu sáng trên trời ban đêm; nhìn thấy các đảo lớn, nhỏ, các thành phố và làng mạc,  bãi biển và rừng núi..."

Trong văn kiện gồm 120 trang, thu lượm các đề nghị của các nghị phụ tham dự Khóa họp năm 1998, ÐTC vạch rõ con đường Giáo hội tại Lục địa này cần phải đi qua để rao giảng Tin Mừng: Hội nhập Tin Mừng và Ðức Tin Kitô vào các nền văn hóa khác nhau của địa phương - bênh vực người dân thổ cư (trước đây bị áp bức, khai thác) - bảo tồn môi sinh - thăng tiến giới trẻ và gia đình - huấn luyện các Tu sĩ năm nữ, linh mục và người giáo dân dấn thân làm tông đồ - Trong văn kiện ÐTC cũng nhắc đến việc "can đảm" công nhận và sửa sai những lầm lỗi của các con cái Giáo hội trong công việc truyền giáo tại Lục địa này... ÐTC không quên nhắc lại công ơn và gương sáng của các nhà truyền giáo đã hy sinh đem Chân lý Tin Mừng đến các đảo xa xăm  của Châu Ðại Dương, nhiều lúc phải hy sinh cả mạng sống. Rồi ngài nói thêm: "Nhưng cũng có một số người tìm cách áp đặt những yếu tố xét về phương diện văn hóa không phù hợp với người dân địa phương.

Nên nhớ  Giáo hội công giáo phải tôn trọng mọi nền văn hóa và không bao giờ được đòi người khác từ bỏ nền văn hóa lành mạnh của họ. Cần phải có một sự phân biệt cẩn thận để thấy rõ cái gì phù hợp với Tin Mừng, cái gì là thiết yếu, cái gì không. Ðây là thách đố trong biết bao thách đố  đang chờ đợi Giáo hội tại Châu Ðại dương trong Ngàn Năm thứ ba".

ÐTC kết thúc diễn văn giới thiệu Tông Huấn với những lời như sau: "Anh chị em rất thân mến, trong khi anh chị em dấn thân hướng về tương lai, anh chị em không lẻ loi. Giáo hội hoàn cầu theo dõi anh chị em. "Ðám đông vô kể của các chứng nhân tạo nên Sự Hiệp thông các Thánh" bao vây chung quanh anh chị em. Cùng nhau chúng ta đã tiến trên con đường rao giảng Tin Mừng tại Châu Ðại dương, và cùng nhau chúng ta đã tạ ơn Chúa Cha đầy lòng thương xót đối với công việc vĩ đại của các vị truyền giáo đầu tiên và đối với việc đón nhận mà các dân tộc Châu Ðại dương dành cho Chúa Giêsu, bằng việc tiến trên Con đường của Người, bằng viêc tuyên xưng Chân Lý của Người và bằng việc sống Sự Sống của Người.  Với tâm tình biết ơn về Khóa họp riêng này về Châu Ðại Dương, tôi phú thác các Dân tộc của Lục địa cho sự che chở hiền mẫu của Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh. Xin Mẹ là Ngôi Sao biển, hãy hướng dẫn chúng ta!"

Tiếp sau đây là vài điểm chính vắn tắt của Tông Huấn "Giáo Hội tại Ðại Dương Châu" (Ecclesia in Oceania) được công bố sáng thứ Năm 22.11.2001 tại Vatican:

Văn Kiện gồm bốn chương chính, với phần Dẫn nhập, phần Kết thúc và Kinh kính Ðức Maria, Ngôi Sao Biển. Ðây là một "Hiến chương" của Giáo hội tại Châu Ðại Dương, do ÐTC viết ra, căn cứ vào các đề nghị của các Nghị Phụ tham dự Khóa họp năm 1998.

- Ðức Tin và Văn Hóa - Tuy luôn luôn sống trong hiệp thông với Giáo hội hoàn cầu, các Giáo hội địa phương phải tìm mọi cách biểu lộ ÐỨC TIN và ÐỜI SỐNG của Giáo hội trong hình thức chính đáng. Các Linh mục, Thầy Sáu vĩnh viễn và các Giáo lý viên phải được quen thuộc với nền văn hóa của các dân tộc và con người, do các vị này phục vụ.

- Nhân Quyền - Giáo hội khuyến khích các thanh niên và người lớn đáp lại cách hiệu nghiệm những bất công và những thiếu sót bằng việc tôn trọng các quyền căn bản và bất khả xâm phạm của con người. Một số quyền của con người tại Châu Ðại Dương bị đe dọa hoặc cần phải được tôn trọng nhiều hơn. Trong các quyền này có quyền làm việc (để sống xứng đáng phẩm giá con người và nuôi sống gia đình và giáo dục con cái). Một hiện tượng có tính cách hủy diệt con người, tài sản và gia đình, đó là việc phổ biến những trò chơi may rủi, để giải quyết các vấn đề kinh tế của gia đình. Những trò chơi may rủi nầy trái lại  đã đưa đến chỗ phá sản hay ít ra đi đến một tình hình nghèo nàn hơn.

- Các Dân Thổ Cư - Những đường lối chính trị bất công gây hại cho người dân thổ cư. Giáo hội có bổn phận bênh vực người dân  thổ cư, cách riêng trong những lúc họ đòi hỏi công nhận, cách  chính đáng và công bình,  "căn cước riêng và các quyền thiêng liêng của họ". Các chính phủ được mời gọi thực hiện những chương trình nhằm đến việc hoàn thiện hơn những điều kiện của đời sống trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, việc làm và nhà ở.

- Môi Sinh - Các nguồn lợi thiên nhiên của Châu Ðại dương cần được bảo vệ chống lại những đường lối chính trị gây hại của một số quốc gia mỗi ngày mỗi hùng cường, đàn áp, khai thác, trục lợi ... có thể đi đến chỗ phá hủy các rừng cây, gây ô nhiễm sông ngòi, biển khơi bởi các cơ sở kỹ nghệ về hóa chất hay về nguyên tử...

Trong phần cuối diễn văn công bố văn kiện "Ecclesia in Oceania", ÐTC nói: "Các Giám mục đã không cảm thấy mình bị nản chí trước những khó khăn.Trái lại trong Khóa họp riêng của Thượng Hội Ðồng về Châu Ðại Dương, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Chúa Thánh Thần mời gọi Giáo hội tại đây thi hành bổn phận của một việc tái rao giảng Tin Mừng. Trong ý nghĩa này, THÐGM đã trở nên "lời tiên tri  cho tương lai" và các Giám mục đã cảm thấy cách sâu xa hơn nữa rằng mình  là "những người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới" (Ðề tài của Khóa họp thường lệ thứ 10 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới vừa qua về "Các Giám Mục").

 


Back to Home Page