Những biện pháp an ninh

được tăng cường

tại Quốc gia thành phố Vatican

 

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những biện pháp an ninh được tăng cường tại Quốc gia-Thành phố Vatican và chung quanh Ðền thờ Thánh Phêrô.

Sau vụ tấn công khủng bố, hôm thứ ba vừa qua 11.9.2001 tại New York và Washington, thì Nhà cầm quyền Quốc  gia Thành phố Vatican và Chính phủ Ý đưa những biện pháp canh phòng cẩn mật hơn trong  Nội Thành Vatican và các khu vực chung quanh. Vatican vẫn tiếp tục việc đối thoại với Thế giới Hồi giáo và tin rằng thế giới Hồi giáo sẽ biết  chống lại những áp  lực của những nhóm Hồi giáo quá khích, cuồng tín. Trong các cuộc hội họp của những ngày này, các Vị trách nhiệm Giáo Triều Roma cảm thấy cần phải gia tăng những biện pháp an ninh tại Vatican và chung quanh Ðền thờ Thánh Phêrô, kho tàng  lịch sử không những của Giáo hội công giáo, nhưng còn của cả thế giới nữa. Việc bảo đảm an ninh cho ÐTC cũng được tăng cường và báo động. Thực tại nhắc nhở rằng Ðức Gioan Phaolô II đã bị mưu sát một lần ngày 13.5.1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô, do anh Ali Agça, một tín hữu Hồi giáo và công dân Thổ nhĩ kỳ.

Trong những này, ngành Ngoại giao Tòa Thánh được huy động để giải thích về những nguy hiểm không thể tính trước đối với Giáo hội công giáo, trong một bầu khí chiến tranh, một chiến tranh được phía Hồi giáo quá khích coi là "thánh chiến", và là thánh chiến hai thế giới: thế giới Tây phương theo Kitô giáo, và thế giới Hồi giáo. Từ trước giờ, cách riêng từ lúc xẩy  ra những vụ tấn công khủng bố khiếp sợ tại Hoa kỳ, Ông Bin Laden, hiện trú ẩn tại Afghanistan từ nhiều năm, theo các nguồn tin chắc chắn, vẫn bị coi  là người "điều hành các vụ khủng bố" trên thế giới, cách riêng chống lại Hoa kỳ, theo mệnh lệnh Tổng thống Sađam Hussein của Irak, thù địch số một của Hoa kỳ. Vụ khủng bố nặng nề hơn cả vừa xẩy ra trên chính lãnh thổ Hoa kỳ, gây thiệt mạng cho hàng ngàn người, không kể những thiệt hại lớn lao khác về vật chất, thúc đẩy dân chúng Hoa kỳ và Quốc hội lưỡng viện đoàn  kết chung quanh Tổng thống và trao toàn quyền hành động cho Vị lãnh đạo của mình. Tổng thống tuyên bố: Tình trạng khẩn trương. Tất cả các lực lượng quân sự trong và ngoài nước đều được đặt trong tình trạng báo động. Các binh sĩ trù bị được gọi nhập ngũ. Với  những quyết định này, khó tránh khỏi một chiến tranh. Chính Tổng thống tuyên bố:  "Ðây là chiến tranh đầu tiên của thế kỷ XXI".

Trong cuộc họp báo thứ sáu vừa qua 14.9.2001, ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố: "ÐTC bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng của ngài đối với dân tộc Hoa kỳ và lên án thẳng ngặt  những vụ tấn công khủng bố". ÐHY giải thích như sau: "Những biện pháp canh phòng cần được tăng cường và, đồng thời những đường lối ngoại giao với các quốc gia Hồi giáo vẫn được tiếp tục và gia tăng, bởi vì nguyên việc canh phòng và bảo vệ Vatican mà thôi không đủ". Cũng thứ sáu vừa qua 14.9.2001, trong một cuộc hội họp tại Phủ Quốc Vụ Khanh, các vị tham dự, một đàng lắng nghe Ðức TGM Gabriel Montalvo, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa kỳ và Quan sát viên thường trực bên cạnh tổ chức các nước Châu Mỹ, tường thuật về tâm trạng của người công giáo Mỹ trong lúc này; đàng khác, các ngài cũng tiếp xúc với nhà Cầm quyền Ý, để kiểm điểm tin tức nhận được về những nguy hiểm của một hành động khửng bố chống lại Vatican.

