ÐTC chuẩn bị viếng thăm

Cộng Hòa Kazakhstan vào tháng 9/2001

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC tại Cộng hòa Kazakhstan, vào tháng 9/2001 tới đây.

Chuyến viếng thăm mục vụ bốn ngày tại Ukraine vừa kết thúc cách đây hơn một tuần, báo chí lại loan tin về một chuyến viếng thăm khác: "ÐTC sẽ lên đường viếng thăm Cộng Hòa Kazakhstan, ở miền  Trung  Á vào tháng 9/2001 tới đây".

Cộng hòa Kazakhstan là quốc gia có một diện tích mênh mông: rộng 2 triệu 800 ngàn cây số vuông (rộng hơn Việt  nam chín lần), nhưng dân cư thưa thớt: chỉ có 15 triệu mà thôi. Kazakhstan là một cộng hòa rộng hơn cả, trong số 5 cộng hòa thuộc cựu Liên xô, nằm tại miền Trung Á, giáp giới với hai quốc gia khổng lồ Trung quốc và Nga. Kazakhstan được độc lập năm 1991, sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ. Từ đó, ông Nursultan Nazarbaev lên làm Tổng thống, với quyền hành rất rộng rãi, rất ít bị kiểm soát về phía Quốc hội. Tài lãnh đạo và công nghiệp của Tổng thống ở tại chỗ này là biết bảo đảm cuộc chung sống hòa bình giữa 102 quốc tịch khác nhau trong nước. Người dân tộc Kazakhi chiếm khoảng 40%; dân Nga khoảng 30%, trổi vượt hơn các nhóm thiểu số khác. Trong hai thế kỷ cuối cùng Kazakhstan dưới quyền đô hộ của Nga Hoàng (Zar) và sau đó dưới quyền thống trị của  nhà độc tài cộng sản Stalin. Trong thời kỳ cộng sản, Kazakhstan được dùng như nơi lưu đầy của những người chống chế độ cộng sản Liên Xô. Ngày nay trên lãnh thổ Kazakhstan có nhiều nhóm chủng tộc khác nhau: Ðức miền Volga, Ukraine, Ba lan, Lituani, Ceceni, và trong những năm vừa qua người di cư đến từ Thổ nhĩ kỳ và Ðại Hàn.

Về lãnh vực kinh tế,  Kazakhstan đang thu hút nhiều vụ đầu tư ngoại quốc, để khai thác các tài nguyên rất phong phú, cách riêng  về khoáng sản và đầu hỏa. Nhưng, vì sống dưới chế độ cộng sản trong nhiều năm, tuy độc lập, Kazakhstan vẫn còn là một quốc gia chậm tiến, và phần lớn dân cư vẫn phải sống trong cảnh nghèo khổ. Lợi tức hằng năm theo đầu người không quá một ngàn Mỹ kim.

Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Kazakhstan chưa được chính thức loan báo, nhưng đã được nói đến từ lâu, nghĩa là từ ngay sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ấn độ, vào tháng 11 năm 1999. Nhưng vì trong tháng này, trời tại Kazakhstan đã quá lạnh: từ 20 đến 30 dưới không độ, nên phải đình lại cho tới lúc thuận tiện hơn.  Và mới đây, ngay sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, báo chí lại nhắc đến chuyến viếng thăm này. Và tin loan đi nầy được coi như  chắc chắn và sẽ được công bố chính thức trong thời gian  gần đây.

Trong cuộc họp báo kết thúc chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, ÐHY Lubomyr Husar, TGM giáo phận Lviv, chủ chăn của các tín hữu thuộc lễ nghi Bizantin, đã xác nhận tin về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Kazakhstan. Và chương trình chi tiết xem ra đã hoàn tất. Trong những ngày này, Ðức Ông Renato Boccardo, người được chỉ định tổ chức các chuyến viếng thăm quốc tế của ÐTC, thay Cha Roberto Tucci, được thăng Hồng Y cuối tháng 2/2001 vừa qua,  đang có mặt tại Kazakhstan để kiểm điểm lại công việc chuẩn bị đã khởi sự từ lâu. Tại Astana, thủ đô mới của Cộng hòa Kazakhstan, công việc chuẩn bị được coi như trong giai đoạn cuối cùng.

Sau Kazakhstan, ÐTC sẽ viếng thăm Cộng hòa Arménie, một quốc gia nhỏ bé, trước đây cũng thuộc Liên xô, nhân dịp mừng kỷ niệm  1,700 năm lãnh nhận Tin Mừng. Ðáng lẽ, theo chương trình trước, ÐTC đã viếng thăm Arménie, tiếp liền theo sau chuyến viếng thăm Ấn độï và cộng hòa Georgia, vào tháng 11 năm 1999, nhưng lúc đó Ðức Giáo chủ Armênie lâm bệnh nặng và qua đời, nên chuyến viếng thăm phải đình lại.

Số người công giáo tại Kazakhstan chỉ có khoảng 300 ngàn, nghĩa là 2% dân số toàn quốc (15 triệu). Năm 1998, trong chuyến viếng thăm Vatican, Tòa Thánh và Tổng thống Nazarbaev đã ký một thỏa ước công nhận tính cách pháp lý của Giáo hội công giáo trên lãnh thổ Kazakhstan, và trong dịp này, Tổng thống đã chính thức mời ÐTC viếng thăm.

