Thử Nhìn về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

của Giáo Hội tại Châu Á

nhân dịp Ngày Quốc Tế Truyền Giáo thứ 75

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thử Nhìn về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội tại Châu Á, nhân dịp Ngày Quốc Tế Truyền Giáo lần thứ 75 (Chúa Nhật Truyền Giáo 21/10/2001).

Năm 1926, liền sau Năm Thánh 1925,  khi quyết định lập Ngày thế giới Truyền giáo, ÐTC Pio XI (1922-1939), nói: "Một giáo xứ (một cộng đồng) bỏ qua công việc truyền giáo, tức là bỏ qua  một cộng việc "công giáo hơn cả" trong các công việc công giáo khác, một "công việc tông đồ  hơn cả" trong các công việc tông đồ khác". ÐTC giảng dạy và ngài thi hành điều ngài giảng dạy. Ngài là một trong các Vị Giáo Hoàng của thế kỷ XX đẩy mạnh công việc truyền giáo. Ngài đã viết Thông điệp "Maximum illud" như một Hiến chương của việc truyền giáo. Ngài đã tôn phong sáu linh mục Trung quốc lên làm Giám mục tiên khởi năm 1926  và chính ngài đã tấn phong Giám mục đầu tiên của Việt nam: Ðức Cha Gioan B. Nguyễn bá Tòng tại Ðền Thờ Thánh Phêrô, và bổ nhiệm Ðức Cha Tòng làm Giám mục đại diện Tông Tòa Phát diệm,  năm 1933. Chính Ðức Piô XI đã cho xây cất Giáo Hoàng Học Viện  "Urbano VIII" trên đồi Gianicolo năm 1927, để đón nhận các chủng sinh đến từ các xứ truyền giáo, theo học tại các Ðại Học ở Roma. Ngài cũng lập Ðại Học Urbaniana trên Ðồi này, để huấn luyện các Linh mục, Chủng sinh và Tu sĩ chuyên về vấn đề truyền giáo.

Giáo huấn của ÐTC Pio XI và những công việc của ngài đã làm vẫn được tiếp tục và đẩy mạnh hơn trong các Triều Giáo Hoàng của Ðức Pio XII (1939-1958), Ðức Gioan XXIII (1958-1963), Ðức Phaolô VI (1963-1978) với Tông huấn "Evangelii annuntiandi" (8.12.1975)  và nhất là Ðức Gioan Phaolô đệ nhị, với Thông điệp "Redemptoris Missio""Sứ Mạng của Ðấng Cứu Chuộc" ban hành ngày  07.12.1990. Các Vị kế nghiệp Thánh Phêrô, Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, ý thức rõ ràng về sứ mệnh truyền giáo, do chính Chúa Giêsu, Ðấng thiết lập Giáo hội đã để lại cho các ngài và cho các vị kế nghiệp các Thánh Tông đồ, trước khi trở về với Chúa Cha. "Các con hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; hãy dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con"  (Mt 28, 19).

Trong Sắc Lệnh "Ad Gentes" về việc truyền giáo cho dân ngoại, Công đồng Vatican II nói rõ: "Giáo hội tự bản tính là truyền giáo". Như vậy công việc truyền giáo là nhiệm vụ chính của mọi thành phần Giáo hội, bởi vì với Bí tích Rửa tội, mọi tín hữu Kitô trở nên thành viên của Giáo hội, với mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Trong Thông điệp Redemptoris Missio, ÐTC GP II viết: "Tất cả cộng đồng Antiochia liên lụy vào việc gửi Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại" (số 61).  Công việc truyền giáo mà Cộng đồng đầu tiên của Giáo hội đã làm vẫn có giá trị cho mọi thời đại và khẩn cấp đối với Giáo hội thời nay (xem RM, ibid).

Trong Cộng đồng Dân Chúa (gồm ÐTC, Giám mục, Linh mục, Thầy Sáu, Tu sĩ nam, nữ  và Giáo dân), nhân viên truyền giáo đầu tiên, dĩ nhiên, là giám mục trong hiệp thông với Vị kế nghiệp Phêrô, bởi vì chính Chúa Giêsu đã trao phó trách nhiệm này cho các ngài (x.Gv 20, 21; Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24, 47 và Cv 1,8).. Giám mục được tấn phông cho công việc truyền giáo trên cả thế giới, cùng với Giám mục Roma và dưới quyền hướng dẫn của ngài. Trong Sắc Lệnh về Giám mục "Christus Dominus",  Công đồng Vatican II nói rõ: "Hoạt động truyền giáo là bổn phận quan trọng và thánh thiện hơn cả của Giáo hội" (số 1 và các số sau). Ngay từ đầu, các Tông đồ đã ý thức rõ về bổn phận này. Các ngài nói: "Chúng ta bỏ việc rao giảng Lời Chúa, để lo việc ăn uống, phục vụ người nghèo, là điều không phải"  (Cv 6, 2). Các ngài đã lựa chọn và phong chức Phó Tế cho một số tín hữu đủ điều kiện, để lo công việc từ thiện bác ái và quản trị tài sản Giáo hội, để các ngài được hoàn toàn tự do rao giàng Lời Chúa.

