Bài Ðiểm Báo 4

về cuộc hành hương của ÐTC

tại  Hy lạp- Syrie và Malta,

theo vết chân Thánh Phaolo

 

Prepare for Internet by Mgsr Peter Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐIỂM BÁO  về cuộc hành hương của ÐTC tại  Hy lạp- Syrie và Malta, theo vết chân Thánh Phaolô.

Cuộc hành hương của ÐTC tại Hy lạp, Syrie và Malta bước vào giai đoạn cuối cùng. Sáng thứ ba (08.5.2001),  máy bay chở ÐTC từ  Damasco đến Malta  đáp xuống phi trường quốc tế La Valetta lúc 14 giờ (giờ địa phương).

Sau ba ngày mệt nhọc , từ giã  Syrie , ÐTC lên đường đi Malta vào lúc 11.00 trưa (giờ địa phương). Ðây là Một chuyến viếng thăm lịch sử. Và  những thành công đã được thấy ngay trước mắt, đến độ Tổng thống trẻ trung của Cộng Hòa Ả rập Syrie, một quốc gia Hồi giáo,  nói với ÐTC trước khi ngài lên máy bay rằng: "Syrie  là nhà của Ngài. Bất cứ công việc gì Ngài muốn, xin Ngài vui lòng cho tôi biết. Syrie là một quốc gia trong đó các tôn giáo chung sống hòa bình. Tôi biết rõ trong những ngày này Ngài mệt nhọc nhiều". Hài lòng về lời của Tổng thống, ÐTC đáp lại cách khôi hài: "Ðây là lần thứ nhất một vị Tổng Thống trẻ trung như Ngài đón tiếp tôi, một vị Giáo Hoàng tuổi tác. Tôi xin cảm ơn Tổng thống về những lời chân thành và một lần nữa cảm ơn Tổng Thống, Chính phủ và toàn dân Syrie về cuộc tiếp đón nồng hậu đã dành cho tôi. Xin Thiên Chúa  chúc lành cho Syrie". Như thể luyến tiếc, Tổng thống và các nhân viên chính phủ chờ đợi cho tới lúc máy bay bắt đầu chuyển động, mới ra về, bằng cử chỉ ý nghĩa: vẫy tay chào biệt Vị Khách trên máy bay. Qua cửa sổ máy bay, ÐTC cũng đáp lại bằng cử chỉ thân thiện  như vậy.

Sau hai giờ , máy bay của Công ty hàng không Syrie đáp xuống Malta, chặng thứ ba và chặng sau cùng của cuộc hành hương toàn xá. Nhật báo La Stampa  của Ý xuất bản tại Torino (08.5.2001), viết như sau: Tại Malta Ðức GP II sẽ bỏ quên tất cả những mệt nhọc và những chỉ trích (về phía Do thái ) trong những ngày viếng thăm Syrie, để hoàn toàn hòa mình giữa biển người. Và để dân chúng được dự thánh lễ do ÐTC chủ tế sáng thứ tư, trước khi lên đường  trước khi trở về Roma, Nhà Cầm quyền Ðảo Malta công bố : Một Ngày Quốc Khánh. Dân cư toàn Ðảo khoảng 379 ngàn (trong đó có 359 ngàn công giáo, hầu toàn tòng). Con số dự thánh lễ Tôn phong Chân phước sáng thứ tư có thể lên tới hơn 100 ngàn. Như vậy, cứ ba người dân của Ðảo rất công giáo này, có một người dự thánh lễ trong dịp này.

Cũng nhật báo La Stampa tiết lộ tin cho rằng: "Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Athènes bị lãnh tụ Bin Laden nhằm phá hoại".

Bin Laden là ai? Một nhân vật hiện trú ẩn thường xuyên tại Afghanistan, tổ chức và điều khiển các vụ khủng bố , nhằm cách riêng Hoa kỳ và các nước Tây phương. Nhật báo của Torino viết như sau: " Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Athènes ngày mồng 4 và 5 tháng 5/2001 vừa qua đã được đánh dấu bằng việc báo động 24 tiếng trên 24 tiếng, do hai báo cáo  "mật" "top secret" cho biết : một vụ tấn công Ðức Gioan Phaolô II do nhóm khủng bố liên kết với lãnh tụ khủng bố người Arabie Saudite tên là Osama Bin Laden.

Nhật báo Hy lạp Ethnos, trong khi thuật lại nguồn tin chính phủ, cho biết : một bản báo cáo đến từ một quốc gia Châu Âu, bản khác từ một quốc gia Ả rạp và hai bản báo cáo đều được coi là rất đứng đắn đáng tin. Bản báo cáo thứ hai nói rõ : vụ mưu sát sẽ xẩy ra vào lúc ÐTC tới Thành phố Athènes ". Nhưng như quý vị và các bạn đã theo dõi: chuyến viếng thăm của ÐTC diễn tiến tốt đẹp mọi nơi, tại Athenes, rồi tại Syrie, và tại Ðảo Malta.

