Cuộc phỏng vấn ÐHY Roger Etchegaray

về ngày gặp gỡ cầu nguyện và ăn chay tại Assisi

24 tháng Giêng năm 2002

 

Prepared for internet by Msgr Nguyen Van Tai

Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc phỏng vấn ÐHY Roger Etchegaray về ngày gặp gỡ cầu nguyện và ăn chay tại Assisi,  24 tháng Giêng năm 2002.

Trong bài thời sự trước đây, chúng tôi đã bàn về ý định của ÐTC Gioan Phaolô II mời đại diện các tôn giáo tụ họp một lần nữa tại Assisi, Quê hương Thánh Phanxicô khó nghèo, vị Thánh luôn luôn cổ võ hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc, để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Mọi người đều thấy rằng: sau vụ khủng bố ngày 19/11/2001 tại New York và Washington, tình hình thế giới trở nên rất căng thẳng và chiến tranh đang diễn ra tại Afganistan gần hai tháng nay, nhằm diệt trừ nạn khủng bố, từ đây lan tràn trên 60 quốc gia trên thế giới và đang đe dọa cuộc chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Khác với hai lần gặp gỡ năm 1986 (lúc thế giới còn chia thành hai khối kình địch nhau: Tư bản và Cộng sản)  và năm 1993 (lúc chiến tranh tại miền Balcan trở nên ác liệt và đe dọa Châu Âu) cuộc gặp gỡ lần này (24 tháng Giêng năm 2002),  đến vào lúc thế giới bị nạn khủng bố nặng nề,  và sẽ được chuẩn bị trước, bằng một ngày ăn chay và cầu nguyện trong cả  Giáo Hội Công Giáo, do  ÐTC ấn định vào ngày 14 tháng 12/2001 tới đây, trùng với ngày kết thúc tháng ăn chay và cầu nguyện (Ramadan) của Hồi giáo.

Nhân dịp loan báo cuộc gặp gỡ cầu nguyện tại Assisi, nhật báo công giáo Ý Avvenire số ra ngày 22/11/2001, đăng bài phỏng vấn ÐHY  Roger Etchegary dành cho nhật báo.

ÐHY Roger Etchegaray là cựu chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa bình và trong những năm vừa qua, ngài đã được ÐTC bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy Ban trung ương của Năm Ðại Toàn Xá 2000. Trước đây, với tư cách là  Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, ÐHY  đã lãnh trách nhiệm, cùng với các cơ quan khác của Tòa Thánh,  tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đại diện các tôn giáo tại Assisi cách đây 15 năm (27 tháng 10 năm 1986). Giờ đây Ngài coi việc ÐTC mời  đại diện các tôn giáo thế giới tụ họp cầu nguyện và ăn chay tại Assisi vào ngày  24 tháng Giêng năm 2002, là một bước tiến khác thường xích lại gần các tôn giáo không phải Kitô". Ngài coi công việc đối thoại liên tôn là một trong các thách đố lớn lao hơn cả của thời đại chúng ta. Ngài  nghĩ rằng: Cuộc gặp gỡ tháng Giêng 2002 tới đây sẽ có thể góp công vào việc phá đổ các bức tường chia rẽ khác nữa, vẫn còn lại, sau vụ sụp đổ của bức tướng ô nhục Berlin (1989).

Sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn ÐHY dành cho nhật báo Avvenire.

Hỏi - Kính thưa ÐHY, cách đây 15 năm, sáng kiến của Assisi còn vang dội nhiều. Vậy ÐHY có cảm giác như thế nào lúc ÐTC Gioan Phaolô II loan báo  về một cuộc gặp gỡ như vậy?

Ðáp - Vì là một chứng nhân đặc biệt của việc phát triển tư tưởng của Ðức Gioan Phaolô II, tôi không ngạc nhiên, có lẽ cảm phục hơn là ngạc nhiên bởi việc loan báo ngài đưa ra trong Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành ngày 25 tháng Giêng năm 1986. Ðây là một loan báo của "một việc đầu tiên" trong lịch sử nhân loại và như thế, không có điểm tham khảo nào cả: tụ họp các tôn giáo thế giới để đi đến một phục vụ chung cho hòa bình của tất cả nhân loại. Với chủ ý tránh khỏi bất cứ hình thức nào, dù chỉ bên ngoài mà thôi, của một sự lẫn lộn hay hòa đồng  giữa các tôn giáo,  ÐTC đã theo dõi từng bước 10 tháng chuẩn bị, rất tỉ mỉ và khó nhọc; việc chuẩn bị này đã đưa đến cuộc gặp gỡ ngày 27 tháng 10 năm 1986 tại Assisi  diễn ra cách thực tốt đẹp, trước mắt cả thế giới.

Hỏi - Vậy cuộc gặp gỡ đó đã đem lại những thành quả nào?

