Bài Ðiểm Báo 5

về cuộc hành hương của ÐTC

tại Hy lạp, Syrie và Malta

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO  về cuộc hành hương của ÐTC tại Hy lạp, Syrie và Malta.

Cuộc hành hương 5 ngày (từ 4 đến 9 tháng 5 năm 2001) của ÐTC Gioan Phaolô II tại Hy lạp, Syrie và Malta đã kết thúc vào lúc 20:15 thứ tư, mùng9 tháng 5/2001, khi chiếc máy bay của hãng hàng không Malta đáp xuống Phi trường quân sự Ciampino-Roma.

Chào đón ÐTC tại sân bay có Tổng thống Cộng hòa Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi. Ðây là một biến cố ít khi xẩy ra và một cử chỉ nồng hậu của Tổng thống đối với Vị Lữ hành và Sứ giả của Hòa bình, như nhật báo uy tín Le Monde của Pháp (số ra ngày 8.5.2001) viết : "ÐTC  đáng được mọi người tôn trọng". Ngoài Tổng thống Cộng hòa Ý, về phía tôn giáo, có ÐHY Camillo Ruini, Tổng đại diện Roma, Chủ tịch HÐGM Ý, ÐHY Martinez Somalo, Tổng Trưởng Bộ Tu sĩ , và là vị hồng y Nhiếp chính, khi ÐTC không hiện diện tại Roma và lúc Tòa Thánh trống ngôi, Ðức TGM Jean Louis Tuaran, Ngoại trưởng Tòa Thánh và nhiều viên chức thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh.

Sau khi trao đổi ít lời và cảm ơn  Tổng Thống và các Vị ra đón chào ngài, ÐTC lên máy bay trực thăng của Không Quân Ý vẫn dành riêng cho ngài, để trở về Vatican.

Cuộc hành hương vừa kết , một trong các chuyến ra đi khó khăn hơn cả , đã kết thúc trong an bình và thành công. Báo chí  quốc tế vẫn tiếp tục viết nhiều về biến cố lịch sử này.

Nhật báo La Stampa, số ra ngày 10.5.2001, dành hai bài trong trang 10, để tường thuật về cuộc hành hương vừa kết thúc. Ở đầu trang, tờ báo Torino lược tóm ba chặng của cuộc hành hương như sau:

- "Phép lạ tại Athènes".  Ðây là tít đề về chặng Hy lạp. Nhật báo giải thích "phép lạ này" là gì? Một bước tiến lịch sử về hòa giải với các tín hữu chính thống. ÐTC xin lỗi với Giáo hội Hy lạp về vụ vây   đánh thành phố Constantinopoli, do các người Tây phương thuộc Ðạo Binh Thánh giá lần thứ IV. Như vậy, cuộc gặp gỡ với  Ðức TGM chính thống Hy lạp Christodoulos, được khởi sự trong giá lạnh, kết thúc bằng một tràng pháo tay.

- Viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo tại Damas (chặng hai của cuộc hành hương) - Bước tiến lịch sử thứ hai : Ðức Gioan Phaolô II cầu nguyện trong Ðền thờ Hồi giáo Omayyadi ở Damas. Trong lễ nghi tiếp đón, Vị Giáo Trưởng Hồi giáo (Mufti), nói: "Sự cộng tác phải chiếm ưu tiên trong mối quan hệ giữa các tôn giáo". Ðức Gioan  Phaolô II đáp lại: "Chúng ta cùng nhau xin tha thứ về tất cả các lần các tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo đã xúc phạm nhau".

- Cuộc tiếp đón nồng hậu tại Malta - (chặng ba và là chặng sau cùng) - Thánh lễ, Lễ nghi tuyên bố ba Chân phước mới của Malta, và kính viếng Mộ Chân phước George Preca, một vị linh mục được người dân của Ðảo yêu mến , ÐTC đã muốn ghi chặng này vào cuộc hành hương theo vết chân Thánh Phaolô, để ca ngợi lòng sùng đạo sâu xa của người dân Malta.