Tiếp sau đây, chúng ta hãy lướt qua những gì báo chí Syria và quốc tế viết về chuyến viếng thăm lịch sử của ngài tại miền Trung Ðông.

A - Báo chí Syrie với chuyến viếng thăm của ÐTC tại Damasco.

Cả hai nhật báo lớn nhất xuất bản tại Thủ đô Damasco : Tờ Tichrine và Al- Sawra  đều quả quyết : " Ðây là một chuyến viếng thăm cực kỳ quan trọng ".

Tờ Tichrine  viết: "Chuyến viếng thăm quan trọng này của Ðức Gioan Phaolô II đáp lại ước muốn theo vết chân Thánh Phaolô và đồng thời tạo nên một cơ hội quan trọng,  để một lần nữa ngài kêu gọi tái lập một nền hòa bình thực sự và toàn diện tại Thánh địa".

Sau đó nhật báo đại diện toàn dân chào mừng  ÐTC viếng thăm Syrie, với lời sau đây: "Tất cả đều cầu chúc ÐTC trường thọ, để sau cùng được thấy hòa bình trở lại trên các lãnh thổ bị chiếm đóng".

Cũng báo này, số ra ngày Chúa nhật, nhấn mạnh đến chuyến viếng thăm của ÐTC trùng hợp với ngày kính nhớ các Vị tử đạo của Syrie.

Nhật báo Sawra  viết như sau: "Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Syrie mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng nhất là ý nghĩa về  cuộc gặp gỡ được nối lại giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Thực sự, tín hữu Kitô và Hồi giáo trong miền này đoàn kết trong việc đối phó với những nguy hiểm bên ngoài". Tờ báo viết thêm như sau: "Syrie giơ tay đón tiếp Vị Thuợng Khách. Ngài sẽ cầu nguyện với người dân Syrie để hòa bình được tái lập  trong tất cả miền Trung Ðông".

Cũng báo này, số ra ngày Chúa nhật 6/05/2001, trở lại ý nghĩa cuộc hành hương của ÐTC "tại một quốc gia nơi chôn nhau cắt rốn của các tôn giáo".

Tờ Syria Times viết: "Chắc chắn Ðức Gioan Phaolô II sẽ được thấy một cái gí đó mà ngài  đã không thấy trong 92 chuyến viếng quốc tế trước đây: Ngài sẽ thấy tín hữu Kitô và Hồi giáo quyết định tiếp tục chung sống trong hòa bình,  khoan dung và thông cảm nhau như thế nào, như họ đã làm từ lúc có Hồi giáo cho tới lúc này".

Nhật báo Al-Baath, ngoài một tổng hợp các bài diễn văn đã đọc, cho in nhiều hình ảnh khổ lớn về ÐTC và Tổng thống, rồi nhấn  mạnh đến "sự quan trọng của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Syrie đối với cả thế giới". Trong số ra ngày Chúa nhật 6/05/2001, tờ báo này đề cao ý nghĩa của việc ÐTC hôn đất Syrie, lúc ngài đến sân bay Damas.

B - Báo chí quốc tế với chuyến viếng thăm của ÐTC tại Trung Ðông:

Nhật báo The New York Times của Hoa kỳ, số ra ngày Chúa nhật, viết như sau: ÐTC tại Syrie đã được đón tiếp trong bầu khí bình thản, cho dù có những lời mạnh mẽ và cương quyết trong việc lên án  về tình hình tại Trung Ðông. Theo tờ báo này, thì điểm nổi bật của chuyến viếng thăm là việc ủng hộ hòa bình trong tất cả miền này. Nói  đến chuyến viếng thăm, Tờ báo Hoa kỳ nhấn mạnh đến sự khác biệt của môi trường đón tiếp tại Syri so sánh với Hy lạp, "bởi vì tại Syrie trên các ngả đường có đông dân chúng đón chào hoan hô Vị Thượng Khách".

