Bàn về mục đích của chuyến viếng thăm mục vụ

của ÐTC tại Ukraine

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về Mục đích của chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II tai Ukraine.

(theo bài viết của Ðức Cha Piero Marini,  trách nhiệm Văn phòng Cử hành phụng vụ của ÐTC và thuộc đoàn tùy tùng)

1 - Mục đích của chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine - Ðức Gioan Phaolô II lên đường viếng thăm mục vụ tại Ukraine từ 23 đến 27 tháng 6 năm 2001. Ðây là chuyến viếng thăm đã được chờ đợi từ lâu tại một Quốc gia đã lãnh Phép Rửa tội công giáo hơn một ngàn năm nay (988), lúc Roma và Contantinopoli còn hiệp nhất trong hiệp thông. Chuyến viếng thăm này là "giai đoạn chót"  của các lễ nghi mừng kỷ niệm Phép Rửa tội này. Giáo hội công giáo tại Ukraine, thuộc lễ nghi Bizantin cũng như Latinh, thực sự đã không thể mừng biến cố lịch sử quan trọng này vào năm 1988 --- (988-1988, một ngàn năm) --- trong tự do tôn giáo hoàn toàn. Giáo hội Hy lạp công giáo chỉ có thể mừng kỷ niệm này tại Hải ngoại, vì tại Quê hương lúc đó Giáo hội còn sống trong hầm trú ẩn.

Sau khi Ukraine lấy lại nền độc lập và các cuộc bách hại của chế độ cầm quyền chấm dứt, Giáo hội cũng được tự do và bắt đầu tái lập sự hiện diện mục vụ. Trong năm 1996, Giáo hội đã có thể tổ chức lễ mừng 400 năm (1596-1996) của Thỏa ước về Hiệp nhất được ký kết tại Brest. Ðây là cơ hợi để củng cố thêm sự hiệp thông  giữa Giáo hội Hy lạp công giáo và Tòa Roma.

Năm 2000 vừa qua, tất cả các tín hữu đã mừng Ðại Toàn xá, nhìn lên Chúa Kitô "cũng chính là Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi". Chúa Kitô là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống: đây là những lời được lựa chọn làm khẩu hiệu chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine. Ðứng trước những khó khăn trầm trọng Ðất nước đang phải trải qua, ÐTC đến để rao giảng Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, đem lại sự khuyến khích và hy vọng và cổ võ sự cộng tác cho công ích của mọi người.

Vị Giám mục Roma đến Ukraine "như Mục tử tối cao của Giáo hội công giáo"  sau nhiều lời mời , để đáp lại sự ước mong tha thiết của các tín hữu công giáo Ukraine, khá đông đảo và đã có từ lâu đời tại Xứ sở này, bằng việc gặp gỡ và củng cố họ trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa duy nhất của chúng ta   (trích từ Thư của ÐTC Gioan Phaolô II gửi cho Ðức Volodymir, TGM Kiev và toàn nước Ukraine, ngày 26.4.2001). Như vậy chuyến viếng thăm của ÐTC còn  là một cơ hội mới  nữa  để cổ võ cho sự dấn thấn đại kết.

2 - Chương trình của chuyến viếng thăm - Sau khi nêu cao mục đích chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, Ðức Cha Marini nói đến chương trình cử hành các thánh lễ trong bốn ngày viếng thăm tại Kiev (phía Ðông) và Leopoli (mạn Tây)  của Ukraine.

Chương trình của Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC có dự trù việc  cử hành bốn thánh lễ, do ÐTC chủ tế: hai thánh lễ theo lễ nghi Latinh và hai theo lễ nghi Bizantin-Ukraine. Hai thánh lễ theo lễ nghi Bizantin-Ukraine, do ÐTC chủ tọa, theo truyền thống đã được các vị Giáo chủ Ðông phương giữ cho tới lúc này: ÐTC chủ tọa, nhưng ÐHY Lubomyr Husar chủ tế Thánh lễ cùng với các Giám mục và Linh mục thuộc lễ nghi Bizantin và Latinh.

Tại Kiev, Chúa nhật 24.6.2001, Thánh lễ được cử hành theo lễ nghi Latinh. Trong ngày này, theo lịch phụng vụ chung của Roma, lễ trọng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả. Vì thế, bản văn phụng vụ hoàn toàn riêng của ngày lễ. Trong Thánh lễ, dùng tiếng Ukraine, trừ Kinh Thánh Thể bằng tiếng Latinh và lời nguyện giáo dân bằng các tiếng khác nhau.

