ÐTC gửi sứ điệp

cho các vị tham dự Hội nghị của

Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO)

tại Roma

 

Prepared for Internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC gửi sứ điệp cho các vị tham dự Hội nghị của Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Roma.

Sáng thứ bẩy 03/11/2001, ÐTC cử ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đến trụ sở FAO (Food  and Agriculture Organisation) (Tổ Chức Lương Nông   của LHQ), để  đọc Sứ điệp của ngài gửi cho các vị tham dự Hội nghị thứ 31 của tổ chức. Cũng nên nhắc lại rằng: Tổ chức Lương Nông của LHQ được thành lập năm 1945, hiện nay gồm 183 quốc gia hội viên.

Ðến nơi, ÐHY  Sodano đã được ông Jacques Diouf, Tổng Giám đốc Tổ chức và Ðức TGM Agostino Marchetto, Ðại diện Tòa Thánh cạnh Tổ chức, đón tiếp.

Trước hết , nhân danh ÐTC, ÐHY Quốc Vụ khanh chào mừng các Phái đoàn của các Quốc gia hội viên tham dự Khóa họp lần này, rồi đọc sứ điệp của ÐTC  gửi cho Khóa họp lần này. Ðức Gioan Phaolô II mời gọi các vị tham dự hãy trở nên dấu hiệu hy vọng cho thế giới, vì các vị là những người có trách nhiệm bảo đảm thực phẩm cho mỗi một phần tử trong gia đình nhân loại và có trách nhiệm chấm dứt những bất bình đẳng và bất công trên thế giới hiện nay.  ÐTC viết:  "Những trang Sách Thánh tả lại sự dồi dào về tài sản của thế giới được tạo dựng và quả quyết rằng: tất cả những gì con người cần đến để sống đời sống xứng đáng một tạo vật đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (ST 1, 26). Vì thế không thể có sự kiện này là trong thế giới có từng triệu, triệu con người không được ăn no hay phải đói khát. Trái đất này có thể trù liệu cho họ những cái cần thiết và vì thế lý do của việc thiếu thực phẩm phải tìm kiếm ở  nơi khác".

Chính con người phải chịu trách nhiệm về lý do thiếu thốn thực phẩm này.  ÐTC viết: "Trong Sách Sáng Thế, Thiên Chúa trao trong tay con người tất cả tạo vật (xem ST 1, 26.28). Và trong chính chiều hướng này, chúng ta phải nhìn xem, nếu chúng ta muốn hiểu những rối loạn hiện nay.  Thực ra, trên Trái đất này không có một việc điều hành công bình về tài sản, vì chúng ta thấy rõ ràng: không có sự đồng đều trong việc phân chia tài sản".

Ðể loại trừ cảnh nghèo khổ, cần phải có những sáng kiến cụ thể. Trong các sáng kiến này, ÐTC nêu lên quyết định của các Quốc gia giầu thịnh về việc dành một phần số sản xuất của họ cho việc phát triển các nước nghèo và quyết định về việc xử dụng mọi nỗ lực có thể, để giảm bớt số nợ ngoại quốc. Ngài viết: "Cần phải kiên nhẫn trong các nỗ lực này, cả trong những lúc các nhu cầu khẩn cấp khác  trên bình diện quốc gia và quốc tế đòi phải từ bỏ những nỗ lực này".

Nhắc lại những biến cố xẩy ra ngày 11 tháng 9/2001  (vụ khủng bố khiếp sợ tại New York và Washsington)  và đến những cuộc thảo luận rộng rãi về những gì liên hệ đến công bình và việc khẩn cấp sửa lại những bất công, Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến bất công gây xúc động của nạn đói khổ nơi từng triệu con người, với những phản chiếu tiêu cực trên vấn đề hòa bình giữa các quốc gia. ÐTC viết: "Trong viễn tượng này, khóa họp của  quý vị muốn dấn thân trở nên dấu hiệu của hy vọng cho thế giới, bằng việc cho thấy rằng: còn có những người quyết định thực hiện một việc điều hành có trách nhiệm và giầu sáng kiến, nhằm bảo đảm thực phẩm cho mỗi một thành phần của gia đình nhân loại. Một  quyết định như vậy được thiết lập trên việc công nhận sự kiện này là mỗi một cá nhân hưởng quyền bất khả xâm phạm của mình: đó là quyền được nuôi dưỡng xứng hợp và công nhận rằng: tất cả mọi người, cách riêng những ai chiếm địa vị trách nhiệm trong xã hội, do đó có bổn phận bảo đảm rằng: quyền bất khả xâm phạm này phải được tôn trọng. Ðây là một nguyên tắc phải áp dụng không những cho từng cá nhân, nhưng cả cho các quốc gia nữa: khi con người không có khả năng đối phó với những nhu cầu căn bản của họ, do căn cớ chiến tranh, cảnh nghèo khổ, một chính phủ bất lực, tham nhũng, hoặc một việc điều hành vụng về, hay do những thiên tai... Trong những trường họp như vậy, người khác có bổn phận luân lý can thiệp đề giúp đỡ họ".