Tờ Corriere della sera xuất bản tại Milano (miền bắc Ý), số ra ngày 07.5.2001, để tít rất ý nghĩa: "Một sự can đảm tột bậc ". Trong bài, đặc phái viên  đề cao "chiến lược của ÐTC" , rồi giải thích: "Ra đi cách rất sáng suốt với xác tín này là các giá trị như việc hiệp nhất các tín hữu Kitô, việc đối thoại giữa các tôn giáo, hòa bình giữc các dân tộc... đã cho thấy rõ là không tiến bước được bằng những phương tiện thông thường, Vị Giáo Hoàng này quyết định phú thác cho những cử chỉ "tiên tri" (bằng hành động liên hệ đến tương lai), - cho viễn tượng "của mơ ước" , - cho việc đề ra "con đường tu đức  diệu huyền". Ðiều nầy có nghĩa gì đây? Khiêm tốn để địch lại kiêu căng của thế giới,  kể cả sự hạ mình sâu xa của Giáo hội. Chính sách cởi mở đối lại sự khép kín của người khác, và sự cởi mở này có thể bị coi là quá đáng về phía của ngài. Tín nhiệm chống lại nghi kỵ - Quảng đại địch lại những ti tiện, đến độ sẵn sàng gánh nhận  trên vai những lầm lỗi không phải của mình, với hy vọng này là người khác cũng công nhận sai lỗi của họ. Sự đơn sơ của Phúc Âm trước những thận trọng của ngoại giao. Ðây là chiến lược của Ðức Gioan Phaolô II.

La Stampa, nhật báo xuất bản tại Torino, số 07.5.2001, viết với tựa lớn như sau: "Một cuộc hành hương như một bài giáo lý". Báo này viết: "Mỗi cuộc hành hương của ÐTC tại các nơi của Thiên Chúa duy nhất là  một bài giáo lý. Ai cũng thấy rằng không thể ngăn cản Ðức Gioan Phaolô II hiến thân hoàn toàn cho đức tin, kể cả việc tử đạo. Cuộc ra đi này được coi là rất vất vả, mệt nhọc, đã làm cho hình ảnh của Ðức Karol Wojtyla trở nên mạnh mẽ hơn nữa, trước mắt thế giới.... Thực sự, không ai có thể ngăn cản được ÐTC. Vị Giáo Hoàng-hành hương này đã đi vào Nguyện đường Do thái ở Roma như một lực sĩ  vào năm 1986, lúc đó ngài còn trẻ trung... Hôm thứ bẩy mùng 5 tháng 5/2001, ngài chậm rãi bước vào trong Ðền thờ của Hồi giáo tại Damasco. Như vậy ngài đã phá hủy được hai "điều Tabù" (cấm kị). Trẻ trung hay già yếu, vị Giáo Hoàng-hành hương này không thể kiềm chế được và không thể thay đổi được. Một sự can đảm tột bậc, anh hùng".

Nhật báo Tây ban nha "El Mundo", số ra ngày Chúa nhật 6/05/2001, dành hẳn một trang cho chuyến viếng thăm ÐTC tại Hy lạp và Syria. So sánh hai cuộc tiếp đón tại Hy lạp và Syrie, Báo này viết như sau: "Nếu tại Hy lạp, người ta dón tiếp ngài cách lịch sự, thì tại Syrie, người dân đã mở rộng cánh tay đón tiếp Vị Giáo Hoàng hành hương. Thật tương phản. Trong lúc người ta nói đến sự đối chọi tuyệt đối giữa Hồi giáo và Kitô giáo, Ðức Gioan Phaolô II đã được đón tiếp nồng hậu tại một nước đa số theo Hồi giáo hơn là tại một quốc gia của "các anh em chính thống" (cùng thuộc Kitô giáo).

El Pais, nhật báo lớn khác của Tây ban nha cũng nói đến cuộc tiếp đón nồng hậu của thế giới Hồi giáo hơn tại Hy lạp. Trên các  đường phố Damasco, người dân chờ đợi để chào mừng vị Thượng Khác, trong số này có nhiều trẻ em và thanh niên.

Sueđeutsche Zeitung của Ðức, số ra thứ hai 07.5.2001, chạy tựa lớn: "Tín hữu Kitô, Hồi giáo và Do thái phải đoàn kết để làm chứng cho hòa bình". Trong bài,  tác giả viết: "ÐTC khuyên các tín hữu của tất cả các tôn giáo hãy tôn trọng và thông cảm nhau. Cách riêng ngài khuyên các tín hữu Kitô, Hồi giáo và Do thái giáo cùng chung các nỗ lực để xây dựng hòa bình tại Trung Ðông. Nhật báo Ðức tường thuật dài về các diễn văn của ÐTC và thánh lễ tại sân vận động Damasco với sự tham dự  của khoảng 50 ngàn người.

Tờ Die Welt cũng của Ðức , số ra ngày 07.5.2001, nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của việc viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo tại Damasco. Báo này viết: "Nguyên việc một Vị Giáo Hoàng vào Ðền thờ Hồi giáo mà thôi đã đủ có một ý nghĩa của một cử chỉ lịch sử về hòa giải với Hồi giáo". Die Welt gọi bài diễn văn của ÐTC đọc tại đây trong dịp này là một diễn văn gây xúc động và rõ ràng, đồng thời tờ báo Ðức đề cao những lời kêu gọi của ÐTC về hòa giải và hòa bình tại Trung Ðông.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page