Giáo hội tại Á Châu

và nỗ lực chấm dứt nạn nghèo đói

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội tại Á Châu và nỗ lực chấm dứt nạn nghèo đói.

(Tin  Ucan 5/9/2001) - "Việc xóa nạn nghèo đói trên thế giới là một tiến trình mà mọi người phải tham gia, kể cả những người nghèo khổ và thành phần bị gạt bên lề xã hội" và "Giáo hội tại châu Á có thể góp phần chống nạn đói qua việc huy động nhân lực và các nguồn lực khác", đó  là nhận định của ông Stefan Gigacz, một viên chức của Ủy ban Công giáo Pháp chống Nghèo đói để phát triển (CCFD)  đặc trách  dự án  thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh.

Sau đây là  bài phỏng vấn ông Stefan Gigacz dành cho hãng thông tấn UCAN:

Hỏi: Xin ông cho biết về Ủy ban Công giáo Pháp chống Nghèo đói để phát triển (CCFD).

Stefan Gigacz: Ủy ban Công giáo Pháp chống Nghèo đói để phát triển, được thành lập năm 1961 vào thời điểm Tổ chức Lương Nông quốc tế gọi tắt là FAO mở chiến dịch toàn cầu chống nạn đói trên thế giới. Cũng vào thời điểm đó, Liên Hiệp Quốc tuyên bố lầu đầu tiên "Thập niên của sự phát triển", do đó chúng tôi hoạt động về cả hai phương diện.

Hiện nay chúng tôi hoạt động ít hơn về vấn đề Nghèo đói. Chúng tôi làm việc tại khoảng 90 nước trên thế giới, trong đó có 15 nước châu Á và Thái Bình Dương.

Hỏi: Vậy thì Ủy ban đã làm gì tại châu Á?

Stefan Gigacz: Chúng tôi yểm trợ các dự án tầm trung bình và những dự án nhỏ, chủ yếu tại nông thôn nơi có những người nghèo nhất. Chúng tôi cấp những khoản vay nho,û nhằm giúp vốn cho dân tạo một công việc làm ăn nhỏ, để sau đó họ có thể tiết kiệm hoặc tích lũy vốn liếng riêng.

Nhưng chúng tôi có nhiều loại dự án khác. Ðối với giới trẻ, chúng tôi yểm trợ các phong trào thanh niên Công giáo và cũng làm việc với giới trẻ gặp khó khăn, đó là trẻ đường phố và những người trẻ khác. Khi tôi nói "chúng tôi," tôi không có ý nói là Ủy ban Công giáo Pháp chống Nghèo đói để phát triển,  đang làm việc này;  Nhưng muốn nói là  chúng tôi ủng hộ tài chánh cho các  nhóm hay tổ chức  khác, nhưng cùng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án  với chúng tôi.

Hỏi: Trong việc cung cấp kinh phí, ủy ban dựa theo những tiêu chuẩn nào?

Stefan Gigacz: Ðiều quan trọng đối với chúng tôi, đó là sự  tiếp tục mối quan hệ. Chúng tôi tìm người cộng tác, người mà chúng tôi có thể tin cậy được, để hoạt động ngay tại địa phương, trong một thời gian dài. Nói chung, chúng tôi thích hỗ trợ một dự án đang tiến hành, và chúng tôi cũng làm việc trên cơ sở hoàn toàn mang tính đại kết hoặc liên tôn.

Hỏi: Giáo hội có thể làm gì để giúp xóa đói giảm nghèo?

Stefan Gigacz: Tôi nghĩ hiện nay tại châu Á chúng ta cần làm hai việc.

Trước hết, chúng ta cần huy động nhân sự, bởi vì  nhân sự  là tài nguyên số một trên thế giới. Chúng ta có thể tìm cách huy động mọi người như sinh viên, công nhân, người của Giáo hội... cùng tham gia công tác phát triển.

Giáo hội có thể quy tụ nhiều người để cùng nhau suy tư về những gì đang xảy ra trong thế giới và học hỏi các giáo huấn xã hội của Giáo hội; Giáo Huấn Xã Hội nầy,  được  nhiều người vẫn thường  gọi  đó là "bí mật được gìn giữ tốt nhất" của Giáo hội. Ðây là một cách đóng góp dài hạn rất quan trọng,  là xem  Giáo Hội  nói gì về những vấn đề  trong lãnh vực kinh tế.

Thứ đến, tại châu Á hiện có 10 quốc gia phát triển. Tôi nghĩ đã đến lúc phải bắt đầu huy động nguồn lực tại châu Á cho công cuộc phát triển. Chúng ta có thể giữ một vai trò hạt nhân rất quan trọng  trong công cuộc phát triển nầy; chúng ta có thể trở thành động cơ cho nhiều công việc tích cực.

Hỏi: Liệu người giàu có vai trò quyết định trong việc xóa đói giảm nghèo hay không?