Thứ hai, 25.6.2001, cũng tại Kiev, Thánh lễ theo lễ nghi Bizantin-Ukraine, về đề tài Hiệp nhất các tín hữu. Bản văn phụng vụ trích bởi Lễ Chúa Thánh Thần, Ðấng hiệp nhất và làm cho Giáo hội phát triển.

Thứ ba, 26.6.2001, tại Leopoli, ÐTC cử hành Thánh lễ theo lễ nghi Latinh. Bản văn về Lễ Ðức Mẹ phù hộ các giáo hữu. Trong thánh lễ dùng tiếng Ba lan (được dùng trong  miền này), trừ các lời nguyện giáo dân bằng tiếng của các nước lận cận. (Sẽ có nhiều đoàn hành hương từ Hungari, Slovak, Ba lan, Bielorussia... đến Leopoli trong dịp này).

Cũng tại Leopoli, thứ tư 27.6.2001, ÐTC chủ tọa Phụng vụ theo lễ nghi Bizantin. Trong cả hai cuộc cử hành theo lễ nghi Bizantin, sẽ dùng tiếng Ukraine.

3 - Lễ nghi Phong Chân phước - Nhân nói đến chương trình cử hành Thánh lễ, Ðức Cha Marini nhắc đến hai lễ nghi phong Chân phước. Ngài viết: Lần thứ nhất, lễ nghi Phong Chân phước được cử hành tại Ukraine. Lần thứ nhất lễ nghi Phong Chân phước theo lễ nghi Latinh được cử hành trong Phụng vụ Ðông phương.

Ngày 26.6.2001, trong thánh lễ theo lễ nghi Latinh, ÐTC tôn phong lên bậc Chân phước các Ðầy tớ Chúa sau đây: Jozef Bilczewski (1860-1923), TGM Leopoli, lễ nghi Latinh - và Zygmunt Gorazdowski (1845-1920), sáng lập Dòng các Nữ tu Jozefitki.

Ngày 27.6.2001, trong Phụng vụ lễ nghi Ðông phương, ÐTC cất nhắc lên danh dự bàn thờ 28 vị Ðầy Tớ Chúa thuộc lễ nghi Bizantin: Ðức Giám mục Mykola Carneckhyj và 24 bạn tử đạo - Ðức giám mục Teodor Romza, Linh mục Omeljan Kovè, tử đạo, nạn nhân của chế độ cộng sản và Ðức Quốc xã, Nữ tu Josaphata Hordashevska (1869-1010), đồng sáng lập Dòng các Nữ tì Ðức Maria vô nhiễm.

4 - Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Giới trẻ - Ðức Cha Marini đề cao cách riêng cuộc gặp gỡ giới trẻ. Ngài viết: Cuộc gặp giới trẻ minh chứng  lòng yêu thương tha thiết của ÐTC đối với thanh niên. Ukraine hiện trong bước quặt của lịch sử và thanh niên là một lực lượng quan trọng để kiến thiết tương lai của mình và của dân tộc.

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, đến vào lúc khởi sự Ngàn năm mới, là dấu hiệu của hy vọng cho Ukraine, cho các tín hữu của Giáo hội Hy lạp-công giáo và Giáo hội Latinh, và cũng cho những  người thiện chí nữa, những người, sau kinh nghiệm đau thương của các chế độ độc tài, đang hoạt động trong sự tôn trọng phẩm giá con người, để xây dựng một nền văn minh tình yêu, xây dựng  tương lai  Châu Âu và Thế giới. Lời của ÐTC trong Tông thư "Novo Millennio Ineunte" (bước vào ngàn năm mới) vang dội cách riêng  tính cách thời đại và xứng hợp, để tả  lại tinh thần chuyến viếng thăm của ÐTC và mục đích mà chuyến viếng thăm nhằm đến: "Chúng ta hãy tiến lên với niềm hy vọng! Một ngàn năm mới đã mở ra trước Giáo hội, như đại dương trong đó con người mạo  hiểm trước sóng giáo, bão táp, chỉ tin cậy vào sự giúp đỡ của Chúa Kitô mà thôi" (số 58).


Back to Radio Veritas Asia Home Page