Thương tiếc linh mục dòng Phanxicô

qua đời trong lúc thi hành

các phép Bí Tích

tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới

 

Thánh Lễ an táng cho cha Mychal Judge

tuyên úy Công Giáo cho lính cứu hỏa tại New York

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thương tiếc một linh mục dòng Phanxicô qua đời trong khi thi hành các phép bí tích tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center).

(Tin AP 14/09/2001 - Bài của Bill Murphy) Anh em lính cứu hỏa, giáo dân và các linh mục đã tề tựu trong nhà thờ Thánh Phanxicô thành Assisi ở Manhattan, New York hôm thứ Năm 13/09/2001 để cử hành các nghi thức an táng cho cha Mychal Judge, tuyên úy Công Giáo cho lính cứu hỏa tại New York. Cha đã bỏ mình trong khi thi hành các phép bí tích tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center).

 

Linh Muc Dong Phanxico

Trong bài giảng, cha Ron Stark, cho biết "Nếu anh chị em hỏi cha Judge là ai, anh chị em không phải là người sinh trưởng ở New York. Ngài là một linh mục đầu đường xó chợ theo nhiều nghĩa.". Theo cha Ron Stark, cha Judge là một người Ái Nhĩ Lan rất sốt sắng và khéo léo trong việc truyền giáo. Ngài hiếm khi ở một chỗ nhưng hay đi chỗ này chỗ khác thăm hỏi, nâng đỡ tinh thần, và khuyên bảo giáo dân.

Cha Joe Hertel cho biết cha Judge là một người được các tu sĩ khác trong dòng Phanxicô nể trọng. Ngài dành hết thời gian cho việc truyền giáo đến nỗi không còn thời giờ cho việc giải trí.

"Khi chúng tôi tụ họp cầu nguyện vào ban mai, ngài luôn xin chúng tôi cầu nguyện cho những người dân trong thành phố vừa qua đời đêm qua. Ngài đã quá yêu thành phố này và cuối cùng đã bỏ mạng cho nó".

Cha Judge bắt đầu làm tuyên úy Công Giáo cho lính cứu hỏa từ năm 1992.

Hôm thứ Ba 11/09/2001, khi chiếc máy bay đầu tiên tông vào tòa nhà tháp đôi, cha Judge đã cùng anh em cứu hỏa chạy đến hiện trường để tiếp cứu những người trong tòa nhà. Cha Joe Hertel, thoát chết khi ngôi nhà sụp xuống, kể lại rằng những người lính cứu hỏa đều hiểu rằng xông vào tòa nhà lúc đó là hết sức nguy hiểm. Cha Judge cũng biết điều đó. Thành ra, ngài đã đứng lại ban các phép bí tích sau cùng cho những anh em đang xông vào. Khi ngài đang đứng cử hành các phép bí tích thì tòa nhà sụp xuống đè lên cha và hàng mấy trăm anh em cứu hỏa đã xông vào bên trong.

Nghi lễ an táng đã được cử hành sau khi xác cha Judge đã được tìm thấy.

Dympna Jessich, một người em của cha đang sống ở Bá Linh cũng có mặt trong tang lễ. Cô cho biết cha Judge có hai hoài bảo: chăm sóc cho người ta và trở thành một linh mục. Cô nói: "Anh ấy muốn trở thành linh mục từ khi còn bé".

Erin McTernan, một người em khác của cha từ chối không cho biết cảm tưởng vì nỗi đau trong cô lớn quá.

Cha Myles Murphy, anh em bà con với cha Judge cho biết cha Judge đã rất vui mừng khi cha Myles Murphy ngỏ ý muốn đi tu. Cha Murphy kể "Ngài cử hành đám tang của mẹ tôi, đám cưới của chị tôi và có mặt trong lễ thụ phong linh mục của tôi. Ngài là linh mục đúng nghĩa nhất của từ đó".

Các cha dòng Phanxicô, anh em lính cứu hỏa và anh chị em giáo dân đều rất bàng hoàng và xúc động trước cái chết của cha Judge.

 

Giáo xứ Ðức Mẹ tại Manhasset và thảm họa khủng bố 11/09/2001.