Il Tempo di Roma, cũng số ra ngày 10.5.2001, đăng một bài về cuộc hành hương vừa kết thúc, với tít đề: "ÐTC người lữ hành, một lần nữa yêu cầu hòa bình tại Trung Ðông".  Dưới tít này, tờ báo Roma viết: "Hơn 100 ngàn người tại La Valetta dự thánh lễ Phong Chân phước của ba Vị người Malta". Nhật báo để hình ÐTC đứng trên  "Xe" (Papamobile)  đi qua giữa dân chúng ở Thủ đô. Rồi đưa ra nhận xét về cuộc hành hương như sau: "Bản thống kế tích cực của sứ vụ mục vụ  đã đưa ngài đến giữa các tín hữu chính thống và Hồi giáo". Trong bài , đặc phái viên giải thích về bản thống kê tích cực như sau: "Trước ngày lên đường, xem ra là những mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng những sự việc đã xẩy ra minh chứng ngược lại. Một quan niệm mà phát ngôn viên Tòa Thánh, Tiến sĩ Navarro Valls, đã chủ ý nhấn mạnh: "Ðây là một cuộc hành hương thời đại. Cuộc hành hương này được đặc tính hóa bởi "phép lạ Athènes" (nơi đây ÐTC và Ðức TGM Christodoulos đã cùng nhau đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Hy lạp) và được đánh dấu bằng việc kính viếng Ðền thờ Hồi giáo Omayyadi ở Damas".  Trước khi lên máy bay, Tiến sĩ Navarro Valls đã muốn nhấn mạnh một lần nữa nội dung "hoàn toàn có tính cách thiêng liêng" của các chặng hành hương theo vết chân Thánh Phaolô và, cách riêng, buổi cầu nguyện tại Thành phố-ma Quneitra. Phát ngôn viên Tòa Thánh nói thêm như sau: "Nhũng ai muốn" chính trị hóa buổi cầu nguyện này "tức là sai lầm".

Nhật báo Tichrine, một trong các báo lớn nhất của thủ đô Damas (Syrie) số ra ngày 8.5.2001,  viết : "Cây Uliu đã được ÐTC làm phép sẽ còn mang ý nghĩa lâu dài về giá trị cao cả của hòa bình tại Trung Ðông"- Nên nhớ lại rằng: Sau buổi cầu nguyện trong nhà thờ bị bom tàn phá ở Quneitra (Thành phố -ma , trên đồi  Golan, giáp giới Do thái), ÐTC đã làm phép cây Uliu, biểu hiệu của hòa bình. Biểu hiệu này phải được coi như lời nhắn nhủ cho các tổ chức quốc gia và quốc tế về giá trị của hòa bình trong miền. Bình luận kinh cầu xin hòa bình được ÐTC đọc lên trong dịp này, tờ báo của Damas, viết: "Những lời của  ngài nói lên thật  rõ ràng và cho mọi người thấy rằng: ÐTC xác tín rằng Hòa bình chỉ có thể được, nếu xây dựng trên công bình".

The Malta Independent, nhật báo lớn của Malta, số ra ngày 09.5.2001, dành nhiều trang cho chuyến viếng thăm của ÐTC. Báo này viết với tít lớn nơi trang nhất: "Hân hoan chào mừng ÐTC". Những người đóng vai trò chủ chốt của lễ mừng này cách riêng  là các trẻ em và thanh niên. Ðây là một chuyến viếng thăm mà người dân Malta sẽ khó quên đi được".

Trong bài khác, nhật báo của Malta nói đến chương trình viếng thăm quốc tế tới đây của ÐTC và nhấn mạnh đến sức thiêng liêng mạnh mẽ của Vị Hành hương này. Bài báo quả quyết: "Sự đau khổ đã trở nên  đặc sủng của ngài".

Trong bài thứ ba, The Malta Independent thuật lại lời của Tổng thống Malta, ông Di Marco như sau: "Vừa gặp ngài, xem ra là một người mệt nhọc. Nhưng sau khi đã qua ít thời giờ với ngài, mới thấy rõ ngài rất hoạt động . Nơi ngài có một cái gì đó đem đến cho người dân sức mạnh, sức sống và đức tin Kitô. Tiếp xúc với dân chúng, ÐTC trở nên hăng say và biểu lộ tất cả nghị lực mạnh mẽ của ngài".

