Phỏng vấn Ông Anatoli Orel

nhân chuyến viếng thăm Ukraine

của ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài phỏng vấn  ông Anatoli Orel, Cố vấn chính trị của Tổng Thống Cộng hòa Ukraine, dành cho nhật  báo "Tương Lai", nhân chuyến viếng thăm của ÐTC tại quốc gia này.

Năm ngày trước khi ÐTC Gioan Phaolô II đặt chân lên Ðất Ukraine, ông Anatoli Orel, Cố vấn chính trị của Tổng thống Cộng hòa Ukraine, đã dành cho nhật báo công giáo "Tương Lai", số phát hành ngày 17.6.2001, một bài phỏng vấn dài về biến cố lịch sử này. Ông Anatoli Orel, đã giữ chức vụ Ðại sứ Cộng hòa Ukraine cạnh Tòa Thánh từ năm 1992 đến 1998. Ông  được biết đến nhiều tại Vatican từ lúc ông còn làm cố vấn chính trị của Tổng Thống Mikhail Gorbaciov. Chính ông là người tổ chức cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Ðức Gioan Phaolô II và Lãnh tụ của chính sách "Perestrojka" tháng 12 năm 1989. Hiện nay ông là Cố Vấn của Ông Kuchma, Tổng thống Cộng hòa Ukraine, người đã nhân danh dân tộc Ukraine mời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm. Ông Anatoli Orel tuyên bố: "Tây phương không luôn luôn hiểu chúng tôi. Trái lại ÐTC Gioan Phaolô II là người hiểu biết chúng tôi. Có có lẽ  vì ngài đã biết và chiến đấu chống lại chế độ cộng sản và luôn quan tâm đến miền Trung-Ðông-Âu này".

Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn của Ông Anatoli Orel dành cho đặc phái viên Avvenire.

Hỏi - Thưa Ông Cố vấn, Ðức Gioan Phaolô II đến Ukraine, một quốc gia hiện đang sống trong thời kỳ khó khăn và đang trải qua những vụ chia rẽ cả trong lãnh vực tôn giáo nữa. Vậy Ngài chờ đợi gì nơi chuyến viếng thăm này?

Ðáp - Dĩ nhiên chuyến viếng thăm của ÐTC không gây thiệt hại  cho ai cả, cũng không là một xỉ nhục cho bất cứ người nào. Ðối với chúng tôi, đây là cơ hội quan trọng để tìm hiểu sâu xa ý nghĩa nền độc lập của chúng tôi, thực hiện được 10 năm vào tháng 8 tới đây (2001). ÐTC đến trước hết để gặp các tín hữu công giáo. Nhưng tôi tin rằng Ngài sẽ có những lời tốt lành hữu ích cho mọi người và sẽ giúp chúng tôi vượt qua những chia rẽ, bằng việc làm cho Quốc gia chúng tôi được đoàn kết chặt chẽ hơn.

Hỏi - Khi Ngài nói: không làm thiệt hại, không gây sự dữ nào cho ai cả. Vậy Ngài có ý nhắc đến Giáo hội chính thống, vì Giáo hội này nghĩ rằng sẽ bị xúc phạm bởi chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ukraine, phải không?

Ðáp - Tôi không muốn đi vào chi tiết của việc tranh chấp trong nội bộ của Giáo hội chính thống. Xét về phương diện Nhà Nước chúng tôi phải tôn trọng mọi người, mọi tôn giáo.

Hỏi - Người ta có cảm giác này là Nhà Cầm quyền quốc gia muốn có sự thống nhất các Giáo hội chính thống Ukraine thành một Giáo hội duy nhất, độc lập khỏi Moscowa. Có đúng không?