Sau ít tháng, Tòa Thánh tổ chức lại Giáo hội tại Kazakhstan. Cho tới ngày ký thỏa  ước, tại Kazakhstan chỉ có một giáo hạt do một vị Giám quản Tông Tòa trách nhiệm. Ngày nay tại Kazakhstan có 5 giáo phận và bốn giám mục.

Kazakhstan được rao giảng Tin Mừng từ thế kỷ 13 do các Cha Dòng Phanxicô. Kazakhstan được coi là gương mẫu của cuộc chung sống hòa bình giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Trong quá khứ Kazakhstan là nơi lưu đầy của từng triệu người bị chuyển đến đây và bị bỏ rơi trong các khu rừng rậm. Nhiều người bị chết vì giá lạnh, vì đói khổ, bệnh tật  và những ai sống sót phải làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp với dân chúng địa phương. Người dân địa phương bị cưỡng ép bỏ truyền thống du mục và làm việc trong các vùng kinh tế mới, hoặc bị giam trong các trại tập trung, nếu tỏ ra một dấu gì hay một cử chỉ nào chống đối, phản loạn.  Kazakhstan  phải chịu những hậu quả  của  một  kinh nghiệm sống đau thương  của biết bao tầng lớp xã hội, của những thế hệ bạo động  gây nên bởi chế độ cộng sản Liên Xô, để lại như một chỗ trống tinh thần nay cần lấp đi, trong những lãnh thổ mênh mông và hẻo lánh của miền Trung  Á.

Trong những cuộc lưu đầy bi thảm này, đức tin Kitô để lại một dấu vết sâu xa. Nhờ đó, trong 10 năm qua, Giáo hội công giáo được tái sinh, nhưng khác hẳn với tình hình tại Nga. Tại đây không có va chạm nào với thế  giới chính thống. Giữa người công giáo thuộc Giáo hội Roma và các tín hữu của Tòa Giáo chủ Moscowa, mối quan hệ rất tốt đẹp. Có tinh thần đối thoại và không  bao giờ xẩy ra những tố cáo về chiêu mộ. TGM giáo phận chính thống Alma Aty (thủ đô cũ của Kazakhstan), Ðức Alexis, cùng tên với Ðức Giáo chủ Moscowa, nhưng theo một đường hướng khác, thường tiếp xúc với các linh mục công giáo,  đánh giá cao công việc của các ngài và ủng hộ sự cộng tác  giữa các tín hữu Kitô trong dấn thân bác ái. Lý do rất dễ hiểu: trong một quốc gia đa số theo Hồi giáo và đang đi tìm "căn cước Kazakha của mình",  việc tranh giành quyền "có một lãnh thổ dành riêng cho chính thống", như tại Nga hiện nay, thật là điều phi lý. Ðức tin công giáo đang trở nên chứng tá đời sống, không phải là "một nhãn hiệu pháp lý hay quốc gia".

Không phải một việc tình cờ, khi  trong cuộc thăm dò dân ý mới đây tại Kazakhstan, nhân vật được dân chúng tại đây  tôn trọng hơn cả  là Ðức Gioan Phaolô II. Tại đây người dân đang chờ đợi ngài viếng thăm, kể cả các người Hồi giáo, không bị luồng gió "quá khích" từ những cộng hòa Á châu,  nhất là từ Afghanistan  thổi đến. Ðối  với Tổng Thống Nazarbaev, vừa là người cha, vừa là chủ của nền độc lập Kazakhstan, tuy phải giữ mối quan hệ tốt với Moscowa, nhưng đồng thời muốn cởi mở với Thế giới Tây phương, chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II  tại Astana (thủ đô mới) là cơ hội rất tốt để gia tăng uy tín của ông trên trường quốc tế.

Ðối với Ðức Gioan Phaolô II, vị cao niên và yêu ớt, nhưng đầy sáng suốt và ý chí, đây là một chặng đi vòng chung quanh, nếu không phải đi thẳng để xích lại gần với Giáo Hội Chính Thống  Nga. Sau chuyến viếng thăm Hy lạp và chuyến viếng thăm vừa chấm dứt tại Ukraine, Ðức Gioan Phaolô II chuẩn bị đi đến những nơi, tuy còn trung thành với Tòa Giáo chủ Moscowa, vẫn cởi mở đối thoại với Giáo hội công giáo. Moscowa hiện nay đóng kín cửa. Và chuyến viếng thăm Bắc Kinh như còn nằm trong giấc mơ. Dù sao, Ðức Gioan Phaolô II không thất vọng; Ngài sẵn sàng lên đường đi đến miền rừng núi xa xôi, nằm giữa Nga và Trung quốc. Trong khi đó, Cộng hòa Bielorussia, một trong các quốc gia trước đây thuộc Liên xô, kế bên Ukraine, cũng đang chờ đợi được đón tiếp ÐTC. ÐHY Swiatek, Giáo chủ Giáo hội công giáo tại Bielorussia, sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, đã tuyên bố như sau: "Không thể loại trừ việc Ðức  Giáo chủ Alexis đệ nhị từ bỏ lập trường của mình, mặc dù cho tới lúc này vẫn cố chấp, trước một nguy cơ bị cô lập. Tôi cho rằng việc phủ quyết của Ðức Giáo chủ Mascowa, chống lại chuyến viếng thăm của ÐTC,  sớm muộn rồi cũng sẽ phải xóa bỏ".


Back to Radio Veritas Asia Home Page