The Times of Malta, một nhật báo khác của Malta, để tít lớn nơi trang nhất:  "Một lời chào mừng rất nồng hậu". Bài này  nhắc lại lời ÐTC căn dặn người dân Malta: "Anh chị em hãy nắm giữ và bảo vệ cách hiên ngang ơn gọi Kitô của anh chị em".

Thuật lại lễ nghi đón tiếp, tờ báo nhấn mạnh đến sự biểu lộ tình yêu mến của người dân Malta dành cho ÐTC; đây là một "cuộc tập họp dân chúng  đa dạng"  vì có cờ của nhiều nước khác nhau, cả cờ của Ba lan nữa. Như vậy chứng minh rằng trong số này có nhiều người đến hành hương, trong dịp ÐTC viếng thăm Malta.

Nhật báo The New York Times (của Hoa kỳ), cũng số ra ngày 9.5.2001,  viết: "Tại Malta, một biển người đón chào Ðức Gioan Phaolô II lúc ngài đến đây". Tại Malta, theo nhận xét của đặc phái viên,  ÐTC cảm thấy thoải mái hơn, hòa mình giữa biển người hân hoan đón chào ngài. Thực vậy. Malta đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón hết sức nồng hậu, bằng cử chỉ và bằng lời nói của Tổng thống.

Cả Tờ báo công giáo Ý : Tương Lai,  số ra ngày 9.5.2001, viết tương tự như tờ báo Hoa kỳ New York Times: "Tại Malta chúng ta thấy  một biển người, chưa từng thấy tại Ðảo này. Từng ngàn nguời tuốn ra các ngả đường của Thành phố La Valetta, từ sân bay đến Phủ Tổng thống,  phất cờ hoan hô lớn tiếng: "Viva il Papa, Viva il Papa".

Trong bài khác, tờ báo nhấn mạnh đến lời kêu gọi của ÐTC trước khi từ giã Damas:"Ra đi khỏi Damas, Ðức Wojtyla, một lần nữa, chỉ vẽ con đường tiến đến hòa bình : tôn trọng luật pháp quốc tế. Như vậy mới hy vọng đi đến hòa bình được. Ngài nhắc lại rằng : những cuộc tranh chấp, dụng độ sẽ không thành công và sẽ không bao giờ thành công ". Bài  báo kết thúc : " ÐTC, người hành hương và sứ giả hòa bình không nhắc đến tên ai cả, cũng không áp đặt cái gì trên một người nào. Nhưng ngài nêu cao một thái độ , ngài chỉ vẽ một con đường. Những lời chỉ trích của những nhà chính trị chỉ là những giải thích sai lầm, thiên lệch...".

Trong một bài khác, nhật báo "Tương Lai"  đăng bài phỏng vấn ÐHY Daoud, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Ðông phương, trong đoàn tùy tùng của ÐTC tại Syrie ( ngài là người Syrie ), dành cho nhật báo, với tít đề: "Những thách đố thắng được trong tinh thần hòa giải".

Die Welt, nhật báo lớn xuất bản tại Ðức, số ra ngày 9.5.2001, sau khi nhắc lại lời kêu hòa bình của Ðức Gioan Phaolô II cho Trung Ðông, nhấn mạnh đến cuộc tiếp đón rất nồng hậu  dân Malta dành cho ÐTC.

Nhật báo Ðức nhấn mạnh cách riêng đến  diễn văn chào mừng của Tổng thống Malta tại sân bay. Oâng đã chào mừng ÐTC như người của hòa giải, như người thợ xây dựng hòa bình trong Ngôi Nhà Chung của Châu Aâu . Tờ báo cũng không quên thuật lại lời ÐTC nhắn nhủ người dân Malta: "Hãy hãnh diện về nền văn hóa của mình đã ăn rễ sâu vào   Khoa nhân bản của Tin Mừng".


Back to Radio Veritas Asia Home Page