Ðáp - Như Ông thấy, ý kiến riêng của cá nhân tôi là càng ít can thiệp bao nhiêu vào vấn đề, càng tốt bấy nhiêu. Những tranh luận và những tố cáo nhau giữa các Giáo hội là thành quả chua chát của thời hậu Cộng sản. Hiện nay đang có một tiến trình đi đến sự trưởng thành hơn, chúng ta không nên chính trị hóa tiến trình này. Trong ý nghĩa này, tôi tin rằng chuyến viếng thăm của ÐTC sẽ góp phần quyết định trong việc xóa bỏ  những thù địch và những thành kiến.

Hỏi - Con đường tiến đến những cải cách tại Ukraine xem ra mới  chỉ là những bước đầu mà thôi. Tại sao vậy?

Ðáp - Không đúng. Ðây là một phê phán quá hẹp hòi, được phổ biến bên Tây phương. Họ sánh ví chúng tôi với Ðông Âu, với Ba lan... nơi có những cải cách nhanh chóng và thành công. Nhưng họ quên rằng tại nước chúng tôi gia tài của chế độ cộng sản đã để lại nặng nề hơn nhiều. Ukraine đã trở nên Sô viết trong 70 năm. Nền kinh tế của chúng tôi chỉ là một phần nhỏ của guồng máy của tất cả Liên xô. Chúng tôi không có một nền kinh tế thực sự riêng. 30% của guồng máy quân sự-kỹ nghiệ Sô viết nằm trên lãnh thổ chúng tôi. Và cần nhắc lại rằng: Ukraine là quốc gia duy nhất trên thế giới hủy bỏ tất cả xưởng nguyên tử. Chúng tôi muốn có những cải cách và chúng tôi đang thực hiện. Sức sản xuất gia tăng; mức gia tăng vật giá rất thấp; chúng tôi đã cấp phát đất đai cho người dân. Nhưng đây là một con đường dài và khó khăn. Tây phương nhiều lúc không hiểu chúng tôi.

Hỏi - Một điểm gây đau đớn và liên hệ đến việc tôn trọng các quyền con người. Trường hợp ông Gongadze (ký giả bị sát hại, phe đối lập ghép tội cho Tổng Thống Kuchma) đã gây phẫn nộ cả tại Tây phương nữa...

Ðáp -  Xin nhắc lại: tại Ukraine có tự do báo chí, nhưng những điều kiện kinh tế mạnh mẽ hơn tại các nước khác, vì tình hình khủng hoảng của chúng tôi. Các quyền con người,  đã được xác nhận rõ ràng trong Hiến Pháp của chúng tôi, liều trở nên một lời trống rỗng, không ý nghĩa, khi đại đa số dân chúng chỉ lãnh được mỗi tháng số tiền tương đương với khoảng 50 Mỹ kim. Về trường hợp ký giả Gongadze, Tổng thống Kuchma là người thứ nhất quan tâm đến việc làm sáng tỏ vụ này. Nhưng tôi phải nói rằng: về tội ác này, người ta đã lèo lái vào chính trị để gây hại không những cho Tổng thống Kuchma, nhưng còn cho cả hình ảnh của Ukraine trên thế giới nữa.

Hỏi - Trong những năm vừa qua, mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đã trở nên chặt chẽ hơn. Vậy Ngài không sợ rằng Moscowa muốn tái xác ưu thế của mình trên Quê hương của các ngài sao?

Ðáp - Sự việc thực sự không phải vậy. Chúng tôi muốn có những mối quan hệ tốt đẹp, để  gần gũi với các Quốc gia lân cận,   và Nước Nga không ai hồ nghi là một quốc gia lận cận quan trọng. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập của chúng tôi. Ðây là điều  chắc chắn.   Nhưng tố cáo chúng tôi sẽ xa cách Châu Âu vì chúng tôi có những mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga là điều  vô ý nghĩa. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Châu Âu sẽ không  muốn chúng tôi,  nếu chúng tôi có quan hệ xấu với Nga, như vậy chúng tôi sẽ có thể là một mối nguy hiểm tiềm tàng và sẽ không là một quốc gia ổn định và an ninh đủ điều kiện để gia nhập Liên hiệp Châu Âu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page