Ðáp - Assisi đã giúp Giáo hội tiến được một bước khác thường đến với các tôn giáo không Kitô, trong tinh thần và sức hấp dẫn của Công đồng chung Vatican II. Tiếp sau đó, cuộc đối thoại liên tôn đã diễn ra nhiều lần, được đào sâu thêm mãi, nay không còn phải là câu chuyện khác thường, nhưng là một trong các thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta. Assisi đã thúc đẩy ơn gọi riêng biệt của Giáo hội: tuyên xưng sự hiệp nhất của mầu nhiệm cứu rỗi của tất cả những ai tin kính Chúa Giêsu Cứu Thế. Nhờ cuộc gặp gỡ này, được  ÐTC gọi là "tinh thần của Assisi", các vị lãnh đạo tôn giáo đã lên tiếng cách chắc chắn hơn, để chống lại những lèo lái chính trị của tôn giáo vào trong các cuộc tranh chấp.

Hỏi - Tại Assisi, ÐHY đã cảm thấy gì lúc ở bên cạnh các đại diện tôn giáo trên Trái đất này?

Ðáp -  Tôi dám nói rằng, ngày đó, tôi cảm thấy trái tim của nhân loại đập trước sự đe dọa của vũ khí nguyên tử, tái khám phá ra sự hiệp nhất nguồn gốc của mình. Lúc cầu vồng đột nhiên xuất hiện trên trời bão táp của Assisi, mọi người đều đọc được một lời kêu gọi khẩn cấp, hãy tiến đến con đường huynh đệ. Mọi người đều tin chắc chắn rằng: lời cầu nguyện đã khơi động lên dấu hiệu hữu hình này của cuộc chung sống hòa bình giữa các con cái Chúa và dòng dõi của Tổ phụ Noe. Trước Ðền thờ Thánh Phanxicô, nơi mọi người rét  run, tất cả sát cánh bên nhau và nắm chặt tay nhau, khi một nhóm thanh niên Do thái bước lên khán đài để trao những cây uliu nhỏ bé cho người Hồi giáo, tôi ngạc nhiên khi thấy nước mắt chảy trên gò má của "Vị lữ hành hòa bình trên cả thế giới" (ÐTC). Hòa bình có lẽ đã làm cho chúng ta khóc lên hơn là chiến tranh, nhưng đây là những nước mắt của niềm vui và của việc hòa giải khiêm tốn, âm thầm.

Hỏi - Trong hai tháng nữa, các tôn giáo trở lại gặp nhau một lần nữa. Vậy sau biến cố ngày 11 tháng 9/2001, số người đáp lại lời mời gọi của ÐTC sẽ như thế nào?

Ðáp - Tôi không biết ngày 24 tháng Giêng năm 2002 sẽ là cái gì tại Assisi. Tình hình đã thay đổi nhiều, sau 15 năm của cuộc gặp gỡ tháng 10 năm 1986. Bức tường Berlino đã sụp đổ, nhưng các bức tường chia rẽ khác vẫn còn đó và ngày nay thấy rõ hơn nữa, sau vụ khủng bố ngày 19/11/2001 làm sụp đổ hai tòa nhà trọc Trời tại New York. Vấn đế khủng bố rất phức tạp, trầm trọng, nhưng không được để cho khủng bố tấn công chúng ta, chúng ta cũng đừng giới hạn nạn khủng bố này vào chiến tranh tại Afganistan hiện nay. Biết bao chiến tranh khác bị quên lãng, bên cạnh những chiến tranh đang diễn ra trước sự chú ý của quốc tế.  Năm 1993, cuộc gặp gỡ thứ hai tại Assisi với ÐTC, để cầu nguyện cho hòa bình miền Balcan. Ngày nay có thể xẩy ra: Assisi tìm lại được cái nhìn bao quát thế giới của một nền hòa bình còn đòi hỏi và khẩn cấp hơn nữa.

Hỏi - Tại sao ÐTC yêu cầu các tín hữu công giáo chuẩn bị cuộc gặp gỡ bằng một ngày ăn chay và cầu nguyện  vào ngày 14 tháng 12/2001 tới đây?

Ðáp - Cùng nhau cầu nguyện và ăn chay và cả thực hiện đức bác ái phân phát của cải. Ba việc làm này luôn luôn đi với nhau và không thể tách lìa nhau được. Chính các người Hồi giáo cũng đánh giá cao giá trị của ba việc làm  kia trong tháng được gọi là tháng Ramadam. Một giám mục giáo phận Ravenna (miền đông bắc nước Ý), vào thế kỷ thứ năm, Thánh Phêrô Chrisologo, đã nói như sau: Ba cử chỉ này đem lại sự sống cho nhau; nếu thiếu một trong ba, sẽ không có gì cả. Tôi nghĩ rằng: những ngày 14 tháng 12/2001 tới đây và ngày 24 tháng Giêng năm 2002 sẽ giúp chúng ta khám phá nhiều hơn sự quan trọng của việc ăn chay, của việc thực hành, đã được chính Chúa Giêsu Kitô tuân giữ và đã được truyền thống của các tôn giáo cổ thời nhất  lưu truyền cho đến nay. Ý nghĩa của việc ăn chay trong Giáo hội công giáo hệ tại chỗ này là người tín hữu muốn biểu lộ, với cả linh hồn, cả thể xác, sự cởi mở của mình với Thiên Chúa, nơi Người mọi sự đều tùy thuộc, kể cả ơn hòa bình.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page