Vì lo sợ rằng những nơi thánh có ý nghĩa nhất đối với tín hữu Kitô, có thể bị các nhóm khủng bố coi như những mục tiêu chính, Nhà cầm quyền Giáo hội đã dự trù một chương trình khẩn cấp nhằm bảo vệ an ninh cho Trung tâm của Ðạo công giáo; đồng thời qua đường lối ngoại giao, vẫn tiếp tục và tăng cường các cuộc đối thoại với thế giới Hồi giáo. Các Tòa Sứ Thần và nhân viên thuộc ngành ngoại giao hiện đang phục vụ tại Giáo Triều Roma, trong ba ngày nay đang ráo riết phân tích các hồ sơ và các tin tức được gửi về trung ương. Tại Vatican trong lúc này có một sự quan tâm lớn lao,  sau những vụ khủng bố tại Hoa kỳ. Từ ba ngày nay tất cả các hệ thống bảo vệ chung quanh các mục tiêu có thể bị coi là những mục tiêu bị nhắm đến, như Quốc gia-Thành phố Vatican, Ðền thờ Thánh Phêrô, các Tòa Sứ Thần rải rắc trên các nước... đều được canh phòng cẩn mật. Tất cả các lực luợng an ninh trong Quốc gia Thành phố Vatican đều được huy động: Vệ binh Thụy sĩ, đội quân canh phòng (cảnh sát và mật vụ) được đặt dưới quyền chỉ huy và phối hợp của Vị Tổng Thanh tra, ông Camillo Cibin, người đã phục vụ trung thành Tòa Thánh trong nhiều năm và giầu kinh nghiệm. Bên ngoài biên giới Vatican và những khu vực chung quanh, sẽ do các lực luợng an ninh quốc gia Ý đảm nhiệm. Ngoài việc kiểm soát   nghiêm ngặt các lối vào Vatican, cách riêng cổng  "Thánh Anna", các vụ bay trên không phận Vatican đều bị cấm tuyệt đối. Việc canh phòng các vị giáo sĩ cấp cao Vatican, các vị cộng tác trực tiếp của ÐTC, cũng được tăng cường.

Dùø sao, các vị  tham dự cuộc họp thượng đỉnh thứ sáu 14/09/2001 vừa qua tại Vatican không nghĩ rằng: Vatican có thể là mục tiêu bị những người khủng bố nhằm như một thù địch cần phải khai trừ. Hơn nũa, từ nhiều năm đường lối ngoại giao Vatican  đối với Thế giới Hồi giáo, phù hợp trong nhiều đề tài, như luân lý dục tính và việc chiến đấu chống lại phong trào tục hóa tôn giáo. Có nhiều thí dụ cụ thể về đường lối ngoại giao này: năm 1994, tại Hội nghị thế giới tại Cairô, thủ đô Ai cập, Phái đoàn Tòa Thánh lên án vụ cấm vận tại Irak, rồi những cử chỉ lịch sử của Ðức Gioan Phaolô II nhằm củng cố tính cách trung lập của Tòa Thánh đối với thế giới Hồi giáo, như việc viếng thăm lãnh thổ Palestine tháng ba năm 2000 vừa qua và viếng thăm Ðền thờ Hồi giáo tại Damas, thủ đô Syrie, hồi  tháng năm vừa qua (2001).

Dù sao, trong thế giới công giáo, sự lo sợ bị coi là mục tiêu của những người Hồi giáo quá khích mỗi ngày mỗi gia tăng, sau vụ tấn công khủng bố tại Hoa kỳ. Những vụ bách hại chống lại các tín hữu Kitô xẩy ra từ hơn hai năm nay tại Indonesia, những vụ sát hại các nhà truyền giáo tại Mindanao (Philppines), tại Sudan và tại Algérie ...  là những kinh nghiệm đau thương.

Với những lo sợ chính đáng này, các biện pháp đề phòng là một hành động khôn ngoan. Trước hết Ðoàn vệ binh chung quanh ÐTC được tăng cường và báo động. Các khu vực chung quanh Vatican, kể cả Ðại lộ "Hoà Giải", Ðài Phát thanh Vatican, Bảo Tàng viện Vatican, Quảng trường Thánh Phêrô và Quảng Trường Risorgimento ... đều được canh phòng cẩn mật. Lực luợng an ninh sẽ dùng máy "rà điện tử" (detector), để kiểm soát từng tín hữu tham dự các buổi tiếp kiến chung và các lễ nghi phụng vụ do ÐTC cử hành. Chung quanh các bức tường giữa biên giới Vatican và Ý đều có xe cảnh sát canh phòng, tuần tiễu đêm ngày. Dù sao, các Vị trách nhiệm Vatican  tuyên bố như sau: "Tính cách trầm trọng của tình hình, không được làm bế tắc cuộc đối thoại liên tôn, nếu không các quốc gia Hồi giáo ôn hòa sẽ bị các nhóm bạo động khủng bố  thu hút ủng hộ, và lúc đó tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều".

Trong Hồng Y Ðoàn cũng có những ý kiến khác nhau. ÐHY Francis Arinze, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, người Nigeria, một quốc gia hiện đang bị nhiều áp lục về phía Hồi giáo, chủ trương cần phải tăng cường việc đối thoại với thế giới Hồi giáo. Trái lại ÐHY Giacomo Biffi, TGM Bologna (Trung-bắc Ý) kêu gọi hãy  đề phòng trước những nguy hiểm của Hồi  giáo. Ðiều quan trọng là phải phân biệt: một bên là  thế giới hồi giáo chủ trương chung sống hòa bình, và  một bên là các nhóm Hồi giáo quá khích, xử dụng khủng bố phá hoại. Vì thế, để ngăn cản một chiến tranh toàn diện chống lại Tây phương, một số giám chức nhấn mạnh đến "những mối liên lạc nối kết các tín hữu Kitô và với Hồi giáo", đã được Ðức Gioan Phaolô II gợi lại mới đây và được ÐHY Arinze nhắc lại trong những ngày này như sau: "Năm 2001 đã được tuyên bố là Năm quốc tế của Ðối thoại  giữa các nền văn minh. Nếu chúng ta ngừng đối thoại, chúng ta hủy bỏ mọi cơ hội đưa đến cuộc chung sống hòa bình".  (TÐK và NVT).


Back to Radio Veritas Asia Home Page