Trong nhiều bài phát biểu tại THÐGM lần này,  nhiều Nghị phụ đã nhắc lại bổn phận chính yếu này: Phải rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất, vì đây là nến tảng ơn cứu rỗi.

Sau Giám mục, mỗi linh mục, với việc tấn phong, tham dự cùng với Giám mục vào việc truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ "Ad Gentes". Ơn thiêng liêng mà linh mục lãnh nhận trong ngày thụ phong không phải chỉ chuẩn bị các ngài cho một sứ vụ giới hạn, thu hẹp, nhưng cho một sứ mệnh rất rộng rãi và hoàn vũ của ơn cứu rỗi: "Các con hãy trở nên chứng nhân của Cha cho đến cùng cõi trái đất" (Cv 1, 8), bởi vì thừa tác vụ của linh mục tham dự vào chính tính cách  hoàn vũ của sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ. Sứ mệnh của các linh mục phải vượt qua biên giới nhỏ hẹp của một giáo xứ, của một giáo phận, của một quốc gia, và các ngài được mời gọi rao giảng Tin Mừng trên cả thế giới: "Các con hãy ra đi khắp thế giới. ÐTC Gioan Phaolô II nói: "Mỗi một linh mục phải có một trái tim hăng say truyền giáo" (RM ,67).

Ý thức về trách nhiệm quan trọng này, nhiều Giáo hội địa phương tại Châu Á đã  lập các Viện truyền giáo với mục đích gửi các nhà truyền giáo nam, nữ đến các nước khác, dù Giáo hội quê hương của các ngài vẫn cần đến nhiều nhà truyền giáo. Ðây là một hành động rất khích lệ. Các Giám mục Châu Á trách nhiệm cách riêng về việc cổ võ các Viện truyền giáo như vậy và phải luôn quan tâm đến việc trao tặng cách quảng đại nhân sự truyền giáo cho những miền còn quá thiếu thốn (RM, 66 và Ad Gentes , 23-24).

Sau Giám mục và Linh mục, công việc truyền giáo liên hệ đến các Dòng tu nam, nữ. Tất cả đều có phần quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng. Lịch sử cho thấy rõ: nhiều Dòng Tu nam, nữ từ Tây phương đã đem Tin Mừng đến cho dân tộc Châu Á. Ngày nay, Châu Âu cần đến sự giúp đỡ của các Giáo hội trẻ trung, nơi có nhiều ơn kêu gọi. Ðây không phải chỉ là tâm tình biết ơn; nhưng còn là bổn phận  của mỗi tín hữu đã lãnh nhận đức tin, phải đem đức tin cho người khác trong tinh thần hiệp thông của Giáo hội. Ðức Phaolô VI viết trong Tông huấn "Evangelii nuntiandi" như sau: "Ðời sống tận hiến là một dụng cụ đặc biệt của việc rao giảng Tin Mừng". Chúng ta tự hỏi mình: Hiến thân cho Chúa để làm gì? Ðể nên thánh và để thánh hóa người khác. Nói cách khác: Ðể biết Chúa, yêu mến Chúa hơn và để thông ban Chúa cho người khác. Ðó là truyền giáo. Sau khi gặp Chúa Giêsu, Anrê dẫn Phêrô đến gặp Người. Trong sứ diệp ngày truyền năm nay, ÐTC viết: "Ai đã gặp được Chúa Kitô rồi, không thể chỉ giữ lại cho mình thôi". Các linh hồn tận hiến, với những lời khấn, có khả năng hiến thân hoàn toàn cho công việc rao giảng Tin Mừng, vì sự lựa chọn của các ngài,  vì tính cách sẵn sàng hoàn toàn: "Này con đến", vì tính cách sáng tạo  những phương pháp truyền giáo - như lịch sử truyền giáo đã minh chứng - và về lòng quảng đại, nhiệt thành. Biết bao nhà truyền giáo từ đầu Giáo hội đến ngày nay đã hy sinh mạng sống tại các xứ truyền giáo, đề vun trồng và làm cho lớn mạnh Giáo hội tại đây.

Nhìn lại Châu  Á, số người công giáo quá ít (không tới 3%); nhưng trái lại Châu Á hiện nay được Chúa chúc lành bằng các ơn kêu gọi, mỗi ngày mỗi gia tăng. Công đồng Vatican II và Giáo huấn của Giáo hội, yêu cầu các Dòng Tu Nam, Nữ hãy mở rộng nhãn giới của công việc tông đồ truyền thống và gia tăng các hoạt động truyền giáo, như ÐTC Gioan Phaolô II đã nói rõ trong Thông điệp "Sứ Mạng của Ðấng Cứu Chuộc" (Redemptoris Missio).