Stefan Gigacz: Tôi thực sự cảm thấy rằng chúng ta phải thách thức người giàu nhiều hơn nữa, nhiều bao nhiêu có thể; nhưng cũng cầèn phải biết là không có phép kỳ diệu nào cho điều này. Tôi nghĩ rằng sự phát triển thật sự không phải là cái gì đó xảy đến cho chúng ta, mà là cái gì đó chúng ta được tham dự vào. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải khởi đầu những chương trình có tính cách tham dự,  làm cho người nghèo cũng được tham dự vào tiến trình phát triển của chính họ.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng cần có nhiều linh mục thành lập các hợp tác xã hoặc các dự án nông nghiệp  hơn nữa hay không?

Stefan Gigacz: Với vị trí của quan trọng trong cộng đồng,  các linh mục có thể đóng góp tuyệt vời; đó là điều hay, nhưng tôi cho rằng giáo dân phải có sáng kiến, vì giáo dân luôn có mặt nơi làm việc, nơi phố chợ. Một số bạn trẻ Công giáo chọn hoạt động cho người nghèo, nhưng họ  bị  kiệt quệ hoặc vỡ mộng,  vì không  được trả công đúng mức.

Ðúng là có nhiều người tham gia công tác phát triển; lúc đầu họ hoạt động hăng say với nhiều lý tưởng;  nhưng  rồi khả thể bị kiệt quệ  chờ đón họ. Tuy nhiên, mỗi người phải có một kế hoạch riêng cho cuộc đời họ, -- cho gia đình và cho chính bản thân của họ. Ðó là điều quan trọng.

Nhưng những người có lý tưởng cao, họ có thể đóng góp bằng nhiều cách khác nhau. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) cống hiến  một dấn thân khác nữa, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng người ta phải làm việc trong các dịch vụ xã hội hay trong lảnh vực phi lợi nhuận. Hiện nay tại châu Á, sự phát triển kinh tế rất quan trọng. Ðể có thể chia sẻ của cải, chúng ta cần phải làm ra của cải.

Nếu những người có khả năng kinh doanh và làm việc này với một nhãn quan Kitô giáo, họ vẫn có thể đóng góp trên bình diện nầy, vì không có mâu thuẫn nào cả giữa kinh doanh và nhãn quan kitô giáo. Vấn đề không phải là hoặc kiếm tiền cho mình thật nhiều hoặc là sống nghèo để làm "việc thiện." Tôi nghĩ có thể dung hòa cả hai.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng Giáo hội tại châu Á hiện nay là Giáo hội cho người nghèo?

Stefan Gigacz: Thực lòngï mà nói, tôi không muốn trả lời câu hỏi này.

Ðiều tôi muốn nói là Giáo hội tại châu Á đang ở vào thời điểm rất quan trọng trong lịch sử, bởi vì có rất nhiều người trẻ. Trong thế kỷ 21, trung tâm của thế giới là ở châu Á, và tôi nghĩ đây là thách đố và trách nhiệm mà Giáo hội châu Á cần đảm trách.

Quả là một thách đố lớn lao khi đến với giới trẻ châu Á. Họ có ơn gọi, sứ mạng và vận mệnh riêng trong cuộc đời.. Tôi nghĩ rằng khởi điểm tại châu Á cần phải nằm ở bình diện con người hơn là ở bình diện những vấn đề tôn giáo, nghĩa là chúng ta đừng đến anh chị em xung quanh  với mục đích để truyền đạo.

Hỏi: Ông nghĩ sao về lời chỉ trích cho rằng lập trường của Giáo hội về dân số đã góp phần vào nạn nghèo đói trên thế giới?

Stefan Gigacz: Là Kitô hữu, trước hết, chúng ta có trách nhiệm giải quyết các vấn đề môi trường trong tương quan với việc gia tăng dân số. Tuy nhiên, quả là quá đáng khi các nước giàu chỉ lo "giảng dạy" cho các nước nghèo biết về nhu cầu kiểm soát dân số mà thôi. Chẳng hạn, nước Mỹ với khoảng 250 triệu dân, đã thải ra 25% tổng lượng chất độc hại vào khí quyển.

Thứ đến, -- và đây là một trong những bí quyết  được gìn giữ tốt nhất của Giáo hội Công giáo -- đó là không phải chỉ có một mà là có nhiều phương pháp kế hoạch hóa gia đình có hiệu quả được Giáo hội ủng hộ.

Vợ chồng tôi đã theo phương pháp Billings và chúng tôi thấy nó hiệu quả trong việc muốn thụ thai và tránh thai. Hiện nay tại một số tỉnh ở Trung Quốc, người ta chính thức cổ vũ kế hoạch hóa gia đình theo  phương pháp Billings nầy.

Tôi nghĩ rằng Giáo hội chúng ta phải bỏ đi "thái độ tự vệ"  đối với những gì chúng ta có thể đóng góp. Hãy quan tâm đến điều Giáo hội dạy, hãy học hỏi và có thái độ tích cực về điều đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm kiếm những cơ hội để đóng góp phần của mình vào công cuộc phát triển chung.


Back to Radio Veritas Asia Home Page