Chiến đấu chống nạn nghèo khổ, tức là giúp vào việc phát triển con người toàn diện,  phát triển các tân tộc. Như vậy cũng là chiến đấu cho hòa bình thế giới, vì như Ðức Phaolô VI (1963-1978) đã nói rõ trong Thông điệp thời danh của ngài "Populorum Progessio" (Phát triển các dân tộc),  công bố  năm 1967 và được Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại trong sứ điệp gửi cho các Vị Tham dự Khóa họp của FAO lần này: "Phát triển là tên mới của hòa bình "(xem Populorum Progressio, số 76-77). Rồi ÐTC giải thích thêm: "Từ đó, những lời của Vị Tiền nhiệm của tôi luôn luôn đúng thật. Việc phát triển đích thực mang theo nhiều khía cạnh, nhưng khía cạnh thứ nhất là việc quyết định bảo đảm cho mọi người nam, nữ, cho trẻ em  việc có của ăn mà họ cần đến. Như vậy, Khóa họp của các Ngài không những lo đến việc bảo đảm thực phẩm, nhưng cả đến hòa bình thế giới, trong một thời đại các giá trị như vậy bị đe đọa trầm trọng".

ÐTC kết thúc sứ điệp bằng những lời sau đây: "Nhận thấy trách nhiệm nặng nề  và cả những hy vọng  mở ra trước mặt quý vị, tôi chỉ biết cầu nguyện. Trong những ngày này, tôi bảo đảm với quý vị sự gần gũi thiêng liêng của tôi, vừa khẩn cầu Thiên Chúa Quyền năng ban xuống cho  công việc của Khóa họp quý vị, nhiều phúc lành của Người, ngõ hầu tổ chức FAO có thể góp phần vào việc gia tăng trên Trái Ðất này Hòa bình và Công Lý, đến từ Ðấng Tối Cao".

Ðức TGM Aogstino Marchetto, lãnh đạo Phái đoàn Tòa Thánh, trong bài phát biểu tại Khóa họp của FAO, hôm thứ tư 07/11/2001,  đã yêu cầu "cần có sự sẵn sàng đối với người khác: cá nhân, cũng như cộng đồng, dân tộc cũng như quốc gia. Nói thể khác, sự sẵn sàng đây có nghĩa là với thái độ cụ thể biết thi hành một đường lối chính trị về sản xuất, về phân phát và về chia sẻ... trong cách có thể đi đến việc quân bình hóa mối liên lạc giữa những nhu cầu thực phẩm của dân tộc thế giới, dù có sự gia tăng nhân số và sự sẵn có thực phẩm cho những ai --nói chung---vẫn được nuôi dưỡng đầy đủ. Vị đại diện Tòa Thánh nói thêm: Việc bảo đảm thực phẩm không thể chỉ được nghĩ đến, thảo luận và thực hiện đối với những trường hợp khẩn cấp hoặc cứu trợ những tình hình hình nguy ngập, nhưng cần phải có những lựa chọn chính trị dài hạn nhằm giúp đỡ những người nghèo khổ và những người đói khát, với một trách nhiệm: trách nhiệm này liên hệ đến mọi thành phần của Cộng đồng quốc tế.

Ðại diện của các Quốc gia Hội viên được triệu tập hai năm một lần để thảo luận về vấn đề thực phẩm trên thế giới và để chống nạn nghèo đói, vẫn lan rộng tại nhiều nơi. Khóa họp thứ 31 kết thúc hôm ngày 13 tháng 11/2001. Hội nghị Thượng đỉnh về Thực phẩm  (với sự tham dự của các Quốc trưởng, Thủ tướng), được triệu tập cách đây 5 năm, sẽ trở lại họp tại trụ sở FAO ở Roma vào tháng 6  năm 2002.

 


Back to Home Page