Diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II

trong buổi tiếp kiến Tổng Thống George Bush

gây tiếng vang sâu rộng nơi giới báo chí Hoa Kỳ

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn văn của ÐTC đọc trong buổi tiếp kiến Tổng thống George Bush gây tiếng vang sâu rộng nơi giới báo chí Hoa kỳ.

Lời kêu gọi của Ðức Gioan Phaolô II  trong diễn văn đọc trước Tổng thống George Walker Bush sáng thứ hai vừa qua, ngày 23.7.2001, tại Castelgandolfo, nói về những thí nghiệm trên bào thai, gây tiếng vang sâu rộng nơi Giới báo chí Hoa kỳ. Tất cả các báo lớn dành những trang đầu để tường thuật và bình luận về bài diễn văn nầy. Nhiều tờ báo nhấn mạnh rằng: Tòa Bạch ốc ngạc nhiên bởi việc can thiệp và bởi tính cách cương quyết của giọng nói của ÐTC trong diễn văn. Tất cả đều ghi nhận rằng "những lời mạnh mẽ" của Ðức Gioan Phaolô II làm cho lập trường của Tổng thống trở nên khó khăn hơn, bởi vì trong những tuần tới đây Ông phải quyết định dứt khoát về việc cung cấp tài chánh hay không cho những nghiên cứu và thí nghiệm trên bào thai: một quyết định sẽ gây nên những phản ứng tương phản trong xã hội Hoa kỳ.

Tờ Los Angeles  Times viết: "ÐTC đã can thiệp vào một trong các vấn đề chính trị phức tạp nhất của Chính phủ Hoa trong lúc này. Nhiều báo khác nhấn mạnh đến "sự chấp nhận rõ ràng về phía Tổng thống đối với lời kêu gọi của ÐTC". Tờ New York Times viết: "Tổng thống Bush bước đi chậm chậm trên hành lang đá cẩm thạch bóng loáng của Tòa Nhà nghỉ hè Castelgandolfo, tiến vào phòng khách nơi ÐTC đang chờ đợi, tỏ vẻ suy tư và cảm động, như một người tiến đến bàn thờ để lãnh Bí tích Hôn phối". Thực sự như vậy. Chính Tổng thống thú nhận: Ông rất cảm động và công nhận mình không có đủ tài thơ phú để diễn tả việc ở trước mặt Ðức Gioan Phaolô II có ý nghĩa như thế nào.

Ngoài việc nhắc đến phản ứng của báo chí Hoa kỳ về lời kêu gọi của ÐTC trong buổi tiếp kiến Tổng thống Bush, trong bài nói chuyện hôm nay chúng tôi xin thuật lại nguyên văn bài phỏng vấn ÐHY William Henry Keeler, dành cho Nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày 25.7.2001, sau cuộc gặp gỡ giữa Ðức Gioan Phaolô II và Tổng thống  George Bush tại Castelgandolfo.

ÐHY William Henry Keeler, năm nay 70 tuổi, TGM giáo phận Baltimore, một trong các Giáo phận rộng lớn và quan trọng của Hoa kỳ, gồm khoảng 500 ngàn giáo dân - được tôn phong làm Hồng Y năm 1994. Cách đây ít năm ngài đã là chủ tịch HÐGM Hoa kỳ và hiện nay là chủ tịch Ủy ban của HÐGM Hoa kỳ về những hoạt động "ủng hộ sự sống" (Pro life) và trong tư cách này ngài đã đặc biệt chú ý đọc lời kêu gọi của ÐTC, xin Vị lãnh đạo Hoa kỳ tiếp tục cấm  việc cung cấp tài chánh của Chính phủ Liên Bang cho những nghiên cứu và thí nghiệm trên các tế bào, rút ra từ các bào thai.

Sau cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Tổng thống, ÐHY tuyên bố như sau: "Bầu khí tại Tòa Bạch ốc đã thay đổi và những dấu hiệu đầu tiên trong mối quan hệ với Giáo hội công giáo rất khích lệ". ÐHY nói tiếp: "Ðây là một việc can thiệp tuyệt đối cần thiết, để kêu gọi sự chú ý đến chiều kích luân lý của vấn đề. Cho tới lúc này, người ta dường như chỉ hoàn toàn tranh luận về những liên lụy y khoa của quyết định mà Tổng thống Bush sẽ phải dứt khoát,  mà quên hẳn rằng: các bào thai được dùng trong thí nghiệm, đã là sự sống được bắt đầu. Một xã hội công bình không thể cho phép mình bỏ qua việc phân tích luân lý của một vấn đề quan trọng như vậy".

Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn ÐHY dành cho nhật báo công giáo Ý.

Hỏi - Kính thưa ÐHY, nhưng tại sao sự lựa chọn của Tổng  thống  mang theo tầm mức  quan trọng như vậy tại Hoa kỳ?