Cũng nhìn về Châu Á, trong  công việc truyền giáo "Ad Gentes" tại đây, người giáo dân nắm giữ vai trò rất quan trọng, bởi vì cánh dồng truyền tại đây quá mênh mông, có rất nhiều vấn đề phức tạp về văn hóa, tôn giáo, xã hội, chính trị... Bổn phận người giáo dân tại đây, trước hết trở nên men và muối đất, để đem Chúa vào các môi trường hoạt động, để đem Tin Mừng cho từng triệu, triệu người chưa biết Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu thế duy nhất của nhân loại và là Ðấng sinh sống và rao giảng Tin Mừng trước hết tại Châu Á. Ðể chu toàn bổn phận này, cần phải có một cái nhìn chung về tình hình các Giáo hội địa phương tại Lục địa này, cách riêng về những cơ cấu và chương trình huấn luyện hàng giáo dân. Phải thành thực công nhận rằng: tại nhiều quốc gia công việc tổ chức và huấn luyện Hàng giáo dân còn thiếu sót nhiều. Công việc truyền giáo xem ra vẫn nằm trong tay Hàng giáo sĩ. Người giáo dân chưa tham gia tích cực vào công việc rao giảng Tin Mừng. Giáo hội Ðại Hàn được thành lập và tiến mạnh là nhờ vào giáo dân  ngay từ buổi đầu và vẫn tiếp tục cho tới lúc này.

Nhìn lại lịch sử truyền giáo tại Châu Á, chúng ta thấy rằng: ngay từ đầu,  các giáo lý viên đã góp công rất lớn lao trong công việc truyền giáo: giảng dạy giáo lý, chuẩn bị các anh chị em tân tòng lãnh các Bí tích. Gương Thầy Giảng Anrê Phú Yên, tử đạo, được phong Chân phước Năm Thánh 2000, cho thấy rõ công việc của các giáo lý viên đem lại nhiều ích lợi cho công việc truyền giáo.

Góp công vào việc truyền giáo, chúng ta còn phải kể đến các gia đình công giáo, nơi thông truyền đức tin đầu tiên cho các thế hệ trẻ và là nơi phát xuất nhiều ơn kêu gọi. Trong xã hội Châu Á, gia đình vẫn còn khá chặt chẽ. Nhưng công việc giáo dục về đạo đức, tôn giáo, trong hoàn cảnh thay đổi hiện nay, bị sa sút rất nhiều. Nhiều gia đình không còn giữ thói quen đọc kinh chung, cầu nguyện chung nữa, nhất là tại các thành phố lớn. Gia đình hư hỏng, xã hội cũng không thể lành mạnh được.

Ngoài ra, còn phải lưu ý đến các Phong trào và Hội đoàn Giáo hội, nhất là các Phong trào và Hội đoàn mới được thành lập trong thế kỷ này và sau Công đồng chung Vatican II. Các Phong trào và Hội đoàn này rất hăng say và nhiệt thành trong công việc tông đồ và truyền giáo. Chúng ta phải công nhận rằng: Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động trong Giáo hội. ÐTC Gioan Phaolô II quả quyết như sau: "Các Phong trào và Hội đoàn này là một yếu tố quan trọng và không thể phủ nhận trong việc thiết lập các Giáo hội mới tại địa phương" (Christifideles laici).

Với Tông huấn "Eccelsia in Asia", Giáo hội công giáo tại Châu Á đang chờ đợi một cuộc canh tân truyền giáo. Mỗi giám mục, linh mục, Tu sĩ nam, nữ và mỗi một lãnh vực của Dân Chúa hãy ý thức về bổn phận quan trọng này. "Lúa chín đầy đồng, nhưng thợ gặt lại quá ít. Các con hãy xin Chủ ruộng sai nhiều thợ đến làm việc trong cánh đồng của Người". Dĩ nhiên bối cảnh khó khăn và phức tạp hiện nay tại nhiều nước Châu Á ngăn trở hay không cho phép xúc tiến tự do công việc truyền giáo. Chúng ta không thể truyền giáo theo phương thức của Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng mỗi người trong chúng ta luôn luôn có thể truyền giáo, trong bất cứ hoàn cảnh nào,  theo kiểu cách của Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, nghĩa là bằng hy sinh và cầu nguyện, theo kiểu cách của Chân  Phước Frédéric Ozanam, bằng các công việc từ thiện bác ái, và của Ðầy tớ Chúa Pauline Jariocot, bằng việc cầu nguyện và góp tiền của, tùy khả năng của chúng ta cho các xứ truyền giáo. Trong sứ điệp ngày truyền giáo thế giới năm nay, ÐTC nhắc lại lời kêu gọi trong Tông thư "Khởi đầu ngàn năm mới" (Novo Millennio ineunte): "Duc in altum": hãy ra khơi, bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào. Việc thúc đẩy tiến về tương lai, được hướng dẫn bởi niềm hy vọng, phải là nền tảng của hành động của toàn Giáo hội trong ngàn năm mới này".


Back to Radio Veritas Asia Home Page