ÐTC khai mạc

Hội Nghị Hồng Y lần thứ sáu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC khai mạc Hội nghị Hồng Y lần thứ sáu.

Vatican - 21.5.2001 - Như chúng tôi đã loan tin, Hội nghị Hồng Y lần thứ sáu được khai mạc sáng thứ hai 21.5.2001 tại Phòng THÐGM thế giới, trong Nội Thành Vatican, với sự tham dự của 155 trong số 183 Hồng Y trên cả thế giới. Như vậy có  gần 30 vị vì già yếu hoặc vì lý do sức khỏe đã không thể tham dự được.

Sau diễn văn khai mạc của ÐTC, có hai bài tường trình của ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000 và của ÐHY Crescenzo Sepe, trước đây là Tổng Thư Ký của Ủy Ban TƯ Năm Thánh, và nay là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, về diễn tiến và  thành quả của Năm Ðại Toàn Xá. Sau đó, có các Vị tham dự phát biểu ý kiến. Ban chiều, dưới sự điều hành của ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, ÐHY Jean Marie Lustiger, TGM Paris, thuyết trình về đề tài chính của Hội nghị Hồng Y lần thứ sáu: "Những viễn tượng của Giáo hội trong Ngàn Năm mới". Tiếp theo là những phát biểu ý kiến của các vị tham dự.

Hội nghị Hồng Y (Consistorium) là gì?  Khoản Giáo luật 353, số  một, giải thích rõ ràng như sau: là cuộc hộïi họp (coetus)  long trọng các Hồng Y, do ÐTC triệu tập và chủ tọa. Các Hồng Y được mời gọi giúp đỡ và cộng tác với ÐTC, bằng hai cách: cách cá nhân (trong trường hợp các ngài đứng đầu một cơ quan Tòa Thánh) – cách tập đoàn: do ÐTC triệu tập các vị ở Roma hay trên cả thế giới. Sau Công đồng Vatican II, các luật lệ điều hành Hội nghị Hồng y được thay đổi hoàn toàn. Khoản giáo luật trên đây nói rõ có hai loại Hội Nghị Hồng Y: Hội nghị Hồng Y  thường lệ và ngoại lệ.

Số hai của khoản Giáo luật 353, giải thích: Trong Hội Nghị thường lệ, ÐTC triệu các Hồng Y hiện diện tại Roma, để tham khảo ý kiến về một vấn đề quan trọng, nhưng có tính cách chung hơn, hoặc để thực hiện một hành động rất quan trọng, thí dụ tôn phong Hiển Thánh, liên hệ đến đức tin, bổ nhiệm Hồng y mới...

Hội nghị thường lệ có hai loại: mật: nghĩa là chỉ có ÐTC và các Hồng Y tham dự mà thôi. Trong trường hợp này, lúc khai mạc, vị giám chức lễ nghi tuyên bố: "Extra omnes" (xin các người khác ra khỏi phòng hội) và Hội nghị công cộng: nghĩa là  ngoài các Hồng Y, có thể nhận sự có mặt của các Giám chức thuộc Giáo Triều, các Giám mục hiện ở Roma hay các vị khác (linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, Ngoại giao đoàn...) được mời tham dự. Thí dụ trong lễ nghi trao mũ Hồng Y cho các Vị mới được bổ nhiệm, thường được cử hành hoặc trong Thính đường Phaolô VI, hay ngoài Quảng trường Thánh Phêrô, tùy theo con số tham dựï.

Về Hội nghị ngoại lệ, theo số ba khoản Giáo luật 353 (như Hội nghị lần thứ sáu này được khai mạc sáng thứ hai tại Vatican) ÐTC triệu tập tất cả các Hồng Y trên thế giới (kể cả các vị ngoài 80 tuổi) để thảo luận về những vấn đề quan trọng khác thường hoặc về những nhu cầu khẩn cấp cách riêng của Giáo hội.

Trong Hội nghị ngoại lệ, các Hồng Y, đến từ khắp thế giới, thuôïc các Giáo hội được rao giảng Tin Mừng từ nhiều thế kỷ, hoặc các Giáo hội trẻ trung, thuộc các nền văn hóa, các chủng tộc, ngôn ngữ, các hạng tuổi, các kinh nghiệm khác nhau... cùng đối chiếu và góp phần riêng của mình vào công việc chung của Giáo Hội hoàn cầu. Ðây là một nguồn phong phú, một sự hiệp thông duy nhất không tìm được nơi các tổ chức tôn giáo khác.

Hội nghị ngoại lệ lần thứ sáu này là Hội nghị đông đảo  hơn cả được ÐTC triệu tập từ trước tới giờ, do con số 44 Hồng y mới được tôn phong 21 tháng 2 năm nay. Hội nghị được triệu tập vào đầu Ngàn năm mới, để cùng với ÐTC, người Kế nghiệp Thánh Phêrô, Chủ chăn Giáo hội hoàn cầu, Vị lãnh đạo Giám mục đoàn, để cầu nguyện và suy tư về "Những viễn tượng của Giáo hội"  trước tương lai và những thách đố mới đang chờ đợi, dựa theo những chỉ dẫn của ÐTC đã vạch ra trong Tông thư "Khởi đầu ngàn năm thứ ba" (Novo Millennio ineunte), được công bố ngày bế mạc Năm Ðại Toàn xá 2000.

Các Hồng Y được triệu tập về Roma - với những chương trình và những câu hỏi đã nhận được trước -  cùng nhau suy tư, cầu nguyện và  thảo luận,  để tìm câu trả lời cho lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Duc in altum" (hãy ra khơi). Lời mời gọi này không những luôn luôn vang lên nơi các vị chủ chăn, nhưng còn nơi mỗi người trong chúng ta, tín hữu công giáo, người của thời đại này và thành viên của Giáo hội hoàn cầu.