Ðáp - Bởi vì sự lựa chọn này tạo nên một điểm quặt. Cho tới lúc này, chúng tôi chỉ tìm cách tránh khỏi điều này: là khi cung cấp tài chánh, chính phủ chính thức cho phép hy sinh sự sống con người nhân danh khoa học. Nhưng từ đây, cuộc tranh luận lan rộng tới Quốc hội và trong cả Nước. Chúng tôi tiến một bước ra khỏi việc cung cấp tài chánh. Một thay đổi đường lối chính trị, qua việc bãi bỏ luật cấm cung cấp tài chánh hiện vẫn có từ năm 1996, có thể sẽ gây nên nhiều phản ứng và hiệu quả tiêu cực cho lãnh vực ủng hộ sự sống:"pro life".

Hỏi  - Tại sao Tổng thống Bush ngần ngại lâu như vậy, nếu Ông tin rằng: sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai: Ông không chắc chắn về lập trường của mình hay sao?

Ðáp - Dĩ nhiên, tình hình rõ ràng rồi. Nhưng đàng khác, nếu chúng ta nghĩ đến tất cả các áp lực  mà Vị Lãnh đạo Quốc gia nhận được, cả trong chính Ðảng của Ông nữa, và nếu chúng ta phân tích thể thức trong đó các phương tiện truyền thông xã hội (Mass-media) tranh luận về vấn đề, chúng ta hiểu ngay rằng: có một lập trường sai lầm. Nếu Tổng thống quyết định theo những gì báo chí viết ra, thì từ mấy tháng nay ông đã bãi bỏ việc cấm cung cấp tài chánh. Vì thế, điều cần thiết là ÐTC nói lên tiếng nói của ngài, bằng việc lôi cuốn sự chú ý nhiều hơn về khía cạnh đã bị bỏ quên của vấn đề.

Hỏi - Vậy ÐHY vừa nói trên đây là mới quan hệ với Chính phủ mới gây nhiều khích lệ. Tại sao ÐHY phê phán như vậy?

Ðáp - Vì sự chú ý mà Vị Lãnh đạo quốc gia đang dành cho các người công giáo, đã được biểu lộ cả trong những cử chỉ. Thí dụ, trong mấy ngày trước đây, Tổng thống đã dành chuyến viếng thăm đầu tiên tại New York, để trao tặng huy chương kính nhớ Ðức Cố Hồng Y John O'Connor. Trong các tuần vừa qua, Ông đã tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Văn hóa mới tại Washington, mang tên Ðức Gioan Phaolô II. Các cử chỉ này còn kèm theo bằng những lời nói và bằng biểu lộ lập trường nữa. Trong các bài diễn văn, Tổng thống thường nhắc đến các giá trị công giáo, những lời của ÐTC và việc bảo vệ sự sống. Chúng tôi biết rằng: Tổng thống ủng hộ án tử hình, nhưng chúng tôi không có một cuộc tranh luận công khai và sâu xa với Tổng thống về đề tài này.

Hỏi - Về phá thai, Tổng thống tuyên bố: với tư cách riêng, chống đối hẳn, nhưng ông thêm ngay rằng: Hoa kỳ chưa sẵn sàng bãi bỏ phá thai. Ðức Hồng Y nghĩ thế nào?

Ðáp - Chúng ta phải tiếp tục nêu lên vấn đề này, trong mọi cơ hội có thể.

Hỏi - Một số nhà phân tích cho rằng: sự chú ý của Tổng thống đến các người công giáo có những lý do chính trị: mục đích của ông là nhằm chiếm đa số phiếu các người công giáo thuộc khuynh hướng ôn hòa. Số phiếu này có thể quyết định kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004?

Ðáp - Tôi không muốn đi vào lãnh vực chính trị. Ðiều  người công giáo phải quan tâm là nêu lên những vấn đề quan trọng theo đức tin công giáo.

Hỏi - Tổng thống nói rằng: trong cuộc gặp gỡ với ÐTC đã thảo luận nhiều về các đề tài quốc tế. Vậy ÐHY nghĩ sao về đường lối chính trị của Tổng thống tại Trung Ðông -  về Hỏa tiễn chống hỏa tiễn,  và về việc thâu nhận những người vẫn còn bị loại ra ngoài, không được hưởng những lợi ích của chính sách hoàn cầu hóa?

Ðáp - Còn quá sớm để phê phán về đường lối chính trị của Tổng thống tại Trung-Ðông, nhưng chúng ta phải cầu nguyện để không những Tổng thống, nhưng cả các lãnh tụ chính trị khác,  có xác tín về sự cần thiết phải chấm dứt bạo động và tập trung mọi nỗ lực vào hòa bình. Về Hỏa tiễn chống hỏa tiễn, điều đáng khích lệ là sự liên kết mới đây với việc giải trừ vũ khí hạt nhân: tương lai của sáng kiến này như thế nào chưa biết;  điều ích lợi là bắt đầu thảo luận về giới hạn nhiều hơn nữa các xưởng chế tạo vũ khí. Sau cùng khối G8, dù có những đụng chạm và bạo động, đã đưa ra những sáng kiến chống cảnh nghèo khổ. Trước khi ra về, Tổng thống Bush đã yêu cầu Ngân Hàng thế giới biến đổi một nửa số tiền của Ngân Hàng cho vay mượn, thành những trao tặng cho công cuộc phát triển. Ðây là một dấu chỉ tích cực và giờ đây chúng ta chờ đợi xem có biến sang thực hành hay không.

 


Back to Radio Veritas Asia Home Page