(AP 12/09/2001 - Bài của Ann Givens, Joe Haberstroh và Olivia Winslow) - Trước hôm thứ Ba 11/09/2001, cuốn sổ ghi những ý cầu nguyện có những lời cầu xin để xoa dịu những nỗi đau khác nhau trong cuộc sống hàng ngày: Xin cho người chồng đã lâu không đi nhà thờ, một người dì đang đau ốm, cho gia đình đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Nhưng sau thảm họa khủng bố tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center) bằng các phi cơ bị không tặc, các giáo dân giáo xứ này đã ghi đầy trong sổ ý cầu nguyện với những tên của những người thân mà họ đang lo lắng là đã thiệt mạng trong đống gạch vụn. Trước bình minh của ngày thứ Tư 12/09/2001, 40 người có tên trong sổ này đã coi như mất mạng. Họ là những lính cứu hỏa, các nhà phân tích tài chính, bạn bè, và những người cha.

"Xin hãy cầu nguyện cho những người mất tích trong vụ nổ tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center), trong đó có con tôi, Tim". Và một dòng khác : "Cầu cho chị của Tony trong Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (World Trade Center), Lạy Chúa xin nhậm lời con cầu nguyện".

Khắp nơi tại Long Island, các cộng đồng đều bị choáng váng khi nhận ra rằng những người thân của họ có lẽ sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy nữa sau vụ đánh sập Tháp Ðôi. Cộng đoàn Công Giáo tại đây cũng bị thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng với 12 giáo dân thiệt mạng và 30 bạn bè và thân nhân của họ vẫn còn bị mất tích.

Don Spampinato, cha của ba đứa trẻ nhỏ, người vừa đoạt giải việt dã cuối tuần qua đã bỏ lại ba đứa con của anh và chị Laurie, vợ anh. Chị Laurie cho biết anh làm cho hãng Cantor Fitzgerald với tư cách là người bán cổ phiếu. Sáng hôm đó, anh đã đi làm như thường lệ và đã không trở về nữa. Anh làm trong tháp phía Bắc tại lầu 105. Chị Laurie Spampinato nghẹn ngào nói: "Tôi mong nghe được một điều gì. Nếu có ai đó cùng làm chung một tầng với anh ấy thoát chết thì có thể cho chúng tôi chút hy vọng".

Nhiều giáo dân trong giáo xứ làm việc cho công ty Cantor Fitzgerald và các công ty khác. Nhiều giáo dân là những người lính cứu hỏa được lệnh thi hành nhiệm vụ tại toà nhà này.

Ðức Ông John J. McCann cho biết "Người ta đến nhà thờ suốt ngày. Họ ở đây cả đêm nữa". Ðức Ông đã cho mở cửa nhà thờ suốt ngày đêm. Ngài cho biết "Tôi nghĩ là họ đang bị sốc rất nặng". Nhiều thánh lễ đã được cử hành. Trong ảnh là thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 12/09/2001.

Ông Dean Cianciulli và vợ là Susan đến nhà thờ cùng với hai đứa trẻ trong nôi để cầu nguyện cho người anh em họ của Susan. Ông cho biết "Cộng đoàn chúng tôi có nhiều người làm việc trong đó. Chúng tôi bây giờ thật là tiêu điều".

Một người bán cổ phiếu tại Manhattan đến nhà thờ cầu nguyện cho một người bạn mà ông nói chuyện qua điện thoại chỉ 15 phút trước khi xảy ra vụ tấn công. Ông nói: "Còn nơi nào để đến nữa. Ðây chính là nơi phải đến. Ðây là nhà của Chúa. Bạn phải tìm đến với Ngài để vượt qua được nỗi đau buồn này".

Buổi tối ngày thứ Ba 11/09/2001, chúng tôi gặp George Goloff, 42 tuổi, ở Manhasset, đang băng qua bãi đậu xe hướng về cửa nhà thờ. Ông nói, "Tôi là người vô thần, nhưng hôm nay tôi đến nhà thờ." Ông là một viên chức trong sở Bưu Ðiện thành phố. Ông cho biết: "Tôi muốn tìm chút gì là ý nghĩa của cuộc đời này".

Nhiều người khác cho biết hơn bao giờ hết họ đang dựa vào đức tin của họ để trải qua đau thương này.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page