Hội nghị Hồng Y không phải để tìm ra "một chương trình mới". Chương trình đã có sẵn, và có luôn mãi, một chương trình được thu lượm, rút ra từ Phúc Âm và Thánh Truyền. Nhưng chương trình này cần được đưa vào các đường hướng mục vụ, phù hợp với những hoản cảnh mới của mỗi một cộng đồng, mỗi thời đại. Làm cách nào để thực hiện chương trình sẵn có vào đời sống Giáo hội, sau Ðại Toàn xá của Năm 2000?  Ðây là câu hỏi mà ÐTC muốn đặt ra cho các Hồng Y, cố vấn và cộng tác viên thân mật hơn cả của ngài trong Hội nghị được triệu  vào  đầu Ngàn năm mới. Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh được phổ biến thừ bẩy vừa qua 19.5.2001, nói rõ: "Trong các bổn phận chính của các "Vị Cố vấn của ÐTC", ngoài việc bầu Giáo Hoàng mới, là giúp đỡ ÐTC cách riêng về những lo lắng mục vụ của Giáo hội trong chiều kích có tính cách hoàn vũ". (cf. Giáo Luật 349).

Trong ba ngày các Vị cố vấn của ÐTC sẽ thảo luận về "Những viễn tượng của Giáo hội đối với tương lai". Hội nghị sẽ bế mạc bằng Thánh lễ đồng tế dịp Lễ Chúa Giêsu lên trời, do ÐTC chủ tế vào lúc 10:30 trong Ðền thờ Thánh Phêrô. Chúng tôi sẽ cố gắng loan tin về diễn tiến của Hội nghị, để mọi tín hữu công giáo được thông công và góp phần bằng cầu nguyện cho Hội nghị.

Nhắc lại, trong những ngày vừa qua, 255 Giám mục nước Ý tụ họp tại Phòng THÐGM thế giới trong Nội Thành Vatican, để thảo luận về chương trình mục vụ cho 10 năm tới đây của Ngàn năm mới. Khóa họp khoáng đại Mùa Xuân của các Vị chủ chăn Giáo hội tại Ý được kết thúc bằng diễn văn của ÐTC và bằng Thánh lễ trong Ðền thờ Thánh Phêrô, do ÐHY Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám  mục, chủ tế.

Từ thứ hai 21 cho đến thứ năm 24 tháng 5/2001, đến lượt 183 Hồng Y, không kể trên hay dưới 80 tuổi, đến từ khắp thế giới, sử dụng Phòng THÐGM thế giới trong ba ngày,  để cùng nhau thảo luận về những viễn tượng của Giáo hội trong Ngàn Năm mới, căn cứ vào Tông thư bế mạc Năm Thánh 2000, được ÐTC công bố ngày 6.01.2001.

Ðây không phải là Hội nghị ngoại lệ thứ nhất của các Hồng Y. Trước đây ÐTC đã triệu tập năm Hội nghị như vậy vào những năm 1979 , 1982, 1985, 1991 và  1994, để thảo luận về các đề tài quan trọng liên hệ đến đời sống Giáo hội. Năm 1979, sau ít tháng được bầu làm Giáo Hoàng, ÐTC đã triệu tập các Hồng Y để thảo luận về vấn đề tài chánh của Tòa Thánh - Sau Hội nghị này, ÐTC thành lập  một Ủy ban gồm 16 Hồng Y, do ngài bổ nhiệm,  để lo về vấn đề này. Ngài không muốn can thiệp vào vật chất, để hoàn toàn  hiến thân cho mục vụ và truyền giáo. Từ đó, ngân sách hằng năm của Tòa Thánh bắt đầu thay đổi, từ thiếu hụt sang dư thặng. Trong Hội nghị năm 1982 các Hồng Y thảo luận về vấn đề cải tổ Giáo Triều Roma và Bộ Giáo luật mới. Sau đó, ÐTC cho công bố Văn kiện Bonus Pastor về việc cải tổ Giáo Triều và ngày 25 tháng Giêng năm 1983, Ðức Gioan Phaolô II công bố Bộ Giáo luật mới vào  chính ngày Ðức Gioan XXIII, tuyên bố triệu tập Công đồng chung Vatican II 25.01.1959), sau thánh lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô tại Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoài Thành.

Cũng nên nhắc lại rằng: Bộ Giáo luật cũ được khởi sự soạn thảo thời Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), được hoàn tất và công bố thời Ðức Benedicto XV (1914-1922) năm 1917.

Hội nghị Hồng Y năm 1985 thảo luận về nạn lan tràn các Giáo phái, gây hại cho nhiều tín hữu công giáo, cách riêng tại Trung-Nam Mỹ châu. Trong Hội nghị năm 1991, các Hồng Y thảo luận về những đe dọa đối với sự sống con người. Sau đó, ÐTC cho công bố Thông điệp Evangelium vitae. Sau cùng Hội nghị năm 1994, thảo luận về việc chuẩn bị Ðại Toàn xá của Năm 2000 và về đối thoại giữa các tín hữu công giáo và chính thống. Ðể giúp các Giáo phận trên cả thế giới trong việc chuẩn biến cố Ðại Toàn xá, ÐTC cho công bố Tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba" (Tertio Millennio Adveniente), và truớc khi khai mạc Năm Thánh,ÐTC công bố  văn kiện "Mầu Nhiệm Nhập Thể"  (Incarnationis Mysterium) nói về việc cử hành năm thánh 2000.


Back to Radio Veritas Asia Home Page